Brexit: Thủ tướng Anh đối mặt với chia rẽ nội bộ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Brexit: Thủ tướng Anh đối mặt với chia rẽ nội bộ

Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson, nhân vật trong đảng bảo thủ chống kịch liệt nước Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu. – REUTERS/Peter Nicholls

Theo RFI – Lê Hải – 23-02-2016
Ngay sau khi vất vả mới đạt được hỏa thuận với Bruxelles để nước Anh có được quy chế «đặc biệt » trong Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Anh David Cameron lại phải lao vào một cuộc chạy đua vận động chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về chuyện đi hay ở của nước Anh trong Liên Hiệp Châu Âu, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 23/6 tới đây.
Ở chặng đầu tiên là thuyết phục chính giới, thủ tướng Anh đã vấp phải sự chống đối ngay trong đảng bảo thủ cầm quyền của ông. Trong khi giới kinh doanh, các tập đoàn kinh tế và tài chính ở Anh, vốn ủng hộ nước Anh ở lại, bắt đầu cảm thấy hoang mang không biết điều gì sẽ xảy ra với nước Anh trong vòng vài tháng tới.
Từ Luân Đôn thông tín viên Lê Hải cho biết thêm chi tiết:
Các tranh cãi nội bộ bên trong đảng bảo thủ được báo chí tập trung vào hai nhân vật đang được coi là nhiều uy lực nhất trong ban lãnh đạo. Đầu tiên là thủ tướng David Cameron, thì vừa hào hứng cho rằng mình đã thành công trong các cuộc đàm phán với các nước Liên Hiệp Châu Âu và giờ tới lượt ông sẽ thuyết phục người dân Anh bỏ phiếu để tiếp tục làm thành viên của khối kinh tế chính trị này.
Thế nhưng từ phía đối diện, thị trưởng sắp hết nhiệm kỳ của Luân Đôn là ông Boris Johnson mới hồi cuối tuần này vừa tung ra một phát biểu khiến những gì được coi là thành quả chính trị của thủ tướng có nguy cơ tan vỡ hoàn toàn. Mặc dù bản thân ông nói rằng không có ý tranh giành chiếc ghế lãnh đạo đảng với ông Cameron, nhưng câu chuyện này tự động đưa ông vào vị trí thứ hai trong số các nhân vật được chú ý nhiều nhất trong đảng bảo thủ.
Có ít nhất 6 nghị sĩ đang giữ vị trí lãnh đạo trong chính phủ cũng phản đối chuyện nước Anh tiếp tục duy trì tư cách thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Cũng cần kể thêm rằng hiện ông Boris Johnson đanglà nghị sĩ ngồi trong hạ viện Anh, tái đắc cử sau cuộc bầu cử gần đây, nhưng không được thủ tướng Cameron chọn vào chính phủ mới.
Không có phải là vì muốn chờ đến sau ngày ông thị trưởng Luân Đôn hết trách nhiệm với công việc ở địa phương, hay là vì từ trước đó Boris Johnson đã từng nổi hẳn lên như một người đối lập bên trong đảng bảo thủ, với giải pháp ân xá giấy tờ cho người nhập cư bất hợp pháp để tận thu thuế và ngân sách không phải chịu gánh nặng trợ cấp cho họ, hay các mối quan hệ tích cực với Trung Quốc.
Hiện cựu bộ trưởng Quốc Phòng Liam Fox cũng tỏ ý có thể ra tranh cử lãnh đạo đảng trong hội nghị sắp tới đây, và nói rằng có khá nhiều nghị sĩ trong đảng bảo thủ cũng bỏ phiếu rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu giống như ông.
Báo chí cũng ngay tập tức xoay qua chuyện nếu người dân Anh bỏ phiếu rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu thì sau đó thủ tướng có từ chức hay không, nhưng ông David Cameron đã trả lời dứt khoát là không, và sáng nay ra tuyên bố là bất kể kết quả thế nào thì ông cũng đều sẽ không ra ứng cử trong nhiệm kỳ sau của Quốc Hội.
Thách thức cho các chính trị gia trong cuộc trưng cầu dân ý
Có một điều mà các nghị sĩ Quốc Hội phải đặc biệt chú ý là từ kết quả cuộc bầu cử vừa rồi ở xứ Scotland, khi mà một loạt các chính trị gia đầy kinh nghiệm đã mất phiếu cho các ứng viên rất trẻ thậm chí còn chưa tốt nghiệp đại học, nhưng thuộc liên minh vận động bỏ phiếu kêu gọi Scotland tách khỏi Vương quốc Anh. Và lần này, tình hình có thể cũng sẽ diễn ra tương tự như vậy, chưa kể là những người bỏ phiếu cho đảng bảo thủ có thể sẽ không hài lòng. Chúng ta có thể nghe bố của thị trưởng Johnson, trước đây cũng từng là nghị sĩ Quốc Hội Stanley, nhận định rằng quyết định của con ông có thể kết thúc sự nghiệp chính trị.
Thế nhưng đó cũng có thể sẽ là quyết định sáng suốt vì hiện nay các hãng cá cược đang quảng cáo rầm rộ trên báo về tỷ lệ cá cược 2 ăn 1 nếu Boris Johnson sẽ lên thay David Cameron.
Từ một góc độ khác, trong một bài phỏng vấn trên báo Metro sáng nay, nghị sĩ quốc hội thuộc đảng bảo thủ mà cũng đang là ứng viên chạy đua vào chức thị trưởng Luân Đôn Zac Goldsmith giải thích rằng ông biết việc tuyên bố muốn rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu sẽ khiến ông mất nhiều phiếu bầu từ dân chúng Luân Đôn trong cuộc bầu cử sắp tới.
Bản thân ông cũng là doanh nhân thành đạt và trong nhiệm kỳ trước công việc kinh doanh đã đóng thuế hàng triệu bảng vào cho ngân sách, nhưng cho rằng tương lai của Luân Đôn không liên quan gì nhiều tới quyết định của nước Anh có rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu hay không.
Nhóm cố vấn kinh tế của thị trưởng Boris Johnson thì nói rằng với các điều kiện mà thủ tướng David Cameron đã thỏa thuận với các nước Liên Hiệp Châu Âu thì trong trường hợp nước Anh ở lại trong khối các công ty tài chính ở Luân Đôn sẽ chịu nhiều rủi ro.
Boris Johnson khiến giới kinh doanh hoang mang 
Đa số các tập đoàn tài chính và kinh tế lớn đều đưa ra những dự phóng bất lợi cho nền kinh tế Anh trong trường hợp người dân bỏ phiếu rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Từ hồi tuần trước ngân hàng toàn cầu HSBC đã nói rằng khi đó họ sẽ chuyển khoảng 1000 việc làm sang Paris, tức là một phần năm con số nhân lực của tập đoàn này trên toàn thế giới. Chỉ cần một tuyên bố của thị trưởng Boris Johnson mà tỷ giá đồng bảng Anh rớt xuống mức thấp nhất của hồi bảy năm trước, và ngay lập tức nước Anh bị cảnh báo về chỉ số đánh giá tín dụng.
Hiện có một phần ba số tập đoàn kinh tế đang xếp hạng trong chỉ số FTSE 100 của Anh cùng nhau ký kết một thông cáo chung ủng hộ việc bỏ phiếu tiếp tục giữ lại tư cách thành viên Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có tập đoàn hàng không giá rẻ EasyJet, hay tập đoàn quốc phòng BAE Systems và hãng dầu Shell. Tuy nhiên, nhiều siêu thị lại không chịu tham gia ký kết, như là Tesco, Sainsbury và Morrisons.
Trước đây họ cũng đã giữ khoảng cách trong cuộc trưng cầu dân ý của xứ Scotland, giải thích rằng công việc kinh doanh cần phải được tách bạch ra với chính trị. Tổng kết lại, có thể thấy câu chuyện Brexit bất ngờ nóng lên và bùng nổ chỉ trong vòng vài ngày qua, khiến cho giới phân tích cũng không thể dự đoán gì nhiều hơn ngoài các chỉ dấu cho thấy trong vòng vài tháng nữa câu chuyện này sẽ còn tiếp tục nóng bỏng và trở thành tâm điểm dư luận của nước Anh.
Hiện các cuộc họp ở quốc hội mới chỉ tập trung bàn cãi về vai trò độc lập và chủ quyền của nước Anh trong thể chế này, mà theo một số tóm lược trên báo chí thì sẽ còn rất nhiều vấn đề khác chưa được tranh cãi đến tận cùng, như di dân và trợ cấp xã hội, hay chính sách nông nghiệp và ngư nghiệp, ngoại thương, đối ngoại và an ninh quốc phòng.
Điều đáng chú ý nhất là trong trường hợp nước Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu thì sẽ phải đàm phán lại tất cả các hiệp ước và trên thực tế thì sẽ không bao giờ đủ thời gian để kết thúc công việc đó.