Điểm Báo Pháp – 8-3-2016
Quả phụ Barbe-Nicole Clicquot và cô cháu gái. Bà lèo lái doanh nghiệp sản xuất sâm banh Veuve Clicquot từ năm 27 tuổi. – Wikimedia
Theo RFI – Minh Anh – 08-03-2016
Pháp: Khi các phát minh của phụ nữ không được để ý
Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI cùng với những tiến bộ công nghệ hiện đại. Phụ nữ ngày càng tham gia tích cực hơn vào đời sống kinh tế – xã hội. Nhưng dù vậy bất bình đẳng nam – nữ trong việc làm vẫn dai dẳng. Phụ nữ vẫn bị trả lương thấp hơn so với nam giới. Trong khi đó, ngay từ thế kỷ XIX nhiều gương mặt nữ tại Pháp đã có những phát minh quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Đây cũng là chủ đề được các báo Pháp ngày 08/03/2016 đề cập đến nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
La Croix dành ba trang báo lớn để vinh danh hai gương mặt nữ dấn thân trong hoạt động từ thiện và sự nghiệp kinh doanh gia đình. Fabienne Fichet, mà nhật báo Công Giáo này trìu mến gọi là «Bà Tiên của những cậu bé lang thang thành Calcutta», có nguồn gốc Normandie, miền bắc nước Pháp. Từ 17 năm qua, bà đã dành cuộc đời để giúp các cậu bé Ấn Độ mồ côi hay bị bỏ rơi, mang đến cho họ một mái ấm và một nền giáo dục chất lượng.
Người thứ hai là bà Elizabeth Ducottet, một nhà tâm lý học và ngôn ngữ học, nhưng lại có «sở thích làm doanh nhân» như hàng tựa bài viết. Bà là thế hệ thứ năm tiếp tục lèo lái con thuyền doanh nghiệp Thuasne, chuyên sản xuất các loại vớ giúp lưu thông máu ở các tĩnh mạch.
Tuy là có những gương mặt nữ thành đạt, nhưng Les Echos và Le Figaro đồng nhận thấy «Bất bình đẳng nam-nữ trong việc làm vẫn dai dẳng» tại Pháp. Cả hai tờ báo công bố kết quả điều tra của Viện nghiên cứu thống kê Pháp Insee, được thực hiện nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Theo quan sát chung của Insee, con gái học tốt hơn con trai, nhưng thành tích tốt này lại không có được trong khối nghề nghiệp. Mức lương của nữ giới vẫn thấp hơn so với đồng nghiệp nam, vì phải chấp nhận những công việc thấp hơn so với trình độ học vấn của mình.
Le Figaro lưu ý là bất bình đẳng dao động theo từng vùng miền của nước Pháp. Đứng đầu bảng đen là vùng Ile-de-France (Paris và các vùng phụ cận). Lương của phụ nữ thấp hơn nam từ 20-21%, so với mức trung bình của cả nước là 19%. Vị trí càng cao bất bình đẳng lương bổng càng lớn. Một nữ lãnh đạo hưởng có mức lương thưởng thấp hơn đồng nghiệp nam trung bình ở mức 23,5%.
Phụ nữ Pháp cũng có nhiều phát minh từ thế kỷ XIX
Một sự lãng phí tài năng. Sự lãng phí đó kéo dài từ thế kỷ XIX đến ngày nay. Phải chăng sự bất bình đẳng đó phát sinh từ việc do nữ giới chưa có một phát minh nào nổi bật để sánh vai cùng nam giới đến mức nhà hiền triết của Pháp Voltaire từng thốt lên rằng cả đời ông chưa từng thấy một «nhà phát minh nữ » nào.
Thế nhưng, các nghiên cứu về lịch sử kinh tế học lại cho thấy một thực tế là «Phụ nữ, những nhà phát minh từ lâu bị phớt lờ », như tựa đề bài viết trên Les Echos. Nghiên cứu của nhà sử học người Mỹ, bà Zorina Khan, tập trung chủ yếu vào các bằng sáng chế được nộp tại Pháp trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX, phụ nữ chiếm khoảng 2,4%.
Tỷ lệ nhỏ nhoi đó được giải thích một phần do sự ngăn cấm của một đạo luật, đặt phụ nữ dưới sự bảo hộ về mặt pháp lý và kinh tế của người chồng. Tuy vậy, điều đó cũng không ngăn cản được nhiều phụ nữ nộp bằng sáng chế như về bình sữa của bà Marie Breton vào năm 1824 và1826, các loại áo nịt ngực, hay như trong ngành in với phát minh mực không phai của nhà văn nữ Eugenie Niboyet năm 1838. Hoặc như bà Eulalie Lebel, bị chồng bỏ rơi, đã cùng với cậu con trai Henri nộp bốn bằng sáng chế về các phương pháp in ấn tao nhã v.v…
Hiện tượng đáng chú ý nhất là «sự trỗi dậy của các góa phụ » trong giai đoạn này. Nếu như người chồng ra đi là một thách thức lớn về mặt tinh thần và kinh tế, thì đó lại là cơ hội để giải thoát năng lượng và phát triển tài năng tiềm tàng của nữ giới thời bấy giờ. Theo tính toán của nhà sử học Khan, 40% số phụ nữ được trao giải thưởng trong các kỳ hội chợ công nghiệp là các góa phụ. Mà ví dụ điển hình vẫn còn ghi đậm dấu ấn đến ngày nay là thương hiệu sâm banh Veuve Clicquot. Trở thành góa phụ khi mới 27 tuổi, Barbe-Nicole Clicquot đã đứng đầu doanh nghiệp sản xuất sâm banh nhỏ vào năm 1805.
Bà đã tiến hành cải tiến kỹ thuật sao cho rượu được trong hơn, nhưng đồng thời cũng cải tiến cách kinh doanh như gởi đại diện đến khắp châu Âu, bất kể các khó khăn. Năm 1814, chuyến thương thuyền đầu tiên đã cập cảng Saint-Peterbourg để bán cho người Nga ăn mừng sự sụp đổ đế chế Napoleon.
Nghiên cứu của bà Khan cho thấy nữ giới đã biết cách tân trong một nước Pháp đang trong quá trình công nghiệp hóa như thế nào. Từ nghiên cứu này, Les Echos cho rằng có hai bài học cần được rút tỉa. Thứ nhất là vai trò của doanh nghiệp gia đình. Điều này đã được chứng minh phần nào với những thành công của nữ giới trong thế kỷ XIX.
Bài học thứ hai, đơn giản hơn, một khi nhân loại tìm kiếm được phương cách để bày tỏ sự sáng tạo của nữ giới, thì khi đó thế giới sẽ tìm thấy được con đường thật sự dẫn đến tăng trưởng.
Bắc Kinh muốn trói chân Đài Bắc
Về thời sự châu Á, thông tín viên của Le Figaro tại bắc Kinh, Patrick Saint-Paul cho biết một thông tin, trong kế hoạch 5 năm vừa được thông qua, TC dự trù xây một đường hầm dưới biển nối với Đài Loan. Dự án này nhằm mục đích để thu hồi «đảo nổi loạn » với lục địa.
Đoạn hầm này dài 126 km, nối liền đảo Bình Đàm, phía nam TC với thành phố Tân Trúc, bắc Đài Loan. Đây sẽ là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới. Công trình còn dự trù một đường tàu cao tốc, dự kiến hoàn tất vào năm 2030.
Theo tuyên bố của Trương Triệu Dân (Zhang Zhaomin), trưởng khu thử nghiệm Bình Đàm, «dự án đường cao tốc nối liền Bắc Kinh và Đài Bắc đã được nghiên cứu từ 10 năm nay» và «đã có được ý kiến của các chuyên gia từ cả hai phía sau mỗi cuộc gặp hàng năm ».
Trương Triệu Dân cũng công nhận là «phía Trung Quốc đã hoàn tất phần thủ tục, trong khi phía Đài Loan vẫn còn chờ Đài Bắc bật đèn xanh». Nhưng giờ đây thắng lợi trong bầu cử tổng thống của bà Thái An Văn cho thấy thái độ ngờ vực của người dân đảo này với Bắc Kinh.
Theo quan điểm của thông tín viên Le Figaro thì dự án này giờ khó có thể thực hiện được. Người dân Đài Loan nghi ngờ TC sẽ «xâm lược» đảo này mà Tây Tạng là một ví dụ điển hình. Đoạn đường sắt nối liền Bắc Kinh với Lhassa đã được sử dụng để chở người Hán, chiếm số đông tại TC đến khu tự trị để định dân tại Tây Tạng.
Hôm thứ Bảy, chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã cảnh cáo đến người dân đảo này, cho biết «kiên quyết chống lại mọi hoạt động ly khai đòi độc lập của Đài Loan để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ» và «sẽ không cho phép một bi kịch lịch sử chia cắt đất nước tái diễn».
Nước Pháp sôi sục vì dự thảo cải cách luật lao động
Thời sự nóng bỏng nhất trên các trang báo Pháp là cải cách luật lao động của nữ Bộ trưởng El-Khomri. Chính phủ Pháp có nguy cơ đối mặt với một cuộc biểu tình rầm rộ phản đối dự luật vào ngày mai thứ Tư 09/03, với sự tham gia đông đảo của các nghiệp đoàn lao động cũng như các nghiệp đoàn sinh viên, e sợ cho tương lai của mình. La Croix đặt câu hỏi lớn: «Liệu giới trẻ có đi biểu tình hay không?».
Trên trang nhất, Le Figaro đưa hàng tít nhỏ: «Luật El Khomri dưới sự chỉ trích của các nghiệp đoàn và đảng Xã hội». Nhiều nghiệp đoàn yêu cầu chính phủ rút lại dự luật này. Chính phủ hôm nay và ngày mai tiếp tục tham vấn các đối tác xã hội. Thế nhưng, theo quan sát của nhật báo kinh tế Les Echos, thủ tướng «Valls vẫn còn mập mờ với các nghiệp đoàn». Trong khi đó, nhiều «Nghị sĩ đảng Xã hội chỉ trích mạnh mẽ phương pháp làm việc của chính phủ».
«Các nước khác họ làm như thế nào?» Libération tự hỏi. Tờ báo thiên tả đưa ra một nhận định cho rằng dự luật của bà bộ trưởng El Khomri đang đi theo vết xe đổ của những nước khác trong vùng Địa Trung Hải, các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nhất của cuộc khủng hoảng. Các nước này cũng thực hiện một loạt các cải cách nhưng với những kết quả không mấy gì chắc chắn trong lĩnh vực việc làm.
Khủng hoảng di dân: Châu Âu rơi mặt nạ
Một chủ đề khác cũng đang hâm nóng các trang báo Pháp là hồ sơ di dân. Trước làn sóng người tị nạn, «châu Âu giờ chỉ trông cậy vào Thổ Nhĩ Kỳ» tít lớn trên trang nhất Le Monde. Thượng đỉnh Châu Âu – Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra hôm qua 7/3 nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Dẫu có những bất đồng, nhưng các bên vẫn có hy vọng tìm được một đồng thuận mà La Croix đánh giá là khá «nhọc nhằn».
Bởi vì các bên vẫn còn bất đồng trên nhiều điểm. Theo dự kiến bản dự thảo đồng thuận phải đề cập đến «đóng cửa » con đường Balkan. Với điều kiện này, như vậy «Châu Âu đang chính thức khép cổng» như Le Monde nhận xét.
Thế nhưng, việc «Châu Âu đang tìm cách đóng con đường di dân từ Balkan», như hàng tít lớn trên Le Figaro, đang lộ rõ sự bất lực của châu Âu trước khủng hoảng. Và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không bỏ qua cơ hội tìm cách nâng giá cuộc mặc cả, yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu tăng thêm mức tiền hỗ trợ và chấm dứt visa nhập cảnh đối với công dân nước này.
Đó cũng chính là cái giá mà châu Âu phải trả để xây dựng «pháo đài» của mình, như nhận xét của Liberation. Tờ báo chua chát cho rằng «Pháo đài châu Âu rơi mặt nạ». Điều đó cho thấy một thất bại trong chính sách đón nhận người nhập cư của Đức và buộc phải dựa vào một Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người tị nạn.
Bà Angela Merkel đã hoàn toàn bị thua trong cuộc chiến vận động Liên Hiệp tỏ ra hào phóng hơn mà tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn Syria, Irak, Afghanistan, hay Erythrea đến gõ cửa xin tị nạn tại một không gian hòa bình và thịnh vượng mà nhiều người mơ tưởng đến.
Cuối cùng, La Croix dẫn lại lời nhắc nhở của thủ tướng Luxembourg, Xavier Bettel cho rằng việc giao cho Thổ Nhĩ Kỳ một vai trò quan trọng như vậy có nguy cơ dẫn châu Âu đến việc «phá vỡ các giá trị cơ bản của Liên Hiệp».