Điểm Báo Pháp – 11-3-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 11-3-2016

Bà Aung San Suu Kyi sau cuộc họp của Hạ viện Miến Điện ngày 11/03/2016. Reuters

Theo RFI – Anh Vũ – 11-03-2016

Tổng thống Miến Điện: Sự lựa chọn 2 trong 1 của Aung San Suu Kyi

Nhật báo Le Monde trở lại sự kiện hôm qua 10/03/2016, bà Aung San Suu Kyi đã chỉ định một cộng sự thân tín ra ứng cử chức tổng thống Miến Điện, ông Htin Kyaw, 69 tuổi, bạn học cũ và lái xe riêng của lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ Miến Điện.
Nhật báo Le Monde cho biết về nhân thân của người được bà Aung San Suu Kyi tin cẩn này. Sự nghiệp của ông Htin Kyaw không đơn giản từ người lái xe riêng cho Aung San Suu Kyi lên làm tổng thống. Ông đã tốt nghiệp khoa kinh tế đại học Oxford của Anh, đã làm từng giáo sư đại học rồi công chức bộ Ngoại Giao, bộ Công Nghiệp Miến Điện. Htin Kyaw còn là con trai của Min Thu Wun, nhà thơ lớn của Miến Điện.
Ông trở thành tài xế riêng của « Quý bà Rangoon » bởi lẽ tất nhiên ông là một trong số cộng sự trung thành nhất của bà. Trong những năm Aung San Suu Ky bị quản thúc, ông là người duy nhất qua lại thường xuyên gặp bà và đóng vai trò như là một cố vấn của giải Nobel Hòa bình.
Với chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 11/2015, đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ chiếm 80% số ghế ở hai viện Quốc Hội, điều này đảm bảo ông Htin Kyaw sẽ được bầu làm tổng thống.
Theo Le Monde, nếu mọi việc diễn tiến bình thường, thì sự lựa chọn của bà Aung San Suu kyi sẽ phải vượt qua được trở ngại về một ban lãnh đạo hai nguyên thủ.
Lãnh đạo hai trong một
Từ vài ngày qua, những nhà bình luận chính trị Miến Điện tỏ lo lắng về hoàn cảnh đặc biệt của vị tổng thống Miến Điện tới đây. Đó là một người có quyền hành rất lớn, nhưng lại đóng vai trò như con rối để người khác giật dây điều khiển.
Tờ báo trích dẫn ý kiến nhận định của ông Soe Myint Aung, người sáng lập Viện Nghiên cứu Chính trị Rangoon : « Là tổng thống ủy quyền không phải là một sự lựa chọn tốt. Aung San Suu Ky trong những tháng qua đã chứng tỏ bà là người thích quản lý tất cả, trong từng chi tiết nhỏ nhất, dù đó là việc thu gom rác, làm vệ sinh khu nhà ở của các nghị sĩ của LND, cho đến việc bà chỉ đạo một cách độc đoán trong đảng ».
Le Monde nhận định, « sau nhiều năm ròng rã đấu tranh, trong đó có 15 năm bị quản thúc tại gia, con gái của tướng Aung San, cha đẻ của nền độc lập Miến Điện, sẽ không dửng dưng với những nghi lễ long trọng của quyền lực ».
Khin Zaw Win, một nhà bình luận chính trị và cũng từng là tù chính trị của chế độ độc tài tiên đoán : « Tính kiêu căng tự đắc và niềm tự hào của bà Aung San Suu kyi sẽ là những trở ngại lớn cho vận hành công việc. Bà sẽ rất khó chịu khi thấy mọi ưu đãi đều đổ về cho tổng thống ».
Nhà quan sát này cũng tỏ lo ngại : « Nếu bà làm quá trong vai trò người giật dây, không chỉ Miến Điện trở thành mục tiêu bêu riếu, mà thể chế tổng thống sẽ bị suy yếu và hoạt động kém hiệu quả ».
Là lãnh đạo đảng thắng cử nhưng không thể lên lãnh đạo đất nước vì Hiến pháp cấm cản thì việc bà Aung San Suu Kyi lựa chọn chọn một người « trung thành » từng sát cánh trong cuộc đấu tranh vì dân chủ làm tổng thống cũng là điều dễ hiểu.
Nhật báo Les Echos trong một bài viết ngắn nhận định « sự lựa chọn này là kết quả của một thỏa hiệp đối với giới quân sự », hiện vẫn còn là thế lực lớn trên chính trường Miến Điện. Cho dù quá trình chuyển tiếp chính trị diễn ra thế nào, quân đội vẫn chiếm ¼ ghế ở Quốc Hội, một số lượng đủ để ngăn cản sửa đổi Hiến pháp nhằm cho phép bà Aung San Suu Kyi trở thành lãnh đạo tối cao ở Miến Điện.
Les Echos nhận định, chính quyền mới của Miến Điện sẽ phải chơi nước cờ hòa hợp dân tộc. Giới quan sát đều nhận thấy bà Aung San Suu Kyi đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nên không muốn căng thẳng với giới quân nhân, nếu không muốn nói là dựa vào quân đội thì chỉ có lợi nhiều hơn là chống. Họ mới là lực lượng giải quyết vấn đề sắc tộc nổi dậy, để chính phủ mới tập trung lo vực dậy kinh tế hay giáo dục, phục vụ thiết thực cho người dân.
Thảm họa Fukushima: 5 năm chưa đủ để hồi sinh
Một thời sự châu Á nổi bật khác cũng thu hút sự chú ý của dư luận: Cách đây đúng 5 năm Nhật Bản bị thảm họa kép động đất sóng thần và tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Nhân dịp này hầu hết các báo pháp đều cử phóng viên đến khu vực nhà máy điện Fikushima để tìm hiểu. Các bài viết trên Le Monde, le Figaro hay La Croix đều có chung một quan sát, đánh giá cuộc sống chưa thể hồi sinh xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân bị tai nạn. Các nỗ lực của chính phủ và công ty chủ quản nhà máy điện Fukushima là Tepco chưa đủ để khắc phục hậu quả của thảm họa..
Bài phóng sự dài của Le Monde ghi nhận khu vực xung quanh nhà máy điện gặp tai nạn vẫn là « một thành phố ma ». Việc tháo gỡ và gia cố lò phản ứng bị nổ tiến triển chậm chạp.
Báo La Croix thì ghi nhận những nạn nhân được sơ tán khỏi Fukushima không thể trở lại nơi sinh sống trước đây. Ngay cả trong vùng cách nhà máy 20 km được chính phủ xác nhận an toàn thì người dân cũng không yên tâm trở lại. Đa số dư luận Nhật Bản giờ đây « không chỉ phản đối điện hạt nhân mà họ còng không tin vào lời nói của chính phủ ».
Thực hư tài liệu mật của Daech bị rò rỉ
Một thông tin bất ngờ tung ra hôm qua đang gây xôn xao dư luận và giới chuyên gia chống khủng bố : Danh sách bí mật các chiến binh nước ngoài được tuyển mộ vào hàng ngũ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Nhật báo le Figaro cho biết, thành viên của Daech đào thoát đã trao danh sách nói trên cho kênh truyền hình Anh Sky News. Danh sách bí mật này đã được chuyển cho cơ quan an ninh của Anh.
Nếu được xác thực, thì đó sẽ là một mỏ vàng cho cuộc chiến chống khủng bố và là một đòn đánh mạnh vào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Theo tiết lộ của Sky News thì một chiến binh thánh chiến tại Syria có bí danh là « Aboud Hamed » vì chán ghét thất vọng với Daech đã đào thoát và trao cho kênh truyền hình Anh một ổ USB trong đó có danh sách khoảng 22 nghìn chiến binh đến từ 51 nước gia nhập hàng ngũ của Daech. Các thẻ cá nhân cho biết rất nhiều thông tin như danh tính, địa chỉ , số điện thoại, nhóm máu, chuyên môn nghề nghiệp, kinh nghiệm chiến trường hay ngày đến Syria gia nhập Daech….
Về mặt quy mô thì đây là vụ rò rỉ thông tin nội bộ lớn nhất kể từ khi Daech tuyên bố thành lập vương quốc Hồi Giáo hồi năm 2014. Tuy nhiên việc còn lại hiện nay là kiểm tra tính xác thực của các thông tin trên. Ý kiến của các chuyên gia chống khủng bố chưa hẳn đã thống nhất.
Theo Le Figaro, nếu soi kỹ thì các tài liệu vừa thu được có một số điểm không khớp nhau như tên của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo viết bằng chữ Ả Rập không đồng nhất, hay liên quan đến các chiến binh tử trận có ghi « ngày chết » mà theo cách nói của quân thánh chiến phải là « ngày tử vì đạo ». Một chi tiết bất thường nữa là các phiếu thẩm vấn ký dưới là « Tổng chỉ huy biên giới », trong khi đó Daech vẫn coi lãnh thổ của họ là không có giới hạn địa lý. Ngoài ra còn nhiều chi tiết khác như lỗi hình hiệu của Daech hoặc các lỗi ngữ pháp trong tài liệu….
Nhưng dù gì theo Le Figaro, nếu vụ rò rỉ tài liệu trên được xác thực thì nó chứng tỏ nội bộ Daech đang suy yếu và hoang mang bởi liên tục bị những mất mát lớn cả về con người cũng như tổ chức.
Máy móc có thể thay con người ? 
Chuyển qua đề tài khoa học đời sống với cuộc đấu trí đang diễn ra tại Seoul từ ba ngày nay giữa con người là nhà vô địch thế giới cờ vây người Hàn Quốc và máy móc là phần mềm chơi cờ Alphago của Google.
Kết quả, máy tính đã thắng 2 trong tổng số 5 ván. Câu hỏi trong ngày của La Croix là : Liệu máy móc sẽ chiếm chỗ của con người ?
Trả lời cho câu hỏi, La Croix đăng các bài viết của một số nhà khoa học. Nhìn chung, giới khoa học đều cho rằng máy móc dù thông minh đến mức nào cũng không thể thay thế được con người. Cho dù khả năng tính toán, lưu giữ phân tích các dữ liệu bây giờ của máy tính đã vượt xa khả năng của bộ não con người, máy móc vẫn còn lâu mới tự chủ và thông minh bằng con người, bởi vẫn phải hành động theo những quy luật định sẵn.
Còn xã luận La Croix thì nhận định cuộc đấu trí tại Seoul cho thấy « tài năng của con người có thể thiết kế ra các loại công cụ có sức mạnh to lớn » nhưng đó cũng là một chiến dịch quảng bá thành công của Google. La Croix nhận thấy , từ vài năm trở lại đây, Google đã liên tiếp đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực sinh học, tự động hóa và trí thông minh nhân tạo. Tập đoàn đã tuyển mộ các nhà khoa học nổi tiếng, với mục tiêu nhờ khoa học công nghệ, cải thiện các tính năng thể chất và tinh thần của con người.Dự án Alphago cũng không thể nằm ngoài mục tiêu đó.
Như để kết luận, La Croix dẫn nội dung của thông điệp của giáo hoàng Phanxicô mới đây nói về xã hội: « Những tiến bộ khoa học phi thường nhất, những kỳ tích kỹ thuật kinh ngạc nhất, tăng trưởng kinh tế kinh tế thần kỳ nhất, nếu không đi kèm với tiến bộ xã hội và đạo đức thực sự, thì rốt cục sẽ quay sang chống lại con người».