“Yếu tố” TC trong bầu cử tổng thống Philippines

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vào ngày 09/05/2016, Philippines sẽ bầu tổng thống mới. Nhưng thái độ xác quyết chủ quyền ngày càng mạnh mẽ của TC ở Biển Đông đang đặt các ứng cử viên tổng thống ở Philippines vào một tình thế khó xử, một mặt phải tỏ ra kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng mặt khác cũng phải cố cải thiện quan hệ và thúc đẩy thương mại với nước láng giềng hùng mạnh.

Trả lời nhật báo Mỹ The Wall Street Journal gần đây, thượng nghị sĩ Grace Peo, một trong những ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử sắp tới, đã tuyên bố những hành động xâm lấn và ưu thế quân sự của TC «không thể khiến chúng ta phải đầu hàng». Bà Grace Poe hứa sẽ đầu tư nhiều vào quân đội Philippines, theo gương của Singapore, quốc gia chỉ có 4 triệu người, nhưng đủ mạnh để có thể tự bảo vệ mình.

Toàn bộ các ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống 09/05 đều muốn tăng cường quan hệ thương mại với TC và muốn nhờ TC trợ giúp xây dựng các cơ sở hạ tầng ở Philippines. Nhưng không ai muốn tỏ ra mềm yếu trên vấn đề bảo vệ chủ quyền của nước này ở Biển Đông, được gọi là biển Tây Philippines.

Theo lời ông Richard Javad Heydarian, một chuyên gia về an ninh tại Đại học De La Salle ở Manila, do tâm lý bài TC rất phổ biến trong công luận, nên các ứng cử viên tổng thống lần này rất khó xử.

Quan hệ TC-Philippines đã trở nên rất xấu dưới thời tổng thống Benigno Aquino. Trong thời gian cầm quyền, ông Aquino đã nỗ lực hiện đại hóa quân đội, tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực. Tuần qua, tổng thống Aquino vừa loan báo là Nhật Bản đã đồng ý cho Philippines thuê các phi cơ để tuần tra Biển Đông, gây phản ứng mạnh từ phía Bắc Kinh. Trong cuộc họp báo ngày 10/03/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại giao TC Hồng Lỗi đã tuyên bố rằng: «Nếu những hành động của Philippines là nhằm thách thức chủ quyền và lợi ích chiến lược của Trung Quốc, thì Trung Quốc kiên quyết chống lại».

Cũng chính tổng thống Aquino đã quyết định kiện TC ra trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế vào năm 2013 về những đòi hỏi của Bắc Kinh về chủ quyền vùng Biển Đông. Ông cũng đã không ngần ngại so sánh TC với Đức Quốc xã khi nói về những hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong vài tháng nữa, tòa án này sẽ ra phán quyết về tính hợp pháp của những hoạt động của TC. Hệ quả của vụ kiện là Bắc Kinh coi không cần nói chuyện với tổng thống Aquino nữa và đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo Trường Sa.

Cho nên, việc bầu một tổng thống thay thế cho ông Aquino sẽ là dịp để Bắc Kinh và Manila có thể hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ. Trong số các ứng cử viên hàng đầu, phó tổng thống mãn nhiệm Jejomar Binay có vẻ là nhân vật ủng hộ nhiều nhất cho việc xây dựng lại quan hệ TC-Philippines.

Nhưng các ứng viên khác thì tỏ lập trường cứng rắn hơn với TC. Chẳng hạn như thị trưởng Davao Rodrido Duterte, tuy nhìn nhận là cũng nên làm hòa với TC, nhưng yêu cầu là trước hết Bắc Kinh phải ngưng sách nhiễu ngư dân Philippines và công nhận chủ quyền của Manila trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Về phần ông Manuel Roxas, ứng cử viên được tổng thống Aquino ủng hộ, thì cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực của Philippines giải quyết các vấn đề với TC thông qua các phương tiện pháp lý, đồng thời tiếp tục khai thác những cơ hội phát triển và kinh tế với Bắc Kinh. Thượng nghị sĩ Grace Poe cũng ủng hộ chính sách của chính phủ hiện nay đối với TC, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc về kinh tế và văn hóa, nhưng sẽ không nhân nhượng trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Theo Thanh Phương

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160314-%C2%AB-yeu-to-%C2%BB-trung-quoc-trong-bau-cu-tong-thong-philippines