So sánh tranh chấp Biển Đông và biển Aegeand

Cac Bai Khac

No sub-categories

So sánh tranh chấp Biển Đông và biển Aegeand

XINHUA

Huy Bùi – Gửi cho BBC từ Anh quốc – 13 tháng 1 2016

Các chuyến bay và hạ cánh trên đường băng nhân tạo tại Đá Chữ Thập của Trung Quốc thời gian qua chỉ tạo ra sự phản đối yếu ớt của Mỹ, Philippines nhưng Việt Nam đã lên tiếng nêu quan ngại cho sự an toàn của các chuyến bay dân sự của mình.

Tiền lệ tương tự

Trong lịch sử tranh chấp chủ quyền vùng biển và vùng nhận diện phòng không, có lẽ trường hợp đặc trưng và gần nhất, vẫn chưa ngã ngũ là vụ tranh chấp vùng biển Aegean, giữa hai quốc gia cùng là thành viên khối NATO: Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kéo dài từ thập niên 1970, và suýt dẫn đến chiến tranh vào hai năm 1987 và 1996, vụ tranh chấp này là về chủ quyền biển đảo.
Từ đó, tranh chấp liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, chủ quyền không phận và vùng thông báo bay do một dãy các đảo nhỏ thuộc chủ quyền Hy Lạp (được quốc tế công nhận) nằm rải rác dọc theo bờ biển phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng lúc Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố chủ quyền ở “vùng xám” (vùng chủ quyền không rõ ràng) với một loạt các đảo nhỏ khác, cũng nằm rải rác trong vùng biển Aegean, và cho rằng Công ước Chicago về hàng không chỉ liên quan các chuyến bay dân sự, không áp dụng cho các chuyến bay quân sự.
Không khó để nhận ra rằng, tính chất của sự tranh chấp tại Biển Đông, phức tạp và căng thẳng hơn nhiều, vì sự việc liên quan đến nhiều nước, chứ không chỉ giữa hai quốc gia láng giềng.
Ngay như sự việc vừa xảy ra, khi Trung Quốc thử nghiệm các chuyến bay tại đường băng nhân tạo Đá Chữ Thập, là vùng mà cả Việt Nam và Phillipines đều tuyên bố chủ quyền, trong khi Trung Quốc đơn phương nhận chủ quyền cả vùng biển Đông, rộng hơn 1,35 triệu dặm vuông.
Đơn phương hạ cánh máy bay dân sự và đưa vào hoạt động sân bay với đường băng dài hơn 3 km, Trung Quốc đang “áp đặt” chủ quyền vào khu vực vẫn còn đang tranh chấp vì không ai hiểu sân bay này sẽ có mã code là gì theo luật hàng không dân sự do Tổ Chức Hàng Không Dân Sự Quốc Tế (ICAO) quy định và số hiệu các chuyến bay sẽ như thế nào.
Có lẽ rồi đây Trung Quốc sẽ tuyên bố kiểm soát các chuyến bay quốc tế bay qua khu vực này trong tương lai và ngoài các chuyến bay dân sự, nếu Trung Quốc tiến hành các chuyến bay quân sự thì tình hình an ninh khu vực sẽ ra sao.

Từ Biển Aegean đến Biển Đông

Bờ biển gần Mytilene, thuộc vùng biển Aegean
AP
Vùng biển Aegean cũng là tuyến đường được nhiều người di cư và tị nạn sử dụng để đi từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp
Dù tranh chấp Aegean vẫn chưa thể giải quyết, nhưng về cơ bản, sau hơn 50 cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao của hai quốc gia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để những tranh chấp không có giải pháp cho sự phán quyết của Tòa Án Quốc Tế (IJC).
Ngoài ra, NATO và EU cũng đề nghị một quá trình giải quyết tranh chấp, trong đó có các bước được tiến hành chung hướng đến sự chấp thuận của cả hai quốc gia đối với vai trò của Tòa Án Quốc Tế, trong lúc mỗi nước đơn phương chấm dứt các hoạt động gây căng thẳng.
Ví dụ Thổ Nhĩ Kỳ không bay qua các vùng đảo còn tranh chấp hay như Hy Lạp phải tuân thủ Công ước Quốc tế về Biển (UNCLOS) đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ có quyền sử dụng vùng biển chung.
Kể từ 2011, dù tranh chấp Aegean vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng với việc cùng là đồng minh của NATO và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiếp tục xin gia nhập EU, một cái kết có hậu là điều có thể nhìn thấy được.
Tuy nhiên, sẽ không khả thi nếu đem giải pháp trên áp dụng vào tranh chấp biển Đông vì nhiều lẽ, trong đó quan trọng nhất là thái độ của Trung Quốc và vai trò của một tổ chức quốc tế đủ tầm cỡ khiến các nước liên quan cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Rất dễ để nhận thấy tham vọng của Trung Quốc, trước là vươn lên làm bá chủ ở châu Á, sau là vươn ra thế giới như một thế lực chính trị mới, và kiểm soát biển Đông là một trong những bước quan trọng.
Vấn đề là liệu Mỹ có đủ khả năng và quyết tâm để kìm chế sự trỗi dậy của quốc gia đông dân nhất này.
Ngoài ra, khác với tranh chấp Aegean chỉ xảy ra giữa hai quốc gia, tranh chấp Biển Đông liên quan một loạt nước trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei nên để có một giải pháp đồng thuận cho tất cả là vấn đề hết sức nan giải.
Chưa kể Trung Quốc không chấp nhận đàm phán đa phương mà chỉ đồng ý thỏa thuận song phương với từng quốc gia khác nhau.
Reuters
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC đã lên tiếng về vụ bay thử ra Trường Sa
Và điểm mấu chốt nhất, chính phủ của Tổng thống Obama đưa ra chính sách “xoay trục” về châu Á nhưng lại quyết định cắt giảm ngân sách của Hạm đội Thái Bình Dương khiến Trung Quốc càng quyết tâm hơn trong vấn đề dùng sức mạnh để độc chiếm Biển Đông.
Chưa biết mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ diễn biến theo chiều hướng tốt hay xấu, nhưng chắc chắn chính phủ mới của Mỹ sau kỳ bầu cử năm nay phải có chính sách khác đối với Trung Quốc nếu không muốn khu vực có giao thương hàng hải hàng năm lên đến 5 nghìn tỉ USD trở nên bất ổn, đe dọa an ninh và hòa bình cho toàn khu vực.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Huy Bùi, Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế, ĐH Staffordshire, Anh quốc.