Obama sẽ nói gì tại thượng đỉnh Asean?
Tại thượng đỉnh Mỹ-Asean vào tuần tới, Tổng thống Hoa Kỳ được trông đợi sẽ gửi thông điệp cứng rắn về hành động của TC ở Biển Đông.
Cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra trong hai ngày 15-16/2 tại Sunnylands, tiểu bang California.
Đại diện cho Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào tháng Năm này.
Nhà Trắng ra thông cáo nói tại cuộc họp, ông Obama sẽ tuyên bố rằng tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình và không thể để nước lớn “bắt nạt” nước bé, hàm ý chỉ TC.
Thông cáo của Chính phủ Mỹ cho hay ông tổng thống cũng sẽ đề cập các hành động “khiêu khích” của Bắc Hàn, như vụ thử hạt nhân lần thứ tư hồi tháng trước và vụ phóng hỏa tiễn cuối tuần rồi.
Phó cố vấn an ninh quốc gia cho ông Obama, Ben Rhodes, nói ông tổng thống sẽ tái khẳng định là các mâu thuẫn về lãnh thổ giữa TC và các nước láng giềng Đông Nam Á phải được giải quyết thông qua thương lượng và theo chuẩn mực quốc tế.
TC sẽ không có đại diện tại cuộc họp chỉ dành cho các quốc gia Đông Nam Á.
Tuy nhiên để tỏ ra công bằng và bất thiên vị, ông tổng thống “sẽ kêu gọi tất cả các bên ngừng cơi nới, xây dựng đảo và quân sự hóa các điểm tiền tiêu ở Biển Đông”, theo Dan Kritenbrink, cố vấn Á châu của Tổng thống Obama.
‘Nước lớn bắt nạt nước nhỏ’
Ông Ben Rhodes nói thông điệp của ông Obama tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Asean sẽ là cần phải “tránh tình trạng giải quyết tranh chấp bằng việc một nước lớn bắt nạt một nước nhỏ”.
Ông cũng nói về sự cần thiết phải bảo đảm tự do lưu thông và phòng ngừa các hành động quân sự “sơ xuất và không cần thiết” ở Biển Đông.
Tổng thống Obama sẽ trực tiếp thảo luận với lãnh đạo các nước Asean về quan ngại trước việc TC bay thử ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa, nơi nước này mới hoàn tất đường băng.
Hiện chưa rõ phản ứng của các nước Đông Nam Á sẽ như thế nào.
Ngay bên trong khối có những chia rẽ lớn trong quan điểm về Biển Đông. Một số quốc gia không trực tiếp tham gia tranh chấp như Lào, Campuchia và Myanmar không tỏ thái độ hoặc ngần ngại làm phật lòng TC.
Thái Lan dường như muốn tỏ lập trường trung dung, đóng vai trò hàn gắn.
Singapore, Malaysia, Indonesia và Brunei lâu nay vẫn tỏ ra tán thành giải pháp hòa bình, phi quân sự.
Riêng hai nước nhỏ hơn trực tiếp tham gia đối đầu với TC qua vụ kiện lên Tòa Trọng tài quốc tế là Philippines chủ xướng và Việt Nam ủng hộ phiên tòa.