TC đang thực hiện chiến tranh thuốc phiện chống Mỹ
Tác giả: Joshua Philipp, Epoch Times | Dịch giả: X Toàn – 31 Tháng Mười Hai , 2015
Đằng sau tình trạng buôn lậu ma túy vào Mỹ và bạo lực đang diễn ra ở Châu Mỹ La-tinh do các tổ chức tội phạm thực hiện có sự hậu thuẫn lớn từ chế độ Trung Quốc. Đối với các tổ chức buôn bán ma túy và các nhóm khủng bố có tài trợ từ buôn bán ma túy (narcoterror), chế độ Trung Quốc đã trở thành nguồn cung cấp hàng đầu ma túy tổng hợp và tiền chất để điều chế các loại ma túy như methamphetamine, và là nguồn cung cấp hàng đầu các loại vũ khí được sử dụng bởi các tổ chức tội phạm buôn bán ma túy.
Nhiều trong số các loại ma túy này tàn phá cơ thể và ý thức của người sử dụng và xã hội của họ – với một số loại ma túy gây ra hành vi rối loạn thần kinh trong thời gian dài, và những loại khác dẫn tới quá liều và chết người.
Ví dụ, theo tạp chí New York Times, có một danh sách công khai gồm hơn 150 công ty hóa học Trung Quốc đang bán loại ma túy tổng hợp alpha – PVP, còn được gọi là “flakka”. Flakka đang dần thay thế cocaine trên thị trường ma túy ở bang Florida, Mỹ và là nguyên nhân gây ra ít nhất 18 cái chết và nhiều vụ bắt giữ ở bang này, trong đó người bị bắt có các hành vi kỳ quặc.
Đối với loại ma túy methamphetamine, theo Viện nghiên cứu Lạm dụng Ma túy Quốc gia của Mỹ, một cuộc điều tra toàn quốc đã ước tính có khoảng 1.2 triệu người Mỹ sử dụng loại ma túy này. Các tác dụng phụ của nó gồm có “trạng thái rất lo âu, căng thẳng”, hành vi bạo lực, và “các triệu chứng rối loạn thần kinh đôi khi có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm trời”.
Các loại ma túy này và nhiều loại tương tự có chung một đặc điểm đáng lưu ý: chúng hoặc các chất hóa học được sử dụng để điều chế ra chúng, đều có xuất xứ từ Trung Quốc – và trong nhiều năm qua, các nhà chức trách Trung Quốc cũng tỏ ra không mấy quan tâm tới việc ngăn chặn dòng chảy ma túy ra nước ngoài.
“Vai trò của Trung Quốc giống như kẻ trợ giúp cho các băng nhóm tội phạm có tổ chức của Mỹ Latin và Mexico”, tiến sĩ Robert J. Bunker, trợ lý giáo sư ở trường U.S Army War College cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email.
Theo ông Bunker, ĐCSTQ đã tìm được đường tiến vào cả những thị trường hợp pháp và thị trường thế giới ngầm ở Mỹ La-tinh. “Kết hợp những điều này cùng với mối liên hệ giữa họ với các chế độ đơn độc trong khu vực, như Venezuela, và sự ảnh hưởng qua lại giữa họ với các gián điệp của Iran và Hezbollah”, “Chúng ta như đang được chứng kiến một kịch bản ghê tởm giống như hình ảnh ‘Quán rượu trong bộ phim Chiến tranh Các vì sao”. Trong cảnh phim nổi tiếng này của bộ phim ‘Chiến tranh giữa Các vì sao’ được sản xuất năm 1977, nhân vật Obi-Wan Kenobi nói rằng: “bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một nơi cặn bã và đáng ghê tởm hơn thế này”.
Ông Bunker nói, đây là một tình huống mà chế độ Trung Quốc “thông qua rất nhiều những quan chức tham nhũng – nhiều người có liên kết với bọn tội phạm có tổ chức – về cơ bản sẽ bán mọi thứ, hoặc cung cấp bất kỳ dịch vụ nào ở thời điểm hiện tại để kiếm lời: vũ khí, tiền chất ma túy, hàng giả, cờ bạc và rửa tiền”.
Chiến tranh thuốc phiện
Có nhiều thứ ở đằng sau cuộc chiến tranh thuốc phiện mà chúng ta không nhìn thấy. “Học thuyết gần đây của Trung Quốc nói rõ về việc sử dụng một bộ đa dạng các hình thức chiến tranh để chống lại các đối thủ của họ, trong đó có Mỹ”, theo một báo cáo hôm 13/10/2014 của Bộ Tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt của Quân đội Mỹ.
Báo cáo này cho hay, “Chiến tranh thuốc phiện” là một phần trong “bộ chiến tranh” này, điều đó cho thấy chiến tranh thuốc phiện gắn liền với một chiến lược quân sự rộng hơn của Trung Quốc nhằm “làm lung lay đối thủ”, đây là một chiến lược chiến tranh phi truyền thống với ý định làm mục nát nền tảng đạo đức của quốc gia đối thủ, và bằng cách đó khiến đối thủ bị suy yếu.
Với các chế độ cộng sản, trong đó có ĐCSTQ, việc sử dụng chiến tranh thuốc phiện chống lại các đối thủ là không có gì mới. Trong quyền sách “Cocaine đỏ” được cập nhập năm 1999 của mình, cựu phó giám đốc phụ trách tình báo của CIA, Joseph D. Douglass đã viết chi tiết về lịch sử của chiến lược này.
Ông viết, các chế độ cộng sản “trong nhiều thập kỷ qua đã sử dụng chất kích thích với vai trò là loại vũ khí quyết định trong chiến tranh cấp thấp mà họ tiến hành để chống lại nền văn minh phương Tây”, và thêm rằng “ví dụ, trong khoảng từ năm 1990 trở về trước 5 năm, các dữ liệu và các bằng chứng từ nguồn khác cho thấy hầu hết mọi quốc gia Cộng sản đều dính líu tới hành vi buôn bán ma túy”.
Chiến lược này được phơi bày nhiều lần bởi các quan chức cao cấp, đào ngũ từ Liên bang Sô-viết – gồm cả tướng đào ngũ người Séc Jan Sejna. Việc sử dụng chiến lược này cũng được viết chi tiết trong thời kỳ lãnh đạo của Stalin với cuốn “Sổ tay cộng sản hướng dẫn chiến tranh Chính trị Tinh thần” mà hiện nay đã được công khai.
Chiến tranh thuốc phiện từng được Anh Quốc sử dụng để chống lại Trung Quốc hồi thế kỷ 19, là một cuộc chiến khiến Trung Quốc phải nhượng lại quyền kiểm soát Hồng Kông cho Anh Quốc vào năm 1841, và sau đó dẫn tới sự sụp đổ của vương triều Mãn Thanh năm 1912.
Đối với Mao Trạch Đông, người thành lập ĐCSTQ, thuốc phiện là loại vũ khí được ông ta sử dụng trong nỗ lực giành quyền kiểm soát toàn bộ Trung Quốc. Douglass viết rằng vào năm 1928, Mao đã hướng dẫn một cấp dưới của mình là Đàm Trần Lâm “bắt đầu trồng thuốc phiện trên quy mô rộng lớn”. Đây là bước đi vừa làm tăng lượng cung ứng ma túy cần thiết vừa gây nghiện người dân ở các nước không có chế độ cộng sản.
Douglass viết, sau khi ĐCSTQ giành được quyền kiểm soát Trung Quốc, “thuốc phiện được quốc hữu hóa và hành vi buôn bán chất gây nghiện, nhằm chống lại các quốc gia phi cộng sản, trở thành một hoạt động chính thức của đất nước Cộng sản Trung Quốc non trẻ”.
Và “hoạt động hình thức” đó chưa bao giờ chấm dứt – bất chấp bị phơi bày bởi các cuộc điều tra độc lập ở Nhật Bản và Mỹ năm 1951.
Nhưng nếu cuộc chiến tranh thuốc phiện trước đây từng được thực hiện theo cách lén lút, thì nay lại được tiến hành một cách công khai.
Nuôi dưỡng nạn nghiện ngập
Đối với các tổ chức buôn ma túy, Trung Quốc là nguồn cung cấp chính các chất điều chế, bao gồm ephedrine và pseudoephedrine được sử dụng để sản xuất loại ma túy methamphetamine. Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp chính của các loại ma túy tổng hợp khác, nhiều trong số đó có thể được đặt hàng trực tuyến tới các phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Phần lớn các loại ma túy là khó có thể được phân loại – và quản lý – do các phòng thí nghiệm Trung Quốc thay đổi công thức hóa học để lách luật của Mỹ.
Tình trạng sử dụng và nghiện ma túy methamphetamine và các loại ma túy tổng hợp khác đang ngày càng phổ biến ở Mỹ – vì các loại ma túy này thường không đắt tiền, dễ kiếm, và có thể nhái lại những tác động của các loại thuốc khác được bày bán trên thị trường. Có những loại ma tuý là sự tổng hợp của hầu như tất cả các loại thuốc bất hợp pháp trên thị trường.
Theo trang pbs.com, trong khi ĐCSTQ đã bắt giữ một số nhóm buôn bán ma túy trên lãnh thổ của họ, các loại ma túy dành cho xuất khẩu vẫn “được sản xuất công khai”.
Chính sách của ĐCSTQ đối với các hóa chất này giúp cho các loại thuốc bất hợp pháp được phát triển mạnh ở nước ngoài. Các tập đoàn tội phạm Mexico đã sản xuất hơn 90 phần trăm methamphetamine cho thị trường Mỹ và 80 phần trăm trong số methamphetamine đó được sản xuất từ các nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, theo tổ chức Drug Enforcement Administration.
“Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho những kẻ buôn bán ma túy ở Mexico do sự quản lý lỏng lẻo trong sản xuất và công nghiệp xuất khẩu chất hóa học”, một nhân viên của Drug Enforcement Administration nói với trang mạng Stars and Stripes. Những kẻ buôn bán ma túy điều chế ra methamphetamine từ 30 thành phần hóa học – nhiều trong số chúng được sản xuất bất chấp sự quản lý nghiêm ngặt ở nước Mỹ và ở bất kỳ nơi nào khác – nhưng ở Trung Quốc, chỉ duy nhất một trong số 30 thành phần hóa học đó được quản lý, theo Stars and Stripes.
Chính phủ Mexico đã cố gắng hợp tác với chế độ Trung Cộng để ngăn chặn dòng chảy các thành phần hóa học điều chế ma túy, nhưng Trung Quốc đáp lời rằng Mexico phải tự mình giải quyết vấn đề này. Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc, nói với báo New York Times rằng “Trong toàn bộ thời gian tôi ở Trung Quốc, Trung Quốc không bao giờ thể hiện bất kỳ sự sẵn lòng hợp tác nào để ngăn chặn dòng chảy tiền chất điều chế ma túy vào Mexico”.
Nhà bình luận chính trị người Brazil và là tác giả của cuốn sách “Trục ma quỷ Mỹ La-tinh và Trật tự thế giới mới” (O Eixo do Mal Latino-Americano e a Nova Ordem Mundial), tiến sĩ Heitor De Paola, nói trong một cuộc phỏng vấn qua email rằng ma túy được sử dụng cho mục đích chiến tranh thuốc phiện ở Mỹ La-tinh, không chỉ bởi ĐCSTQ, mà còn bởi các tổ chức cộng sản khác.
Về phía chính quyền, ông nói rằng chiến lược này được sử dụng bởi một số nhà lãnh đạo quốc gia, những người thuộc những hội nghị chính trị Foro de São Paulo – nơi tập hợp các đảng chính trị cánh tả (ref) ở Mỹ La-tinh và vùng Caribe – cũng như bởi các nhóm khủng bố nhận tài trợ từ các tổ chức buôn ma túy (narcoterror) như Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia (FARC), và “các phong trào xã hội” cánh tả vốn làm gia tăng gấp đôi các tổ chức du kích.
Ông nói rằng ma túy được sử dụng “như là cách để khuyến khích tình trạng nghiện ngập trong giới thanh niên ở các quốc gia mục tiêu”, để đạt được mục đích chính trị của các tổ chức cộng sản. Một số tổ chức này, như là FARC, cũng sẽ trao đổi ma túy lấy vũ khí.
Nguồn gốc của súng lậu
Tuy nhiên, sự hỗ trợ của ĐCSTQ đối với những kẻ buôn bán ma túy ở Mỹ La-tinh không dừng lại ở việc cung cấp ma túy tổng hợp và nguyên liệu điều chế ma túy.
Nguồn súng lậu chính vào Mexico cũng là từ Trung Quốc, “thông qua chợ đen”, theo một báo cáocủa tiến sĩ R. Evan Ellis, một phó giáo sư về an ninh quốc gia ở Trung tâm nghiên cứu Center for Hemispheric Defense Studies.
Ông Ellis nói rằng một vấn đề khi điều tra nguồn cung cấp là việc vũ khí của Trung Quốc thường được buôn lậu vào Mexico qua Mỹ. Khẳng định của ông Ellis được ủng hộ bởi ông Luis Villegas Meléndez, một tư lệnh quân đội của Mexico, vào năm 2008 ông này tuyên bố rằng súng của Nga và Trung Quốc được buôn lậu qua biên giới Mỹ để vào bang Tamaulipas, Mexico.
Ông Ellis cho hay, “lựu đạn và các vũ khí quân sự khác có xuất xứ Trung Quốc được tịch thu ở thành phố Puebla và cả nơi khác nữa ở Mexico”, ông nói thêm rằng vẫn chưa rõ liệu các tổ chức buôn ma túy mua vũ khí từ các tổ chức tội phạm của Trung Quốc hay mua trực tiếp từ các công ty Trung Quốc.
Các tổ chức buôn bán ma túy của Mexico cũng không phải là những kẻ duy nhất mua vũ khí trái phép, theo một báo cáo hôm mùng 5 tháng 11 từ Ủy ban Xét duyệt An ninh Kinh tế Mỹ-Trung.
ĐCSTQ cung cấp vũ khí trực tiếp và gián tiếp tới các tổ chức mà “nếu không phải là các tổ chức buôn ma túy, thì là các tổ chức bị cô lập trên diện rộng vì yếu tố chính trị”, báo cáo cho biết. Những tổ chức nhận vũ khí của Trung Quốc trải dài từ chính phủ các nước Cuba và Venezuela, cho tới quân nổi loạn FARC ở Colombia.
Sự bùng phát vũ khí Trung Quốc trong khu vực này cũng không quá khó hiểu. Báo cáo cho hay: “Ở phạm vi khu vực, những nhà cung cấp vũ khí thuộc sở hữu Nhà nước của Trung Quốc như là Norinco không hề có các nỗ lực rõ ràng để đảm bảo vũ khí không bị bán ra chợ đen”.
Báo cáo cho biết: “Bằng những cách thức được chính phủ Trung Quốc miêu tả là hợp pháp”, người ta đã thấy các loại vũ khí được sản xuất bởi Trung Quốc đang trên đường tới các tổ chức nổi loạn ở Colombia và Nam Sudan vào tháng 3 vừa rồi.
Roger J. Chin, một nghiên cứu sinh ở trường Claremont Graduate University nói rằng các tổ chức tội phạm đang khai thác tính chất toàn cầu hóa, và sẽ không còn là vấn đề địa phương, cục bộ, mà thay vào đó là những vấn đề toàn cầu “với sự liên can trực tiếp tới an ninh quốc gia”.
Robert Bunker nói rằng những vấn đề nêu trên đã cho thấy rõ thâm ý đằng sau những hoạt động thương mại Trung Quốc trong khu vực Mỹ La-tinh. Bunker nói, “Nếu các băng nhóm narcoterror ở Mỹ La-tinh được thúc đẩy phát triển nhờ những chính sách như vậy của Trung Quốc”, “phản ứng của chế độ Trung Cộng sẽ là ‘đành chịu vậy chứ biết làm sao’”.