Điểm Báo Pháp – 9-3-2016
Người tị nạn Syria vẫn đổ sang Hy Lạp ngày 08/03/2016. – REUTERS/Michalis Karagiannis
Theo RFI – Anh Vũ – 09-03-2016
Lối thoát thực dụng của EU ra khỏi khủng hoảng di dân
Hồ sơ nóng của châu Âu vẫn là khủng hoảng di dân. Sau một cuộc họp thượng đỉnh kéo dài với Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Hai 7/3/2016 , dường như một lối thoát đã cho khủng hoảng tị nạn đang le lói. Liên Hiệp Châu Âu nhất trí bỏ tiền giao khoán cho Thổ Nhĩ Kỳ lo vấn đề người nhập cư. Các báo Pháp nói gì về cuộc mặc cả giữa Bruxelles và Ankara?
Trong vòng mươi ngày nữa sẽ phải có một thỏa thuận giữa Bruxelles và Ankara chi tiết hóa các trao đi đổi lại trên hồ sơ người tị nạn. Le Monde tóm tắt nội dung cơ bản của thỏa thuận bằng hàng tựa lớn trang nhất: «Các nước châu Âu trả lại Thổ Nhĩ Kỳ người nhập cư», tức là châu Âu sẽ cấp tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 5 tỷ euro, để quản lý, đón nhận người tị nạn từ Trung Đông bị các nước châu Âu trả lại. Trên nguyên tắc, người tị nạn đã đến Hy Lạp hay qua tới châu Âu đều sẽ bị đồng loạt trả vềThổ Nhĩ Kỳ, kể cả số đã nộp đơn xin tị nạn.
Le Monde đánh giá đây là «bước ngoặt lớn của châu Âu về người tị nạn». Vấn đề đặt ra lúc này là với việc trả lại di dân tị nạn, có phải Liên Hiệp Châu Âu đã từ bỏ những giá trị cơ bản để giải quyết một cuộc khủng hoảng mà đến giờ các nước trong liên hiệp vẫn bất lực?
Xã luận báo Le Monde viết: «Một cách thực dụng, châu Âu đang rút ra bài học từ sự bất lực….. Trong vụ khủng hoảng tị nạn, châu Âu đã thay đổi chính sách mới: Đóng cửa và giao phó một phần trách nhiệm cho Thổ Nhĩ Kỳ. Le Monde nhắc lại là Liên Hiệp Châu Âu đã tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng trên tinh thần tập thể để cố giữ giá trị đạo đức chung bằng cách phân bổ chỉ tiêu đón nhận người tị nạn cho các nước. Nhưng giải pháp này đã thất bại vì vấp phải sự chống đối quyết liệt của nhiều nước thành viên cũng như gặp nhiều khó khăn về phương tiện thực hiện.
Và dưới sự thúc đẩy của thủ tướng Đức Angela Merkel, nay châu Âu tìm được giải pháp mới đó là chuyển trách nhiệm cho Thổ Nhĩ Kỳ và tất nhiên có đi có lại. Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã phải đón 3 triệu người đến từ Syria, nay đòi tăng gấp đôi số tiền hỗ trợ của châu Âu lên thành 6 tỷ euro. Bên cạnh đó, châu Âu cũng giảm nhẹ chế độ visa với công dân Thổ và hứa tiếp tục đàm phán việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Xã luận Le Monde kết luận: «Đúng là mâu thuẫn của lịch sử. Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mà bà Angela Merkel không muốn có mặt trong Liên Hiệp Châu Âu , đang liên kết ngày càng chặt chẽ với sự sống còn của Liên Hiệp. Giải pháp của cuộc khủng hoảng tị nạn không còn phải tìm trong 28 nước mà là 28+1, hay nói cách khác là 29 nước». Nhìn thỏa ở góc độ khác, báo La Croix ghi nhận thỏa thuận trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ là sự «mặc cả đáng buồn», tựa bài xã luận.
Thừa nhận không dễ gì giải quyết được cuộc khủng hoảng người tị nạn mà châu Âu đang phải đối mặt, nhưng La Croix nhận thấy thỏa thuận này «xử lý người tị nạn về mặt số lượng chứ không phải về mặt con người», tức là người tị nạn phải là những con người có các quyền theo công ước quốc tế. «Trao vấn đề người tị nạn cho một nước đang có chiều hướng độc tài toàn trị đáng lo ngại, châu Âu đang trả giá đắt cho cuộc mặc cả không mấy vẻ vang».
Venezuela: Mô hình xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 đang hấp hối
Nhìn sang châu Mỹ, Le Figaro hôm nay có bài phóng sự dài mang tự đề «Tại Venezuela, cuộc cách mạng Bolivar đang biến thành ác mộng», đề cập đến hiện trạng của đất nước Trung Mỹ đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế chưa từng có của thời hậu Hugo Chavez .
Đặc phái viên của Le Figaro tại Caracas ghi nhận: «Tình hình của Venezuela đã xấu đi rõ nét trong những tháng qua. Thiên đường chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21, khái niệm do Hugo Chavez phát kiến, giờ đây đang mang một bộ mặt nhợt nhạt”
Chính phủ của tổng thống Nicolas Maduro, kế thừa Hugo Chavez qua đời cách đây 3 năm, không còn sức để vực dậy đất nước Venezuela cả về kinh tế cũng như chính trị. Giá dầu lửa giảm 65% là một đòn đánh mạnh vào hệ thống chính trị kinh tế đang hấp hối. Giờ đây ở Venezuela, lạm phát dự kiến tăng 700% trong năm nay. Tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng, 35% các gia đình Venezuela không có đủ 2 bữa ăn mỗi ngày.
Tác giả bài báo nhận xét: «Mô hình chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21 do Hugo Chavez sáng tạo ra đang trở thành địa ngục thường ngày của người dân Venezuela».
Trong khi đó, theo lời của ông cựu lãnh đạo một tập đoàn báo chí Venezuela, tại đất nước này ngày nào cũng xảy ra các cuộc biểu tình trong tất cả các khu phố phản đối cắt điện cắt nước và đời sống kham khổ. Nguy cơ xung đột xã hội đang rất lớn.
Tác giả bài phóng sự nhắc lại, «tháng trước nhật báo Mỹ Wall Street Journal khi đặt vấn đề về thời điểm phá sản của đất nước này đã dự báo thời gian chỉ tính bằng tuần mà thôi».
Cuộc cờ lớn giữa con người và máy tính
Chuyển qua một sự kiện khoa học khác đang thu hút sự chú ý của cả thế giới. Đó là cuộc đọ trí giữa con người và máy móc. Bắt đầu từ hôm nay và kéo dài trong cả tuần, tại Seoul diễn ra cuộc đấu trí giữa nhà vô địch thế giới môn cờ vây với một phần mềm chơi cờ của Google sau khi chương trình này đã chiến thắng nhà vô địch châu Âu cách đây không lâu.
Hầu hết các báo đều không bỏ lỡ sự kiện thú vị này. Nhật báo Libération cho biết trong buổi họp báo tại Seoul giới thiệu cuộc đấu, ông Eric Schmidt, chủ tịch điều hành Google đã nói: «Đây là một ngày trọng đại của nhân loại. Trí thông minh nhân tạo sẽ làm cho con người trở nên thông minh hơn và thế giới tốt đẹp hơn».
Rất đông các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã đến thủ đô Hàn Quốc để đưa tin về cuộc đấu trí lớn nhất giữa con người và máy móc kể từ sau khi phần mềm cờ vua Deep Blue thắng đại kiện tướng vô địch thế giới Garry Kasparov, cách nay 19 năm.
Có xuất xứ từ Trung Quốc cách đây khoảng 3 nghìn năm, nay cờ vây đã là môn chơi phổ biến trong khoảng 40 triệu người trên thế giới. Các nước đi của cờ vây được xác định có khả năng phá được các thuật toán phức tạp nhất của máy tính.
Hồi tháng 10 năm ngoái, một chương trình có tên gọi AlphaGo, do công ty DeepMind thuộc Google lập ra đã đánh bại nhà vô địch cờ vây châu Âu với tỷ số 5-0. Từ sáng sớm hôm nay tại Seoul ( 5 giờ giáng giờ địa phương) , trí thông minh nhân tạo này bắt đầu cuộc đọ trí với một đối thủ lớn hơn, Lee Sedol, nhà vô địch thế giới cờ vây người Hàn Quốc. Cuộc chơi được truyền trực tiếp trên kênh Youtube của DeepMind.
Libération nhận thấy, nếu như trận đấu giữa con người và máy móc này thu hút sự tò mò của cả thế giới thì ở Hàn Quốc, đất nước 50 triệu dân và có 8 triệu người chơi cờ vây, tất cả đều tập trung vào người đồng bào, 33 tuổi của họ.
Báo la Croix thì nhận thấy cuộc đấu này không đơn thuần là thể thao mà là cuộc thử nghiệm khoa học. Ông Demis Hassabis, tổng giám đốc của DeepMind, đã nói: «Mục đích của chúng tôi là muốn chế tạo một loại máy đa năng, có khả năng thích nghi và sáng tạo. Máy không được lập trình trước để làm cái gì định trước mà phải biết thích nghi vào những tình huống ngoài dự kiến».
Còn nói như ông chủ tịch Google, Eric Schmidt thì: «Dù kết quả thế nào, người chiến thắng là nhân loại. Các bước tiến của trí thông minh nhân tạo sẽ làm cho mỗi con người trở nên thông minh hơn, tài năng hơn». Như vậy tức là một cuộc đấu mọi bên đề thắng.
Maria Sharapova: Rớt đài vì vô tình dính doping?
Hôm qua, vận động viên quần vợt nữ hàng đầu thế giới, người Nga Maria Sharapova đã họp báo tại Los Angeles để thông báo đến người hâm mộ kết quả kiểm tra của cô trong giải Úc mở rộng hồi đầu năm là dương tính với doping. Thông tin ban đầu có vẻ gây sốc lớn trong làng quần vợt thế giới.
Nhật báo Le Figaro trở lại sự kiện này nhưng chủ yếu đề cập đến chất thuốc kích lực mà tay vợt nữ Nga dính phải với câu hỏi: “Sharapova dương tính: Meldonium là gì?”
Theo Le Figaro, đối với công chúng rộng rãi thì chất meldonium vẫn còn rất xa lạ. Tuy nhiên, hoạt chất này bỗng nổi như cồn trong làng thể thao từ đầu năm nay, khi nó được xếp vào danh mục thuốc kích lực thể thao bị cấm. Trong cuộc họp báo hôm qua, Maria Sharapova đã khẳng định từ mười năm qua cô vẫn dung loại thuốc có chứa hoạt chất này theo đơn kê của bác sĩ gia đình. Sản phẩm này không bị cơ quan chống doping thế giới cấm và mới chỉ bị đưa vào danh sách từ tháng Giêng năm nay. Và cô không hề biết về quyết định đó.
Về hoạt chất Meldonium, tờ báo cho biết đây là một chế phẩm có xuất xứ từ Liên Xô cũ, cụ thể là nước Cộng hòa atvia. Thuốc chủ yếu được sử dụng phòng nhồi máu cơ tim hoặc để điều trị của các tai biến tim. Loại sản phẩm này chỉ được bán trong thị trường đông Âu, chưa được đồng ý ở châu Âu hay Mỹ.
Cách đây ít hôm, trả lời phóng viên báo Le Monde, Giáo sư Ivar Kalvin, người Latvia, người bào chế ra hoạt chất này cho biết: «Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh meldonium có tính năng cải thiện thành tích thể thao. Nếu vận động viên nào sử dụng thuốc thì thuốc sẽ không có tác dụng giúp họ giành chiến thắng mà chỉ giúp họ bảo dưỡng sức khỏe».
Từ khi meldonium bị đặt vào danh sách các chất doping đầu năm nay, một vài vận động viên đã bị phát hiện dương tính với hoạt chất trên và hôm qua thì đến lượt nữ vẫn động viên nổi tiếng nhất Maria Sharapova.
Phim kiếm hiệp Nhiếp Ẩn Nương ra mắt công chúng Pháp
Hầu hết các báo Pháp hôm nay đều dành sự chú ý đặc biệt cho bộ phim Thích khách Nhiếp Ẩn Nương (The Assassin) của đạo diễn người Đài Loan Hầu Hiếu Hiền, nhân dịp bộ phim hôm nay bộ phim kiếm hiệp dã sử Trung Hoa này ra rạp tại Pháp.
Bộ phim The Assassin là câu chuyện kể về cuộc đời của một cô gái thích khách Nhiếp Ẩn Nương (Thư Kỳ thủ vai) với sứ mạng loại trừ những kẻ có âm mưu phản loạn, đe dọa triều chính nhà Đường. Câu chuyện của Nhiếp Ẩn nương diễn ra vào thời kỳ đất nước Trung Hoa còn rối ren về mặt chính trị, còn ở trong mỗi gia đình là những tranh chấp, ghen tuông, là những thủ đoạn nhỏ mọn. Làm sao hoàn thành nhiệm vụ khi mục tiêu của cô gái lại là người anh họ mà đã một lần cha mẹ đôi bên tính đến chuyện kết duyên ….
Các báo đều dành giới thiệu bộ phim và đánh giá cao tài năng của đạo diễn đã làm tăng thêm chất thơ và tính nhân văn trong thể loại phim kiếm hiệp. Các báo đều đánh giá bộ phim dã sử Trung Hoa này sẽ chinh phục được khán giả màn bạc của Pháp trong những ngày tới.
Pháp: Cải cách luật lao động bị chống từ trong trứng nước
Hôm nay 9/3 liên minh nhiều nghiệp đoàn lao động và phong trào sinh viên cũng như các đảng phi chính trị kêu gọi đình công biểu tình chống lại dự án cải cách Luật lao động của bà bộ trưởng Lao Động Myriam El Khomri. Mới chuẩn bị được trình lên chính phủ nhưng dự án cải cách này đã phải đối mặt với các chống đối khắp mọi phía, từ bên trong nội bộ đảng Xã Hội cho đến làn sóng đấu tranh của đường phố.
Độc giả các báo Pháp có thể bắt gặp cụm từ «Luật lao động El Khomri» ở bất kỳ tờ báo nào ra hôm nay. Nhật báo Liberation quan tâm đến hệ lụy của những cải cách luật lao động đối với giới sinh viên, lực lượng lao động tương lai. Theo tờ báo, Những người còn ngồi trên ghế nhà trường lo ngại cuộc sống của họ sẽ bấp bênh hơn với dự luật cải cách cho dù các nội dung sửa đổi luật được ho là nhằm nới lỏng một số ràng buộc các doanh nghiệp, kích thích sản xuất hay tạo điều kiện làm cho thị trường lao động linh hoạt hơn.
Nhật báo Le Figaro ghi nhận, quy mô của đợt huy động chống dự luật El Khomri khiến chính phủ phải lo ngại có thể sẽ buộc phải nhượng bộ để làm dịu phong trào phản kháng hiện đang sôi sục trong cả nước từ nhiều ngày nay.