TC khai triển tên lửa ở Hoàng Sa
Theo BBC – 17 tháng 2 2016
Tin cho hay TC đã triển khai tên lửa và hệ thống radar trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Hành động này có nguy cơ làm tăng căng thẳ̀ng trong khu vực mới đây đã xảy ra nhiều sự kiện.
Hôm 30/1, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong điều mà Hoa Kỳ gọi là “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOP).
Cũng có tin TC đang cải tạo và xây căn cứ trực thăng ở quần đảo Hoàng Sa.
Hãng Fox News chiếu hình ảnh chụp từ vệ tinh do công ty ImageSat International cung cấp cho thấy hiện diện của hai khẩu đội tên lửa với tám bệ phóng, và một hệ thống radar trên đảo Phú Lâm.
Đây là đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa và là nơi TC đã xây dựng căn cứ quân sự.
Sau đó tin này đã được giới chức một số quốc gia xác nhận.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao TC Vương Nghị bác bỏ và nói báo chí phương Tây thêu dệt việc này.
Trong ngày 17/02, Đài Loan cho hay theo họ thì “Trung Quốc đã đưa hỏa tiễn ra Biển Nam Trung Hoa”.
Bộ Quốc phòng TC đáp lại rằng TC “có quyền lợi chính đáng và hợp pháp trong việc bố trí các cơ sở phòng thủ trong phạm vi lãnh thổ của mình”.
Cục Thông tin Bộ Quốc phòng TC tuyên bố Tây Sa (tức Hoàng Sa) là “lãnh thổ vốn có của Trung Quốc”.
“Trung Quốc có quyền lợi chính đáng và hợp pháp trong việc triển khai các cơ sở phòng thủ trong phạm vi lãnh thổ của mình, nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia.”
“Việc Trung Quốc bố phòng trên các đảo đá liên quan đã có từ lâu, sự thổi phồng và hâm nóng của cá biệt phương tiện truyền thông hoàn toàn là nhai lại giọng điệu cũ rích về cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc,” Bộ Quốc phòng TC nói.
Tên lửa phòng không
Fox News dẫn nguồn một quan chức Hoa Kỳ nói dường như đây là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, có tầm che phủ 200km và có thể đe dọa các máy bay bay gần đó.
Ảnh vệ tinh hôm 3/2 cho thấy một vị trí trống không nhưng cũng nơi đó hôm 14/2 đã xuất hiện các tên lửa.
Việc triển khai tên lửa đất đối không chắc chắn gây quan ngại an ninh cho các nước xung quanh khu vực Hoàng Sa, và cả cho các bên có quyền lợi hàng không và hàng hải tại đây.
Một số chuyên gia cho rằng hành động này có thể là phản ứng đối với việc Hoa Kỳ điều tàu vào sát đảo Tri Tôn hôm 30/1.
TC tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông nhưng sẵn sàng phòng thủ.
Nước này cho rằng Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc về TC, bởi vậy triển khai vũ khí tại các quần đảo này là quyền chủ quyền của TC.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Bill Urban, nói với báo chí rằng ông không bình luận về các chủ đề liên quan tình báo nhưng chúng tôi theo dõi chúng rất chặt chẽ”.
Việt Nam, nước cũng tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa, chưa có phản ứng trước việc TC triển khai tên lửa.
Tuy nhiên hôm 31/1, khi nói về vụ tàu chiến Mỹ áp sát đảo Tri Tôn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố “Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải” của tàu Mỹ theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
‘Không có lựa chọn’
Tiến sỹ Ian Storey, chuyên gia về an ninh khu vực ở Singapore, nói với BBC: “Việt Nam chắc chắn sẽ hết sức quan ngại trước hoạt động nâng cấp khả năng quân sự đáng kể này của TC ở Hoàng Sa”.
Theo ông Storey, Việt Nam sẽ phản đối và nói đây là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, và vi phạm cam kết không quân sự hóa Biển Đông mà Tập Cận Bình đưa ra hồi năm ngoái.
“Thế nhưng Việt Nam không có lựa chọn nào cả.”
“Việt Nam không thể làm gì để khiến TC rút tên lửa đi. Những tên lửa này sẽ ở lại đó và thậm chí có thể sẽ dẫn đến việc TC thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên phía bắc Biển Đông, nơi có quần đảo Hoàng Sa. Trong tương lai TC sẽ tiếp tục các hoạt động như vậy xuống quần đảo Trường Sa, nơi nước này đang tích cực xây đảo nhân tạo.”
Một điều đáng chú ý, theo Tiến sỹ Storey, là vì tranh chấp Hoàng Sa trên thực tế chỉ là giữa hai nước Việt Nam và TC (Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền nhưng không tham gia tranh chấp một cách tích cực), việc triển khai tên lửa ở đây sẽ không gây phản ứng gay gắt từ các nước khác trong khu vực, nếu so với quần đảo Trường Sa.
“Tôi cho là các nước khác sẽ tảng lờ hoặc im lặng trước việc này.”
Tuy nhiên ông Storey cảnh báo rằng trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa đi liền với nhau và “căng thẳng gia tăng trong khu vực sẽ ảnh hưởng tới tất cả các nước”.