Nụ cười và nước mắt của nguyên thủ quốc gia
Bài này đươc đăng để rộng đường thông tin. Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm hay lập trường của Website.
Bọn đầu đảng cs đều là những kẻ xấu, nên phe nào thắng cũng duy trì độc tài, áp bức, phản dân hại nước. BBT
Người Buôn Gió – 14-1-2016
Kết thúc hội nghị trung ương 14, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nở một nụ cười rạng rỡ sau tuyên bố hội nghị thành công tốt đẹp theo đúng mục tiêu, yêu cầu, kế hoạch đặt ra.
Ngay những năm đầu tiên nhậm chức, TBT Nguyễn Phú Trọng đã phát động chương trình xây dựng đảng, chỉnh đốn đảng và ông ta đặt Nguyễn Tấn Dũng làm tiêu điểm thành công cho chiến dịch của mình. Điều đó dẫn đến sự chia rẽ nội bộ gay gắt trong Đảng Cộng Sản, mặc dù những quan chức lãnh đạo cao cấp của Đảng trên lãnh vực tuyên truyền khi mở miệng đều nói không có chuyên chia rẽ trong ĐCS. Nhưng tất cả người dân lẫn các đảng viên ĐCSVN đều hiểu đó là những lời nói dối.
Nụ cười bế mạc hội nghị trung ương 14 mang đầy vẻ hài lòng của ông Trong, như ông muốn báo hiệu chiến thắng đã đạt được giòn giã. Có lẽ, ông cho rằng hạ được Nguyễn Tấn Dũng là chiến thắng đỉnh cao trong sự nghiệp của ông làm chính trị của ông.
Tôi sẽ không bàn ai là người cầm chính nghĩa trong cuộc chiến giữa Nguyễn Phú Trong và Nguyễn Tấn Dũng. Những quyết định chính trị khó mà có thể kết luận đúng sai trong thời gian ngắn. Phải nhiều năm sau lịch sử mới đủ thẩm thấu để phân định chuyện đúng sai, có khi lúc đó vẫn còn gây tranh cãi.
Tôi chỉ bàn đến thái độ của đón nhận kết qủa của con người.
Ở hội nghi trung ương 6, Nguyễn Phú Trọng đã đưa Nguyễn Tấn Dũng để xin ý kiến kỷ luật. Nhưng thất bại. Ông Trọng sau đó đăng đàn với cử tri trong nước mắt nghẹn ngào.
Đó là lần thể hiện cảm xúc mạnh nhất mà dư luận thấy ông bộc lộ. Phải sâu thẳm trong lòng là hoài bão, là chất chứa, là tâm nguyện lớn lắm trong con người ta, mới có thể khiến một nhà chính khách Cộng Sản hàng đầu thể hiện như vậy.
Giọt nước mắt ấy có lẽ khiến nhiều người đồng cảm với ông.
Nhưng tôi thì không.
Một giọt nước mắt của kẻ âm mưu hại đồng chí của mình không được, khiến lệ tuôn ra. Có gì mà phải đồng cảm.
Giá như ông từng khóc khi nghe tin trong cương vị người lãnh đạo cao nhất, người dân của ông bị quân thù bắn giết ngoài khơi, chủ quyền đất nước mà ông lãnh đạo rơi vào tay giặc, người dân của ông khắp nơi sống trong nghèo đói, có những đứa trẻ chết đói trong lúc đi học hoặc chết đuối khi vượt sông đến trường….có lẽ những giọt nước mắt rơi khi mà ông không hạ bệ được Nguyễn Tấn Dũng, được thông cảm hơn.
Nhưng không, chẳng bao giờ người ta thấy ông bộc lộ cảm xúc mạnh trong những việc đáng phải khóc như thế. Trái lại ông nhăn nhở cười, ông tỉnh như không khi nói về quan hệ hữu nghị , tình cảm gắn bó với kẻ thù ngoai bang xâm lược, kẻ đã gây bao đau thương cho dân tộc mà ông đang lãnh đạo họ.
Như thế trong tâm của ông chẳng hề có người dân Việt Nam này, là đất nước này. Nên những đau thương ấy, không đủ cảm xúc thể để ông rơi nước mắt.
Ông chỉ vì cuộc chơi tranh đua danh vọng của cá nhân mình, không thắng được trong cuộc chơi ấy ông khóc, thắng được thì ông cười. Người ta thường thấy ở đời, nhiều người về già có tính nết như trẻ con, hay khóc dỗi, hay hờn vui bất thường. Thái độ ông Trọng như thái độ của một đứa trẻ con hay của một ông già lẩm cẩm ăn vạ con cháu mình khi không như ý.
Nó không phải thái độ của một người chín chắn, nó còn là thái độ của kẻ tiểu nhân đắc chí.
Chúng ta thấy ông Dũng thoát khỏi kỷ luật ở hội nghị trung ương 6, ông không hề có thái độ đắc thắng, hả hê. Trái lại trước quốc hội, ông Dũng thành khẩn nhận khuyết điểm, nhận mình sai. Điều mà nhiều năm gần đây, chưa bao giờ có vị lãnh đạo nào của ĐCSVN dám làm. Nếu có làm, nó cũng cách đây đã hơn nửa thế kỷ trong cuộc sửa sai sau cải cách ruộng đất.
Mặc cho đồng chí của mình cay cú, uất hận tìm mưu hại. Mặc cho họ đi rỉ tai chỗ này chỗ kia về đồng chí X. Ông Dũng mang cái tên nhục nhã đồng chí X trên người, gắng gượng chèo lái nền kinh tế quái thai định hướng XHCN. Thật bất công là người ta chỉ trích những gì về trước đó, không ai đánh giá những cố gắng của ông Dũng sau này.
Hãy nhớ lại khi ông kể lể về tham gia cách mạng chiến đấu từ nhỏ, mang trên mình bao nhiêu vết thương. Người ta bảo ông kể lể để xin xỏ. Nhớ lại thật kỹ lại, đó là lời ông nói công khai trước quốc hội. Đấy là thời điểm ông đã vượt qua được quyết định xem xét kỷ luật của trung ương. Đó không phải là lời than nghèo, kể khổ để người ta thương, bởi ông đã qua cơn hoạn nạn. Đấy là lúc ông đã chiến thắng đối thủ của mình nhờ ảnh hưởng của ông trong trung ương còn mạnh.
Tôi nghĩ đấy là lời ông đáp tạ sau chiến thắng. Ông không tỏ vẻ đắc thắng, ngạo nghễ nhận đó là chiến thắng do ảnh hưởng, do quyền lực mình. Ông khiêm tốn như muốn nói, các đồng chí trong trung ương thông cảm cho ông, họ thương ông nên giúp ông vượt qua được giai đoạn cam go ấy.
Bế mạc hội nghị trung ương 14 khoá 12, khó khăn ập xuống với ông. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng không rơi nước mắt như kẻ thù của ông. Ông nở nụ cười vị tha, cái cách ông cười và nhìn độ lượng như lời Chúa trong Kinh Thánh.
– Hãy tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm.
Ông không một lời chỉ trích, không một thái độ bạc nhược. Ông giải trình TPP cho trung ương cặn kẽ như lời ban giao, nếu tôi không còn lại, các đồng chí biết việc mà làm. Ông điềm tĩnh đi thực hiện công việc mà ông vẫn phải làm. Trong sự nghiệp mình, ông không hề có lời bóng gió đả kích ám chỉ đồng chí X, Y nào, lúc đương thịnh hay lúc đương suy đều giữ cảm xúc bình tĩnh như vậy.
Ông chỉ thể hiện cảm xúc mạnh như ông Trọng, nhưng không phải khóc vì không triệt hạ được dồng chí khác phe cánh, mà ông Dũng thể hiện cảm xúc mạnh trước sự bạo quyền, ngang ngược của quân Trung Quốc. Người ta bảo đó là mị dân, tôi không tin, chả có cơ sở nào bảo đó là mị dân. Hãy biết ông đã nói những lời mà không vị lãnh đạo nào dám nói những điều khiến người dân được thấy nức lòng.
Tôi viết những điều này trên phương diện khách quan của người bên ngoài nhìn cuộc chiến giữa những người cộng sản. Trong Tam Quốc Chí, truyện mà hầu hết người dân Việt Nam đều biết từ nhỏ. Ai cũng coi quân Thục là chính nghĩa, ai cũng coi quân Nguỵ là gian ác. Người ta say mê với Quan Vũ, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu, Trương Phi. Nhưng nếu đọc kỹ, sẽ thấy ngòi bút ưu ái của tác giả La Quan Trung khi miêu tả về Trương Liêu, tướng của Lã Bố hàng Tào.
Tôi cũng ghét quân Nguỵ, nhưng tôi không vì thế mà ghét Trương Liêu.
Ông Dũng còn với tôi món nợ về vụ bắt giữ anh Ba Sàm, Nguyễn Hữu Vinh. Tôi viết những điều trên để phân biệt những cái ông Dũng hơn ông Nguyễn Phú Trọng. Còn tôi, một kẻ giang hồ không bao giờ quên chuyện người ta hại bạn mình. Lúc ông thất thế, tôi gác lại để vài bữa nữa sẽ tính với ông.
Thế nhưng, tôi cũng viết thay cho hàng ngàn độc giả đã yêu cầu mình. Một sự kiện chưa bao giờ có là một dòng trạng thái trên Facebook khen lãnh đạo này, chửi lãnh đạo kia mà có đến hàng ngàn like.
Một bằng chứng hiển nhiên, rất nhiều người ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng được ở lại và giữ chức vụ cao nhất để lãnh đạo đất nước. Chỉ trong vòng 40 phút khi dòng trạng thái xuất hiện đã có 1000 like như hạn đặt ra, và khi đến thời hạn thì số lượng gấp 4 lần.
Tôi chỉ viết hộ tình cảm và hy vọng của hàng ngàn con người ấy, đối với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.