Tại sao giá dầu lại tụt dốc
Chu Chi Nam (Danlambao) – Theo tin mới nhất của báo chí ngày 6/1/2016, thì giá 1 thùng dầu xuống còn là 34.32 USD. Nếu chúng ta nhìn vào đường biểu diễn giá dầu từ năm 2011 tới nay, vào năm 2011 cũng như năm 2012, có lúc giá dầu lên trên $120.00/1 thùng mà nay cuối năm 2015 đầu năm 2016 giá dầu xuống dưới $40.00 /1 thùng, như vậy đã xuống hơn gấp 3 lần.
Tại sao như vậy? Để cắt nghĩa sự kiện này có 2 trường phái: 1) Trường phái kinh tế; 2) Trường phái chính trị.
I. Trường phái kinh tế:
Những người theo trường phái này cho rằng giá dầu hỏa xuống dốc là hoàn toàn theo định luật cung cầu, vì trên thị trường số cung lúc nào cũng nhiều hơn số cầu. Cơ quan năng lượng quốc tế (AIE) đã đưa ra 1 bản dự đoán dựa vào quá khứ 2 năm trước (2014-2015) rồi tiên đoán tương lai cho tới năm 2020. Theo đó 2014 số cung (sản xuất) trên thị trường là 98 triệu thùng 1 ngày, trong khi đó số cầu (tiêu thụ) chỉ có 92.4 thùng 1 ngày, như vậy là dư ra 5.6 triệu thùng 1 ngày. Năm 2015 số cung là 98.6 triệu thùng 1 ngày, trong khi đó số cầu là 93.3 triệu thùng 1 ngày, thặng dư là 5.3 triệu thùng 1 ngày. Năm 2016: số cung là 99.7 triệu thùng 1 ngày, số cầu là 94.5 triệu thùng 1 ngày, thặng dư là 5.2 triệu thùng 1 ngày. Và cứ như thế thặng dư mãi cho tới năm 2020 số cung là 103.2 triệu thùng 1 ngày số cầu là 99.1 triệu thùng 1 ngày thặng dư là 4.1 triệu thùng 1 ngày. Những người theo trường phái kinh tế hoàn toàn dựa vào luật cung và cầu để cắt nghĩa sự việc này. Điều này không phải là họ không có lý.
Tuy nhiên tại sao có hiện tượng này. Để cắt nghĩa thì có nhiều nguyên do:
Nguyên do thứ 1: Đó là sự sản xuất dầu hỏa của Hoa Kỳ (HK) mỗi ngày 1 tăng. HK sản xuất dầu vào năm 2006 là 5 triệu thùng 1 ngày cho tới nay số sản xuất đã tăng gấp đôi lên khoảng trên dưới 10 triệu thùng 1 ngày (cuối năm 2015 đầu năm 2016). HK là nước tiêu thụ dầu đứng đầu trên thế giới, tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng 1 ngày, ngày xưa phải nhập cảng 15 triệu thùng 1 ngày, nhưng nay chỉ còn nhập cảng 10 triệu thùng 1 ngày.
Nguyên do thứ 2: Đó là số tiêu thụ dầu trên thị trường mỗi ngày 1 giảm. Trường hợp điển hình là TC. Nước này, xưa kia tăng trưởng kinh tế ở 2 con số, tất nhiên cần dầu hơn là ngày hôm nay, tăng trưởng kinh tế chỉ còn 1 con số, theo dự đoán thì tăng trưởng kinh tế dưới 6%. Vào tháng 6/2015, Ngân hàng quốc tế dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung cộng vào năm 2016 là 3,3%, nay qua việc thị trường chứng khoán nước này bị mất giá vào 2 ngày thứ hai (4/1) và thứ năm (8/1), nên đã điều chỉnh, hạ xuống còn 2,9%.
Trước đây 1 năm TC tiêu thụ khoảng 13 triệu thùng dầu 1 ngày, nay chỉ còn 11 triệu thùng 1 ngày, như năm vừa qua Trung cộng sản xuất 5 triệu thùng một ngày, phải nhập cảng 6 triệu thùng. Số tiêu thụ giảm vì hãng xưởng đóng cửa, tất nhiên số nhập cảng dầu giảm. Viết đến đây, tôi cũng phân vân, vì có nhiều nguồn trái ngược nhau: nguồn thì cho rằng sự tiêu thụ dầu của Trung cộng vẫn tăng, có nguồn thì cho rằng đã giảm. Tôi nghiêng về nguồn thứ hai. Đấy là chưa nói những nước buôn bán nhiều với TC, như việc bán cho TC những nguyên liệu như đồng, sắt, thép, kẽm v.v… số bán này cũng giảm. Vì vậy nền kinh tế của những nước này cũng bị chậm lại. Việc tiêu thụ dầu khí cũng bị giảm đi.
Lý do thứ 3: Đó là chiến tranh ở Trung Đông.
Như chúng ta đã biết tổ chức nhà nước Hồi Giáo IS hiện nay vẫn còn chiếm đóng phần phía Bắc của Syria và Iraq. Nơi đây cũng có những giếng dầu, tổ chức này đã khai thác và bán rẻ trên thị trường chỉ vào khoảng $ 20.00/1 thùng; mỗi ngày bán cho tới từ 2 triệu tới 2.5 triệu thùng.
Lý do thứ 4: Đó là, mặc dầu số dầu hỏa trên thị trường bị thặng dư, các nước trong OPEC (các nước sản xuất và bán dầu hỏa trên thế giới) có yêu cầu giảm mức độ sản xuất, trong nhiều cuộc họp của tổ chức này, nhưng trong cuộc họp gần đây nhất, nước sản xuất đứng đầu trước đây là nước thứ nhì hiện nay và cũng là nước xuất cảng đứng đầu thế giới, nước Saudi Arabia. Nước này đã từ chối.
Chính vì vậy mà có người cho rằng việc giá dầu bị tụt dốc không phải chỉ vì lý do kinh tế, mà còn liên quan đến lý do tôn giáo và chính trị.
II. Trường phái chính trị.
Nhất là hiện nay sự tranh chấp giữa 2 nước cùng sản xuất và xuất cảng dầu, cũng là 2 nước theo đạo Hồi Giáo, nhưng theo 2 phái khác nhau. Đó là Iran, theo đạo Hồi giáo Shiite và Saudi Aribia theo đạo Sunni. Hai giáo phái này tranh chấp và muốn tiêu diệt lẫn nhau. Người ta còn nhớ vào thời thập niên 70, Saddam Hussein của nước Iraq, theo giáo phái Sunni, phần lớn dân phía bắc của Iraq trong đó có bộ lạc của gia đình Saddam Hussein, theo chi nhánh Sunni, đã gửi quân sang đánh Iran, phần lớn theo nhánh Shiite của Khomeiny. Cuộc chiến đã diễn ra rất khốc liệt.
Cả hai nước đều có 1 số dự trữ dầu rất lớn, Arabia Saudi với dự trữ là 267 tỉ thùng dầu, đứng thứ nhì chỉ sau Venezuela là 300 tỉ, Iran với 154 tỉ thùng dầu đứng thứ tư, chỉ sau Canada với 173 tỉ thùng dầu. Hai nước Iran và Saudi chỉ sống vào sự xuất cảng dầu, trong khi đó Iran lại có tham vọng chế tạo bom nguyên tử. Điều mà nước Saudia rất sợ. Hơn thế nữa ngân sách quốc gia của Iran được làm ra trong giả thuyết là giá dầu sẽ là $120.00/1 thùng, nay giá dầu chỉ còn trên dưới $35.00/1 thùng, có nghĩa là giết chết kinh tế của Iran, đồng thời giết chết tham vọng chế bom nguyên tử của nước này.
Các cụ ngày xưa có nói: “có thực mới vực được đạo”. Nay kinh tế khó khăn thì làm sao có thể thực hiện được chế bom nguyên tử.
Nhưng người ta cũng có thể đặt câu hỏi đó là nếu giá dầu xuống thấp, cũng gây khó khăn cho nước Saudi. Tuy nhiên với trường hợp nước này, thì không phải vậy, nước này dân số vừa ít khoảng trên 25 triệu dân, với 1 diện tích bao la khoảng hơn 2 triệu cây số vuông, với số dự trữ dầu hỏa đứng thứ nhì trên thế giới như vừa nói. Hơn thế nữa việc khai thác dầu hỏa của nước này lại rất rẻ nhờ ở kỹ thuật khai thác dầu rất hiện đại, do sự giúp đỡ và hợp tác của HK, 1 thùng dầu hỏa khi khai thác ra chỉ mất từ 15 đến 20 USD, trong khi ở những nước khác phải mất từ 30 đến 40 USD/1 thùng.
Với nước Iran, nước này có 1 dân số trên dưới 70 triệu dân, với diện tích là trên 1 triệu 600 ngàn cây số vuông, nước này vì nhiều lý do, trong đó có lý do bị cấm vận của HK, nên kỹ thuật khai thác dầu hỏa còn rất lạc hậu, vì vậy giá thành của 1 thùng dầu hỏa khi được khai thác ra rất cao.
Đó là lý do vừa tôn giáo vừa chính trị của sự tụt giá dầu hỏa.
Đấy là chưa nói đến việc nước Arabia Saudi cũng không có cảm tình với nước Nga, không muốn nước Nga can thiệp vào Trung Đông, cũng như việc nước Arabia Saudi nhìn Nga với con mắt không có thiện cảm, khi nước này chiếm Crimea của Ukrain, một cửa ngõ để Nga tràn xuống Trung Đông và có những liên hệ ngoại giao mật thiết với Iran và với Syria của Assad, kẻ thù của Arabia.
Việc làm của Arabia Saudi về vấn đề hạ giá dầu hỏa cũng nhằm vào việc ngăn cản mộng đế bá của Nga và ngăn chặn việc tái lập đế quốc Liên sô của Putin hiện nay vì kinh tế của Nga hiện nay phần lớn cũng dựa vào việc xuất cảng dầu và khí đốt. Nay giá dầu hỏa bị giảm, lại giảm 1 cách trầm trọng, tất nhiên ảnh hưởng xấu trầm trọng cho kinh tế Nga.
Tất nhiên hành động của Arabia Saudi về vấn đề giá dầu, có người cho rằng phải có sự chấp nhận hay làm ngơ của HK. Điều này không phải là không có lý.
Nhưng cũng có người đưa ra giả thuyết hoàn toàn ngược lai. Theo đó nước Arabie Saudia cố tình giữ giá dầu hỏa ở mức độ thấp, không những chơi Nga, Iran, mà nhằm vào cả Hoa kỳ. Đó là sự sản xuất dầu hỏa của Hoa kỳ từ năm 2006 tới nay tăng gấp đôi, từ 5 triệu thùng một ngày lên tới 10 triệu thùng, phần lớn là nhờ vào khai thác dầu phiến đá. Có những hãng lớn khai thác kiểu này, nhưng cũng có những hãng nhỏ. Cách khai thác mắc mỏ, từ 30 cho tới 40 $ một thùng. Nay giá trên thị trường dưới 40 $ là lỗ, đi đến phá sản. Arabia nhằm giết những hãng xưởng này, để cho bớt cạnh tranh.
Dù giả thuyết nào chăng nữa, thực tế là giá dầu bị tụt dốc, có lợi cho chính sách ngoại giao của Obama cuối nhiệm kỳ nhì. Người ta có thể nói, nếu giá dầu không hạ, không ảnh hưởng mạnh đến kinh tế của Iran và Nga, thì còn lâu Iran mới chịu ký hiệp ước về hạn chế nguyên tử. Và Nga còn sừng xổ mạnh hơn ở trên trường quốc tế, nhất là ở Trung Đông và Ukhraine…
Đó là những nguyên do, có thể nói vừa kinh tế, vừa tôn giáo và vừa chính trị, trong chiến tranh dầu, 1 kim loại đen, được các cường quốc dùng để đấu đá lẫn nhau, đã từ lâu.
Cuộc đấu đá này còn kéo dài bao lâu?
Ít nhất trong ngắn hạn cho tới năm 2020, vì số cung dầu hỏa vẫn còn trên số cầu, theo tiên đoán của Cơ quan năng lượng quốc tế (AIE).
Còn về dài hạn thì rất khó nói.
Paris 12/1/2016