Tương lai Biển Đông trước hành động quân sự hóa của Trung Cộng – Bác sĩ Mã Xái
Tiến hành quân sự hóa, Trung Cộng trên đường khống chế Biển Đông.
Tình hình Biển Đông đang đi vào một khúc quanh mới, báo động nỗi an nguy cho dân tộc Việt, cho toàn khối ASEAN, cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và hơn ai hết, cho một cường quốc có quyền lợi quốc gia ở nơi này, một cường quốc có vai trò canh giữ tự do lưu thông con đường huyết mạch vận hành trên 5 ngàn tỷ USD thương vụ hàng năm và là lộ trình chiến lược tái cân bằng /đổi trục về châu Á. Tại thượng đỉnh Sunnylands US-ASEAN (15-16/ 2/2016) trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Obama đang tìm sự đồng thuận với các vị lãnh đạo cùng lên tiếng phản đối động thái bành trướng bá quyền Trung Cộng tại Biển Đông, thì bên kia bờ đại dương, Bắc Kinh cho bố trí tên lửa địa đối không Hồng Kỳ HQ-9 có tầm bắn xa 200km ngay trên hòn đảo Phú Lâm, một hòn đảo lớn nhứt trong quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Cộng chiếm từ thập niên 50, tiếp theo sau đó, TC đưa thêm hai chiến đấu cơ J-11 và J-9. TC cũng xây căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hoà (Duncan). Gần đây TC lại đưa hệ thống rada có tần số cao trên Đá Châu Viên (Cuarteron) thuộc Trường Sa, và cho máy bay dân sự đáp thử trên những đường băng trên đảo nhơn tạo; ảnh vệ tinh mới nhứt cho thấy các phi đạo đã được cũng cố trên đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi) Vành Khăn (Mischief). Trong hai năm qua TC đã bồi đấp “đảo chìm đá nỗi“ hơn 1.170 hectares ở Biển Đông. Trên các thực thể đó, trên các đảo nhơn tạo còn trong vòng tranh chấp chủ quyền đó, TC đã bố trí võ khí, các loại thiết bị quân sự, xây cất công sự đủ giúp Bắc Kinh chẳng những đủ khả năng chống can dự, chống tiếp cận mà còn tăng cường tiềm năng tấn công (anti-access/area denial A 2/AD): Hiển nhiên TC đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông.
Phản ứng trước biến chuyển quân sự hóa
Trước tình hình căng thẳng trong khu vực hôm 23/02/2016 một buổi điều trần trước Uỷ ban Quân sự Thượng Viện Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris Tư lệnh Hoa Kỳ Thái Bình Dương báo động ý đồ TC quân sự hóa Biển Đông, cho thấy Bắc Kinh đang làm thay đổi cục diện khu vực… và trên thực tế sẽ kiểm soát Biển Đông; ông cũng quan ngại TC sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) như họ đã làm ở Biển Hoa Đông; và sẽ đe doạ đến tự do lưu thông tàu và máy bay vận chuyển vào khu vực; theo ông nhiều kịch bản có thể xảy ra nếu như Hoa Kỳ không phản ứng mạnh mẽ kịp thời. Đô đốc Harry Harris tiếp: “Tôi tin là Trung Quốc đang mưu tìm bá quyền ở Đông Á (và Đông Nam Á)”. Đô đốc Harris đã trình bày nhu cầu quân sự cần có và những việc cần làm cho tương lai. Tiếp theo báo động của Đô đốc Harris, Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter tại Câu lạc bộ Commonwealth San Francisco (3-01-2016) mạnh mẽ tuyên bố “ Trung Quốc không được quân sự hóa Biển Đông” và đe doạ sẽ có những hậu quả cụ thể tiếp theo nếu Bắc Kinh không hạ giảm các hoạt động trong khu vực. Ông Carter còn cho biết đã có kế hoạch ứng phó nếu TC coi thường lời cảnh báo của Hoa Kỳ. Ông nhắc lại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay, tàu bè qua lại hay hoạt đông trên Biển Đông hay bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép; đã có chiến dịch tuần tra vào Trường Sa (chiến hạm USS Lassen), chiến dịch tuần tra của tàu USS Curtis Wilbur đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, ngoài những chuyến bay trinh sát trên vùng trời phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đáp lễ Bộ trưởng Ashton Carter, Ngoai trưởng TC Vương Nghị cho rằng Hoa Kỳ nên ngừng thỗi phồng tranh chấp, chớ hành xử như một quan toà quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Trong chuyến công du Hoa Kỳ, 24/2 ngay cuộc họp báo chung với người đồng nhiệm John Kerry, Vương Nghị tuyên bố ngoài kia Biển Đông vẫn yên tĩnh, tình hình nhìn chung ổn định, không có vấn đề nào về tự do hàng hải, và phi quân sự hóa trong khu vực như TT Obama đề nghị cần có nỗ lực các bên. Ông ta ngang nhiên lập lại các đảo ở Biển Đông là lãnh thỗ của TC từ thời cổ đại và Bắc Kinh có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thỗ của mình, rằng TC hy vọng không nhìn thấy bất kỳ do tàu thám quân sự nào, hoặc các tàu khu trục mang tên lửa, hặc máy bay ném bom chiến lược lại gần khu vực Biển Đông. Nhưng ông Kerry lập tức tái khẳng định, Mỹ có quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Hôm sau, 25/2/2016 Vương Nghị đến thuyết trình tại CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc Tế) về chánh sách đối ngoại của TC. Vương Nghị không nhắc tới biến cố Hoàng Sa và không thấy ông ta nhắc lại lời Tập Cân Bình “không quân sự hóa Biển Đông” mà chỉ nói “tình hình chung ở Biển Đông vẫn ổn định“, “không một tàu buôn nào phàn nàn về tự do lưu thông bị đe doạ hay huỷ hoại”. Ông nói tiếp về vụ chánh quyền Philippines kiện TC về vụ Biển Đông. Trong vụ phán quyết La Haye, Vương Nghị khẳng định trước Diễn Đàn CSIS rằng TC đã bác bỏ thẩm quyền của Toà Án Trọng tài Thường trực tại La Haye (PCA) trong việc xét đơn Phi luật tân Kiện TC về Biển Đông, và TC cũng sẽ không tuân thủ phán quyết của toà án dự trù sẽ thông tri vào giữa năm nay (2016). Đây sẽ là phán quyết chung cuộc có tính ràng buộc cho cả đôi bên, nhưng mọi người thấy rõ TC sẽ không tôn trong luật pháp quốc tế. Họ Vương đã viện dẫn quyền của mỗi quốc gia khi tham gia công ước UNCLOS là tự nguyện và có quyền tuyên bố không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào theo qui định của Công ước đối với tất cả tranh chấp được ghi ở điều 298 của Công ước (declaration excluding mandatory arbitration), và khi tham gia công ước UNCLOS cách đây 10 năm (vào năm 2006) TC đã bảo lưu bản tuyến bố đó ở LHQ, tức là TC không nhìn nhận thẩm quyền của Toà liên quan các vụ tranh chấp chủ quyền, và ông nói TC đã tuân thủ luật pháp quốc tế khi TC bác bỏ yêu sách của Phi luật Tân đòi TC ra hầu toà trọng tài; ông đã từng khuyên Phi luật Tân rút đơn kiện và trở lại đàm phán song phương với họ. Theo dự đoán là PCA sẽ phán quyết vô giá trị việc TC tuyên bố “chủ quyền không tranh cải về Đường Chín đoạn”. Nhưng câu chuyện hậu-La Haye sẽ còn phức tạp và kéo dài trong vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo trên Biển Đông, nhưng trước mắt cái giá phải trả của một cường quốc kinh tế quân sự không tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ khá đắt đỏ cho ông Tập trước một cộng đồng thế giới văn minh, hội nhập, ổn định, trật tự, biết tôn trọng quy phạm, luật lệ.
Bên lề họp Quốc Hội TC, trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 8/3/2016, được Tân Hoa Xã trích dẫn TC khẳng định không ”quân sự hóa” Biển Đông bằng những nước khác” và đồng thời cảnh cáo Mỹ sẽ trả giá đắt như đã từng bị trong chiến tranh Việt Nam và Bắc Triều Tiên. (RFI 8/3/2016).
Kết thúc Thượng đỉnh Sunnylands US-ASEAN (15-16/02/2016 nguyên thủ 10 quốc gia ASEAN và TT Obama đã đưa ra một tuyên bố chung 17 điểm nguyên tắc hướng dẫn cách giải quyết tranh chấp biển đảo, về việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công Ước năm 1982 của LHQ về Luật biển (UNCLOS), viêc bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với công ước năm 1982 LHQ về Luật biển (UNCLOS) cũng như phi quân sự hóa. Các hoạt đông quân sự hóa đảo Hoàng Sa là một thông điệp đầy thách thức của Bắc Kinh đáp trả tuyên bố chung Sunnylands cho TT Obama và cho lãnh đạo ASEAN trong đó những quốc gia có tranh chấp với TC (Philippines, Việt Nam, Mã Lai, Brunie, Indonesia). Trong bản tuyên bố chung 17 điểm, không thấy hội nghị thảo luận của thành viên ASEAN về phán quyết của Toà án Trọng tài trong vụ đơn kiện của Philippines dự trù vào cuối tháng Năm. Cũng nên nhớ là bóng dáng của Bắc Kinh vẫn hiện diện trong Hội nghị; Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn trên Campuchia và Lào; nhưng bên lề Hội Nghị, Bộ Ngoại giao CSVN thuật lại lời đề nghị của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng với TT Obama cần ”…có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông…….đề nghị Washington có lời nói và hành động giúp chấm dứt ngay việc quân sự hóa Biển Đông…” Mặt tích cực của Hội Nghị sự cam kết cùng nhau tiến về phía trước thực hiện nguyên tắc chỉ đạo 17 điểm plàhù hợp với tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ ký ngày 21-11-2015 tại Kuala Lumpur.
Còn chọn lựa nào mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn.
Chưa ngăn được đà tiến quân sự hóa của Trung Cộng ở Biển Đông là chiến lược Tái Cân Bằng / Đổi trục sẽ còn đối diện nhiều thách thức. Sau năm năm cam kết với chiến lược tái cân bằng về châu Á với ba mũi tiến công: quân sự, kinh tế, chánh trị ngoại giao, Tổng thống Obama đã gây niềm phấn khởi không riêng về cho khu vực ASEAN mà cho cả châu Á-Thái Bình Dương; tin tưởng sự hiện diện của Mỹ tại khu vực cũng tạo nên ảnh hưởng răn đe đối với động thái bành trướng bá quyền từ phương Bắc.
Nhưng liệu có quá trễ không cho Hoa Kỳ để phản ứng kịp thời khi TC tiến hành gần như hoàn tất công việc quân sự hóa Biển Đông; hoàn tất quân sự hóa có nghĩa là cả vùng biển đến vùng trời sẽ thuộc về họ. Phán quyết toà án Trọng tài vào giữa tháng Năm chỉ còn đôi ba tháng nữa có thể đem lại thắng lợi cho Phi Luât Tân là sẽ vô hiệu hóa cái gọi là Đường Chín Đoạn. Nhưng như vậy chưa xong, sau đó còn vấn đề đàm phán song phương, đa phương về tranh chấp chủ quyền, việc thực hiện các điều khoản trong DOC, rồi việc hoàn tất COC mà TC luôn tìm cách cản trở; chánh sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong khu vực là tìm giải pháp thông qua đàm phán. Công việc của Lầu Năm Góc là sẽ hành động nếu ngoại giao thất bại như Đô đốc Harris và Bộ trưởng Carter đã tuyên bố là họ đã có những chuẩn bị, những kế hoạch sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào.
Chánh quyền Obama tới nay có hai hành động nỗi bậc đối với các hoạt động lấn chiếm cuả TC là lên tiếng phản đối và tiến hành chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải với các tuần tra bằng tàu chiến hay bay ngang ở các đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng xem chừng biện pháp này chưa chận đứng được tiến trình quân sự hóa và các hành động phi pháp của Bắc Kinh. Quốc Hội Hoa Kỳ cũng nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng; thêm vào buổi điều trần mới đây của Đô đốc Harris là bản đánh giá Chánh sách quốc phòng trong chiến lược Tái cân bằng/ Đổi trục, do một tổ chức độc lập thực hiện theo khuyến cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ (2015 National Defense Authorization Act, section 1059) và được trình bày trước Uỷ Ban Quân Sự Thượng viện (ngày 2/3/16) về tình trạng an ninh trong vùng Á châu Thái Bình Dương, nhận định độ gia tăng sức mạnh quân sự không ngừng của Bắc Kinh, và sau cùng đưa ra những khuyến cáo là cần thăng tiến hơn nữa về phần an ninh quân sự hầu hoàn thành tốt hơn cho chiến lược tái cấn bằng/đổi trục về châu Á.
Chiến lược tái cân bằng tuy tiến triển khá tốt đẹp, nhưng cũng bị hạn chế bởi nhiều cuộc chiến, xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi mà chánh quyền Obama chưa thể rút ra (Iraq, Afghanistan, Yemen, Syria và ISIL), chưa kể sựtrỗi dậy của Nga.
Chủ trương TT Obama không tiến hành chiến tranh vì Biển Đông; hai cường quốc còn quấn quyện với nhau chằng chịt vì quyền lợi kinh tế trong thế cộng tác để sinh tồn cả hai cùng có lợi. Vương Nghị (Wang Yi) đã phát biểu như vậy cho cử toạ tại Diễn Đàn CSIS hôm 25-02-2016. Trung Cộng biết rõ cung cách lãnh đạo của Obama trong cách giải quyết các xung đột bằng đường lối ngoại giao, và “lãnh đạo từ đàng sau“ cho nên TC có vẻ xem thường các vụ tuần tra và còn có những đồng thái gây hấn mạo hiểm có thể gây xung đột.
Cụ thể những hoạt động răn đe, những hoạt động quân sự có mặt thường xuyên trong khu vực đã được bộ quốc phòng Hoa Kỳ cho thực hiện. Hôm 1/3/2016, soái hạm USS Blue Ridge thuộc Hạm đội 7 dẫn hàng không mẫu hạm Stennis, hai khu trục hạm, hai tuần dương hạm tiến vào Biển Đông thực hiện tuần tra thường kỳ. Tình hình khẩn trương ở Biển Đông hiện nay, theo ông Carter nhấn mạnh, có thể làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm hay xung đột giữa các nước có tranh chấp (Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Brunie, Indonesia với Trung Cộng), chỉ có Phillippines là đồng minh của Hoa Kỳ có thể được bảo vệ khi bị xâm lăng trực tiếp. Nhựt bổn một đồng minh cật ruột phía Đông Bắc Á trong vai trò phòng vệ tập thể tạo thêm ảnh hưởng răn đe, tàu ngầm Nhựt Bổn lần đầu tiên từ 15 năm qua sẽ ghé thăm Philippines vào tháng tới, và hai chiến hạm sẽ ghé thăm cảng Cam Ranh; việc Hoa Kỳ dự trù bố trí THAAD ở Nam Hàn cũng đủ cho họ Tập lo ngại; Ấn độ cũng quyết tâm thực hiện chiến lược“ Hướng Đông” vì sự an toàn của Ấn Độ Dương liên hệ với vận mạng Biển Đông; cường quốc; Washington cũng thông báo là Ấn độ sẽ tham gia tập trận chung với Mỹ và Nhựt ở gần Biển Đông trong năm nay; Mã Lai, Singapore cũng đã cho phép Hoa Kỳ xử dụng như “căn cứ” hậu cần cho tàu chiến, phi cơ chiến đấu xuất nhập để canh gát vùng biển rong khu vực “có quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ”. Số thuỷ quân lục chiến luân phiên tại căn cứ Darwin (Úc) sẽ tang lên 2.500 vào năm 2017. Ông Carter cho biết sẽ có nhiều cuộc diễn tập quân sự chung với các nước trong khu vực bị Bắc Kinh đe doạ; ông tuyên bố tiếp. Đô đốc Harris đề nghị đẩy mạnh chương trình đầu tư vào các phi đạn thế hệ mới có khả năng đối phó với các đối thủ tiềm năng như TC, vì nước này đang gầy dựng sức mạnh quân sự ở Biển Đông, tăng cường hiện đại hóa thiết bị đáng kể; họ công khai tuyên bố có tên lửa đạn đạo mới (DF-26) có tầm bắn xa 3.000 dặm có thể rót vào các căn cứ không quân lớn nhứt Hoa kỳ ở đảo Guam.
Còn CSVN, Hoàng Sa Trường Sa sẽ mất vĩnh viễn vào tay Trung Cộng.
Từ trước tới nay CSVN vẫn im thin-thít trước những hành động lấn chiếm Biển Đông, chẳng những vậy mà còn thẳng tay đàn áp những ai dám chống đối dù chỉ bằng ngôn từ, nhưng từ sau sự kiện giàn khoan HD-981, thì bắt đầu có lời phản đối và có những vận động gần gũi với Hoa Thạnh Đốn nhưng đồng thời Hà nội vẫn phải thậm thụt cầu hoà với đồng chí ý thức hệ Mác Lê phương Bắc; trước kia Nguyễn Phú Trọng (NPT) gởi đặc sứ Lê Hồng Anh sau vụ HD-981 và sau vụ “quân sự hóa Biển Đông” lại gởi đặc sứ Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN sang báo cáo “kết quả tốt đẹp của Đại hội XII ĐCSVN” lên Tập Cận Bình, đồng thời ông Quân khẳng định Đảng CSVN kiên định chủ nghĩa Mac Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định chủ nghĩa xã hội, tăng cường sự lãnh đạo của đảng. Tập nói với Quân “Trung Quốc và Việt Nam cùng chia sẽ định mệnh chung, cũng như hai ĐCSTQ và ĐCSVN”, ông nhắc về phía Việt Nam phương châm ”16 chữ và tinh thần 4 tốt” cũng như lòng tin cậy chính trị, hơp tác chiến lược toàn diện…
Gió đã đổi chiều chăng? Tình nghĩa gắn bó “Thành đô” như vậy mà bên ngoài, mặt trận công kích, phản đối Trung Cộng leo thang lên tận đỉnh. Chẳng những công kích đích danh TC, mà còn gởi công hàm phản đối TC về các hành vi sai trái và việc quân sự hóa Biển Đông lên LHQ, yêu cầu định chế này chuyển công hàm đến các thành viên. Hà Nội công khai ủng hộ vai trò Mỹ ở Biển Đông cũng như tán đồng chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải. Thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố mạnh bạo hơn nhơn cuộc tiếp xúc TT Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh US-ASEAN tại Sunnylands, đại ý yêu cầu có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn… chấm dứt ngay việc quân sự hóa Biển Đông… Lời ông thủ tướng “vịt què” có phản đối Bắc Kinh có thể hiễu được như ông ta thường làm mát lòng dân với những mỹ từ như không hy sinh quyền lợi tổ quốc để đổi lại tình hữu nghị viễn vong, nhưng nói NPT một nhơn vật bảo thủ, giáo điều có thành tích thân Trung mà chống Bắc Kinh thì nghe có vẻ chỏi tai, cái bi hài kịch tranh giành quyền lực trong ban lãnh đạo trung ương trong những những năm trước Đại Hội 12 và cách ông NPT và phe nhóm thao túng cuộc bầu cử loại được Dũng và việc sắp xếp cái bộ sậu “tam trụ” và Bộ Chánh trị cho thấy Trọng vẫn chưa đổi màu, vẫn cùng TC chia sẽ một định mệnh chung v.v…; còn có tin là Trọng sẽ khóa chốt đối thủ của mình vào tháng Ba trước khi thủ tướng mãn nhiệm kỳ, nhưng rồi ông cũng gặp được Obama tại Sunnylands, và còn được tổng thống Hoa Kỳ nhận lời mời chính thức thăm Việt Nam dự định vào cuối tháng Năm. Tình hình chánh trị Việt Nam có thể rõ ràng hơn sau khi bầu Quốc Hội cũng vào tháng Năm. Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Việt Nam tại Viện Đại học Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) cho rằng “Giàn lãnh đạo mới tại Việt Nam giờ đây đã được ổn định sau những thay đổi ở Đại hội Đảng lần thứ 12. Sau một giai đoạn phân định trách nhiệm và các ưu tiên, bây giờ ban lãnh đạo Việt Nam đang bắt tay vào việc giải quyết vấn đề đối ngoại”. Ông Thayer cũng cho biết tâm lý chống TC trong công luận Việt Nam hiện đang lan rộng, điều mà lãnh đạo Việt Nam phải lưu ý, ông ghi nhận sự đồng thuận hiện nay trong giới lãnh đạo đã nhất trí là cần phải kiên quyết hơn đối với các hành động đe doạ an ninh và chủ quyền đến từ phía Viêt Nam đến từ phía TC, đặc biệt trong vấn đề chủ quyền Biển Đông. Cũng cần ghi lại nhận định của ông Thayer trên The Diplomat trước đây là sau Đại Hội 12 sẽ không có sự thay đổi lớn trong chánh sách đối ngoại của CSVN, VC sẽ đeo đuổi đường lối quan hệ đa phương (với Nhựt, Ấn Độ, EU, Nga… chớ chẳng chỉ giới hạn với hai cường quốc Mỹ, Trung).
Tương lai Biển Đông còn mờ mịt.
Trong biến cố quân sự hóa Biển Đông, trong những tháng gần đây CSVN đã đưa ra những phản ứng cứng rắn, quyết liệt chống TC nhưng chỉ dừng lại trong những mỹ từ, mà không có một hành động cụ thể như Phi Luật tân đã làm là kiện TC ra Toà án LHQ để công khai phỗ biến vấn đề TC vi phạm luật pháp quốc tế. Những thiết bị tăng cường quân sự của Hà nội chắc cũng không đương đầu nỗi với cường quốc quân sự Bắc Kinh như họ đã đẩy lùi được quân đội của Đặng Tiểu Bình năm 1979. Phe nhóm cầm quyền Nguyễn Phú Trọng thì được TC nhận cùng chia sẽ một định mệnh chung, hết lòng 16 chữ và tinh thần 4 tốt để Hà Nội làm công tác thừa sai thêm một nhiệm kỳ mà không sợ Washington “lật đổ”, vẫn được Obama nuông chìu như một đối tác tiềm năng. Mục tiêu đối ngoại của CSVN dù là phe giáo điều hay cấp tiến cũng chỉ lo cho sự sống còn của đảng để bám giữ quyền thống trị dù là tư cách là một tập đoàn thái thú của Bắc Kinh mà toàn dân coi như kẻ làm nội thù cho giặc, tiếp tay cho Hán Cộng cướp giựt, lấn chiếm Biển Đông. Chừng nào mà CSVN còn đó thì Biển Đông sẽ vĩnh viễn lọt vào tay Trung Cộng.
Giải thể chế độ CSVN, thiết lập một chánh quyền dân chủ thì mới mong giải quyết được mọi vấn đề bế tắc của đất nước, trong đó có vấn đề toàn vẹn lãnh thỗ, biển đảo và chủ quyền dân tộc; muốn thóat Trung thì phải thóat cộng, dù phải làm cách mạng hay diễn tiến hoà bình. Công việc dân chủ hóa hay công việc thóat Trung là tuỳ thuộc vào ý chí và nội lực của toàn dân quốc nội và hải ngoại với sự vận động sự hỗ trợ của quốc tế; dân chúng không còn tin vào cái đảng hèn với giặc ác với dân để hợp tác với họ. Sự quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ tự do lưu thông hàng hải hàng không trong khu vực Biển Đông là vì quyền lợi quốc gia của họ, nhưng Biển Đông cũng là con đường chiến lược của cường quốc đồng minh, đối tác Nhựt Bổn, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc Châu; con đường vận hành từ Thái bình dương (qua Biển Đông) sang Ấn Độ Dương xuyên eo Malacca cần được ổn định cho chiến lược tái cân bằng/ đổi trục về Châu Á dù chánh quyền kế nhiệm Obama thuộc Dân Chủ hay Cộng Hoà.
Biển Đông trở thành vùng cạnh tranh địa chiến lược giữa hai cường quốc mà tương quan sức mạnh kinh tế quân sự vẫn còn nghiên về Hoa Thạnh Đốn. Sự tăng tốc quân sự hóa Biển Đông với các hành động bá quyền bành trướng gần đây phải chăng là một động thái biểu hiện trong chách sách bên ngoài nhằm đánh lạc hướng quần chúng bất mãn trong nước về một nền kinh tế trên đà xuông dốc thê thảm, đời sống khó khăn, nạn rửa tiền không kềm chế nỗi, thi trường chứng khóan chao đảo, tăng trưởng chậm lại, đồng nhân dân tệ mất giá, chưa kể tình trạng chánh trị nội bộ chồng chất. (tham nhũng, vụ Hồng Kong, sự thắng lợi của đảng Dân Tiến ở Đài Loan…) Tình trạng kinh tế suy sụp chánh trị bất ổn của Trung Cộng hiện nay càng không cho phép Bắc Kinh động binh đối đầu với siêu cường Hoa Kỳ, nhưng tham vọng khẳng định chủ quyền Biển Đông và tham vọng của Trung Nam Hải khống chế Đông Nam Á của giấc mộng Trung hoa không thay đổi. Tương lai Biển Đông sao mà mờ mịt!