Nhân dân sẽ thất vọng
Ảnh minh họa: Sẽ có ngày nhân dân VN đứng lên đấu tranh loại trừ cái đảng ác ôn, côn đồ công sản
Đinh Minh Đạo
Đến hẹn lại lên, Đại hội toàn quốc ĐCSVN lần thứ XII sẽ diễn ra vào đầu năm 2016. Đã nhiều tháng nay, sự kiện này thu hút sự chú ý của của nhiều người trong và ngoài Đảng. Các cơ quan truyền thông của Đảng ra sức định hướng dư luận, rằng Đại hội Đảng XII sẽ là một sự kiện đặc biệt quan trọng. Báo chí hô hào nhân dân góp ý cho dự thảo các văn kiện Đại hội của Đảng. Trên các báo mạng lề trái cũng xuất hiện nhiều các bài viết, các kiến nghị tâm huyết của cá nhân, tập thể gửi tới Đảng. 127 nhân sỹ, trí thức đã gửi tới Đảng “Thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”. Trong thư, lần đầu tiên đề nghị đổi tên Đảng, tên nước được đưa ra một cách thẳng thắn và trực tiếp.
Nhưng những gì đã diễn ra trong các kỳ Đại hội Đảng trước đây, những người quan tâm đền tình hình đất nước sẽ đặt câu hỏi, Đảng sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân như Đảng đã kêu gọi?
Nền tảng tư tưởng già cỗi
Tuyên ngôn cộng sản của Karl Marx và F. Engels ra đời ngày 21-02-1848, Đây là một trong những tác phẩm kinh điển của Chủ nghĩa xã hội, ra đời trong hoàn cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp ở Đức và châu Âu đã mang lại những biến đổi to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội. Giới chủ (giai cấp tư sản) và những người công nhân làm thuê (giai cấp vô sản) có những mâu thuẫn đối kháng về quyền lợi. Karl Marx và F. Engels đã sai lầm khi đưa ra Học thuyết đấu tranh giai cấp, hai ông khẳng định giai cấp vô sản phải bằng bạo lực để đánh đổ giai cấp tư sản giành chính quyền, tiến tới xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản. 168 năm đã đi qua, lịch sử đã chứng minh Học thuyết của Marx, được Lenin phát triển và ứng dụng sai lầm cả về lý thuyết và thực tiễn. Liên Xô và các nước Đông Âu theo thể chế Cộng sản, sau nhiều năm xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đã sụp đổ như những người khổng lồ chân đất sét. Mớ lý thuyết Của chủ nghĩa Mac-Lenin đã bị người dân các nước đó vứt bỏ, thay thế bằng thể chế tự do dân chủ.
Chủ nghĩa xã hội của Marx đã trải qua hơn 1,5 thế kỷ, nó “cùng đời” với những đoàn tầu hỏa chạy bằng hơi nước cập cạch, dịch chuyển với tốc độ vài chục km/giờ. Các đoàn tầu này đã được đưa vào viện bảo tàng, trở thành đồ cổ đã lỗi thời. Thế giới văn minh cũng đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa Marx, vì nó gây ra biết bao thảm họa cho loài người. Ở bất cứ quốc gia nào áp dụng chủ nghĩa Marx, thể chế độc tài được thiết lập, quyền con người bị chà đạp, tham nhũng phát triển, một giai cấp “đỏ” hình thành với những đặc quyền đặc lợi. Việt Nam đã và đang là một ví dụ rõ ràng nhất.
Thật khó khi thuyết phục Đảng đổi tên, vì đổi tên Đảng cũng có nghĩa là Đảng phải tự mình bớt chất cộng sản, bớt tính độc tài, chia sẻ quyền lực. Còn đổi tên nước có nghĩa là Đảng phải từ bỏ mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội, từ bỏ lý do để Đảng tồn tại, mặc dù ông Đảng trưởng đã cay đắng thừa nhận “đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã có Chủ nghĩa xã hội hoàn chỉnh”.
Nhưng nếu Đảng thật sự đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của Đảng, điều đáng làm trong Đại hội XII là thảo luận tìm ra nguyên nhân tụt hậu của đất nước, mạnh dạn thay đổi nền tảng tư tưởng, tổ chức của Đảng. Đây không phải là công việc khó khăn, chỉ cần Đảng thành thật, dám nhìn thẳng vào sự thật. Trong 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, chỉ có 4 quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền, áp đặt chế độ độc tài toàn trị đối với nhân dân. Thể chế độc đảng với mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội đã trở nên lạc lõng trong thế giới văn minh ngày nay, đó cũng là nguyên nhân đưa đất nước đến tụt hậu.
Lạc hậu về tổ chức
Theo dõi các hoat động và sinh hoạt của ĐCSVN, thật khó tin được đây là một đảng chính trị lãnh đạo một quốc gia 90 triệu dân, trong thời đại văn minh của tin học, của internet, của điện thoại thông minh, của ô tô thông minh, của người máy giống người thật…
Đảng có gần 4 triệu đảng viên, với một bộ máy hành chính cồng kềnh, quan liêu, hoạt động bằng tiền thuế do dân đóng góp. Bộ máy của Đảng giống như một chính phủ cấp trên để chỉ huy một chính phủ cấp dưới. Trụ sở các cơ quan Đảng từ trung ương đến địa phương đều xây dựng bề thế. Chưa có một thống kê chính thức nào về ngân sách chi phí hàng năm cho bộ máy Đảng và tổng số giá trị các bất động sản mà Đảng đang chiếm dụng, nhưng chắc không dưới con số tỷ Dollar.
Từ đại hội XI, họp tháng 01-2011 đến nay, trong 5 năm Đảng đã họp 14 kỳ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, hội nghị họp ngắn nhất là hội nghị lần thứ 11 họp vào tháng 05-2015 kéo dài 4 ngày, dài nhất là hội nghị lần thứ sáu họp14 ngày. Tính trung bình , mỗi kỳ họp Đại hội Đảng hay Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương kéo dài 8 ngày. Trong nhiệm kỳ 5 năm, ban chấp hành trung ương họp 126 ngày, bình quân một năm họp 25 ngày. Nếu làm một con tính, Đảng có 200 Ủy viên Trung ương, nếu ước tính chi cho mỗi đại biểu họp một ngày gồm ăn ở, đi lại… là 200 USD, mỗi năm Đảng chi cho họp là 1 triệu USD. Chưa hết, sau mỗi kỳ Đại hội hay Hội nghị Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến 63 tỉnh thành, các huyện, xã phải triển khai học tập nghị quyết, hàng triệu đảng viên, viên chức nhà nước cứ vô tư nghỉ làm việc để họp hành. Họp xong, người giảng bài và người nghe đều quên ngay, nghị quyết lại trở về nằm im lặng trên các giá gỗ, dưới những lớp bụi của thời gian.
Nếu Đảng đưa tầm mắt nhìn ra thế giới văn minh ngày nay, các đảng cầm quyền ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải cạnh tranh gay gắt để được nhân dân lựa trọn bằng lá phiếu, họ chỉ có vài chục ngàn đảng viên, phải tự lo ngân sách để hoạt động, hệ thống tổ chức gọn nhẹ, Đại hội Đảng của họ chỉ họp trong một hai ngày, có đảng tổ chức để toàn thể đảng viên bầu chủ tịch đảng qua internet. Với bộ máy gọn nhẹ, hiện đại hoạt động hiệu quả, họ cầm quyền để thực hiện những gì họ đã hứa với dân, nhân dân sẽ thay họ nếu họ không thực hiện lời hứa.
Mò kim đáy biển
Theo dõi công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng khóa XII, nhiều người có cảm giác lần này Đảng coi trọng đặc biệt công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội. Ngay từ Hội nghị Trung ương lần thứ 9, rồi 12, 13 đều tập trung cho nhân sự Đại hội, nhưng vẫn chưa xong, phải chờ thêm lần thứ 14. Đảng muốn tỏ cho người dân biết rằng, Đại hội XII sẽ khác các đại hội trước đây, sẽ lựa chọn một đội ngũ lãnh đạo có đạo đức, có tài năng, trong sạch để lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới.
Nhưng những ai hiểu biết về hệ thống tổ chức của Đảng và cách vận hành của nó đều hiểu rằng, đây chẳng qua chỉ là việc sắp xếp vị trí và phân chia quyền lợi.
Trong Đảng hiện nay gồm nhiều thế hệ. Những đảng viên vào Đảng với lý tưởng cộng sản nay đã ở tuổi xế chiều, họ ngồi nhìn sự tha hóa của Đảng với một niềm xót xa, bất lực. Những đảng viên ở tuổi 40 đến 65, hầu hết là những người, nếu có chút tài thì thiếu đức, ngược lại, có đức (một danh xưng khá mơ hồ) thì lại thiếu tài. Những người vừa có tài vừa có đức (số này rất ít) đã ra khỏi Đảng hoặc nếu chưa ra khỏi Đảng vì những lý cá nhân hay gia đình, thì đứng ngoài những tranh chấp quyền lực. Số còn lại là giới trẻ, có tài hoặc bất tài, họ vào Đảng chỉ để có cơ hội “vinh thân phì gia”.
Thực trạng trên đây của Đảng đã bác bỏ những tuyên truyền của Đảng. Tìm những đảng viên vào các chức vụ của Đảng vừa có tài năng, vừa có đạo đức, khác nào mò kim dưới đáy biển.
Thử điểm lại các Tổng Bí thư Đảng đã được lựa chọn trong các Đại hội gần đây. Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có tính cục bộ địa phương cao, rất quý các đồng hương Thanh Hóa, thăng chức và tin dùng họ, ông rất tự hào là dân tộc Việt Nam biết vót chông tre để đánh Mỹ. Ông là một Tổng Bí thư mờ nhạt về mọi mặt, bị chính các đồng chí của mịnh “hạ bệ” sau khi chỉ làm được một nhiệm kỳ. Tổng Bí thư Đỗ Mười, trình độ văn hóa thấp, chuyên gia về “đánh”, giỏi đánh phá hơn là lãnh đạo xây dựng, ông đã chỉ huy đánh tư sản ở miền Bắc sau năm 1954, và miền Nam sau năm 1975, ông có tài diễn thuyết lộn xộn không nghỉ trong nhiều giờ đồng hồ, không cần biết những thính giả có nghe mình nói hay không. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, với trình độ cấp huyện, về các địa phương, đến đâu cũng chỉ biết ca bài ca “trồng cây gì, nuôi con gì?”. Sau khi về hưu vui thú gia đình, xây dựng cung điện và ngai vàng nguy nga như vua chúa phong kiến ngày xưa, trị giá hàng triệu Dollar, được người đời mệnh danh là “Mạnh vương” (không biết ông lấy tiền ở đâu ra?). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay như chúng ta đã thấy, là nhà lý luận của của những phát ngôn đến nực cười:”Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa xã hội hoàn chỉnh ở Việt Nam hay chưa…”, “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ…, cho nên chúng ta phải xem xét tỉnh táo, sáng suốt”. Ông là Trưởng ban Chống tham nhũng, nhưng không lo chống tham nhũng (vì đánh chuột sợ vỡ bình), chỉ lo chống tự diễn biến và diễn biến. Trước nhiều hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc, ông chưa bao giờ cất tiếng lên án kẻ xâm lược.
Tổng Bí thư là người được Đảng cân nhắc lựa chọn kỹ càng nhất trong Đại hội, nhưng họ là những người như đã kể trên đây. Vậy lấy đâu ra 200 Ủy viên Trung ương trong sạch, vừa có tài vừa có đức, cho dù Đảng tự ca ngợi mình, rằng: “Chưa nhiệm kỳ nào, nhân sự ở cấp chiến lược của Đảng lại được chuẩn bị chu đao như khóa này”.
*
Đại hội ĐCSVN lần thứ XII chắc sẽ diễn ra như các Đại hội Đảng trước đây, có khác chăng là sự tranh giành quyền lực vào các vị trí “tứ trụ” và “16 ông vua tập thể” sẽ gay gắt, quyết liệt và nhiều thủ đoạn hơn. Sau Đại hội, người dân Việt Nam sẽ thất vọng, lại được nghe các bài ca quen thuộc của Đảng: kiên trì bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lenin, bài trừ tham nhũng, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chống tự diễn biến và diễn biến của các thế lực thù địch v…v. Những góp ý của nhân dân, của các nhân sỹ, trí thức nặng lòng với đất nước Đảng bỏ ngoài tai.
Nhưng sự chịu đựng của nhân dân chỉ có hạn. Nếu Đảng không tự mình cải đổi, sẽ đến ngày nhân dân đứng lên đấu tranh buộc Đảng phải thay đổi, lúc đó Đảng có sám hối thì đã muộn.
Đ.M.Đ.
Tác giả gửi BVN