Việt Nam: Giới tự ứng cử vào Quốc Hội thách thức chế độ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam: Giới tự ứng cử vào Quốc Hội thách thức chế độ

Vào tháng 05/2016, Việt Nam sẽ bầu lại Quốc Hội. Theo nhận định của hãng tin Anh Reuters trong một bài phân tích công bố vào ngày 04/03, chính quyền Cộng Sản Việt Nam lần này sẽ bị một số nhà bất đồng chính kiến thách thức bằng cách nộp đơn tự ứng cử vào Quốc Hội, không theo thủ tục từng được áp đặt là phải được Đảng hay các tổ chức do Đảng kiểm soát đề cử.

Reuters ghi nhận đã có 19 nhà bất đồng chính kiến đang tìm cách tự ứng cử vào Quốc Hội mới trong tư cách ứng viên độc lập, sẵn sàng trắc nghiệm bằng hành động thực tế xem đảng Cộng Sản Việt Nam có thực sự giữ lời hứa là củng cố dân chủ hay không.

Tiêu biểu trong nhóm “tự ứng viên” này là ông Nguyễn Quang A, một nhân vật cho đến nay được biết đến là một người thường xuyên có tiếng nói phê phán chính quyền. Đối với Reuters, ông không phải là đảng viên, cũng không phải là loại ứng viên mà đảng cầm quyền muốn có trong cơ quan lập pháp, mà nhiệm vụ chủ yếu là chuẩn y các quyết định của chính phủ.

Trong những ngày gần đây, ông Quang A đang nghiêm túc thực hiện các bước cần thiết để có thể ra ứng cử chức đại biểu Quốc Hội, từ việc công khai tài sản, tìm kiếm chữ ký ủng hộ của cử tri, cho đến việc tự vận động bằng một đoạn video lưu hành trên mạng internet.

Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông Quang A xác định : « Họ nói với chúng tôi là chúng tôi có quyền ứng cử và nói chế độ hiện nay rất dân chủ… Hãy chờ xem họ biến lời nói thành hiện thực.”

Và như để tăng thêm phần thách thức, theo hãng Reuters, ông Quang A đang chờ lãnh đạo đảng Nguyễn Phú Trọng có ra tái cử vào Quốc Hội hay không, để ông có thể đối mặt với vị tổng bí thư trong cùng một đơn vị bầu cử.

Theo hãng Reuters, cho phép các ứng viên độc lập ra tranh chức đại biểu Quốc Hội sẽ giúp đảng Cộng Sản cải thiện thêm hình ảnh của mình, vì trong thời gian 40 năm độc quyền lãnh đạo toàn thể nước Việt Nam vừa qua, đảng đã bị mang tiếng xa rời quần chúng, đặc biệt trong số một nửa cư dân ở độ tuổi dưới 30.

Có điều là với cả một hệ thống rà soát nghiêm ngặt, và các biện pháp kiểm tra do đảng thực hiện, các ứng viên độc lập rất khó mà thành công.

Đây cũng là ý kiến của một nhà phân tích chính trị, ông Lê Hồng Hiệp tại Singapore, cho rằng thậm chí các ứng viên độc lập này còn bị loại ngay khi nộp đơn xin ứng cử.

Trả lời Reuters, ông Hiệp giải thích: «Đảng (Cộng Sản Việt Nam) muốn có một số tiếng nói phê phán trong Quốc Hội, nhưng không phải là đến từ những người mà họ không thể kiểm soát được hoặc những người có thể gây ra những phiền hà chính trị».

Đại đa số các đại biểu Quốc hội Việt Nam đều là đảng viên, do đó phải tuân thủ ký luật của đảng một cách chặt chẽ. Lần này, chính quyền Việt Nam dự trù là khoảng từ 5 đến 10% số ghế đại biểu được dành cho những người ngoài đảng.

Tuy nhiên, các đại biểu không phải là đảng viên, từ trước đến nay, thường do các tổ chức hay cơ quan Nhà nước đề cử, cho dù trong Quốc Hội sắp mãn nhiệm, cũng có 4 đại biểu đã tự ứng cử.

Quốc Hội và ủy ban bầu cử đã không trả lời câu hỏi của Reuters về cơ hội cho các ứng viên tự đề cử. – RFI