Sự thật về chuyến tuần tra của chiến hạm Mỹ Lassen ở Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sự thật về chuyến tuần tra của chiến hạm Mỹ Lassen ở Biển Đông

Khu trục hạm USS Lassen.Reuters
Theo RFI
Đăng ngày 09-01-2016

Ngày 27/10/2015, trong một chiến dịch được mệnh danh là để bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, khu trục hạm Mỹ USS Lassen đã tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi, một trong 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa ngoài Biển Đông.

Cho đến gần đây, thông tin chính thức về chiến dịch này chưa hề được công bố, mà chỉ có những chi tiết manh mún được các nguồn tin khác nhau đưa ra, chủ yếu là ẩn danh, đến từ các giới chức quân sự quốc phòng Hoa Kỳ. Tình trạng mập mờ này đã khiến cho nhiều người hoài nghi về tính chất quyết liệt của chiến dịch « bảo vệ quyền tự do hàng hải », chống lại những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc tại Biển Đông do Hải quân Mỹ thực hiện.

Nhiều nhà phân tích đã chỉ trích các thủ tục mà tàu Lassen đã áp dụng khi di chuyển bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi, được mô tả là giống với các thủ tục « đi qua vô hại », dùng trong trường hợp chiến hạm nước ngoài di chuyển trong lãnh hải của một nước khác, hơn là các hoạt động thể hiện quyền tự do đi lại trên vùng biển quốc tế.

John McCain chất vấn Ashton Carter

Một trong những người đã rất quan ngại trước khả năng Mỹ rụt rè không dám thách thức Trung Quốc trong chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải đầu tiên là Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.

Trong một bức thư gửi đích danh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 09/11/2015, ông McCain đã yêu cầu ông Carter giải thích rõ ràng về nhiệm vụ của chiếc USS Lassen tại Trường Sa hôm 27/10/2015 là thực hiện hoạt động « tự do đi lại » hay « đi qua vô hại » bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi.

Bức thư của Thượng nghị sĩ McCain nêu lên 5 câu hỏi trong đó có yêu cầu làm rõ những yêu sách quá đáng của Trung Quốc mà chiến dịch do tàu Lassen thực hiện muốn thách thức, và con tàu có thực sự hoạt động theo thủ tục đi qua vô hại hay không, nếu đúng thì tại sao, còn nếu không, thì đã có những hoạt động nào để chứng tỏ là con tàu không « đi qua vô hại ».

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chính thức lên tiếng

Hơn một tháng sau, bức thư của Thượng nghị sĩ McCain đã nhận được phúc đáp chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 21/12/2015, trong đó lần đầu tiên, nhân vật đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết chi tiết về chiến dịch do tàu Lassen thực hiện. Toàn văn bức thư đã được trang thông tin USNI News của Học viện Hải quân Hoa Kỳ công bố ngày 05/01/2016 vừa qua.

Về chiến dịch tuần tra của khu trục hạm USS Lassen, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nói rõ:

« Ngày 27 tháng 10 năm 2015, khu trục hạm USS Lassen (DDG-82) của hải quân Mỹ đã tiến hành một chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bằng cách đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của năm thực thể địa lý tại vùng quần đảo Trường Sa – Xu Bi (Subi Reef), Song Tử Đông (Northeast Cay), Song Tử Tây (Southwest Cay), Đá Nam (South Reef), và Đá Hoài Ân (Sandy Cay) – đang do Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines tranh chấp. Hoa Kỳ không hề báo trước cho bất kỳ bên tranh chấp nào về hoạt động của tàu Lassen, vốn phù hợp với những gì (nước Mỹ) thường làm và đúng theo luật pháp quốc tế ».

Trong bài phân tích đăng ngày 06/01/2016 vừa qua, trang mạng của tờ báo Nhật Bản The Diplomat cho rằng đoạn văn nói trên đã xóa bỏ mối lo ngại là chiến hạm Mỹ USS Lassen đã vô tình củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bằng cách tuân theo thủ tục đi qua vô hại trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi. Đối với The Diplomat, sự kiện Mỹ không báo trước cho Trung Quốc biết về hoạt động của tàu Lassen rất có ý nghĩa.

Ngoài ra, bức thư của ông Carter lần đầu tiên đã xác nhận rằng chiếc Lassen còn di chuyển qua vùng biển gần 4 thực thể địa lý khác, chứ không chỉ tập trung ở Đá Xu Bi như các tin tức trước đây từng loan tải.

Sự kiện tàu Lassen đi vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá An Viên (Sandy Cay), theo The Diplomat, chứng minh thêm cho lập luận của hai nhà nghiên cứu Bonnie Glaser và Peter Dutton, đã giải thích trên tạp chí National Interest rằng một hoạt động đi qua vô hại nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải gần đá Subi không hề giảm nhẹ lập trường phản đối yêu sách quá mức của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa mà Hoa Kỳ muốn thể hiện qua chiến dịch do tàu Lassen tiến hành.

Đối với The Diplomat, bức thư của ông Carter đã xác nhận điều đó một cách rõ ràng khi ông giải thích lý do chọn Đá Xu Bi để tuần tra :

« Chúng tôi tin rằng Đá Xu Bi, trước khi bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo, từng là một thực thể lúc nổi, lúc chìm và do đó không thể tự tạo ra 12 hải lý lãnh hải cho riêng mình. Tuy nhiên, nếu nó nằm trong phạm vi 12 hải lý của một thực thể có lãnh hải 12 hải lý như trường hợp của đá Hoài Ân (nằm trong 12 hải lý lãnh hải của đảo Thị Tứ), thì mực nước thấp nhất ở Đá Xu Bi có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải như trường hợp của Đá Hoài Ân. Trong trường hợp đó, Đá Xu Bi có thể được bao quanh bởi một vùng lãnh hải 12 hải lý mặc dù là một thực thể lúc nổi, lúc chìm hoàn toàn tự nhiên. »

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói tiếp :

« Chính vì tình trạng không chắc chắn như thế, chúng tôi đã tiến hành chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải theo cách hợp pháp, với tất cả các kịch bản, để bảo lưu lập trường của Mỹ cho đến khi những gì mập mờ được làm rõ, những tranh chấp được giải quyết và những yêu sách hàng hải được sáng tỏ ».

Bức thư của ông Carter đã nhắc lại một cách rõ ràng hơn lập trường xuyên suốt của Mỹ là không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng chống lại bất kỳ mưu toan nào nhằm hạn chế quyền đi lại và các quyền tự do khác xung quanh các đảo đá đang tranh chấp, trong đó có yêu cầu của một số bên là phải xin phép hay thông báo trước khi đi vào vùng lãnh hải của họ.

Và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã lập lại một lời khẳng định đã trở thành quen thuộc : Máy bay và tàu thuyền Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Theo giới quan sát, bức thư của ông Ashton Carter đã giải tỏa được nhiều thắc mắc về quyết tâm của Mỹ trong chủ trương phản đối các yêu sách biển đảo quá mức của Trung Quốc tại Biển Đông. Vấn đề là lẽ ra Lầu Năm Góc nên có thái độ minh bạch như vậy sớm hơn, chứ không nên đợi hai tháng sau khi sự kiện diễn ra rồi mới lên tiếng giải thích.