TC: Vị trí “hạt nhân” giúp Tập Cận Bình tập trung quyền lực
Tại kỳ họp toàn thể thường niên lần thứ 4 khoá 12 Hội Nghị Chính Hiệp Toàn Quốc khai mạc vào ngày 05/03/2016, có nhiều dấu hiệu đáng chú ý cho thấy Tập Cận Bình sẽ được nâng lên vị trí “hạt nhân” của thế hệ lãnh đạo hiện tại. Đây là địa vị tối cao thường được trao cho các nhà lãnh đạo trong quá khứ (như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình), nhưng người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào lại không nhận được danh hiệu này.
Chủ tịch TC Tập Cận Bình có đủ mọi loại danh hiệu, từ chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đến tên gọi thân mật “Bác Tập”. Hãng tin AP ngày 02/03/2016 nhận định, trên suốt chặng đường, chủ tịch Tập Cận Bình đã biết tận dụng mọi phương tiện truyền thông Nhà nước để truyền tải quan điểm riêng về một số chủ đề dường như phi chính trị như kiến trúc hiện đại và văn hoá của người nổi tiếng.
Đây không phải là cách làm của các nguyên thủ quốc gia, nhưng tại TC thì ngược lại, các danh hiệu và ý kiến như vậy lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong trường hợp của Tập Cận Bình, những ý kiến nhận định riêng thường được trực tiếp biến thành đường lối của chính phủ TC do độc đảng lãnh đạo. Điều này cũng nhấn mạnh tới trọng lượng của Tập, từ ba năm nay liên tục kiêm nhiều chức vụ khác nhau và có vẻ như không dừng ở đó.
Thuật ngữ “hạt nhân” chỉ vị trí tối cao trong đảng Cộng sản Trung Hoa được thay đổi nhiều lần. Mao Trạch Đông thường được gọi là “người cầm lái vĩ đại”. Khái niệm “hạt nhân” được Đặng Tiểu Bình sử dụng để dựng Giang Trạch Dân (được Đặng cất nhắc khỏi Thượng Hải) làm người kế nhiệm, sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Sau khi trở thành chủ tịch TC, Giang Trạch Dân trở thành “hạt nhân” của thế hệ lãnh đạo thứ ba.
Dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng động thái này, một mặt, muốn nhấn mạnh tới quyền lực áp đảo của Tập trong nội bộ đảng Cộng Sản cầm quyền. Mặt khác, nó cũng phản ánh nhu cầu tiếp tục tích lũy danh hiệu của người đứng đầu Nhà nước TC để tránh mọi mối đe dọa và rủi ro tiềm tàng, đồng thời đánh lạc hướng những quan ngại trước nền kinh tế đang bị chững lại.
Nhà chính trị học Joseph Chen, từng làm giảng dạy tại đại học Hồng Kông, nhận định: «Tập Cận Bình muốn trở thành nhà lãnh đạo trội hơn hẳn, chứ không phải là “nhân vật số một” trong số những người từng giữ cùng chức vụ. Tuy nhiên, Tập Cận Bình sẽ vấp phải xu thế tự nhiên là, trong xã hội hiện đại, rất khó tập trung được hết quyền lực vào tay một người duy nhất».
Được gọi là “hạt nhân” lãnh đạo sẽ nâng vị thế của chủ tịch Tập Cận Bình ngang với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, người vẫn duy trì được ảnh hưởng từ năm 2003. Thậm chí là ngang với nhà lãnh đạo cải cách nổi tiếng Đặng Tiểu Bình, mà chủ tịch Tập thường được so sánh về quyền lực cá nhân.
Đạt tới vị trí “hạt nhân” cũng là thành công của chủ tịch TC trong việc từng bước triệt hạ mạng lưới đối thủ tiềm ẩn thuộc phe của một cựu ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Ương đầy quyền lực, nguyên bộ trưởng Công An Chu Vĩnh Khang. Ông cũng gạt bên lề các thành viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Hoa theo phe của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, mà người đáng chú ý nhất là thủ tướng Lý Khắc Cường. Từ đó, Tập Cận Bình thâu tóm thêm quyền kiểm soát trong lĩnh vực kinh tế.
Chiến dịch vận động để trở thành “hạt nhân”
Trong phiên họp trù bị ngày 03/02/2016, Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư đảng Cộng Sản tại vùng Tây Tạng, tuyên bố: “Kiên quyết bảo vệ, ủng hộ và trung thành với vai trò hạt nhân của tổng bí thư Tập Cận Bình”, danh hiệu chính thức của người đứng đầu đảng Cộng Sản TC. Đây cũng là lời phát biểu của bí thư các tỉnh Hắc Long Giang, Giang Tô, Hồ Nam và Giang Tây.
Những lời phát biểu trên sẽ được viết thành những lời tuyên bố chính thức, được phát trong bản tin thời sự của truyền hình Nhà nước, hay thậm chí trên biểu ngữ treo trong sảnh của Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, nơi sẽ diễn ra Hội Nghị Chính Hiệp Toàn Quốc vào thứ Bẩy 05/03.
Học thuyết chính trị mới của chủ tịch Tập Cận Bình cũng được “ngóng đợi”, đặc biệt là bản kế hoạch “Bốn toàn diện – Tứ toàn” cho tương lai của TC, dựa trên các hướng chủ đạo: một xã hội phồn thịnh, cải cách, pháp quyền và kỷ luật Đảng nghiêm ngặt.
Ngoài những điều trên, còn phải kể tới sự tôn sùng cá nhân đối với nhà lãnh đạo tối cao của TC. Hiện tượng này chưa bao giờ hiện rõ như bây giờ, kể từ thời hoàng kim của Đặng Tiểu Bình trong thập niên 1980. Hình ảnh khuôn mặt chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện đầy rẫy tại các cửa hàng đồ lưu niệm trên quảng trường Thiên An Môn, từ bưu thiếp tới đồ lưu niệm hay đồ nữ trang giành cho du khách. Ít nhất có 5 tuyển tập diễn văn và các bài viết của chủ tịch Tập được xuất bản từ khi ông nhậm chức, trong đó có hai cuốn chuyên về lĩnh vực quân sự.
Tương tự, chủ tịch Tập Cận Bình cũng chi phối mọi sự kiện quốc gia quan trọng. Các cơ quan truyền thông, đều nằm dưới quyền kiểm duyệt của Nhà nước, thường thân mật nhắc tới một “Xi dada” (bác Tập), nhằm mục đích coi ông như một người chú/bác, bình dị như một thường dân.
Tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến Thứ Hai vào tháng 09/2015, chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện trên truyền hình như một “người anh cả”. Trên màn hình TV khổng lồ dựng ngoài trời, hình ảnh người đứng đầu Nhà nước trên khán đài Thiên An Môn được chiếu song song với hình ảnh đoàn xe thiết giáp hùng hậu. Các bản tin thời sự buổi tối thường kéo dài 30 phút của đài truyền hình trung ương cũng thường dành tới 20 phút đầu để nói về những chuyến công du của chủ tịch Tập.
Tập Cận Bình còn tự tin vào tầm ảnh hưởng của mình tại chính phủ và đối với quần chúng đến mức ông yêu cầu các cầu thủ bóng đá TC, thường bị đánh giá chưa đạt được hiệu quả tốt, phải vực dậy. Ông cũng chỉ trích những toà nhà cao tầng hiện đại “kỳ lạ” mọc lên tại Bắc Kinh và những khu vực khác.
Ngay sau đó, hệ thống quản lý bóng đá quốc gia đã được cải tổ từ trung ương tới địa phương. Nhiều hướng dẫn mới được ban hành để ngăn chặn việc xây dựng những toà nhà cao tầng có hình thù “kỳ quái” hay “kệch cỡm” và khuyến khích những toà nhà hiệu quả, xanh và đẹp.
Tập Cận Bình cũng nhắc nhở giới văn nghệ sĩ TC trong một bài diễn văn hồi tháng 10/2015, khuyến cáo họ đừng mải chạy theo lợi nhuận kinh tế mà lơ là việc «truyền cảm hứng đạo đức phục vụ nhân dân và xã hội chủ nghĩa». Cũng ngay sau đó, hàng chục cơ quan truyền thông Nhà nước và các đơn vị giải trí đã ký một bản cam kết tôn trọng đạo đức nghề nghiệp và ủng hộ đường lối lãnh đạo của đảng.
Tập cũng nhanh chóng tranh thủ quyền lực của mình để “đảm trách” các ủy ban giám sát chính sách quan trọng và tiến hành chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô toàn quốc. Gần 1.500 cán bộ bị nghi ngờ tham nhũng, trong đó có 150 người giữ chức vụ cao. Dù công luận đánh giá cao chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, nhưng việc truy bắt quan tham cũng làm lay chuyển bộ máy công chức và chiến dịch bị đánh giá là cơ hội để loại trừ những đối thủ của Tập Cận Bình.
“Liệu Tập Cận Bình có thể tập trung hết quyền lực trong tay hay không? Chỉ thời gian mới có thể trả lời được», theo nhận định của ông Steve Tsant, thuộc Học Viện Chính Trị Trung Quốc, đại học Nottingham (Anh). Tuy nhiên, giảng viên đại học này khẳng định Tập quyết tâm “để lại dấu ấn” riêng, không như một số người tiền nhiệm thiếu toả sáng.
Vị trí tối cao “hạt nhân” vừa khẳng định sức mạnh, vừa thể hiện điểm yếu.
Mong muốn đạt tới vị trí tối cao của Tập Cận Bình cũng có thể được hiểu là người đứng đầu TC muốn hạn chế nguy cơ đối mặt với mọi lời chỉ trích.
Thực tế cho thấy dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, tăng trưởng cho năm 2016 của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới bị hạn chế dưới ngưỡng 7%. Điều này sẽ gây thêm sức ép cho thị trường lao động hiện đang có tới 7,65 triệu sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và 1,8 triệu lao động trong ngành than và ngành luyện thép – hai lĩnh vực đang bị đe doạ nghiêm trọng.
Ngoài ra, còn phải kể tới lượng hàng xuất khẩu của TC cũng sẽ giảm mạnh, như vậy, có thể sẽ gây thêm bất ổn bên trong, trong khi đó hàng năm chính phủ đã phải chi vài tỉ đô la để bình ổn.
Tiếp theo là thị trường chứng khoán trồi sụt bất thường và chính sách phá giá đồng nhân dân tệ không được quản lý tốt đã gây tiếng xấu cho TC trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Bên cạnh đó, việc chính phủ cho trấn áp, bắt giữ các luật sư, các nhà đấu tranh bảo vệ quyền phụ nữ hay nhiều nhóm xã hội dân sự khác càng thể hiện rõ sự bất ổn sâu sắc trong nội bộ bộ máy anh ninh của đảng.
Về mặt đối ngoại, cũng vào thời điểm này, yêu sách chủ quyền trên hầu hết khu vực Biển Đông ngày càng hung hăng của chủ tịch Tập Cận Bình cũng tác động xấu tới mối quan hệ mà TC từng nỗ lực thiết lập với Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á. Trong lĩnh vực này, chủ tịch TC cần sự hợp tác của quân đội. Ông công bố kế hoạch cải tổ sâu rộng quân đội để tăng khả năng phối hợp tác chiến, đồng thời cắt giảm quân nhân nhằm tinh giản và chuyên nghiệp hoá hơn nữa lực lượng này. Khoảng 300.000 quân nhân sẽ bị cắt giảm từ năm 2017.
Theo nhận định của bà Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu về châu Á tại Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (New York), việc thêm danh hiệu “hạt nhân” vào “bộ sưu tập” của chủ tịch Tập Cận Bình đơn giản chỉ là «đóng thêm một chiếc đinh vào quan tài “tinh thần lãnh đạo tập thể”» được áp dụng từ khi nhà lãnh đạo độc tài Mao Trạch Đông mất vào năm 1976. Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã chung tay với các đồng chí cách mạng lão thành để đưa đất nước thoát khỏi cơn ác mộng đối xử phân biệt trong suốt một thập kỷ Cách Mạng Văn Hoá (1966-1976).
Vẫn theo bà Elizabeth Economy, thêm danh hiệu “hạt nhân” vừa là dấu hiệu thể hiện sức mạnh, vừa là dấu hiệu thể hiện điểm yếu, dự báo sự phản ứng dữ dội tiềm tàng trong tương lai, trừ trường hợp chủ tịch Tập Cận Bình có thể thành công trong lĩnh vực kinh tế và các vấn đề xã hội.
“Điểm mạnh là vì Tập Cận Bình biết điều hành đất nước, dù là ngưỡng mộ hay sợ hãi, để thu hút được sự ủng hộ giúp ông Tập giữ vai trò nhân vật số 1 thật sự trong số những người có cùng chức vụ như ông.
Điểm yếu là vì Tập cảm thấy cần phải có thêm quyền lực và ngày càng áp dụng các biện pháp đàn áp chính trị. Một nhà lãnh đạo thật sự đầy tự tin và chính đáng sẽ không cần tới những biện pháp này”. – Theo RFI