Cách chức TGĐ công ty đường sắt
Ông Đinh La Thăng trong một chuyến thị sát
Theo BBC
4 tháng 2 2016
Tân ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng vừa chỉ đạo cách chức Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội vì mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Viết Hiệp cũng bị mất chức làm người đại diện phần vốn của nhà nước tại Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội.
Công ty này mới được thành lập từ 1/1/2016, tiền thân là Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội.
Ông Hiệp mới được đại hội đồng cổ đông bầu làm tổng giám đốc từ hôm 18/1 và là người đại diện 60% vốn nhà nước của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại công ty này.
Hồi tháng 6/2015, trước khi công ty cổ phần hóa, ông Nguyễn Viết Hiệp (lúc đó cũng là giám đốc công ty) đã trình tổng công ty kế hoạch mua lại 160 toa xe cũ từ Trung Quốc và được chấp thuận, theo báo trong nước.
120 toa tàu trong số này được đóng từ 20 năm trước, 20 toa mới nhất đóng 12 năm trước.
Bản thân ông Hiệp vừa lên tiếng nói “chúng tôi chưa thương thảo hay đàm phán gì với phía Trung Quốc về hợp đồng mua các toa xe cũ”.
Ông cho hay mới “nhận được lời giới thiệu mua hàng của phía bạn và đang tìm hiểu các quy định, đang xin ý kiến các bộ ngành xem có đủ điều kiện mua không và thủ tục như thế nào”.
“Mọi việc mới dừng lại ở đó.”
Theo ông Nguyễn Viết Hiệp, “cách viết của anh em tham mưu không được thoát nên các công văn, văn bản của Công ty chúng tôi gửi đi xin ý kiến đã khiến sự việc bị hiểu sai. Đây là lỗi của chúng tôi.”
Kiểm điểm tổng công ty
Văn bản số 1484/BGTVT-TCCB mà ông Đinh La Thăng ký hôm 3/2 cũng yêu cầu kiểm điểm cán bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc giao cho các đơn vị đường sắt trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng và làm thủ tục mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc.
Trước đó thông tin trên các báo nói Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội đang lên kế hoạch mua lại hơn 100 toa xe đã qua sử dụng hơn 20 năm của Cục Đường sắt Côn Minh để kinh doanh trong nước.
Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nói với báo Giao thông của bộ chủ quản rằng đó “chỉ là kế hoạch của đơn vị thành viên” chứ không phải chủ trương của tổng công ty.
Ông Thành cũng nói ông đã yêu cầu Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội ngay lập tức giải trình.
Các toa xe được nói nằm trong kế hoạch mua là toa xe dùng cho đường ray khổ 1m hiện phía Trung Quốc không sử dụng nữa mà chuyển sang khổ 1,435m.
Tuy cũ nhưng chúng không nằm trong danh mục các loại vật tư đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu.
Năm ngoái dư luận cũng lùm xùm việc mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.