“Chuyện nhỏ xé ra to”: Ngũ Giác Ðài nói dối về Biển Đông – Greg Austin – Phạm Ðức Duy dịch

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Chuyện nhỏ xé ra to”: Ngũ Giác Ðài nói dối về Biển Đông – Greg Austin – Phạm Ðức Duy dịch

(Bài viết được đăng với mục đích thông tin đa chiều, không phản ảnh quan điểm của Ðảng TÐV và người dịch)

Làm mờ các đường ranh đỏ trong vùng Biển Ðông.

Trong tháng hai 2016 này, Mỹ “phát hiện” khả năng của tên lửa đối không (surface to air missile- SAM) tại quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và đã dùng sự việc này như một công cụ chính trị mới để lên án chống Trung Cộng (TC) vi phạm cam kết “không quân sự hóa” trong việc tranh chấp chủ quyền về quần đảo Trường Sa (Spratly).

Viết với tư cách cá nhân trên báo Real Clear Defense ngày 19/2/2016, sĩ quan hải quân Mỹ Chris Poulin mô tả việc khai triển các tên lửa của TC là “khiêu khích” và ngụ ý, bằng cách trích dẫn lời Ngoại trưởng John Kerry, rằng đây là TC đã vi phạm các cam kết, như sau: “Khi Chủ Tịch Tập đã ở đây tại Washington, đứng trong Vườn Hồng với Tổng thống Obama và tuyên bố Trung Quốc sẽ không quân sự hóa biển Đông. Nhưng bằng chứng mỗi ngày cho thấy đã có sự gia tăng quân sự.”

Theo Tòa Bạch Ốc, dưới đây là những gì Tập Cận Bình nói vào ngày 22/9 ở Vườn Hồng: “Chúng tôi cam kết tôn trọng và phát huy quyền tự do hàng hải mà các nước được hưởng theo quy định của pháp luật quốc tế. Những hoạt động xây dựng có liên quan mà Trung Quốc đang tiến hành trên các hòn đảo phía Nam – Quần đảo Nam Sa (Nansha) không nhắm mục tiêu hoặc ảnh hưởng đến bất cứ nước nào, và Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự.” [sic]

Điều này đã được trình bày lại theo Tân Hoa Xã ngày 25 tháng 9 với lời diễn giải như sau: “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa quần đảo Nam Sa ở Nam Hải và cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.” Tập đã nói về quần đảo Trường Sa (Spratly- “Nam Sa”), nhưng bài báo mới nói về việc khai triển quân sự ở quần đảo Hoàng Sa (Paracel), là nơi cũng có tranh chấp nhưng hơn 1,000 km về phía bắc của quần đảo Trường Sa. Những tuyên bố tiếp theo từ phía TC, như đã phân tích bởi Shannon Tiezzi của báo The Diplomat, làm cho rõ ràng rằng TC đã không đánh đồng sự cam kết của Tập để ngưng việc sắp đặt các phòng thủ quân sự trên các đảo, hoặc trên bất kỳ lãnh hải nào TC tuyên bố chủ quyền và kiểm soát.

Năm 2012, tạp chí Time đã đưa tin rằng các vũ khí quân sự mới được khai triển đến quần đảo Hoàng Sa (Paracel) lúc đó là “phần lớn là một màn kịch chính trị và sẽ không làm tăng nguy cơ vũ trang đối đầu đáng kể trong khu vực.” Tôi đồng ý vào lúc đó và tôi cũng vẫn đồng ý bây giờ, ngay cả sau khi TC đã đi xa hơn và khai triển một số lượng nhỏ tên lửa SAM, có thể chỉ là tạm thời, cũng tại quần đảo này.

Báo Defense News trong tháng 2 năm 2016 dẫn lời Ben FitzGerald của Center for a New American Security đồng ý rằng các tên lửa (HQ-9) “một mình chúng ‘sẽ không cản trở’ khả năng của Mỹ trong khu vực.” Bài báo liên kết các câu chuyện việc Ngũ Gia’c Ðài tường thuật về ngân sách năm 2017 để nâng cao khả năng quân sự cần thiết hầu đối đầu với những vũ trang ngày càng nhiều trong khu vực.

Bài báo của tạp chí Time năm 2012 khi nói về quần đảo Hoàng Sa đã dẫn lời của Đô đốc về hưu Hoa Kỳ Mike McDevitt nói rằng trong thời gian chiến sự, bất kỳ hoạt động quân sự đáng kể trong khu vực này sẽ được điều động từ đảo Hải Nam, nơi Quân đội TC (PLA) có những căn cứ lớn về không, hải và lục quân, “chứ không phải là từ những đảo ốc nhỏ, đầy muối như Yongxing” hoặc đảo Woody (sử dụng từ ngữ của tạp chí). Một bài bình luận trên tờ The Diplomat trong tháng 10 năm 2015 cũng có nhận xét tương tự về hòn đảo quan trọng nhất từ ​​khía cạnh quân sự ở Biển Đông là đảo Hải Nam. Việc TC xây các sân bay ở quần đảo Trường Sa (Spratly) đúng là một cú sốc, nhưng chúng ta không nên thêu dệt quá sự thật ý nghĩa quân sự của các cơ sở này.

Nói một cách công tâm, những tin tức về việc TC khai triển SAM trong vùng quần đảo Hoàng Sa (Paracel) có thể dính dáng trực tiếp hơn đến tính cách hơi khiêu khích của chiến dịch tự do hàng hải (freedom of navigation operation- FONOP) của Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 1 năm 2016. Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố đã thực hiện quyền tự do đi lại trong lãnh hải, một nguyên tắc thể hiện trong Công ước Luật biển. Tôi ủng hộ quan điểm cho rằng tàu chiến hải quân Hoa Kỳ có quyền làm như vậy miễn là các hoạt động đó thể hiện đúng khía cạnh “vô hại” nêu trong Công ước.

Tuyên bố của Hải quân Mỹ về FONOP trên quần đảo Hoàng Sa đã được đăng trong một số nguồn tin là các tàu chiến đã được sử dụng để thách thức “các nỗ lực của ba nước đang tranh chấp chủ quyền, TC, Đài Loan và Việt Nam, để hạn chế các quyền tự do hàng hải mà theo nguyên tắc cần được thông báo hoặc cho phép trước khi qua lại”. (hình như không có bản sao tuyên bố này của Hải quân trên trang web của Ngũ Giác Ðài.)

Ðằng sau cuộc tranh luận hiện nay là một sự lừa dối lớn, hoàn toàn giả mạo của Ngũ Giác Ðài. Đó là hành động của TC ở Biển Đông đe dọa việc thương mại hàng hải. Lời nói dối này được khuếch đại với mỗi mét khối bê tông mới được bồi dắp trên quần đảo Trường Sa (Spartly) (“đường băng của tôi là lớn hơn của anh”). Hoa Kỳ luôn theo dõi với từng khai triển nhỏ về quân sự của riêng TC, nhưng đối với những nước khác trong vùng thì không. Tóm lại, đây có thể là một phân tích vô lý nhất của Hoa Kỳ về Đông Nam Á kể từ vụ CIA nhầm lẫn trong việc lên án loại vũ khí sinh học do Liên Xô cung cấp vào năm 1981 và những năm sau đó.

Việc phân tích càng thiếu rõ ràng hơn với sự mập mờ giữa các quần đảo khác nhau, như thể bất kỳ lời tuyên bố nào về quần đảo Trường Sa (Spartly) cũng được áp dụng đối với quần đảo Hoàng Sa (Paracel), hoặc là nếu TC tuyên bố chủ quyền về đất đai là giống như một tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với “hầu hết vùng Biển Ðông.” Lời tuyên bố sau, bác bỏ bởi Bộ Ngoại giao Mỹ, thường được tìm thấy trong các bài viết của một số học giả có uy tín nhất. Theo ghi chú Bộ Ngoại giao Mỹ, TC chưa bao giờ chính thức đưa ra sự hiểu biết của mình về ý nghĩa pháp lý của đường lưỡi bò chín đoạn.

Việc thiếu giải thích từ phía TC là một trong những lý do gây nên sự nhầm lẫn này. Nhưng TC chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển nằm trong đường lưỡi bò chín đoạn. Tuyên bố như vậy rõ ràng sẽ không phù hợp với luật pháp quốc tế. TC cần làm sáng tỏ điều này.

Điển hình của việc phân tích sai lệch qua những bình luận mạnh mẽ chính thức của Mỹ về vấn đề Biển Đông là một bài trên tờ nhật báo The Australian vào ngày 31 tháng 1 là “Mỹ đã theo dõi với gia tăng lo lắng khi TC khẳng định chủ quyền của mình trên nhiều hòn đảo nữa và các vùng đất khác ở Biển Đông, bao gồm cả các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Tuy nhiên, TC đã không tuyên bố chủ quyền mới với các đảo ở Biển Đông ít nhất là kể từ năm 1946, trước khi Cộng sản lên nắm quyền. Làm gì có chuyện đó: TC đã tuyên bố có chủ quyền rất nhiều vào lúc đó, và bây giờ vẫn tuyên bố như thế, mặc dù những tuyên bố đối với một số hòn đảo bị các quốc gia khác trong vùng phản đối một cách hợp lý.

Cũng xin lưu ý, một khi đã kiểm tra, tôi có thể thấy rằng ngay cả nỗ lực về sự minh bạch trong Hàng hải Á Châu (Asian Maritime Transparency Initiative -AMTI) của viện CSIS tại Washington, với vị thế khách quan thông thường, và đáng lẽ là một nguồn tài liệu rất tốt vì tính khách quan tương đối, đã thiên vị rõ ràng khi phân tích chi tiết về các hành động của TC. AMTI không đặc biệt chú ý đến việc phân tích một cách chi tiết những diễn tiến hàng ngày và dự trù về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, như đã làm đối với TC. Mặc dù trên thực tế chính phủ Hoa Kỳ minh bạch nhất thế giới, những thông tin về việc theo dõi định vị của các tàu hải quân và những gì họ làm trên toàn cầu sau khi rời khỏi cảng đều được kiểm soát một cách chặt chẽ. Thật không cân bằng khi AMTI chú ý đến các chi tiết rất nhỏ về phía TC mà không đề cập đến những khai triển không quân và hải quân của Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Luật Pháp riêng của TC đòi hỏi phải thông báo trước khi tàu chiến quá cảnh gần như chắc chắn không phù hợp với luật biển và Hải quân Hoa Kỳ đã tuyên bố một cách đúng đắn quyền của mình khi qua lại trong vùng lãnh hải. Tuy nhiên, có nhiều lý do để thừa nhận rằng TC coi hành động của Hải quân Hoa Kỳ là khiêu khích và đe dọa đến an ninh của TC. Điều này không chỉ khiến TC đi đến những hành động thử nghiệm sự “vô hại” của khía cạnh vô hại trong Công ước Luật Biển, mà còn làm tăng sự rủi ro, như Rory Medcalf bên Úc đã lên tiếng, rằng chính quyền Obama và TC có thể đang có những sai lầm. Medcalf đã đúng khi lưu ý rằng “Các nguy cơ của một trò chơi trả đũa qua lại (tit-for-tat) về tín hiệu chiến lược ngày càng gia tăng và cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là sự tính toán sai lầm có thể xảy ra.”

Greg Austin – 24/2/2016 – Phạm Ðức Duy dịch

Nguyên bản tiếng Anh: http://thediplomat.com/2016/02/mountains-out-of-molehills-the-pentagons-big-lie-about-the-south-china-sea/