Một cái nhìn thực tế về Miến Điện – Roland Watson – Lê Minh Nguyên dịch

Cac Bai Khac

No sub-categories

Một cái nhìn thực tế về Miến Điện – Roland Watson – Lê Minh Nguyên dịch

(Bài phát biểu của ông Watson ngày 11/2/2016 tại cuộc Hội Thảo Liên Minh Dân Chủ Châu Á ở Quốc Hội Hoa Kỳ)

Tôi là một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ trên 22 năm nay. Tôi chủ yếu làm việc ở nước láng giềng của Trung Quốc, tức Burma, mà bây giờ còn được gọi là Myanmar.

Tôi tập trung vào sự đau khổ của các sắc dân thiểu số của nước này. Họ thích được gọi là các sắc dân (chứ không phải ‘thiểu số’). Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ nhóm nào chiếm đa số.

Hôm nay, tôi nói về đất nước này trong một cung cách mà – với người phương Tây – có vẻ không quen thuộc. Nó không phải người Burma. Tôi hy vọng là vấn đề sẽ được sáng ra.

Điều quan trọng cần nhận ra là Burma chưa phải là một đất nước cho đến khi người Anh đến trong những năm 1820s. Các đường biên giới chỉ thực sự được vẽ ra sau Đệ II Thế Chiến. Nhiều nhóm, đặc biệt là ở miền Bắc và Đông Bắc, đã vận hành độc lập. Tại thời điểm này, một sự gom lùa hết sức bao trùm các nhóm sắc tộc lại vào trong một quốc gia.

Bắt đầu từ phía Tây Nam và đi xung quanh chu vi, có các sắc tộc Arakan, Rohingya, Chin, Naga, Kachin, Kokang, Wa, Mongla, Shan, Lahu, Lisu, Palaung, Pa-O, Akha, Karenni, Karen, Mon và Burma. Khi đó là 18 nhóm, và còn có những nhóm người khác nữa.

Nhóm đầu tiên di cư đến vùng này là Pyu, từ Vân Nam, Trung Quốc, tiếp theo là Mon, Karen và Arakan. Sau đó, người Burma xuất hiện vào thế kỷ thứ 9, và gây ra hàng loạt các cuộc chiến tranh. Những quốc gia thành phố (city-states) như Pyu bị tiêu diệt và toàn bộ dân chúng bị sáp nhập. Các ông vua Burma đã duy trì phần nào quyền kiểm soát kể từ thời điểm này. Trong thế kỷ 18, họ ra tay diệt chủng người Mon và nguời Arakan.

Khi nhà độc tài hiện đại đầu tiên, tướng Ne Win của Burma, nắm quyền kiểm soát năm 1962, ông ta đã tấn công rất nhiều nhóm, và các cuộc tấn công chống người Shan, Karenni và Karen tăng lên đến mức diệt chủng. Người Hồi giáo Rohingya ở phía Tây bị bức hại nghiêm trọng vào những năm cuối của 1970s, những năm đầu của 1990s, và một lần nữa bắt đầu vào năm 2012, trong cách thức của một cuộc diệt chủng cháy chậm.

Bởi vì do những hành động của người Burma, mà các nhà lãnh đạo của họ tự cho rằng mình là ưu việt, là đa số, mà đất nước đã không những chỉ bị nội chiến từ năm 1948, mà nó còn bị đau thuơng trong cả ngàn năm dưới sự kiểm soát kỳ thị chủng tộc của người Burma. Chỉ trong một năm qua thôi, quân đội Burma đã phát động các cuộc tấn công chống lại ít nhất là bảy đội quân các sắc tộc khác. Có sáu cuộc khủng hoảng về tỵ nạn chiến tranh đang diễn ra ngay bây giờ, chưa kể khoảng hai triệu người đã bỏ chạy khỏi đất nước đang tìm việc làm.

Mặc dù vậy, Burma, trong con mắt của giới truyền thông, và với Chính Quyền Hoa Kỳ và Âu Châu, được coi là một thành công lớn. Điều này là do Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi hiện nay có đa số trong Quốc Hội.

Tôi muốn thận trọng, không vui mừng quá lố về tương lai. Bà Suu Kyi và các nhà lãnh đạo cao cấp khác của NLD cũng là người Burma, đa số các nghị sĩ cũng vậy. Các sắc dân khác có rất ít đại diện.

Trong những năm gần đây có một cuộc kêu gọi đối thoại ba bên, giữa chế độ độc tài, đảng NLD, và các nhóm sắc tộc. Các tướng lĩnh Burma luôn luôn từ chối. Giờ đây, với NLD trong Quốc hội và với quân đội vẫn chưa chịu thay đổi, hai trung tâm quyền lực chính thức đều là người Burma.

Nhiều người trong số những dân sắc tộc tin rằng họ đã bị gạt sang một bên. Họ phải lệ thuộc vào bà Suu Kyi để bảo vệ quyền lợi của họ, và trong quá khứ bà đã bỏ qua vấn đề sắc tộc, cho nên không có nhiều niềm tin rằng bà sẽ bảo vệ họ.

Sau cùng, nếu bà Suu Kyi là nguời có lòng tốt, nếu chính bà không phải là một nguời kỳ thị chủng tộc, bà có những chướng ngại phải vượt qua. Hiến pháp do quân đội soạn thảo đảm bảo 25% số ghế trong Quốc hội cho các đại diện quân sự. Điều này có nghĩa là mặc dù NLD tuy thắng cử áp đảo, vẫn còn một khối quân sự lớn trong cơ quan lập pháp.

Quan trọng hơn nữa, theo Hiến Pháp, quân đội kiểm soát Bộ Quốc Phòng, Bộ Biên Giới và Bộ Nội Vụ, chiếm số lượng lớn ngân sách quốc gia. Bộ Biên Giới bao gồm việc phát triển với quy mô lớn ở quê hương các sắc dân, điều này các sắc dân không muốn. Bộ Nội Vụ bao gồm cảnh sát và nhà tù, nơi vẫn còn đầy các tù nhân chính trị, và cũng bao gồm Bộ Máy Hành Chánh Toàn Quốc, hay hệ thống công chức, xuống tận cấp xã thôn.

Điều này có nghĩa là các quyền hạn của Quốc hội mới bầu bị giới hạn nghiêm trọng, nó chỉ là một phần nhỏ của chính quyền quốc gia thực sự. Và, để có được bất cứ điều gì thực hiện, nó sẽ phải làm việc với một hệ thống công chức không thân thiện do quân sự điều hành.

Burma giữ thăng bằng trong một trạng thái quân bình dễ té, và có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào. Hiến pháp cũng cho phép quân đội khởi động một cuộc đảo chính và quay trở lại nắm quyền tuyệt đối, dưới danh nghĩa lợi ích an ninh quốc gia. Binh sĩ và cảnh sát còn được hưởng quyền miễn tố đối với bất kỳ sự lạm dụng và tội ác nào mà họ vi phạm.

Ta có thể nói bà Suu Kyi và đảng NLD bị mắc kẹt giữa người dân và các tướng lĩnh. Người dân muốn tự do và các quyền con người, và họ, cùng nhiều nghị sĩ của họ, sẽ thúc đẩy điều đó. Các tướng lĩnh không muốn nhuợng bất cứ điều gì. Bà Suu Kyi cố gắng để làm hài lòng tất cả mọi người. Như tôi đã viết trong một của những bài viết của tôi, cái gì có thể đi sai?

Như một dự đoán, tôi không nghĩ rằng bà Suu Kyi sẽ có thể giữ được sự nguỡng mộ rộng lớn như cũ. Quân đội sẽ ngày càng trở nên khó chịu. Trong khi đó, quân đội của các sắc tộc sẽ không bao giờ giải giới. Tôi nghĩ rằng có xác suất 25%, nếu không phải là 50% cơ hội, là sẽ có một cuộc đảo chính trong vòng 5 năm tới.

Tôi muốn kết luận bằng cách nói ngắn gọn về lợi ích của Trung Quốc ở Burma. Về mặt địa chính trị, Trung Quốc coi Burma như là một nguồn phong phú của những tài nguyên thiên nhiên, và như là một lối đi khác ra Ấn Độ Dương. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã có những quyền lợi lớn trong các quặng mỏ tầm cỡ, các đường ống dẫn dầu, các đập thuỷ điện, và nhiều hoạt động khác.

Về chính trị, Bắc Kinh đã ra sức giúp đỡ mọi phe nhóm khác nhau. Các tướng lĩnh Burma là khách hàng của họ. Nhưng, Trung Quốc cũng hỗ trợ cho một số các đội quân sắc tộc mạnh nhất. Bà Suu Kyi thậm chí còn có những lời tốt đẹp cho Bắc Kinh.

Hiện đã có một báo cáo nói rằng bà sẽ mặc cả với Trung Quốc về vấn đề hòa bình. Nếu Trung Quốc áp lực được các quân đội sắc tộc chịu ký một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc, bà sẽ cho phép Trung Quốc xây thêm đập và khai thác tài nguyên.

Tuy nhiên, theo cái nhìn của tôi, tôi không nghĩ là bà sẽ làm được việc này. Các quân đội sắc tộc sẽ không bỏ rơi dân chúng của họ.

Trong mọi trường hợp, Trung Quốc có một lợi ích cốt lõi mà nó sẽ đè bẹp mọi thứ khác. Ngay cả các lợi ích kinh doanh cũng sẽ bị hy sinh nếu cần thiết. Ngoại trừ Quốc hội, Burma phải tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của quân đội. Trung Quốc không thể để một nền dân chủ mới và thực chất nằm cạnh biên giới của mình.

Vì như vậy, nó không chỉ sẽ nuôi dưỡng sự khát khao về dân chủ lâu nay ở chính Trung Quốc, nó còn đem lại hy vọng cho những người Tây Tạng truờng kỳ bị áp bức, và những người Duy Ngô Nhĩ ở Đông Turkestan.

Bởi vì điều này, Trung Quốc sẽ không bao giờ ngừng ủng hộ các tướng lĩnh Burma, và các tướng này biết rõ. Các tướng lĩnh đã và đang lừa phương Tây, mà các nhà ngoại giao bịp bợm của Âu Châu và Hoa Kỳ rất sung sướng để nuốt vào, bởi do lòng tham của chính họ về các nguồn tài nguyên của Burma.

bit.ly/1T9xjOo

bit.ly/1Sn6Vje