Người dân trông đợi gì ở Đại hội Đảng XII?
Lao động nhập cư từ các tỉnh phía Bắc tìm việc hàng ngày tại một góc đường ở trung tâm thành phố Hà Nội hôm 10/9/2015.
Hòa Ái, phóng viên RFA, 2016-01-08
Đại hội Đảng lần thứ XII sẽ diễn ra từ ngày 20 đến ngày 28 tháng 1 tại Hà Nội để bầu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đề ra mục tiêu phát triển đất nước cho giai đoạn 2016-2020. Dân chúng trong nước quan tâm như thế nào cũng như kỳ vọng gì ở Đại hội Đảng lần thứ XII này?
Trước hết là chia sẻ của người dân khắp ba miền Nam-Trung-Bắc:
“Ai lên cũng vậy. Ai lên cũng nắm chính quyền. Người ta đều bất mãn chế độ, nói là ai làm thì cứ làm, làm cho đã thôi; chứ bây giờ có quan tâm thì cũng không làm được gì, nói cũng không nghe”.
“Ông nào lên cũng được vì điều quan trọng là thể chế có thay đổi hay không. Một con người – một ông lãnh đạo mà thay thế từ ông này sang ông nọ cũng chỉ là một sự thay thế, chứ còn thể chế cũng không thay đổi thì vẫn là tình cảnh như hiện tại mà đôi khi còn bi đát hơn”.
“Người dân chỉ quan tâm đến cuộc sống của họ, quan tâm đến vận mệnh đất nước chứ bây giờ không ai quan tâm đến cái đảng lãnh đạo này nữa”.
Truyền thông trong nước tập trung loan tin cho biết Đại hội Đảng lần thứ XII rất quan trọng vì đại hội lần này sẽ đánh giá kết quả lãnh đạo và sự phát triển của VN sau 30 năm đổi mới cũng như bầu chọn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi 3 trong 4 nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên dân chúng từ Bắc đến Nam mà đài ACTD tiếp xúc qua điện thoại hầu như đều có cùng sự bày tỏ không mấy quan tâm đến những kỳ Đại hội Đảng như thế này. Họ chia sẻ cuộc sống ngày càng khó khăn, phải lo từ bữa cơm hàng ngày cho đến những thứ thuế, những loại phí phải đóng ngày càng nhiều, đang là gánh nặng cho mỗi gia đình hiện nay.
Người dân chỉ quan tâm đến cuộc sống của họ, quan tâm đến vận mệnh đất nước chứ bây giờ không ai quan tâm đến cái đảng lãnh đạo này nữa. – Một người dân Hà Nội
Qua tìm hiểu chi tiết hơn với người dân trong nước về bối cảnh xã hội VN 5 năm qua dù được báo cáo là ổn định và mức tăng trưởng GDP đạt mức vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2015 nhưng không ai tỏ ra lạc quan vào sự lãnh đạo của Đảng CSVN trong năm năm tới. Một cư dân ở Hà Nội nói với đài RFA:
“Theo dõi thông tin kết quả tình hình kinh tế xã hội thì tất cả đều đi xuống; về kinh tế chẳng hạn như nợ công càng ngày càng gia tăng; về đời sống càng ngày càng bất ổn; vấn đề an sinh xã hội về mọi thứ càng ngày càng khốn đốn hơn. Số liệu họ đưa ra thì được đẹp trên báo cáo, còn nhìn vào tình hình thực tế thì rất nhiều vấn đề, càng ngày càng bùng phát mà gần như họ không thể điều hòa được”.
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê VN, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng vai trò chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế năm 2015. Thế nhưng trong năm vừa qua, công nhân ở công ty khắp các tỉnh thành đình công liên tiếp để yêu cầu quyền lợi của họ cần được Công đoàn cũng như Chính phủ đáp ứng thỏa đáng như điều kiện lao động được cải thiện hay quỹ bảo hiểm xã hội phải đảm bảo. Thông tin VN gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương – TPP với ràng buộc của sự ra đời Công đoàn độc lập đã mở ra những hy vọng mới cho giới công nhân nhưng niềm vui đón chờ cơ hội công ăn việc làm của họ chưa kịp đến thì họ lại gặp nhiều trở ngại trong quá trình tìm hiểu cũng như tiếp cận các tổ chức Công đoàn độc lập.
Một người dân lao động nghèo đẩy xe hàng rong qua một cửa hàng bán kim khí điện máy ở Saigon. AFP photo
Những năm qua, VN vẫn là cường quốc xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên thế giới. Bộ mặt đời sống của nông dân trong các ngành trồng trọt và chăn nuôi có nhiều thay đổi tích cực. Tuy vậy, đa số nông dân vẫn cho rằng công việc của họ bấp bênh và đầy rủi ro. Thay vì đồng thiền thu về để đầu tư cho tái sản xuất thì nhiều nông dân phải đổi nghề. Ông Hai Lúa, một nông dân ở Cần Thơ vừa bán hết ruộng vườn của mình, cho biết:
“Hồi xưa nói chung cách đây hơn 40 năm thì lúa làm một năm có một vụ mà dân no ấm đầy đủ. Bây giờ làm 3, 4 vụ mà không đủ. Tại vì đồng tiền không có giá trị. Làm thì nhiều nhưng không có bao nhiêu tiền. Tiền thì nói bạc tỉ, bạc triệu mà rốt cuộc mua sắm không được bao nhiêu”.
Vấn đề Hòa Ái nêu lên trước những bất cập trong đời sống kinh tế xã hội như hiện nay, lẽ ra người dân phải đặc biệt quan tâm đến các kỳ Đại hội Đảng, nhất là Đại hội Đảng lần thứ XII này với kỳ vọng những thành viên mới trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ ít nhiều lắng nghe nguyện vọng của dân chúng và thay đổi hiện tình đất nước, tuy nhiên Hòa Ái ghi nhận được tựu trung người dân cho rằng các kỳ Đại hội Đảng chỉ là một hình thức “hợp thức hóa” chính danh cho các phe, nhóm lợi ích và cho dù 4 nhân vật cao cấp nhất có là những ứng viên xuất sắc được Đảng CSVN lựa chọn kỹ lưỡng thì họ cũng chỉ vì quyền lợi và sự tồn vong của chế độ như tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chứ không vì dân vì nước.
Mong rằng ông nào hay bà nào đắc cử cũng được cả, miễn rằng quan tâm hơn nữa đối với cuộc sống của ngư dân và tạo điều kiện cho họ an tâm hơn, thuận lợi hơn trong việc bám biển, đặc biệt đánh bắt xa bờ. – Bạn Khúc Thừa Sơn, Đà Nẵng
Trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII này, Hòa Ái ghi nhận có sự quan tâm và hy vọng của ngư dân VN. Họ theo dõi thông tin với mong muốn Chính phủ thấu hiểu những khó khăn của ngư dân cũng như sẽ có những thay đổi thiết thực để đảm bảo cho họ được an tâm hơn khi ra khơi đánh bắt trên ngư trường truyền thống. Bạn trẻ Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng, người theo sát đời sống của ngư dân trong các năm qua, chia sẻ kỳ vọng của ngư dân VN trong Đại hội Đảng lần này:
“Đi thực tế thì mới thấy được ngư dân trong nước chỉ có điều mong ước rất nhỏ nhoi lắm: mong rằng ông nào hay bà nào đắc cử cũng được cả, miễn rằng quan tâm hơn nữa đối với cuộc sống của ngư dân và tạo điều kiện cho họ an tâm hơn, thuận lợi hơn trong việc bám biển, đặc biệt đánh bắt xa bờ. Họ không có mong ước nào to lớn bởi vì họ cũng nói thà rằng các cấp chính quyền làm những việc nhỏ thiết thực còn hơn nói những lời hay, lời đẹp mà không thực hiện gì cả”.
Trong các cuộc trao đổi với người dân cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, đài ACTD nhận thấy phần đông dân chúng kỳ vọng có một sự thay đổi lớn ở VN như ở Myanmar hồi tháng 11 vừa qua. Họ không biết đến bao giờ mới có được tự do bầu cử như người dân Miến Điện đã làm được trong năm 2015; nhưng sự hiểu biết về quyền con người cũng như sự quan tâm đến chủ quyền quốc gia và đời sống an sinh xã hội của hơn 90 triệu người dân VN mỗi ngày một gia tăng là động lực giúp cho niềm hy vọng của họ sẽ thành hiện thực trong một ngày không xa.