Điểm Báo Pháp – 15-2-2016
Biểu tình chống Ủy Ban Châu Âu mở cửa cho hàng trợ giá xuất khẩu TC, Bruxelles ngày 15/02/2016. – REUTERS/Yves Herman
Theo RFI – Tú Anh – 15-02-2016
Thép, sứ TC đe dọa công ăn việc làm châu Âu
Chiến tranh Syria, đối lập sợ bị bỏ rơi, hệ quả di dân nhập cư vào châu Âu, viễn cảnh khủng hoảng tài chính, hàng trăm ngàn công ăn việc làm tại châu Âu bị hàng xuất khẩu giá rẻ của TC đe dọa nếu Bruxelles không dứt khoát. Đó là những chủ đề quốc tế trên báo Pháp hôm nay 15/02/2016.
Ba tháng sau loạt khủng bố tại Paris giết chết 130 người và 250 người bị thương, Libération đề tựa : 13/11, phải tiếp tục sống. Ban nhạc Mỹ Eagles of Death Metal, thoát chết hôm 13/11/2015 trở lại Paris để vinh danh các nạn nhân bị khủng bố sát hại. Nhưng nhật báo cánh tả đặt câu hỏi «bồi thường như thế nào cho nạn nhân sóng sót ».
Chính phủ có quỹ đặc biệt 1,3 tỷ euro nhưng điều kiện không giống nhau: Một gia đình mà chồng và cha 38 tuổi bị khủng bố giết chết ở nước ngoài được Nhà nước trợ giúp tử tuất 550.000 euro trong khi một nạn nhân khác 57 tuổi, không bị thương tật nhưng bị khủng hoảng tinh thần, chỉ nhận được 57.000 euro.
Nhật báo Le Figaro đưa lên trang nhất «viễn ảnh khủng hoảng tài chính một lần nữa đe dọa vùng đồng tiền chung euro » và chuyến tông du của đức giáo hoàng, tươi cười đội mũ Mehicô, với thông điệp kêu gọi « Mêhicô hãy quay lại với Chúa, đừng để dục vọng, tham lam, giàu sang nhất thời lôi kéo ». Phải chống lại tình trạng một thiểu số tước đoạt quyền sống của đại đa số, để không còn thảm cảnh người nghèo phải « di cư » sang Mỹ tìm đất sống.
Nhật báo Le Monde, phát hành từ chiều tối thứ Bảy nên chỉ kịp đưa tin lãnh đạo Giáo Hội La Mã và giáo chủ Chính Thống Giáo Nga gặp nhau tại Cuba «trong một cuộc hòa giải lịch sử, một ngàn năm sau khi tách đôi».
TC bán phá giá thép, sứ?
Thời sự nóng nhất tại châu Âu là chính sách «cạnh tranh bất chính của TC đang đe dọa hàng trăm ngàn công ăn việc làm, công nghiệp luyện thép và đồ sứ của châu Âu». Hôm nay, chủ nhân và công đoàn nhân công của hai ngành này, khoảng 5000 đại biểu, từ khắp châu Âu kéo về Bruxelles, đòi Ủy Ban Châu Âu phải hành động cụ thể, duy trì thuế chống phá giá, bất chấp áp lực của Bắc Kinh.
Với tựa «Công nghiệp đồ sứ của châu Âu sẽ sụp đổ», Le Figaro cho biết «60.000 công việc trong công nghiệp sứ sẽ bị đe dọa» nếu vào tháng 12 năm nay, TC được cấp quy chế kinh tế thị trường. Mối lo sợ này có thật vì chỉ trong vòng năm năm đầu tiên từ 2004 đến 2011, sau khi TC gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, ngành sứ châu Âu từ chén bát, gạch bông… đã phải sa thải 50% nhân công trong khi thị phần của TC tại châu Âu tăng từ 22% lên 67%, tức gấp ba lần.
Cho đến 2011, châu Âu phải ban hành biện pháp đánh thuế chống trợ giá «dumping » 17% cho chén bát, 36,8% cho gạch hoa thì các công ty châu Âu mới phục hồi. Năm năm sau đó, đồ sứ TC bán sang châu Âu giảm gần 70%. Một bằng chứng cụ thể là sau khi thuế chống «dumping » có hiệu lực, tập đoàn Ikea của Thụy Điển bỏ hợp đồng ký với TC để chọn một đối tác châu Âu. Ngay lập tức, 300 việc làm được tạo ra thêm.
Một dân biểu của Nghị Viện Châu Âu cũng kêu gọi Ủy Ban Châu Âu đừng nghiêng theo áp lực của TC. Trước tiên, việc cấp quy chế «kinh tế thị trường cho TC chỉ liên can đến Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Nếu Ủy Ban Châu Âu mở cửa cho hàng trợ giá xuất khẩu TC thì sẽ xẩy ra chiến tranh thương mại giữa châu Âu với TC, đẩy châu Âu vào con đường tự sát ».
Theo vị dân biểu này thì châu Âu phải liên đới hành động với Nhật Bản và Mỹ. Đây cũng là nhận định của La Croix nhưng liên quan đến kỹ nghệ thép. Với tựa «Động viên tại Bruxelles chống TC cạnh tranh bất chính », nhật báo Công giáo nhắc lại một con số: một mình TC sản xuất 50% thép trên thế giới. Để thép TC tràn vào châu Âu thì cả lãnh vực luyện kim của châu Âu «tan hàng » theo một bức thư do 7 bộ trưởng kinh tế đồng ký gửi chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.
Từ nhiều tháng nay, châu Âu nghi ngờ TC bán phá giá để tiêu thụ số lượng thép tồn kho. Trong vòng 18 tháng, giá thép trên thị trường thế giới sụt đến 40%. Tập đoàn thép Acelor Mittal của Pháp, hiện đang sử dụng 18.000 nhân viên và công nhân đang gặp khó khăn. Bị lên án là thiếu hành động, thứ sáu vừa qua Ủy Ban Châu Âu mới thông báo mở «ba» cuộc điều tra ba mặt hàng thép TC, «sáu » cuộc điều tra khác đang tiến hành, và nếu có bằng cớ thì sẽ có biện pháp chống phá giá.
Vấn đề là những lời trấn an của giới công chức châu Âu không làm an lòng giới doanh nhân và công đoàn. Một lãnh đạo công ty thép Eurofer nhận định: Nỗ lực của Bruxelles «như một giọt nước trong biển cả. TC sản xuất 3000 loại sản phẩm bằng thép. Chưa kể bộ máy hành chánh kềnh càng kéo dài ít nhất 9 tháng, đủ cho chúng tôi biến mất». Cũng như vị dân biểu phân tích trên Le Figaro, nhà doanh nghiệp thép Eurofer, trên La Croix cũng thúc giục châu Âu không nên hành động đơn lẻ mà phải noi gương Mỹ: phải quyết định ngay trong vòng một tháng rưỡi.
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đe dọa toàn cầu, thông tín viên của Les Echos từ Bắc Kinh cho biết TC tìm cách trấn an. Sau một tuần lễ đóng cửa nghỉ Tết, hôm nay, thị trường chứng khoán TC là tâm điểm quan sát theo dõi vì trong tuần qua, các sàn giao dịch ở Hồng Kông, Tokyo và châu Âu bị lao đao. Ý thức được tình hình bất trắc này, thứ Bảy (13/02/2016) vừa qua, tuy đang nghỉ lễ, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước TC Chu Tiểu Xuân tuyên bố là «sẽ không có lý do gì phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu ».
TC sẽ «sử dụng mọi biện pháp để chống lại những ai đánh cược ngược lại». Theo Les Echos, không chắc gì lời tuyên bố này làm tan mối hoài nghi của giới đầu tư. Từ sau động đất tài chính hồi mùa hè, chính quyền TC chỉ tuyên bố có bao nhiêu đó. Tuy nhiên, sự kiện thống đốc Ngân Hàng Trung Ương lên tiếng có thể giới hạn được phần nào phản ứng bất tín nhiệm.
Thị trường tài chính: tâm lý vẫn hoảng loạn
Le Monde khẳng định “vùng euro bị khủng hoảng chứng khoán đe dọa” nhưng với hai kịch bản: nếu giới đầu tư bình tĩnh thì các sàn giao dịch sớm phục hồi và vùng euro có thể hưởng lợi do giá nhiên liệu xuống thấp. Ngược lại, nếu mối nghi ngờ ngân hàng không vững chắc vẫn tiếp tục thì hoảng loạn trên thị trường sẽ còn kéo dài và đưa đến tình trạng 2008.
Le Figaro dường như nghiên về giả thuyết thứ hai. Trong bài xã luận, nhật báo cánh hữu phát họa tình hình hiện nay không khác chi thời tiền khủng hoảng 2008. Nhưng có điểm khác biệt là giới ngân hàng rút kinh nghiệm và chuẩn bị chu đáo, nợ của các nước châu Âu cũng thấp. Giới chuyên gia có lý do khẳng định khủng hoảng hiện nay xuất phát từ tâm lý hoảng loạn. Thế nhưng, những lời trấn an này chỉ như gió thoảng. Giới đầu tư cũng có kinh nghiệm riêng mỗi lần sàn giao dịch chao đảo có nghĩa là lòng tin, động cơ vô hình của kinh tế và tài chính, bốc hơi. Từ đó, mọi kịch bản đều có thể xẩy ra kể cả cái tệ nhất.
Một thông tin trên Les Echos vô tình xác nhận giả thuyết này: Thị trường tác phẩm nghệ thuật thế giới ảm đạm. Đêm thứ Năm (11/02) tuần trước, cuộc bán đấu giá tranh đắc tiền tại Luân Đôn chỉ thu được 90 triệu euro, thấp hơn cuộc đấu giá cùng thời kỳ năm 2015 đến 43,6%. Khủng hoảng tại châu Á và chứng khoán lao dốc đã tác động đến thị trường nghệ thuật: ít tuyệt tác để bán, ít cả người mua.
Syria: thảm nạn Thế kỷ 21
Chiến tranh Syria tiếp tục tràn ngập báo Pháp. Le Figaro chú ý sự kiện “Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích vào phe Kurdistan tại Syria“, gián tiếp bảo vệ đường tiếp liệu cho lực lượng nổi dậy chống Damas tại Aleppo. Le Monde dành nhiều trang để kể lại tình trạng hoang mang của đối lập ôn hoà. Tuy nghĩ rằng đã bị Tây phuơng bỏ rơi, Quân Đội Syria Tự Do vẫn hy vọng được tiếp tế vũ khí và mong chờ trong tuyệt vọng, không phải là tên lửa phòng không mà là một chính trị gia tầm cỡ như “Charles De Gaulle hay Winston Churchill” lãnh đạo ở châu Âu.
La Croix tập trung cho số phận người tị nạn Syria: Đối với chúng tôi thì Syria đã mất. Trong bài tường thuật “Syria trong căng thẳng thế giới” một nhà ngoại giao nhận định: Nga đã chiếm thượng phong, thiếu sự dấn thân của Mỹ, châu Âu không thể làm gì được vì không có quân tại Trung Đông. Chuyên gia Jan Techau của Viện Nghiên Cứu Carnegie Europe nhận định: “Syria là thảm nạn của thế kỷ 21. Nước Nga dường như sa lầy vào vòng xoáy tự hủy diệt, bao gồm mặc cảm lịch sử , niềm tự hào bị tổn thương, tự xem mình là nạn nhân, không thích nghi với thời hậu đế quốc và tưởng lầm mình bị đe dọa”.
Còn Liberation thì cho rằng mục tiêu của Putin ở Syria là đặt Tây phương trước nhiều chuyện đã rồi, càng nhiều càng tốt, để trả thù phương Tây, mà ông ta cho là thủ phạm làm Liên Xô sụp đổ năm 1989.
Thủ tướng Pháp thiếu tinh thần đoàn kết?
Nếu có một nhà lãnh đạo Tây Âu bị báo chí Pháp hôm nay chỉ trích mạnh thì đó là thủ tướng Pháp Manuel Valls. La Croix phê bình thủ tướng nước mình thiếu tinh thần đoàn kết với Đức và các nước đang chia nhau tiếp đón tị nạn Syria. Ông tuyên bố gây “sốc” tại Hội Nghị An Ninh Munich: Chúng ta không thể nhận thêm người tị nạn nữa.
La Croix trách thủ tướng Pháp đùn đẩy gánh nặng cho các nước láng giềng của Syria đã và đang cưu mang mấy triệu nạn nhân chạy trốn chiến tranh. Vì sắp bầu cử tại Pháp nên thủ tướng Pháp sử dụng quân cờ dân tộc ích kỷ chống lại kế hoạch “động viên toàn châu Âu” của thủ tướng Angela Merkel, thay vì tìm lại tinh thần đoàn kết.