Ngày càng nhiều người tự ứng cử Quốc hội
Nhiều công dân Việt Nam công bố sẽ tự ứng cử vào vị trí đại biểu Quốc hội, ngay sau khi Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói ông sẽ ra tranh cử Quốc hội khóa 14.
Luật sư Phạm Quốc Bình thuộc Đoàn luật sư Hà Nội là một trong những người đầu tiên trong giới luật sư nêu ý kiến cân nhắc xem ông có tham gia tranh cử lần này hay không.
Trả lời BBC, Bình nói ông vẫn “chưa có quyết định cuối cùng”.
Nhưng Bình cũng cho biết, việc có các luật sư, người ngoài Đảng, người dân tham gia tự ứng cử là “quá trình tiến tới nền dân chủ thực sự”.
Theo Bình, các đoàn luật sư có thể cũng sẽ ủng hộ một số luật sư muốn tham gia tự ứng cử.
Bình nhận định khi hành nghề, luật sư nhận thấy quá trình xây dựng pháp luật của các cơ quan thuộc Quốc hội hoặc chính phủ “không ổn”.
“Nhiều luật không đi vào cuộc sống, nhiều dự án luật cần thiết phải xây dựng để phù hợp với sự phát triển xã hội thì chưa được quan tâm nhiều. Do đó chúng tôi mong muốn nhiều luật sư được tham gia làm đại biểu quốc hội. Họ có thể tham gia làm công tác luật chuyên trách. Họ cũng được đào tạo bài bản, có quá trình hành nghề luật có thực tiễn cao. Khi họ tham gia diễn đàn Quốc hội, họ có thể đóng góp xây dựng văn bản luật thực tế hơn.” – Bình giải thích nguyên nhân ông ủng hộ các luật sư ứng cử.
“Còn nhiều vấn đề”
Trả lời BBC Tiếng Việt từ Hà Nội, luật sư Lê Văn Luân nói lý do ông tự ứng cử là vì ông “mong muốn góp công sức vào một xã hội dân chủ và văn minh hơn, và theo lời của Tổng bí thư, là “dân chủ đến thế là cùng”, hi vọng là mọi công dân VN đều có quyền và nghĩa vụ đóng góp sự phát triển đó của đất nước”.
Ngay trong ngày 10/2, luật sư Luân đã có một bài diễn thuyết tên “Tôi có mặt ở đây” như một trong những tuyên bố đầu tiên ông sẽ tham gia tranh cử.
Luân viết: “Tôi đến đây, để nói về công việc của các vị, để giải quyết nó, nếu tôi được bầu, vì lúc đó tôi tin rằng mình đã đủ thẩm quyền thiết thực, hợp pháp và hành động đúng như tôi đã luôn nghĩ đến khi đứng ở đây. Vì có các vị mới có tôi ở vị trí đó để làm việc, và đại diện cho chính quý vị.”
Tuy nhiên, những người tự ứng cử sẽ phải làm việc “rất gấp” vì đến tháng 5/2016 đã bước vào kỳ bầu cử mà thời gian nộp hồ sơ có thể kéo dài đến 70 ngày.
Luật sư Lê Văn Luân nói cho dù ông thất bại thì cũng là “thành công về mặt chứng minh thực tiễn” và có thể “chứng minh về cơ hội của những người ngoài Đảng khi tham gia ứng cử, và một cuộc bầu cử minh bạch còn nhiều vấn đề.”
Trước đó, ông Nguyễn Quang A – người đầu tiên tuyên bố ra tranh cử – cũng nói với BBC: “Tôi không đặt việc trúng cử, hay vào sâu các vòng sau là mục tiêu chính. Tôi muốn dấy lên một phong trào để người dân học hỏi, các cơ quan nhà nước cũng phải học hỏi, từ đó tác động thay đổi nhận thức một cách từ từ.”
Trên mạng xã hội tại Việt Nam, đã có một trang tên “Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016” liên tục cập nhật danh sách những gương mặt tự ứng cử. Hiện nay đã có tám người tuyên bố mình sẽ ra tranh cử, gồm Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Tường Thụy, bà Nguyễn Thúy Hạnh, bà Đặng Bích Phượng, ông Hoàng Cường, ông Nguyễn Đình Hà, ông Phạm Văn Thành, ông Lê Văn Luân.