Tin tổng hợp Thượng đỉnh Sunnylands 16/2/2016
Tuyên bố Sunnylands của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN
17.02.2016
Những nguyên thủ của các nước thành viên thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh tại Sunnylands, bang California, vào ngày 15 và 16 tháng 2, 2016.
Thông cáo của Tòa Bạch Ốc nói hội nghị “đánh dấu một năm bước ngoặt” cho cả ASEAN và cho mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng gần gũi giữa Hoa Kỳ và ASEAN, và nêu lên 17 nguyên tắc chính yếu “hướng dẫn sự hợp tác của chúng ta tiến về phía trước.”
Những nguyên tắc này bao gồm:
1. Sự tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, sự bình đẳng và sự độc lập chính trị của tất cả các quốc gia bằng tuân thủ vững chắc những nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế;
2. Tầm quan trọng của sự thịnh vượng chung, tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện, bền vững, và bồi dưỡng những người trẻ tuổi của chúng ta để duy trì hòa bình, phát triển và ổn định liên tục vì lợi ích chung;
3. Sự công nhận chung tầm quan trọng của việc theo đuổi những chính sách dẫn tới những nền kinh tế năng động, cởi mở và có tính cạnh tranh giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nên công ăn việc làm, cải tiến, tinh thần sáng nghiệp và sự kết nối, và những chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa và thu hẹp khoảng cách phát triển;
4. Cam kết của chúng ta đối với việc bảo đảm cơ hội cho tất cả người dân của chúng ta, thông qua việc củng cố nền dân chủ, tăng cường nền quản trị tốt và tuân thủ nền pháp trị, cổ súy và bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản, khuyến khích thúc đẩy sự dung chấp và ôn hòa, và bảo vệ môi trường;
5. Tôn trọng và ủng hộ Tính Trung tâm của ASEAN và những cơ chế do ASEAN dẫn đầu trong kiến trúc khu vực đang phát triển của châu Á-Thái Bình Dương;
6. Tuân thủ vững chắc một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ mà duy trì và bảo vệ những quyền và đặc quyền của tất cả các nước;
7. Cam kết chung đối với việc giải quyết hòa bình những tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ những quy trình pháp lý và ngoại giao, mà không cần tới sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế và Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS);
8. Cam kết chung đối với việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm những quyền tự do hàng hải và và bay ngang và những hình thức khác sử dụng những vùng biển một hợp pháp, và thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở như được mô tả trong Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) cũng như phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành những hoạt động;
9. Cam kết chung đối với việc tăng cường hợp tác để giải quyết những thách thức chung trong lĩnh vực hàng hải;
10. Quyết tâm mạnh mẽ dẫn đầu trong những vấn đề toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, buôn người, buôn ma túy, và đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý, cũng như buôn bán bán bất hợp pháp dã sinh và gỗ;
11. Cam kết chung đối với việc giải quyết biến đổi khí hậu và phát triển một khối ASEAN bền vững về môi trường, cũng như thực thi những đóng góp mà cá nhân mỗi nước quyết định ở cấp quốc gia, được nêu ra theo Thỏa thuận Khí hậu Paris;
12. Cam kết chung đối với việc thúc đẩy an ninh và ổn định trong không gian mạng phù hợp với những chuẩn mực về hành vi của nhà nước chịu trách nhiệm;
13. Hỗ trợ sự thăng tiến một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, ổn định, gắn kết về mặt chính trị, hội nhập về mặt kinh tế, có trách nhiệm về mặt xã hội, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm và dựa trên luật lệ;
14. Cam kết chung đối với việc tăng cường kết nối giữa người dân với người dân thông qua những chương trình có sự tham gia của ASEAN và người dân Mỹ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, và thúc đẩy những cơ hội cho tất cả người dân của chúng ta, đặc biệt là những người dễ bị tổn hại nhất, để hoàn thành viễn kiến của Cộng đồng ASEAN;
15. Cam kết chung đối với việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn cầu cho sự phát triển bền vững thông qua việc thực thi Chương trình Phát triển Bền vững năm 2030 và Chương trình Hành động Addis Ababa, để bảo đảm một xã hội bền vững, công bằng và đa thành phần mà không ai bị bỏ lại đằng sau;
16. Cam kết chung đối với việc tăng cường sự hợp tác tại những diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại những cơ chế hiện hành do ASEAN dẫn đầu; và
17. Cam kết chung đối với việc tiếp tục đối thoại chính trị ở cấp Nguyên thủ Nhà nước/Chính phủ thông qua sự tham dự của các Nhà Lãnh đạo của chúng ta tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN thường niên và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Mỹ-Asean có lập được ‘mặt trận chung’?
-
16 tháng 2 2016
Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Asean lần đầu tiên do Mỹ tổ chức tại địa điểm Sunnylands, California, đánh dấu mong muốn củng cố ảnh hưởng của Washington tại khu vực.
Trong ngày đầu tiên của cuộc họp, Tổng thống Barack Obama và các lãnh đạo đã bàn về các vấn đề kinh tế, gồm hiệp định TPP có bao gồm Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia.
Hôm thứ Ba cũng là ngày kết thúc hội nghị, họ sẽ bàn về an ninh hàng hải trên Biển Đông, nơi Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á cùng tuyên bố chủ quyền.
Cuộc họp tại Sunnylands mang ý nghĩa biểu tượng vì đây cũng là nơi ông Obama từng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hãng tin Reuters nói cuộc gặp nhằm chứng tỏ vai trò đối trọng của Washington trước Bắc Kinh và vai trò đối tác thương mại với Asean.
Tăng ảnh hưởng
Cố vấn an ninh Nhà Trắng Susan Rice nhấn mạnh các công ty Mỹ đã tăng gấp đôi đầu tư trong vùng kể từ 2008.
Bóng dáng TC vẫn hiện diện tại cuộc họp.
Reuters nói thử thách của Obama là thuyết phục mọi nước Asean đồng ý ký một tuyên bố mạnh mẽ về Biển Đông.
Giới chức Mỹ nói Bắc Kinh gây sức ép yêu cầu Campuchia và Lào không ký.
Báo TC, Thời báo Hoàn cầu, nói Sunnylands không phải là nơi để bàn về Biển Đông.
“Asean không có mong muốn đó, và Mỹ biết họ không thể làm được,” theo tờ báo.
Hãng tin AFP cũng cho rằng mục tiêu trước mắt của cuộc họp là xây dựng “mặt trận thống nhất” chống việc TC xây đảo nhân tạo và gia tăng quân sự trong vùng tranh chấp trên biển.
Theo AFP, những người dự hội nghị sẽ thảo luận phản ứng về phán quyết của tòa án Liên Hiệp Quốc về đơn kiện của Philippines, dự kiến sẽ ra vào tháng Tư hoặc tháng Năm.
Tòa Trọng tài Quốc tế sẽ phán quyết liệu yêu sách “đường chín đoạn” của TC có giá trị pháp lý hay không.
Theo AFP, một tuyên bố ủng hộ chung của Mỹ và Asean về phán quyết của tòa sẽ tạo sức ép lên TC, nước từ chối tham gia vụ kiện của Philippines.
Hồ sơ nhân quyền
Tuy vậy, hãng tin AP nói một thách thức cho Mỹ là thúc đẩy “trật tự dựa theo quy tắc” trong một khu vực có hồ sơ trái ngược về dân chủ và pháp quyền.
Tại Đông Nam Á, chỉ có Indonesia và Philippines nhìn chung được gọi là nền dân chủ.
Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói đa số các nước trong Asean “có hồ sơ nhân quyền rất tệ”.
Bốn trong số 10 lãnh đạo được mời đều sắp rời chính trường, giống ông Obama.
Một người trong đó, Tổng thống Myanmar, chỉ gửi người phó đến Mỹ.
Tuy vậy, Daniel Russel, nhà ngoại giao Mỹ phụ trách vùng Đông Á, tuyên bố cuộc họp là dịp để quảng bá giá trị Mỹ và tôn trọng nhân quyền.
“Hun Sen sẽ không nghe lời cấp dưới, Tướng Prayuth sẽ không nghe đồng sự, nhưng họ sẽ nghe John Kerry, Barack Obama,” ông Russel nói với các phóng viên.
Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn với TC
Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, những hành động thiết thực, hiệu quả hơn, để chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Yêu cầu này được Thủ tướng Việt Nam đưa ra trong buổi hội kiến với Tổng Thống Mỹ Barack Obama, bên lề Thượng Đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN diễn ra tại bang California.
Trong buổi gặp gỡ diễn ra cách đây chừng 24 tiếng đồng hồ, Thủ tướng Việt Nam bày tỏ mối quan tâm về tình hình Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn với ý đồ quân sự hóa trong khu vực. Ông cũng nhắc lại lập trường của Việt Nam là tất cả mọi Quốc gia liên can đến cuộc tranh chấp chủ quyền phải tôn trọng, nghiêm túc thực hiện các điều khoản đã ký kết trong Tuyên Bố Về Ứng Xử, tức DOC, và nhanh chóng hoàn tất đàm phán để đạt được Bộ Quy Tắc về Ứng Xử Biển Đông, tức COC.
Tin tức do phía Việt Nam phổ biến cho thấy Thủ tướng Dũng không nêu tên bất kỳ nước nào, nhưng được hiểu là ông muốn nói tới TC và những hành động Bắc Kinh đã và đang làm ở Biển Đông.
Cũng trong buổi hội kiến, Tổng Thống Hoa Kỳ lên tiếng chia sẻ quan điểm với Việt Nam, nói rằng chính phủ Mỹ lo ngại về tình hình Biển Đông và ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực ngoại giao và tiến trình pháp lý nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên cơ sở luật pháp Quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và DOC.
Ngoài ra, Thủ tướng Dũng cũng nhắc lại lời mời Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam, và Tổng Thống Obama nhận lời, cho hay ông sẽ ghé thăm Hà Nội vào cuối tháng Năm tới đây, nhân dịp đi Nhật Bản để dự thượng đỉnh G-7.
TC hạ giảm tầm quan trọng của Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN
17.02.2016
Truyền thông nhà nước TC cố giảm nhẹ ý nghĩa của cuộc họp hai ngày của Tổng Thống Barack Obama với lãnh đạo 10 nước thành viên của Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á- ASEAN ở Synnylands, bang California. Họ nói rằng các cuộc thảo luận tại đó khó có thể đưa đến các quyết định địa chính trị đáng kể nào.
Mặc dù vậy, các bài xã luận và nhận định trên mạng nêu bật những quan tâm của Bắc Kinh là cuộc họp này có thể được dùng để hình thành một nhận thức chung về phương cách giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Một bài xã luận đăng trên tờ Hoàn Cầu Thời báo được sự hậu thuẫn của Đảng Cộng sản Trung Hoa, có hàng tít: “Sunnylands không phải là nơi chốn để thảo luận tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa” (Biển Đông).
Bài báo lập luận rằng trong khi mong muốn nới rộng quan hệ của các nước ASEAN và Mỹ là điều có thực, đa số các nước có phần chắc sẽ không chọn nghiêng về một phe giữa Bắc Kinh và Washington.
Bài xã luận có đoạn viết: “Các nước này có thể biết rằng nếu họ ngả về một phe dù là Trung Quốc hay là Hoa Kỳ, họ sẽ bị kiểm soát và bị lợi dụng.”