Điểm Báo Pháp – 23-2-2016
Nhà máy sản xuất thép Đông Bắc, Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, TC, 18/01/2013 – REUTERS
Theo RFI – Minh Anh – 23-02-2016
Nguyên nhân dư thừa sản xuất công nghiệp TC
«Dư thừa công nghiệp: TC làm thế giới lo âu» là hàng tít lớn thứ hai trên nhật báo kinh tế Les Echos số ra ngày 23/02/2016. Sản lượng thép của TC hiện nay cao gấp đôi so với tổng sản lượng của các nước Nhật, Mỹ, Ấn và Nga gộp lại. Vấn đề là chính quyền trung ương không thể nào buộc các địa phương phải tuân thủ các chính sách đề ra. Đối với châu Âu, tình hình này đang đe dọa nền kinh tế thế giới.
Trong bài viết đề tựa «Dư thừa khả năng sản xuất công nghiệp: Nguyên nhân của sự trượt đà tại TC», Les Echos nhận định nguồn cung hiện nay đang vượt quá mức cầu thế giới. TC sản xuất nhiều gấp hai lần so với sản lượng của bốn nước Nhật, Mỹ, Nga và Ấn gộp lại.
Gần 2/3 nhà máy sản xuất nhôm của TC ngốn tiền nhiều hơn là thu lợi. Chưa đầy hai năm từ năm 2011-2012, mức sản xuất xi măng của TC nhiều hơn là của Hoa Kỳ trong suốt cả thế kỷ XX.
Đến mức chủ tịch Phòng Thương Mại Châu Âu tại Bắc Kinh, ông Joerg Wuttke hôm thứ Hai (22/02/2016) trong bản tổng kết, phê phán một cách thẳng thắn tiến trình dư thừa sản lượng công nghiệp TC từ năm 2009 cho đến ngày hôm nay. Ông cho rằng hiện tượng dư thừa đó không chỉ đe dọa nền kinh tế đất nước mà cả thế giới.
Điều tra chống trợ giá
Vì sao nên nỗi, trong khi mà TC đã hứa là sẽ giải quyết vấn đề này tận gốc rễ? Theo nhật báo kinh tế, lý do thứ nhất là một phần do tư tưởng làm vừa lòng nhau. Để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế 2008 và vực dậy ngành xuất khẩu bị tụt giảm thê thảm, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng ồ ạt biến đất nước thành một công xưởng khổng lồ. Các van tín dụng được mở hết công suất.
Trong bối cảnh đó, vừa để làm vui lòng Bắc Kinh cũng như do chính truyền thống «cộng sản» vừa đủ để tự cung tự cấp cho khu vực, mỗi chính quyền địa phương cũng muốn có cơ sở sản xuất thép, xi măng hay lọc dầu của riêng mình. Khi nói đến dư thừa khả năng sản xuất công nghiệp, «chúng ta đang nói về 150.000 doanh nghiệp công», theo như lời nhận định của ông Joerg Wuttke.
Thêm vào đó là chính sách thuế khóa, chính sách chia lợi tức của các doanh nghiệp công hay như kiểu văn hóa có định hướng nghĩa là trước hết phải chinh phục một phần thị trường. Mọi việc cứ thế mà nở rộ dù là các tín hiệu trì trệ ngày càng lộ rõ.
Làm thế nào trở thành một thị trường chung là cả một bài toán hóc búa cho Bắc Kinh. Bất chấp các lệnh từ trung ương là phải giảm bớt quy mô sản xuất, nhưng đối với các lãnh đạo địa phương, điều trước tiên là phải bảo đảm công ăn việc làm cho người dân trong vùng.
TC: Dân mất niềm tin vào đồng nội tệ
Liên quan đến nguồn dự trữ ngoại hối, Le Monde cho biết là «TC đối mặt với thất thoát dòng vốn chưa từng có». Chỉ trong vòng có một năm rưỡi, gần 1.000 tỷ đô la đã bốc hơi. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2015, người dân TC tích trữ đến 250 tỷ đô la.
Kinh tế trì trệ, buộc các doanh nghiệp và cá nhân gởi các khoản tiết kiệm ra nước ngoài là nguyên nhân chính của sự thất thoát này. Để có thể ngăn cản hiện tượng thất thoát gây bất ổn cho chính sách tiền tệ của mình, Bắc Kinh ồ ạt mua đồng nhân dân tệ nhưng nguồn dự trữ vẫn cứ bị hao mòn dần. Bất chấp việc gia tăng kiểm soát, người dân TC dùng đủ các mánh khóe để có thể gởi tiền ra nước ngoài.
Các bổn phận của truyền thông TC
Trên lĩnh vực truyền thông, thông tín viên của Les Echos tại Bắc Kinh cho «Tập Cận Bình nhắc nhở giới truyền thông về các ‘bổn phận’ của mình».
Hôm thứ Sáu 19/02, khi đến thăm ba cơ quan báo chí Nhật báo Nhân dân, Tân Hoa Xã và đài truyền hình trung ương CCTV, chủ tịch TC nhắc nhở cả ba cơ quan này về đường hướng biên tập: Đó là phải tuân theo sự chỉ đạo từ trung ương và không một nơi nào khác. Lời tuyên bố được Tân Hoa Xã trích dẫn: «Mục đích cơ bản (…) là phải tuân thủ nghiêm ngặt vào sự lãnh đạo của Đảng».
Điều đó thể hiện uy quyền và sự thống nhất của Đảng. Do vậy, «giáo dục tư tưởng Mác-xít »phải được phổ biến trong hãng ngũ phóng viên để biến họ thành những nhà «phổ biến các chính sách và đề xuất của Đảng », thành những nhà «tuyên truyền các tiến bộ xã hội » hay như người «gác giữ cho sự công bằng và công lý ».
Truyền thông của Đảng còn phải «hướng dẫn công luận », phục vụ «lợi ích quốc gia », «củng cố niềm tin », «nói lên điều đúng của cái sai » hay như «kết nối TC với thế giới »…
Thông tín viên nhật báo cho rằng những lời nhắc nhở đó còn ẩn chứa một hàm ý. Còn vài tháng nữa là TC sẽ phải bầu mới lại một phần lớn Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị. Việc bố trí các nhân sự đang gia tăng, nhưng cũng không quên kiểm duyệt Internet hay bắt bớ những người đấu tranh bảo vệ người lao động.
Tập Cận Bình còn nói rõ: «Các quan chức phải tăng cường các hoạt động tương tác với các truyền thông và sử dụng tốt các công cụ này để công luận hóa các chính sách và ý tưởng của mình». Les Echos không quên nhắc lại là trong chuyến thăm các cơ quan báo chí, tháp tùng với chủ tịch TC còn có Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan), mà thông tín viên nhật báo gọi là «Ngài tuyên truyền » của TC.
David Cameron đánh bài liều với châu Âu.
Le Monde trở lại sự việc Bruxelles và Luân Đôn đạt một thỏa thuận để giữ Anh quốc ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Sau hai ngày thương lượng căng thẳng, thủ tướng Anh cuối cùng cũng đạt được một số nhượng bộ từ châu Âu để có thể thuyết phục người dân Anh trong kỳ trưng cầu dân ý 23/06/2016 tới đây. Câu hỏi đặt ra liệu những thỏa thuận đạt được đó có đủ để cho phe « thuận » thu được thắng lợi hay không?
Le Monde cho rằng «chưa có gì là bảo đảm». Thủ tướng Anh chỉ có vài lập luận sít sao để nói rằng đất nước, vào thời điểm toàn cầu hóa kinh tế và các đe dọa chiến lược mới nảy sinh, có lẽ khó mà bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ khi ra khỏi châu Âu hơn là ở lại.
Vấn đề hiện nay ông đang phải đối mặt với một chính đảng chống châu Âu, một chính phủ bị chia rẽ và một giới truyền thông bài châu Âu. Do không thể đạt được đồng thuận về một dự án tương lai, phe «Brexit » đã để cho cảm giác bực dọc phản kháng của công luận chiếm lấy mà người dẫn đầu là thị trưởng thành Luân Đôn, ông Boris Johnson.
Thủ tướng Anh đang đánh một ván cờ lớn. Nếu phe «chống » thắng cuộc, không chỉ có châu Âu là người gánh hậu quả. Xứ Scotland, vốn dĩ ủng hộ châu Âu, rất có thể quyết định ra khỏi Vương quốc Anh. Thủ tướng Cameron, vì để thỏa mãn một tinh thần dân tộc chủ nghĩa Anh hẹp hòi, đang gánh lấy rủi ro làm tan rã châu Âu và ngay cả chính đất nước mình. Nói tóm lại là ông đang chơi ván bài «được ăn cả ngã về không », như tựa đề bài xã luận của Le Monde.
Boris Johnson gây náo loạn chính trường Anh
Boris Johnson cũng đang chơi ván cờ «được ăn cả ngã về không » trên hồ sơ Brexit như hàng tít nhỏ trên Libération. Đây cũng là chủ đề thời sự nóng bỏng được các báo Pháp hôm nay bàn tán sôi nổi.
« Brexit: Đợt xuất kích mới của Boris Johnson», «Brexit: Boris Johnson, người đàn ông làm David Cameron run rẩy» lần lượt là tựa các bài viết trên Libération và Le Figaro. Đối với các báo, khi gia nhập phe «out » theo như cách gọi của Libération, thị trưởng Luân Đôn trước tiên muốn nhắm tới chiếc ghế lãnh đạo đảng bảo thủ. Và đồng thời vị trí thủ tướng chính phủ.
Rõ ràng là «Boris Johnson đang thách thức David Cameron trên hồ sơ Brexit» như tựa đề bài viết của Le Monde. Một cú tát đau điếng dành cho thủ tướng Anh và phe ủng hộ ở lại trong Liên Hiệp. Bởi vì, cho đến giờ phút này phe «chống » vẫn còn thiếu một tiếng nói có trọng lượng. Cái tài tung hứng của thị trưởng Luân Đôn rất có thể sẽ mang đến một sự khác biệt.
Nếu như công luận Anh vẫn phân hóa trên hồ sơ này, thì sự việc cũng làm lộ rõ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Bảo thủ Anh về hồ sơ châu Âu. Tuy nhiên, đàng sau hành động «phản pháo » đó, còn là cả một sự tính toán chính trị. Quyết định này của ông Johnson cho thấy một chiến lược khôn khéo.
Trưng cầu dân ý về việc ở hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu có nguy cơ biến thành một dạng bầu cử sơ bộ để dành quyền lãnh đạo đảng bảo thủ Anh. Vì cho đến giờ phú này, ông George Osborne, bộ trưởng Tài Chính trên nguyên tắc được xem như là người kế nhiệm lý tưởng của David Cameron.
Les Echos nhìn sự việc này dưới góc cạnh kinh tế cho rằng: «Brexit: Người nhấn chìm đồng bảng Anh». Đô trưởng Luân Đôn đã chứng tỏ cho thấy hết tầm ảnh hưởng mà ông có được lên thị trường ngoại hối. Sau khi tuyên bố gia nhập phe «Brexit » – tức ủng hộ Anh quốc ra khỏi khu vực Liên Âu, đồng bảng Anh đã bị rớt giá, xuống đến mức thấp nhất kể từ 7 năm nay so với đô la và 1% so với đồng euro.
Thủ tướng Anh, David Cameron, đã bảo vệ lập trường của mình trước Nghị Viện và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc trưng cầu dân ý 23/06 tới đây. Ông khẳng định chính người dân Anh sẽ «đưa ra quyết định chính trị quan trọng nhất trong đời họ».
Trang nhất các báo Pháp
Thời sự tại Pháp hầu như là tít chính trên các trang báo Pháp sáng nay. Libération quan tâm đến đến vùng Calais «một khu trại tị nạn không hồi kết». Calais là điểm tập kết của những người nhập cư trái phép, mơ ước tìm cách đến thiên đường Anh quốc bên kia bờ biển Manche.
Tấm ảnh trên trang nhất cho thấy hình ảnh những lều trại tạm bợ được dựng lên trên nền đất bùn lầy, đọng nước trông đến nhếch nhác. Tuy nhiên, việc chính phủ Pháp quyết định cho phá dỡ toàn bộ khu tập kết trái phép này lộ rõ sự bất lực của chính quyền trong việc giải quyết vấn đề người nhập cư trái phép.
«Hollande khơi dậy một sự nghi kị ngày càng lớn ngay trong lòng đảng cầm quyền» là hàng tít lớn của Le Figaro. Các tranh luận về tước quốc tịch và cải cách Luật Lao Động đang gây ra những thiệt hại. Trong một thăm dò mới nhất, nguyên thủ Pháp mất đến 7 điểm ở những người ủng hộ đảng Xã Hội. Ngay cả những người thân cận của ông cũng bắt đầu tỏ ra do dự.
Les Echos trên trang nhất đặt câu hỏi: «Vì sao giá dầu thô vẫn sẽ thấp ». Tờ báo trích dẫn các đánh giá của Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế AIE cho rằng sự tái cân bằng với tiêu thụ có thể sẽ bắt đầu từ năm 2017. Giá dầu cần một thời gian để tăng trở lại do lượng tồn kho vẫn còn dồi dào.
Tình hình tại Trung Đông là chủ đề thời sự quốc tế chính trên hai nhật báo Le Monde và La Croix. «Người Kurdistan giữa hai làn đạn» là nhận định của Le Monde. Lực lượng dân quân người Kurdistan hiện đang kiểm soát nhiều khu phố lớn tại Nusaybin, Syria giờ trong thế sẵn sàng đón một đợt tấn công lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng cùng lúc thành phố biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ này giờ đang sống theo nhịp của cuộc nội chiến tại Syria.
Còn «Tại Israel, nỗi sợ thường nhật » là nhận xét của La Croix. Từ tháng 10/2015, gần 230 vụ tấn công của người Palestin là nhắm vào người dân Israel, phần lớn là bằng dao mác.