Câu chuyện về Bốn Loại Bò Ðực

Cac Bai Khac

No sub-categories

Câu chuyện về Bốn Loại Bò Ðực

Hạ Đình Nguyên

Trong thời gian ĐH Đảng 12, và tiếp theo là những ngày kỷ niệm Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đảo HS,TS, và tấn công biên giới, tôi “được/bị” lực lượng an ninh thành phố canh cửa không cho ra khỏi nhà. Tôi làm công việc lặt vặt và đọc vài ba trang sách. Tôi đọc phải đoạn “Bốn loại bò đực” trong sách Phật học, có phần lý thú, xin chép ra đây.

“Nầy các bhikkhu, có bốn loại bò đực. 
Đó là: Bò đực hung dữ với bầy đàn của mình nhưng không hung dữ với bầy đàn khác; bò đực hung dữ với bầy đàn khác nhưng không hung dữ với bầy đàn của mình; bò đực hung dữ với bầy đàn của mình và hung dữ với bầy đàn khác; bò đực không hung dữ với bầy đàn của mình và không hung dữ với bầy đàn khác. 
Cũng vậy, có bốn hạng người được ví như các loại bò đực…”(1)
Trước hết, xin được ghi chú, việc ví von hình ảnh “loại bò đực” với bốn loại người, không phải là cách so sánh nhằm miệt thị, hạ giá trị con người xuống ngang hàng loài vật, vì với quan điểm của Phật, thì người và vật đều bình đẳng, đều được gọi chung là chúng sinh.
Dùng hình ảnh do ông Phật thuyết giảng, thử áp vào vai bò đực là nhà cầm quyền,và bầy đàn là cộng đồng nhân dân của mình,  thì sự tương cận ra sao!
Tôi xin đi ngược thứ tự, và tự đánh giá
1-Bò đực lành nhất
– Bò đực không hung dữ với bầy đàn của mình, và không hung dữ với bầy đàn khác. Có thể ví là nước Lào. Chưa ai từng nghe tai tiếng về nhà nước Lào độc ác và hung dữ với nhân dân mình, và cũng chưa từng nghe tội lỗi của nhà nước nầy gây ra cho dân tộc hay quốc gia khác. Tôi có thời gian ở Vientiane một năm rưỡi, chưa từng nghe một vụ ăn cắp hay đánh lộn giữa người dân họ với nhau. Một lần cơ quan của chúng tôi bị mất trộm, đi báo công an. Họ rất lúng túng và không biết xử lý thế nào, họ không có kinh nghiệm vì chưa từng xử lý những sực việc loại nầy. Sự mất trộm ấy là đã xảy ra trong nội bộ của đơn vị chúng tôi. Trong thành phố thỉnh thoảng cũng có vụ đánh nhau nho nhỏ ở chổ nầy chổ khác, nhưng lại là của… Việt kiều. Loại bò đực ở xứ sở nầy có thể gọi là loại bò đực hiên lành nhất và đáng tôn vinh nhất.
2-Bò đực xấu nhất
– Bò đực hung dữ với bầy đàn của mình và hung dữ với bầy đàn khác. Tôi nghĩ ngay đến  Trung Quốc, một xứ sở nổi tiếng hung dữ và dã man với bầy đàn của mình, tức là nhân dân mình, nhất là vào thời kỳ do ĐCSTQ lãnh đạo. Chuyện nầy cả thế giới đều rõ. Họ có nguồn gốc xa xưa là ăn thịt người, sử và sách văn học của họ đều có ghi chép. Thời hiện đại, họ khai thác với quy mô lớn nội tạng từ người sống, là tù nhân tu theo Pháp Luân Công, để cung cấp cho cả thế giới và làm giàu. Con số mới nhất được điều tra là trên hai triệu người. Họ đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình của sinh viên bằng xe tăng ở Thiên An Môn, mức man rợ nổi tiếng thế kỷ. Các nhà tù bí mật và cả việc thanh trừng nội bộ tàn ác rất sáng tạo và hiếm có trên thế giới, từ thời Mao đến thời Tập ngày nay. Các hình thức “cô lập” con người từ thấp đến cao, từ phiến diện đến toàn diện, cho đến khi đói, khát, bịnh và chết tại chỗ, trong chính nhà của  mình, hoặc ở cơ quan. Như Nguyên soái Hạ Long của họ bị cô lập, cắt dần lương thực và giảm nước uống cho đến chết tại nhà, như Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ của họ cũng thế, nhưng diễn ra ngay trong Phủ Chủ tích nước. Đó là trường hợp ứng với bò đực hung dữ và gây khiếp sợ với bầy đàn của mình.
Đối với bầy đàn khác, thì sự tàn ác của loại bò đực nầy cũng không thể mô tả hết, như chúng đối với các dân tộc lân cận Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng, Miến Điện, Campuchia… Chúng đã sử dụng bàn tay của bọn sai nha của chúng (Polpot) hủy diệt mấy triệu người ở một đất nước dù nhỏ bé như Campuchia, mà chứng cứ, hiện vật đang còn lưu giữ ở những kho tàn đầu lâu tại xứ sở nầy. Và Việt Nam thì đã có 4000 năm đã từng trải và hiểu biết.
Và mới nhất, là cuộc tấn công và tàn sát dân Việt ở 6 tỉnh miền Bắc năm 1979, chúng đốt sạch và giết sạch, không tha cho phụ nữ hay con nít, mà người dân Việt đang làm lễ tưởng niệm – mà bị triệt phá. Chúng đã chiếm Hoàng sa, rồi Trường sa của Việt Nam. Chúng đang tiếp tục tiến hành những âm mưu tàn độc khác, bằng mọi mặt và mọi thủ đoạn. Chúng bảo phải quên đi, và không được nhắc đến. Thế là đã có như vậy. Bia bị đục bỏ, sử sách không được ghi, lễ kỷ niệm không được cử hành, liệt sĩ tiếp tục vô danh, thương binh tự lui vào bóng tối với với vết thương của mình. Điều quan trọng hơn nữa là chúng đã gieo rắc các kinh nghiệm, thủ đoạn, gian kế, kỹ năng, kỹ xảo lại cho những ai gần gủi, kết thân và nghe theo lời dạy dỗ của chúng, giống như một thứ kỹ nghệ cấy gien độc vào người, hoặc cho ăn chất gây nghiện. Ngoài việc tẩm độc vào các loại thức ăn vật chất, còn cả thức ăn tinh thần, như chủ nghĩa Mác-Lê chẳng hạng, dưới các nhãn mác rất dễ nghiện, như “hữu nghị đời đời bền vững”, “núi liền núi, sông liền sông” và các loại thuốc độc tân dược tổng hợp, như các loại “thông cáo chung”, “toàn diện-chiến lược”. Có khi, người chơi gần gủi với chúng tự nhiểm độc vào thân mà không hay biết, cái độc ban đầu thì ở ngoài da, nhưng càng ngày càng phát tán vào lục phủ ngũ tạng, xâm nhập vào hệ thần kinh não, rồi tưởng mình là thế, nên khăng khăng kiên định mà không chịu chữa. Đây đúng là loại “Bò đực hung dữ và gây khiếp sợ với bầy đàn của mình, hung dữ và gây khiếp sợ với bầy đàn khác”, là hạng bò đực hung dữ nhất, nguy hiểm nhất và xấu nhất trong bốn loại bò đực, mà có lẽ lời Phật nói đến.
3-Bò đực bản lãnh nhất.
– Bò đực không hung dữ với bầy đàn của mình, hung dữ và gây khiếp sợ với bầy đàn khác. Nếu một quốc gia nào không hung dữ với bầy đàn của mình, hiền lành và thương yêu bảo bọc dân tộc mình, mà hung dữ độc ác với bầy đàn khác, là hiếm có. Nếu có xảy ra tình trạng ấy thì đó là trường hợp đặc biệt trong tình thế, tạm thời, không bền vững. Điều không bền vững nằm ở vế hung dữ với dân tộc khác, bởi đã có nhân văn với cộng đồng của mình thì sớm muộn cũng có nhân văn với cộng đồng khác, sau những cơn điên hay cơn bạo bệnh bất ngờ của những con cầm đầu.  Đó hẳn phải là một dân tộc sáng suốt và có bản lĩnh . Thật khó biết trường hợp nầy là gần với quốc gia nào! Là Đức, là Nhật, là Do Thái chăng…?
4-Bò đực tệ hại nhất.
– Bò đực hung dữ với bầy đàn của mình và không hung dữ với bầy đàn khác. Sự hung dữ với chính bầy đàn của mình là nói lên cái vị kỷ và thiển cận, trước hết là của trí tuệ. Cái trí tuệ bị che mờ bởi nhu cầu thiển cận của cá nhân, bởi tham vọng mù quáng và hãnh tiến nông nổi mà không nhận ra tầm quan trọng về sự tồn tại của cộng đồng và sức mạnh của cộng đồng. Có thể gọi đó là thiểu năng, vì cái trí tuệ ấy không vươn lên khỏi mức hèn nhát nên trở thành nhu nhược trước sự lấn áp của cộng đồng khác. Cả hai mặt “hung dữ với bầy đàn của mình” tự thân nó là một cách đi xuống, không tách rời với “không hung dữ với bầy đàn khác” như một hệ quả của sư bạc nhược tự thân, lại là một cách đi xuống tiếp theo, toàn bộ là thể hiện sự thoái hóa đầy đủ của một tiến trình đi xuống. Trong lịch sử loài người đã từng có những bộ tộc, những quốc gia đã tự biến mất và xóa sổ vĩnh viễn khỏi sự hiện diện trong cộng đồng nhân loại, có lẽ là do loại bò đực nầy cầm đầu, và bầy đàn ấy cũng đang bị cơn dịch nào đó làm cho thoái hóa. (Dịch “tư tưởng” thì càng dễ lây lan hơn là dịch bệnh cho cơ thể )
Việt Nam đã tồn tại với một lịch sử lâu dài, và đang có mặt trong cộng đồng nhân loại ngày nay. Điều đó chứng tỏ nó có sức mạnh, được trải nghiệm qua những thời điểm thịnh suy, nên không dễ biến mất. Hình ảnh bầy đàn mà Đức Phật lấy làm thí dụ, với ngày nay, vẫn có nguyên giá trị và giá trị lâu dài về ý nghĩa biểu trưng, và, đi vào cụ thể thì khái niệm bầy đàn sẽ được hiểu theo cách rộng lớn hơn theo nghĩa của thời đại. Bò đực, cũng được hiểu là cá thể tượng trưng và tạm thời. Và những thời điểm của thịnh suy cũng chỉ là những gợn sóng.
Nếu đặc trưng bò đực loại 1 là hiền lành, bò đực loại 2 có bản chất là hung dữ gần với bản năng mông muội nhất, bò đực loại 3 vừa lành vừa dữ, thì bò đực loại 4 vừa dữ lại vừa hèn, đặc biệt là có tính phản trắc. Và là biểu trưng một loại suy thoái kép.
 ***
Tôi nhìn ngắm những chàng hồng vệ binh trước cổng nhà, tuồi bình quân trên dưới 30. Họ vẫn vui vẻ trả lời: “làm theo lệnh trên” khi được hỏi. Chỉ “làm theo lệnh trên” có thể là một dạng thoái hóa. Tôi không thắc mắc gì về họ. Họ là thuộc về hàng bò đực nhưng là thế hệ còn tơ. Trong số trùng trùng điệp điệp ấy, ắt sẽ có con trở thành loại đầu đàn, sừng sỏ sau một thời gian trải nghiệm dạn dày, số còn lại thì chấp hành như một cỗ máy.
Tôi tự hỏi, cái lệnh trên là thuộc về sóng thịnh hay sóng suy của nhịp sóng lịch sử?
Vì sao cái lệnh trên là phải hung dữ với những người bày tỏ sự bất bình với bọn xâm lược Trung Quốc – ngăn cản, phá phách một cách mạt hạng các ngày kỷ niệm của dân chúng để tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, vì cộng đồng v.v.? Và lại không hung dữ với bầy đàn khác đã rất hung dữ với bầy đàn của mình? Hơn thế nữa, cái lệnh trên là ra sức bảo vệ để khỏi làm  phật lòng loại bò đực hung dữ nhất (loại thứ 2 kể trên) – bằng những đường cong uốn lượn mềm mại và dẽo dai trong quan hệ qua lại đến khó hiểu? Hay cái lệnh trên là do cái “gien” được cài đặt từ một giống loài khác vào loại bò nầy, hoặc do nó tự thoái hóa và biến dạng?
Nếu thật thà suy nghĩ, bài học đầu tiên cho đội ngũ những người nhân danh bảo vệ an ninh xã hội, bảo vệ quyền công dân, phải là bài học thế nào là dân chủ. Nó chỉ cần lượng dân chủ bằng một phần vạn lần dân chủ – được mệnh danh là dân chủ xã hội chủ nghĩa mà bà Nguyễn Thị Doan, đại biểu của phái nói theo, từ sách của Lê-nin. Nó cũng không cần “dân chủ đến thế là cùng”, hay “ai dân chủ hơn ai” như câu hỏi đầy thách thức của ông TBT Nguyễn Phú Trọng. Liệu có cần dân chủ nhiều đến thế, và cần hơn thua với giọng cao như thế không?
Dân chúng cần dân chủ ít ít thôi. Chận cửa không cho công dân ra khỏi nhà; có phải là dân chủ không? Không cho dân chúng tập họp để bày tỏ sự quan tâm của mình trước vấn đề chung của xã hội, của đất nước; có dân chủ không? Không có quy chế về tự do báo chí, là tiếng nói của các nhóm cộng đồng trong xã hội, mà nhân loại từng trải qua đấu tranh lâu dài mới có được, đã xác định là “đệ tứ quyền” của con người trong thời đại văn minh; có dân chủ không? Những lời nói dông dài, mù mờ, tối nghĩa của những bài phát biểu nghênh ngang như thế kia, chỉ là sự hồ đồ hoặc quá lạc hậu từ một thời đã qua mà người dân không còn chấp nhận được nữa. Các khái niệm tự dođoàn kết, niềm tin…bla bla đang được hò hét, từ lâu nay đã trống rỗng. Nó thuộc loại chuyện mua vui dân gian, như chuyện “xin ấn đền Trần”, “mua vàng thần tài” trong đợt Tết vừa qua thôi.
           ***
Nhìn lần cuối các hồng vệ binh ở cổng trước khi quay vào nhà, tôi lại nghĩ lời ông Phật nói có điều chi chưa hiểu rõ. Ngoài 4 loại bò đực với 4 tình huống đã được kể, lại có tình huống khác: Bò đực hung dữ với bầy đàn của mình, mà bầy đàn của mình thì không khiếp sợ, không hung dữ với bầy đàn khác mà chưa chắc bầy đàn khác đã để cho yên thân. 
Là loại bò đực nào, thưa Đức Thế Tôn?
 
HĐN 22-2-16
———————————————
(1) Trích từ sách “ANGUTTARA AIKÂYA – Một cách trình bày những điều đức Phật thuyết giảng”. Bộ thứ nhất, tập 2. Tác giả biên soạn Trương Công Dũng. Nhân đây cũng xin gởi lời cảm ơn chân thành đến tác giả không quen biết, đã gởi tặng. HĐN.