Điểm Báo Pháp – 1-2-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 1-2-2016

Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Khải Hoàn Môn, Paris, ngày 01/02/2016 – REUTERS/Jacky Naegelen

Theo RFI – Thụy My – 01-02-2016

Cuba: Ai sẽ kế vị anh em nhà Castro?

Trái với đồn đãi, các lãnh đạo Cuba tương đối trẻ, các bộ trưởng hiện nay ở lứa tuổi 40-50. Đa số các nhà phân tích từ lâu không còn cho rằng sẽ có việc cha truyền con nối. Trong số bốn người con của Raul Castro, chỉ có bà Mariela, nhà đấu tranh cho quyền của người đồng tính, và đại tá Alejandro Castro là được dân chúng biết đến.
Chuyến viếng thăm Pháp cấp Nhà nước đầu tiên từ nhiều năm qua của chủ tịch Cuba Raul Castro. Vòng sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khởi động từ hôm nay 01/02/2016 tại bang Iowa. Đàm phán giữa các bên tham chiến ở Syria bắt đầu tại Genève. Đó là những đề tài chính được các báo Pháp ra ngày hôm nay chú ý.
«Thảm đỏ cho Raul Castro», Le Figaro ghi nhận khi lần đầu tiên những lá cờ Cuba phấp phới trên đại lộ Champs-Elysées. Le Monde nhận xét, trước đây khi đệ nhất phu nhân Danielle Mitterand tiếp đón Fidel Castro năm 1995, tuy chỉ thăm không chính thức nhưng cũng gây nhiều bối rối. Còn bây giờ «ngoại giao kinh tế » vượt lên trên, và Raul Castro được tiếp với những nghi thức cao nhất.
Tổng thống Pháp François Hollande là nguyên thủ châu Âu đầu tiên đến thăm La Habana hồi tháng 5/2015, sau khi Hoa Kỳ và Cuba bình thường hóa quan hệ tháng 12/2014. Pháp hy vọng vào thỏa thuận với Cuba hôm 12/12/2015 giữa Câu Lạc Bộ Paris do Pháp làm chủ tịch, về việc tái cơ cấu món nợ 16 tỉ đô la mà La Habana không trả nổi năm 1986 nên không thể vay tiếp.
Nga là nước đầu tiên đã xóa nợ đến 90%, (khoảng 35 tỉ đô la), số nợ còn lại các nước phương Tây đã miễn lãi phạt trả chậm. Riêng 4,6 tỉ đô la Cuba còn nợ Pháp, Paris muốn thương lượng dành 360 triệu đô la cho các dự án phát triển với sự tham gia của các công ty Pháp. Chẳng hạn mạng lưới thoát nước của La Habana lạc hậu từ nửa thế kỷ, hay giao thông công cộng, du lịch…
Từ khi Raul Castro lên nắm quyền, tăng trưởng không vượt quá 2,8%, đất nước vẫn thiếu thốn mọi thứ và lệ thuộc vào nhập khẩu. Bộ trưởng Kinh Tế Rodrigo Malmierca ước tính đảo quốc cần 8 tỉ đô la để có thể cất cánh. Le Monde trích lời một doanh nhân châu Âu nhận định: «Cấm vận của Mỹ không phải là trở ngại chính, mà là sự thiếu an toàn về luật pháp và mơ hồ về quyền sở hữu». Bên cạnh đó còn là tính thiếu minh bạch trong ngân sách, dự trữ ngoại hối nghèo nàn, thiếu vắng tự do báo chí.
Sau Raul Castro, khó có việc cha truyền con nối
Le Figaro quan tâm đến «Sự kế tục chính trị bất định tại Cuba»: Raul Castro khẳng định sẽ không ứng cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2018. Nhân vật số hai là Miguel Diaz Canel sẽ lên thay, và như vậy ông này sẽ là chủ tịch đầu tiên của Cuba từ năm 1958 chưa hề tham gia cách mạng – một khuyết điểm đáng kể. Canel không tham gia cuộc thương lượng Mỹ-Cuba năm ngoái, dù vị trí chỉ sau Raul Castro.
Năm nay 84 tuổi, mười năm nắm quyền và 58 năm phục vụ cho chính quyền của người anh Fidel, Raul Castro có đời sống chính trị hết sức «thọ». Những người chống đối cho rằng ông chỉ trụ được một thời gian ngắn, chứ không có uy lãnh đạo. Ít có những bài diễn văn hùng biện nhưng tràng giang đại hải, tính cách không nổi bật, nhưng chính con người luôn đứng sau hậu trường, bộ trưởng các lực lượng vũ trang cách mạng suốt 50 năm đã cứu vãn chế độ Castro sau khi Liên Xô sụp đổ.
Trái với đồn đãi, các lãnh đạo Cuba tương đối trẻ, các bộ trưởng hiện nay ở lứa tuổi 40-50. Đa số các nhà phân tích từ lâu không còn cho rằng sẽ có việc cha truyền con nối. Trong số bốn người con của Raul Castro, chỉ có Mariela, nhà đấu tranh cho quyền của người đồng tính, và đại tá Alejandro Castro là được dân chúng biết đến.
Trừ phi có một cuộc nổi dậy, các nhà quan sát ưu tiên cho giả thiết một sự thay đổi dần ban lãnh đạo. Quân đội Cuba, sở hữu các công ty quốc doanh béo bở nhất, giám sát rất kỹ. Phe đối lập thì chia rẽ với hàng trăm phong trào khác nhau, không được người dân biết đến. Cho đến nay, chưa có lãnh tụ đối lập nào đề ra được một chương trình cho đất nước ; và chế độ tố cáo – không phải là không có lý – các nhà ly khai nhận tiền từ «các tổ chức nước ngoài thù địch ».
Ẩn số vẫn là Mỹ. Nếu ít nhất đến năm 2012 Hoa Kỳ vẫn còn dùng bàn tay CIA để mưu toan lật đổ chế độ, thì La Habana cho Washington biết sẵn sàng đối thoại về mọi thứ, trừ việc đụng đến hệ thống chính trị Cuba.
Người dân Cuba có ý kiến khác nhau về ảnh hưởng trong tương lai của Hoa Kỳ, đặc biệt là việc giao trả những tài sản của người Mỹ bị cách mạng tịch thu thời trước. Gia đình của Meyer Lansky, một ông trùm mafia, chủ cũ khách sạn nổi tiếng Riviera ở thủ đô Cuba tháng trước đã đòi lại tài sản, và bộ Tư Pháp Mỹ phụ trách thương lượng. Vụ này đã đến tai người dân La Habana.
Liệu Hoa Kỳ có thay đổi quan điểm trong việc xích lại gần Cuba? Các chuyên gia cho rằng mọi việc đã tiến triển rất nhanh, khó thể quay lui, dù nếu Trump hay Rubio lên thì sẽ khó khăn hơn. Còn đối với người dân Cuba, họ sợ nói đến chính trị nhưng ngày càng khao khát được tự do nhiều hơn và có thu nhập khá hơn. Tóm lại theo Le Figaro, là mong muốn dân chủ tuy không nhìn nhận điều này.
Một nước Mỹ của những người da trắng trung lưu đang thành thiểu số
Nhìn sang nước Mỹ đang bắt đầu vòng bầu cử sơ bộ, Le Monde chạy tựa trang nhất «Iowa: Thử nghiệm đầu tiên cho các ứng cử viên phản kháng».
Cuộc chạy đua và Nhà Trắng mở ra từ hôm nay, 01/02/2016 với cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa. Từ phía Dân Chủ cũng như Cộng hòa, xuất hiện các ứng cử viên «phản kháng ». Đối với đảng Cộng Hòa, Donald Trump khai thông tình cảm phẫn nộ của những người đứng bên lề, chủ yếu là người da trắng, ít bằng cấp, thu nhập trung bình. Ted Cruz thì chú tâm đến cử tri siêu bảo thủ.
Còn bên phe Dân Chủ, Bernie Sander nổi lên nhờ những người chán ngán tổng thống Obama, khi tiền lương giậm chân tại chỗ và bất bình đẳng tăng lên. Vòng bầu cử diễn ra trên cơ sở bất định về kinh tế, khi tăng trưởng của nước Mỹ vào quý 4 năm ngoái chỉ có 0,7%.
Trong bài phóng sự mang tên «Sự phẫn nộ của những người bảo thủ », đặc phái viên Le Monde tại Florida nhận xét, phía sau làn sóng ủng hộ của cử tri cực hữu dành cho Donald Trump, phảng phất nỗi lo và sự hoài cổ của một giai cấp trung lưu da trắng đang sắp trở thành thiểu số trên đất nước mình.
Tại Polk County, một hạt hẻo lánh thuộc bang Florida của nước Mỹ rộng lớn, hơn nửa triệu dân sống rải rác tại hơn một chục thành phố nhỏ và trung bình. Có 65% cư dân là người da trắng, 18% Mỹ la-tinh và 14% người da đen, tỉ lệ thất nghiệp hơi cao hơn và tiền lương hơi thấp hơn những nơi khác. Đa số bầu cho đảng Cộng Hòa, cũng như hầu hết những vùng đất xa trung tâm khác từ khi làn sóng bảo thủ nổi lên, đưa ông Ronald Reagan vào Nhà Trắng năm 1980, và sau đó là George W.Bush năm 2000.
Với những ngôi nhà thờ, hội chợ vũ khí, các trailers parks và những căn nhà tiền chế, mặt hồ trải rộng và những cánh đồng cam nối với nhau bằng xa lộ Interstate 4 chạy thẳng tới Disney World, Polk County thực sự rất «Mỹ». Đó là một nước Mỹ của công nhân cổ xanh và trưởng giả tỉnh lẻ, của giai cấp da trắng trung lưu, nơi giấc mơ Mỹ chưa bao giờ tắt. Một nước Mỹ phía dưới chống lại lớp thượng lưu ở Washington, Wall Street, Hollywood, luôn quá tự do và toàn cầu hóa.
Đó cũng là những người Mỹ đầy quan ngại, những con người bị thiệt thòi do khủng hoảng kinh tế. Họ không còn đến công viên Disney World xây dựng nên cho họ, vì giá vé vào cửa từ 3,5 đô la năm 1971 nay đã lên đến 105 đô la. Chính nước Mỹ này đã gây ngạc nhiên khi ủng hộ các ứng cử viên Cộng Hòa «chống lại hệ thống» như Donald Trump và Ted Cruz, vì «vấn đề đối với họ chỉ là vũ khí, chiến tranh và tổ chức Nhà nước Hồi giáo, thuế má và thất nghiệp» – như nhận định của nhà bình luận Charles M.Blow trên New York Times.
Vì sao đồng nhân dân tệ sụt giá làm thị trường lo sợ?
Về châu Á, Les Echos đặt câu hỏi, liệu những phát ngôn của tỉ phú George Soros đáng tin cậy hơn những lời nói của cả Tập Cận Bình lẫn Lý Khắc Cường cộng lại? Chủ tịch và thủ tướng TC đã cố bác bỏ những cảnh báo của nhà tài phiệt nổi tiếng người Mỹ, nhưng ngờ vực vẫn bao trùm lên tình hình nền kinh tế thứ nhì thế giới, gây áp lực lớn lên đồng nhân dân tệ.
Khoảng cách giữa tỉ giá hối đoái chính thức của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ và tỉ giá trên thị trường tự do ngày càng xa. Chính quyền đã tuyên chiến với các nhà đầu cơ, và Ngân Hàng Nhà Nước (PBoC) tả xung hữu đột để ngăn chặn luồng tiền đổ ra nước ngoài. Ngay từ đầu năm, PBoC đã bơm ồ ạt tiền mặt cho các định chế tài chính lớn của TC: 1.085 tỉ nhân dân tệ, tức 155 tỉ euro – theo Natixis, tương đương hai lần rưỡi trong cả năm trước. Bloomberg nêu ra con số 1.900 tỉ nhân dân tệ.
Được thực hiện dưới nhiều dạng thức, các hành động ngắn hạn trên thị trường này nhằm trấn an rằng tiền mặt không hề thiếu, vào thời điểm tiêu thụ tăng cao cuối năm. Nhưng nếu ngân hàng trung ương phải can thiệp như thế và nhất là nếu họ quyết định tăng tốc, đó cũng là vì phải tính đến hiện tượng đồng vốn bỏ đi hàng loạt, mà bản thân chính quyền TC đã góp phần.
Lần đầu tiên vào tháng 8/2015, khi thay đổi cơ chế ấn định tỉ giá hối đoái chính thức linh hoạt theo giá thị trường. Lần thứ hai vào đầu năm nay, với bốn lần giảm giá liên tiếp đồng tiền quốc gia. Dù đúng hay sai, các nhà đầu tư coi đây là việc ngầm phá giá đồng nhân dân tệ để cạnh tranh.
Mỗi lần như thế, cú sốc trên thị trường chứng khoán đều mãnh liệt, khiến Bắc Kinh buộc lòng phải ra tay, chẳng hạn đóng băng không cho niêm yết mới. Bên cạnh đó còn sử dụng một loạt biện pháp hành chính, kiểm soát việc rút vốn. Được ước tính từ 700 đến 800 tỉ đô la trong năm ngoái, lượng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi TC không chỉ do lo sợ kinh tế tăng trưởng chậm hẳn lại, mà còn do Quỹ Dự Trữ Liên Bang Mỹ tăng lãi suất chỉ đạo.
Vòng lẩn quẩn
Trước những lời kêu gọi có một chính sách ngoại hối minh bạch hơn, Lý Khắc Cường hôm thứ Năm tuần trước đã gọi điện cho bà Christine Lagarde (tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế – IMF) để tái khẳng định rằng TC đang vất vả chuyển đổi mô hình tăng trưởng về hướng dịch vụ và tiêu thụ, không có ý định tiến hành một cuộc chiến tranh tiền tệ.
Theo ông, được tính toán với một rổ tiền tệ chứ không chỉ với đồng đô la xanh, đồng nhân dân tệ nhìn chung là ổn định. Việc phá giá liên tục là không có cơ sở, và việc cải cách chính sách ngoại hối sẽ theo hướng một đồng tiền chuyển đổi được IMF công nhận.
Tuy nhiên theo Les Echos, các nhà đầu tư chừng như có niềm tin ngược lại, khiến đồng vốn tiếp tục ra đi, gây áp lực lên đồng nhân dân tệ – một cái vòng lẩn quẩn. Thay vì bơm tiền mặt vào các hoạt động ngắn hạn, Ngân Hàng Nhà Nước lẽ ra nên hạ tỉ giá như thị trường mong muốn. Nhưng như vậy lại có nguy cơ gây thêm ngờ vực, có nghĩa là thêm áp lực lên đồng tiền.
Chính quyền cộng sản phải trả giá cho việc thiếu thốn truyền thông cũng như các con số thống kê tô hồng, sự mập mờ trong các quyết định, chưa kể những sai lầm nặng nề. Cơ chế «ngắt mạch», buộc ngưng giao dịch mỗi lần biên độ dao động trên mức quy định, đã bị «yểu mệnh» chỉ bốn ngày sau khi khai sinh hôm 2 tháng Giêng, càng làm người ta thêm nghi ngờ về năng lực điều chỉnh của chính quyền.
Ukraina, Syria: Sức mạnh quân đội Nga đến đâu?
Trên lãnh vực quân sự, tại một nước cộng sản cũ là Nga, Le Figaro đặt câu hỏi «Liệu quân đội Nga có đang phục hưng?» Với các cuộc xung đột Ukraina và Syria, những người lính Nga đã quay lại trên trường quốc tế, nhưng Matxcơva có đủ khả năng cho các tham vọng của mình hay không.
Từ xe tăng tấn công uy lực mạnh nhất thế giới là T14 cho đến máy bay tàng hình thế hệ thứ năm T50 của Sukhoi, danh sách đặt hàng của quân đội Nga cho năm 2016 khá dài. Nhưng do khủng hoảng kinh tế, ngân sách quốc phòng bị cắt xén nên quân đội đành phải sử dụng những trang bị kiểu cũ. Bên cạnh đó, hiệu năng công nghiệp cũng không cao do căn bệnh cũ thời Liên Xô, cùng với tham nhũng hoành hành. Một chuyên gia quân sự Nga cho biết, Matxcơva tính toán cho một cuộc xung đột với phương Tây sau năm 2025, nhưng rồi mọi việc xảy ra sớm hơn dự tính.