Đinh La Thăng giúp phục hồi ‘Hòn ngọc Viễn Đông’? — Hòn ngọc Viễn Đông ‘mất duyên’
Bí thư Thành ủy Sài Gòn “lệnh” cho công an thành phố phải nỗ lực giảm tình trạng cướp giật, trộm cắp và tội phạm tràn lan trong vòng 3 tháng.
Hôm nay, công an nơi từng được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông” đã mở một cuộc ra quân phòng chống tội phạm quy mô lớn với nhiều lực lượng tham gia tại các khu vực trọng điểm.
Cuộc xuống đường trấn áp nạn cướp giật ở thành phố diễn ra gần nửa tháng sau khi Bí thư thành ủy Đinh La Thăng làm việc với công an, gợi ý tái lập lực lượng “Săn bắt cướp” để bảo vệ người dân và du khách.
Người được báo chí mệnh danh là “Đinh tư lệnh” được báo điện tử VnExpress trích lời nói: “Cuộc sống người dân đầy đủ, no ấm nhưng lúc nào cũng thấp thỏm về trộm cắp, cướp giật thì không thể là thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình được”.
“Trong vòng 3 tháng tới, công an thành phố phải nỗ lực hơn nữa để tình hình tội phạm được kéo giảm một cách rõ rệt”, Thăng nói thêm.
Lãnh đạo đảng bộ Sài Gòn còn yêu cầu “xử lý nghiêm những ai không hoàn thành nhiệm vụ, làm cho chính quyền mất uy tín với dân”.
Cuộc ra quân của công an Sài Gòn sau chỉ đạo của Thăng đã nhận được sự ủng hộ của dân chúng, trong bối cảnh tình trạng cướp giật tài sản công khai trên đường phố khiến người dân lo lắng mỗi khi ra đường.
‘Minh chứng sống’
Trong ý kiến gửi cho VOA, một bạn đọc tên Người Nha Trang viết: “Tôi là minh chứng sống. Bộ trưởng Đinh La Thăng có lắng nghe tiếng than của dân”.
Báo chí trong nước gần đây đã cho đăng nhiều bài viết về tình trạng “cướp giật táo tợn và liều lĩnh” ở Sài Gòn.
Số liệu của công an thành phố cho biết năm 2015 xảy ra hơn 6 nghìn vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn, trong đó tội trộm cắp, cướp giật vẫn chiếm tỷ lệ cao, tới gần 85%.
Theo VnExpress, tại quận 1, trung tâm của Sài Gòn, trong 345 vụ phạm pháp hình sự, có đến 109 vụ cướp giật tài sản (chiếm hơn 31%), 177 vụ trộm cắp (hơn 51%), trong đó, có đến 55 nạn nhân bị cướp giật là người nước ngoài.
Hồi đầu năm, Thăng đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm một trong số gần 20 ủy viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực ở Việt Nam. Sau đó, được giao nhiệm vụ mới là Bí thư thành ủy Sài Gòn.
Với những tuyên bố cũng như hành động mạnh mẽ khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thăng được người dân kỳ vọng sẽ xử lý được các vấn đề còn tồn tại ở trung tâm tài chính của Việt Nam.
Trong một tuyên bố mới hôm qua khi bàn về vấn đề di dời, cải tạo các chung cư cũ đang gây bức xúc trong nhân dân Sài Gòn, Thăng nói: “Quan trọng là làm sao dân không phải nơm nớp lo sợ khi sống trong nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Mà nhà sập thì mấy ông lãnh đạo cũng… sập”. – Theo VOA
***
Sài Gòn, nơi từng được mệnh danh là ‘Hòn ngọc Viễn Đông’, đang ngày càng kém duyên và biến thành một đô thị xô bồ, ô nhiễm. Những ngợi khen về con người Sài Gòn chân tình, hào sảng đang dần mất dạng để nhường chỗ cho một xã hội bon chen, trộm cướp hoành hành.
Vì đâu nên nỗi? Làm cách nào lấy lại được những tiếng thơm đã mất và khôi phục lại vẻ đẹp vốn có của thành phố năng động này?
Đó là chủ đề của Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay, với 3 khách mời là những cư dân trẻ của Sài thành: Phạm Văn Lộc, Nguyễn Trần Hoàng, và Hoàng Kim Sơn. Mời các bạn cùng gặp gỡ.
Trà Mi: Các bạn thấy hình ảnh Sài Gòn ngày nay khác xưa thế nào?
Phạm Văn Lộc: Sài Gòn bây giờ đã thay đổi rất nhiều, một thành phố khói bụi ô nhiễm, và đã mất đi nét văn minh của Sài Gòn xưa từ cách ứng xử của từng người. Ra đường chỉ cần một va quẹt nhỏ là người ta ứng xử với nhau thiếu văn hóa.
Trà Mi: So sánh Sài Gòn xưa và nay, Lộc nghĩ ngay tới những hình ảnh chưa đẹp. Còn Sơn, cảm nhận của bạn về Sài Gòn thế nào?
Hoàng Kim Sơn: Xưa dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn giữ được những nét cổ, đẹp theo văn hóa, quy hoạch của người Pháp. Nay, sau một thời quản lý của nhà nước này, có vẻ như hơi chệch choạt về quy hoạch đô thị cũng như về đạo đức con người. Dân ở đây giờ chủ yếu là dân nhập cư, chứ người gốc Sài Gòn rất ít. Do mặt bằng chung của xã hội và giáo dục đạo đức, không riêng ở Sài Gòn mà trên cả nước, đạo đức con người đã đi xuống, an sinh giáo dục cũng kém. Nói chung do quản lý thôi.’
Trà Mi: Nói tới Sài Gòn, người ta nghĩ ngay tới các tòa cao ốc, khu mua sắm, dinh thự nguy nga tráng lệ, hay những hàng quán sang trọng. Những hình ảnh đó không là niềm hãnh diện của Sài Gòn hay sao?
Hoàng Kim Sơn: Sài Gòn lâu nay vẫn là nơi giàu nhất Việt Nam mà.
Phạm Văn Lộc: Bây giờ rất xô bồ, không có nét gì để hãnh diện hết.
Trà Mi: Đất chật người đông, khó tránh được sự xô bồ hay ô nhiễm. Các bạn có thông cảm điều đó không?
Phạm Văn Lộc: Người lãnh đạo phải sáng suốt thì thành phố mới sạch, đẹp, văn minh. Đó chính là điều gây trăn trở. Sau năm 1975, nền giáo dục của mình xuống cấp. Những thế hệ sau bị nhồi sọ. Những sự dối trá từ miền Bắc đem vào. Tất cả ảnh hưởng đến thế hệ trẻ rất nhiều, chủ yếu từ nền giáo dục.
Hoàng Kim Sơn: Môi trường xã hội ảnh hưởng con người. Đạo đức con người là do môi trường xã hội. Khi cuộc sống quan trọng đồng tiền trên hết, người ta không còn quan tâm đến đạo đức và tự trọng nữa. Người ta làm mọi giá để kiếm được tiền dù làm chuyện xấu.
Trà Mi: Nếu cuộc do sống kim tiền khiến con người thay đổi thì xung quanh cũng có nhiều nơi phát triển hơn mình, họ chạy theo đồng tiền còn vội vã hơn nhưng vẫn giữ được nét văn minh-lịch sử, chẳng hạn như Thái Lan hay Singapore?
Hoàng Kim Sơn: Bần nông không được học lại lên làm cán bộ. Cho nên, chiếm vị trí trong xã hội không phải là người giỏi nhất mà là những kẻ giang hồ nhất. Họ làm điều xấu để họ vươn lên. Từ cái gốc đã xấu rồi thì cái ngọn đâu có đẹp nữa?
Trà Mi: Có khách quan không khi đổ lỗi ở những người có vị trí, có trách nhiệm? Hay cũng có một phần nào đó do ý thức của từng cá nhân trong xã hội này?
Hoàng Kim Sơn: Đúng, mỗi người là một yếu tố trong xã hội. Bản thân mỗi người phải tự ‘vươn ra’, chứ cứ kiếm sống và an phận đến chết thì cuộc đời họ chỉ giống một con ốc trong một chuỗi ốc thôi, không được gì cả. Phải có ý chí ‘vươn ra ngoài’, vượt ra khỏi nhà tù nhỏ của cộng sản để đầu óc sáng sủa hơn, để biết cách sống và đóng góp cho xã hội, chứ không phải chỉ biết tích góp cho bản thân mà thôi.
Phạm Văn Lộc: Mình sống trong một xã hội không được tự do. Có rất nhiều nhân tài nhưng họ không được trọng dụng thì đất nước cũng khó phát triển. Sinh viên đại học bây giờ hai, ba bằng đại học vẫn không xin được việc làm vì không có thân thế. Con cháu của cán bộ thì được đưa vào. Nhân tài thì bị mai một. Đó là điều người trẻ trăn trở.
Trà Mi: Các bạn mong muốn những thay đổi như thế nào từ giới hữu trách?
Phạm Văn Lộc: Sống giữa chế độ độc đảng này, khó lắm, không thể nào nói được. Dân cất tiếng, họ vùi dập liền. Khi nào đất nước thật sự có tự do-dân chủ thì người trẻ mới phát huy được năng lực của mình.
Trà Mi: Ngoài những kỳ vọng ở giới hữu trách, trách nhiệm của người trẻ ra sao để thúc đẩy mọi việc khá hơn?
Nguyễn Trần Hoàng: Mỗi người trong xã hội đều phải có trách nhiệm. Từng người sống tốt thì xã hội tự nhiên sẽ tốt hơn. Đừng lường gạt, đừng hơn thua, đừng làm gì sai trái mà hãy sống một cách chân chính.
Phạm Văn Lộc: Mình mơ ước trước tiên thay đổi được nền giáo dục từ gốc thì mình mới tạo nên được những nét đẹp bên ngoài. Nếu vẫn theo nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thì các thế hệ tiếp nối sẽ khó giữ được nét đẹp trong con người để từ đó có thể xây dựng được một thành phố tốt đẹp hơn. Ra nước ngoài thấy nhiều nơi họ treo bảng đề phòng người Việt trộm cắp, mình thấy xấu hổ cho một nền giáo dục dối trá.
Nguyễn Trần Hoàng: Ước muốn Sài Gòn ngày càng thay đổi tốt đẹp hơn phải từ con người thay đổi. Khi con người thay đổi, sống chân thật, tâm thiện, đối xử tốt với người khác thì xã hội mới đẹp hơn.
Hoàng Kim Sơn: Với Việt Nam, không đơn giản chỉ thay đổi giáo dục là được, mà phải thay đổi từ hệ thống nhà nước, từ luật lệ. Giống như Tổng thống Obama nói, muốn thấy sự thay đổi, bản thân mỗi người hãy tự thay đổi. Chỉ cần 30% dân Việt Nam thay đổi thì sẽ thấy được sự ‘cách mạng’ , không cần phải gì đâu.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã đóng góp trong chương trình Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay. – VOA