Thái Lan: Phe Áo Đỏ chống dự thảo Hiến Pháp của quân đội

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thái Lan: Phe Áo Đỏ chống dự thảo Hiến Pháp của quân đội

Đa số thành viên phe Áo Đỏ là nông dân và dân nghèo ở phía bắc và đông bắc Thái Lan. – REUTERS/Athit Perawongmetha

Theo RFI – Tú Anh –11-02-2016

Trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 7/2016 tới, phong trào quần chúng chống đảo chính tại Thái Lan sẽ bỏ phiếu bác bỏ dự thảo Hiến Pháp do chính quyền quân sự đề nghị. Trên đây là tuyên bố của lãnh đạo phong trào dân chủ «Áo Đỏ ». Tập đoàn quân sự không cho biết sẽ làm gì nếu xảy ra trường hợp này.
Bị chính quyền quân sự cấm hoạt động từ sau cuộc đảo chính tháng 5/2014, phe Áo Đỏ ủng hộ hai thủ tướng bị lật đổ là anh em ông Thaksin và bà Yingluck Shinawatra, tuân thủ ngồi yên. Tuy nhiên, trả lời AFP trong cuộc phỏng vấn hôm nay 11/02/2016, chủ tịch đảng Jatuporn Prompan cho biết sẽ bỏ phiếu chống «Hiến Pháp » do phe quân đội đảo chính soạn thảo và đưa ra trưng cầu dân ý vào tháng 7. Khi được hỏi liệu phong trào Áo Đỏ có đông đảo ủng hộ viên để bác bỏ văn kiện của phe quân đội hay không, Jatuporn Prompan tuyên bố là «sẽ thấy rõ trong ngày bỏ phiếu ».
Dự thảo Hiến Pháp của chính quyền quân sự được mô tả là vũ khí «diệt trừ căn bệnh tham ô» của Thái Lan, của các chính phủ mị dân và chính trị gia bất hảo. Mục đích trước mắt là không cho gia đình Shinawatra trở lại chính quyền hầu bảo vệ đặc quyền của giai tầng xã hội bảo hoàng, tức phe Áo Vàng tại Bangkok. Tuy nhiên, dự thảo này bị phe Áo Đỏ, và ngay một số nhân vật từng ủng hộ quân đội lật đổ anh em thủ tướng Shinawatra, chỉ trích là phản dân chủ : thủ tướng không do dân bầu, có quyền chỉ định thượng nghị sĩ và kiểm soát tư pháp, toà án.
Trong tất cả các cuộc bầu cử từ năm 2001, lá phiếu của người dân nông thôn Thái Lan đã giúp cho liên minh chống phe bảo hoàng chiến thắng. Phe Áo Đỏ đóng vai trò then chốt trong sinh hoạt chính trị tại Thái Lan. Đa số thành viên là nông dân và dân nghèo ở phía bắc và đông bắc, nhiều lần kéo về thủ đô chiếm đóng đường phố từ khi lãnh đạo của họ là thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ vào năm 2006 và lưu vong.
Theo AFP, chính quyền quân sự không nói rõ ý định của họ như thế nào trong trường hợp dự thảo Hiến Pháp bị cử tri bác bỏ. Tuy nhiên, tướng Chan-O-Cha cam kết tổ chức bầu Quốc Hội vào năm 2017, bất chấp kết quả trưng cầu dân ý.