Sunnylands triển vọng chưa rõ ràng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sunnylands triển vọng chưa rõ ràng
Đây là hội nghị thượng đỉnh với Asean đầu tiên do Mỹ chủ trì – Image AFP

Theo BBC – 15 tháng 2 2016

Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Asean lần đầu tiên do Tổng thống Barack Obama chủ trì đã kết thúc ngày họp đầu tiên tại Sunnylands, California.

Ông Obama dường như muốn để lại dấu ấn như người đặt viên gạch cho một giai đoạn mới trong đó quan hệ với khối Đông Nam Á được đặt mức quan trọng chiến lược.

Thế nhưng thành quả đạt được đến đâu thì lại là điều chưa ai nói trước được.

Quan hệ đối tác chiến lược

Các thượng đỉnh Asean-Hoa Kỳ đã được tổ chức từ năm 2013 tới nay nhưng mãi tới 2016, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Barack Obama, Hoa Kỳ mới chủ trì một cuộc họp chính thức với 10 nước thành viên Asean.

Hội nghị này tiếp theo nỗ lực nâng quan hệ giữa Mỹ và khối Asean lên thành quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 11/2015 tại Kuala Lumpur. Các bên cũng đã thông qua chương trình hành động cho 5 năm tới.

Với việc tổ chức hội nghị Sunnylands, Tổng thống Obama tiếp tục duy trì và nâng cao chiến lược xoay trục về châu Á, đồng thời chú trọng Đông Nam Á.

Trong bài phát biểu khai mạc Thượng đỉnh Sunnylands, ông “khoe” mình là người thăm Đông Nam Á nhiều nhất trong các tổng thống Mỹ.

AP –
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự hội nghị sau khi thay đổi quyết định vào phút chót

Một vài chi tiết cho thấy khu vực Asean lâu nay chưa được Mỹ quan tâm xứng đáng: khối Asean là bạn hàng thương mại lớn thứ tư của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Asean. Lượng đầu tư của Mỹ vào các nước Đông Nam Á lớn hơn vào ba thị trường lớn là TC, Nhật Bản và Ấn Độ gộp lại.

Thế nhưng trong khi cả TC và Nhật đều đã có cơ chế hội nghị song phương với Asean gần 20 năm nay, mãi gần đây Mỹ mới bắt đầu nhúc nhích. Phải chăng cuối cùng Washington đã thừa nhận tầm quan trọng của Asean trong bối cảnh TC trỗi dậy và gây ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương?

Thách thức từ bên trong

Trong khi nhìn nhận vị thế của Asean, chắc chắn Hoa Kỳ cũng không thể không nhìn thấy những khó khăn mà khối này đang phải đối phó trong hội nhập kinh tế.

Asean đang khởi động nhiều cơ chế hội nhập và hợp tác. Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm nay với mục tiêu thiết lập một thị trường chung cho khối.

Thêm vào đó, Asean cũng đang thương lượng thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với sáu quốc gia Đông Á là TC, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Hoa Kỳ thì muốn thu hút thêm các nước Asean ký kết hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm mở rộng khu vực tự do thương mại.

Hiệu quả của AEC và RCEP tới đâu thì còn phải bàn, nhưng mục tiêu mở rộng TPP cho khối Asean đang gặp nhiều trở ngại.

Lãnh đạo Asean và màn khoác tay đặc trưng của các hội nghị khối

Hiện mới có bốn nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam tham gia TPP. Ba nước Myanmar, Campuchia và Lào thậm chí còn chưa tham gia Apec, điều kiện cần để hướng tới TPP. Ba nước này hoàn toàn chưa sẵn sàng cho hội nhập kinh tế và đối diện nguy cơ bị thua thiệt rất lớn.

Mức phát triển của các nước Asean cũng không đồng đều và điều quan trọng nhất là thiếu tính trung tâm (centrality).

Không phải ngẫu nhiên mà lâu nay Hoa Kỳ luôn luôn cổ súy tính trung tâm trong khối Asean.

Đây là một mục tiêu rất khó, không chỉ vì các nước Asean có nhiều khác biệt về văn hóa, chính trị và kinh tế. Asean còn hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp; và điều này có nghĩa không có ai lãnh đạo ai.

Giải quyết khó khăn mấu chốt này trách nhiệm không phải của ai khác ngoài chính các nước Asean. Họ sẽ làm điều đó như thế nào?

Lãnh đạo Asean có thông lệ gặp nhau định kỳ trong các diễn đàn khu vực, mỗi năm ở một quốc gia. Họ mặc các bộ đồ giống nhau, tươi cười chào nhau, thân thiện ăn tối.

Họ chụp hình chung với màn khoác tay đặc trưng rồi ai về nhà nấy.

Liệu sau Thượng đỉnh Sunnylands sẽ có gì thay đổi hay không?