Tự sự xót xa của cô dâu Campuchia phải làm nô lệ tình dục cho cả nhà chồng Trung Hoa
Khi bị bán sang TC làm dâu, cô gái trẻ Campuchia đã rơi vào cuộc sống địa ngục khi bất đắc dĩ phải trở thành nô lệ tình dục cho cả gia đình chồng.
Làm nô lệ tình dục cho cả nhà chồng
Theo tờ Guardian (Anh) số ra mới đây, Nary, 22 tuổi, đã trở về Campuchia sau 4 năm bị bán sang TC làm dâu. Cô nói rằng, cô đã sống như một nô lệ tình dục ở nhà chồng. “Không chỉ có chồng mà cả cha chồng, anh em trong gia đình đều quan hệ tình dục với tôi. Đầu tiên, tôi chỉ làm công việc nội trợ nhưng 3 tháng sau, mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Mọi người ép tôi quan hệ tình dục bất cứ lúc nào mà họ muốn”, Nary kể lại.
Phany, 29 tuổi, từng là thợ may với đồng lương ít ỏi trong một nhà máy ở Campuchia. Cô quyết định cùng cô em gái 20 tuổi đến TC sau khi được một cặp vợ chồng TC giới thiệu có thể giúp tìm việc làm hấp dẫn. Khi đến Thượng Hải, chị em Phany gặp một người đàn ông Campuchia. Người đàn ông này nói sẽ giúp hai người tìm việc làm ổn định. Ngày hôm sau, Phany và em gái bị bán cho hai người đàn ông TC có nhu cầu tìm vợ. Một trong hai người đàn ông trả tiền và đưa Phany đi.
Cuộc sống của Phany là chuỗi ngày bị lạm dụng tình dục tinh thần và thể chất, . Bất đồng về ngôn ngữ, hai vợ chồng Phany chủ yếu giao tiếp bằng các kí hiệu và nếu không hiểu hoặc làm trái ý chồng, cô bị đánh đòn thậm tệ. “Ngay cả khi không có vấn đề gì, anh ta cũng đánh tôi. Tôi thường xuyên bị hãm hiếp”, Phany nói. Trong 6 tháng ở TC, Phany đã tìm cách bỏ trốn 3 lần.
Mỗi năm, có vài chục phụ nữ Campuchia bị bán sang TC làm vợ. Mặc dù không có số liệu thống kê chính thức nhưng theo nhóm nhân quyền Adhoc thì năm 2015, có ít nhất 35 trường hợp. “Chắc chắn vẫn còn rất nhiều phụ nữ bị bán sang TC và chưa thể trở về Campuchia”, ông Phil Robertson – Phó Giám đốc HumanRights Watch khu vực Châu Á – nhận định.
Nhọc nhằn đường trở về
Nary nói rằng, khi trở về nước, cô chọn giải pháp im lặng, không nói chuyện với bất cứ ai về cuộc hôn nhân ở TC “Nếu ai đó phát hiện quá khứ của tôi, tôi sẽ bị đẩy ra khỏi cộng đồng. Tôi cố gắng chôn vùi tất cả. Tôi luôn cảm thấy tức giận khi nghĩ về quãng thời gian khủng khiếp đã trải qua”, Nary nói.
“Khi trở về Campuchia, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Nó giống như được sinh ra một lần nữa. Tuy nhiên, không ai muốn nói chuyện với tôi”, Phany nói.
Tuy nhiên, cũng giống như Nary, Phany buộc phải giả vờ rằng cô chưa từng đến TC và chưa từng có cuộc hôn nhân nào ở đây. “Tôi phải cố gắng để quên đi mọi chuyện vì tôi sợ nếu ai đó biết đến quá khứ của tôi họ sẽ làm tôi bị tổn thương,” cô nói.
Dẫu vậy, cuối cùng, Phany vẫn phải bỏ nhà đến thủ đô Phnom Penh – nơi cô nói có thể sống một cuộc sống vô danh, khép kín với những người xung quanh.
Bà Chhan Sokunthea, người đảm trách các vấn đề và quyền của trẻ em và phụ nữ tại Hiệp hội Phát triển và Nhân quyền Campuchia (ADHOC) cho hay, cơ quan này liên tục yêu cầu chính phủ nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ Campuchia sang TC. Tuy nhiên, đây là một “cuộc chiến cam go” vì những kẻ buôn người có đủ các loại mánh khéo để lách luật và mua chuộc gia đình các nạn nhân vốn sống triền miên trong cảnh túng quấn và khao khát được đổi đời.
Cũng theo bà Chhan Sokunthea, nạn nhân của nạn buôn người đang gặp nhiều khó khăn khi trở lại quê hương. “Những người phụ nữ cần được tư vấn và hỗ trợ từ nhiều phía để tái hòa nhập cộng đồng.”, Chhan Sokunthea nói.
Theo Người đưa tin