Tên lửa ở Hoàng Sa: Khẩu chiến Mỹ-Trung-Đài

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tên lửa ở Hoàng Sa: Khẩu chiến Mỹ-Trung-Đài

Tên lửa Hồng Kỳ HQ-9 trên đường phố Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 03/09/2015Wikipedia

Theo RFI
Đăng ngày 17-02-2016 Sửa đổi ngày 17-02-2016 15:46
Trung Quốc đã cho triển khai tên lửa phòng không hiện đại trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Biển Đông), đang tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. Hành động này vào hôm nay 17/02/2016 đã bị Washington và Đài Bắc vạch trần và tố cáo, nhưng Bắc Kinh đã phủ nhận thông tin trên, cho đấy là lời bịa đặt của « một số phương tiện truyền thông phương Tây ».
Sự kiện Trung Quốc bố trí tên lửa trên đảo Phú Lâm đã được đài truyền hình Mỹ Fox News tiết lộ ngay từ tối hôm qua, dựa trên những bức ảnh vệ tinh mới chụp vào hôm 14/02. Theo nguồn tin trên, hai khẩu đội gồm tám bệ phóng tên lửa địa đối không đã được triển khai tuần qua. Loại tên lửa bố trí trên đảo Phú Lâm được cho là hệ thống phòng không Hồng Kỳ HQ-9, với tầm bắn khoảng 200 km.
Thông tin kể trên sau đó đã lần lượt được một lãnh đạo Lầu Năm Góc rồi phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Đài Loan xác nhận.
Theo tướng La Thiệu Hòa (David Lo), được Reuters trích dẫn, thì « Các bên liên quan nên làm việc với nhau để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và tránh những biện pháp đơn phương có thể làm căng thẳng gia tăng ».
Còn đối với đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ thì việc triển khai các tên lửa trên quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông hoàn toàn đi ngược lại cam kết của Trung Quốc là không quân sự hóa khu vực.
Phát biểu tại Tokyo bên lề cuộc tiếp xúc với giới chức quốc phòng Nhật Bản, ông Harris cho rằng đó rõ ràng là một hành động « quân sự hóa theo hướng mà ông Tập Cận Bình từng nói là sẽ không làm ».
Những cáo buộc của Mỹ và Đài Loan đã lập tức bị Trung Quốc bác bỏ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phủ nhận các thông tin được đưa ra, gọi đấy là những tin bịa đặt « của một số phương tiện truyền thông phương Tây ». Ông kêu gọi các chính phủ phương Tây là nên chú ý nhiều hơn đến các ngọn hải đăng mà Trung Quốc đã xây dựng trong khu vực.
Đối với ông Vương Nghị, sự hiện diện của những công trình được ông gọi là « cơ sở tự vệ » mà Trung Quốc đã xây dựng trên các đảo và đá có người Trung Quốc cư ngụ đều « phù hợp với quyền tự bảo vệ của Trung Quốc được luật pháp quốc tế cho phép », do đó nước ngoài không nên can dự vào.
Về phần mình, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng cho rằng việc Trung Quốc xây dựng cơ sở trên các đảo ở Biển Đông không thể bị ví như một hành động nhằm quân sự hóa khu vực vì điều đó thuộc phạm vi bảo vệ đất nước.