CSVN: Nhiệm kỳ Thủ tướng có ‘hạn chế yếu kém’

Cac Bai Khac

No sub-categories

CSVN: Nhiệm kỳ Thủ tướng có ‘hạn chế yếu kém’

Ủy ban Thường vụ Quốc hội CSVN nghe Chính phủ và Thủ tướng tự nhìn nhận các hạn chế, yếu kém với nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011- 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề cập về các “kết quả đã đạt được trong điều hành” và nghiêm túc nhìn nhận 7 hạn chế, yếu kém, truyền thông trong nước cho hay.

“Lúng túng”, “bất cập”, “thiếu bao quát”, “hiệu quả chưa cao”, “chưa đồng bộ”, “còn nhiều hạn chế”, “thiếu quyết liệt”, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới” và “chưa đạt mục tiêu đề ra” là một số thuật ngữ được dùng để nói về chính phủ trong nhiệm kỳ thứ hai mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành.

Trong phần bàn về hạn chế và yếu kém trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế – xã hội, báo cáo nói sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách khác trong thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế có thời điểm “còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn”.

Yếu kém được liệt kê đầu tiên nói rằng chính phủ nhiệm kỳ này còn “lúng túng” trong việc triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội trong “một số lĩnh vực”.

“Công tác phối hợp trong nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh chưa thật chặt chẽ. Giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Nhiều cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa cân đối đủ nguồn lực để triển khai.

“Chính phủ cũng nhìn nhận việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và chăm lo đời sống nhân dân nhiều mặt còn hạn chế.

“Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo.

“Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi.

“Ùn tắc giao thông tại đô thị lớn khắc phục còn chậm, chưa bền vững.

Báo cáo nói công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế có mặt chưa thật chủ động, chưa phát huy hết các lợi thế và rằng quan hệ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể nhân dân còn hạn chế.

Điểm quan trọng là báo cáo nói các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém có “nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”.

Được biết Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau khi nghe báo cáo này.

Vào tuần trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Chủ tịch nước.

Thảo luận về dự thảo báo cáo, một số ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh điều được mô tả là “tác phong gần dân” của Chủ tịch nước.

“Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch nước đã xây dựng được hình ảnh giản dị, gần gũi với nhân dân, có ý nghĩa khích lệ, động viên tinh thần người dân rất lớn.

“Trong 5 năm qua, Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã nhận được trên 55.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri, cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước, trong đó phần lớn là đơn thư liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính, đất đai và giải quyết chế độ chính sách.

“Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng phân loại, nghiên cứu, tham mưu, xử lý và chuyển hàng trăm đơn thư đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và trả lời đương sự, qua đó góp phàn giải quyết bức xúc trong nhân dân, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước,” Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa tin. – BBC