‘Chưa hề có biểu hiện tranh giành quyền lực’
Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trơ trẽn, láo khoét đến thế là cùng, khinh thường dân chúng đến mức này chỉ có những tên tuyên giáo mặt dày của cs mới dám nói dối. HNĐB
Nguyễn Hoàng – BBC tiếng Việt, Hà Nội
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương bác bỏ những đồn thổi về “tranh giành ghế của nhau” và “đấu đá đến hồi gay cấn” đối với nhân sự cấp cao Đại hội 12.
Trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt tại Hà Nội, Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng nói rằng mặc dù bỏ phiếu kín nhưng các đại biểu khi thảo luận nhân sự cấp cao có thể nói thẳng ý kiến của mình.
Nguyễn Thế Kỷ: Tôi đã làm lãnh đạo báo chí của ba Đại hội: 10,11 và 12. Về cơ sở vật chất kỹ thuật thì lần này cơ bản cũng có những đổi mới. Nhưng điều quan trọng là lần này báo chí nước ngoài đăng ký tham dự đưa tin tương đối nhiều hơn. Hầu như các hãng lớn đều cử phóng viên tới tác nghiệp tại Đại hội này.
BBC: Có thể ông đã có dịp đọc một số bài của truyền thông nước ngoài bình về điều họ gọi là hai ứng viên cho chức vụ tổng bí thư là ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng? Ông có đánh giá gì về các bài báo này?
Tôi nghĩ là quyền đưa tin là quyền của các bạn phóng viên và báo chí nước ngoài. Còn tại Đại hội khi thực hiện công tác nhân sự thì các Đại biểu của Đại hội có Quy chế Bầu cử được thông qua trong phiên trù bị và đương nhiên là có chuẩn bị trước đó trong Hội nghị Trung ương 14. Tôi nghĩ là những vấn đề về nhân sự nhất là nhân sự chủ chốt mà người ta quan tâm là tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội này được bầu ra là ai. Không chỉ là phóng viên nước ngoài đâu mà dư luận và báo chí trong nước cũng quan tâm. Nhưng theo tôi thì chúng ta phải chờ xem Đại hội thực hiện quy chế đó như thế nào. Ngày 26/01 bầu thì cũng có thể nói là cuối chiều ngày 26/01 hoặc ngày 27/01 biết được kết quả.
BBC: Trước khi khai mạc Đại hội ông có nói về thông tin “xấu độc” và các luồng tin không chính thống liên quan tới lãnh đạo cao cấp của Đảng. Vậy Việt Nam có kế hoạch gì để điều tra các nguồn tin “xấu độc” này?
Thực ra thông tin không chính thống hay ngay cả nhóm thông tin không đúng, sai sự thật cũng phải chia ra nhiều dạng. Có những dạng người ta không hiểu biết thì người ta cũng đồn thổi trên mạng xã hội hoặc trên trang cá nhân của người ta. Điều này cũng thể hiện là thông tin ở Việt Nam hiện nay rất là thoải mái, tự do, cũng chẳng ai cấm đoán gì đâu.
Đại hội thì có rất nhiều nội dung nhưng thực ra thì nội dung nhân sự luôn luôn được quan tâm. Nhất là nhân sự cấp cao gồm những ai. Và trong số những người cấp cao đấy thì ai sẽ là người cao nhất thì người ta quan tâm thì tôi cho rằng điều này dễ hiểu. Tuy rằng khi mà đồn thổi thì cũng có thông tin đồn thổi sai. Tất nhiên là có những người suy đoán theo chủ quan của mình, theo mong muốn của mình. Nhưng cũng có người suy đoán có thể đi theo hướng bôi nhọ người này mà tâng bốc người kia thì cái điều này gọi là miệng lưỡi thế gian. Nhưng mà cũng có một số thông tin được coi là “xấu độc” tức là “xuyên tạc” mà cho là “nội bộ mất đoàn kết”. Thậm chí là “tranh giành quyền lực”, “tranh giành ghế của nhau”, “đấu đá đang đến hồi gay cấn” thì tôi cho rằng nói như thế thì không đúng.
Chúng ta đã biết là khi thảo luận văn kiện và kể cả về nhân sự thì có trao đổi thẳng thắn và có thể nói rằng những vấn đề mà cần phải thể hiện quan điểm hay là một chính kiến của Ủy viên Trung ương thì Trung ương cũng đưa ra để cho các thành viên giới thiệu.
Trong số các vị hiện nay thì ai nên tiếp tục làm, ai nên nghỉ và đương nhiên là mong muốn đổi mới cái bộ máy lãnh đạo để trẻ hóa hơn để đáp ứng được yêu cầu, tốc độ phát triển của đất nước và công cuộc đổi mới. Chứ còn nói là đấu đá nhau và mất đoàn kết thì không có. Còn trong thảo luận thì cũng có thể có những tranh luận, cũng có thể có ý kiến có khi là gay gắt. Tôi cho rằng tinh thần thì cũng vì sự nghiệp chung thôi. Còn ai đó mà cứ đưa những thông tin để mà kích động, bôi nhọ, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ thì đó được gọi là những thông tin độc hại.
BBC: Nhưng trong chính trị thì việc tranh giành quyền lực cũng là việc bình thường, thưa ông.
Ở Việt Nam thì khái niệm tranh giành, trong tiếng Việt của chúng ta cái từ tranh giành thì nó vốn không có nghĩa tích cực. Tức là anh có cái mong muốn được vươn lên ở vị trí cao. Vị trí mà anh có thể thể hiện được năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm đối với với đất nước, đối với Đảng thì cũng không ai gọi là tranh giành. Mà đây là cái bản lĩnh, cái mong muốn, cũng có thể là ý chí. Nhưng mà nếu như mà tranh giành theo kiểu anh làm cho sự việc nó rối tinh lên. Có thể nhiều khi không phải anh không đủ năng lực, anh không đủ tiêu chuẩn, anh không đủ phẩm chất nhưng mà anh cũng nhảy ra và cũng làm cho tình hình nó phức tạp lên. Anh không chịu sự điều chỉnh của tổ chức. Nhất là những tổ chức chính trị thì bao giờ người ta cũng có những qui định, điều lệ của người ta thì nếu vượt ra khỏi những điều đó thì có thể gọi là tranh giành. Thì tôi cho rằng chưa hề có biểu hiện tranh giành.
BBC: Lá phiếu của 1510 đại biểu được mô tả là có tính quyết định, tức là kể như có sự gay cấn?
Tuy nhiên đấy là quyền tối cao của Đại hội và quyền của Đại biểu và điều này cũng thể hiện sự dân chủ trong Đảng. Thế còn khi chọn các phương án, chẳng hạn 200 Ủy viên Trung ương, trong đó có 180 chính thức, 20 dự khuyết thì ngay cả dự kiến như thế thì mới chỉ là đề án thôi.
Từ 23/01 trở đi thì sẽ có thảo luận về nhân sự. Thì các Đại biểu biểu quyết hoặc bằng giơ tay hoặc là bằng lá phiếu là dự định của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 11 nêu ra là như thế có phù hợp không, có tăng giảm gì không. Thì rõ ràng là Đại biểu vẫn có thể thể hiện ý kiến của mình bằng cái việc như thế. Còn chọn ai thì thế này, các Đại biểu sẽ thảo luận theo chương trình của Đại hội ở các đoàn. Vì số dư có thể là 30%, tức là cũng khá cao thì rõ ràng là trong danh sách đấy đương nhiên bỏ phiếu cho ai là quyền của Đại biểu, và đây là bỏ phiếu kín mà.
Nhưng mà các Đại biểu có thể trao đổi với nhau. Tức là tại sao có thể bỏ phiếu cho người A mà không cho người B chẳng hạn. Thế thì có thể nói lý do tại sao với nhau rất là thoải mái. Anh A đáp ứng được yêu cầu này trong khi anh B không đáp ứng được. Mà nếu vị trí đó anh A làm thì có thể tốt hơn anh B. Tức là cái thảo luận này cũng là cần thiết và thể hiện cái dân chủ và trách nhiệm. Tức là có thể nói thẳng ý kiến của mình với những người tham gia Đại hội chứ không phải chỉ nung nấu, giấu trong đầu của mình mà có thể nói ra quan điểm của mình.