Chọn ai làm tổng bí thư: Học từ bài học quá khứ
Theo tiêu chuẩn chọn Tổng Bí Thư do bác Trọng gửi thư đề nghị với Bộ Chính Trị ” TBT phải Bắc cờ và có ní nuận”. Tếu chưa!
07/01/2016 – Tâm Chánh, nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị – Theo FB Chanh Tam
Như một “cấu thành” của qui trình nhân sự, sắp sửa đại hội, dân tình lại lao nhao câu chuyện nhân sự cấp cao.
Nói là một “cấu thành”, bởi trò chơi dư luận vốn là một thao tác đo lường phản ứng của xã hội từ lâu đã có trong qui trình của hệ thống khép kín và u u minh minh về nhân sự này. Trò chơi ấy, nhiều khi đã được khai thác triệt để trong các cuộc đấu đá quyền lực nội bộ hóc hiểm, bạo liệt.
Nói để thấy, tám và ném đá là trò cũ mèm, nhiều đồng chí ta đã tuyệt đỉnh công phu từ hồi chưa có facebook, nhé.
Trở lại với không khí chính sự của dân tình nước ta kỳ này. Nói là sôi nổi hơn các kỳ trước có lẽ không đúng, nếu không nói là chán. Hơn một nửa dân số chắc chắn là không quan tâm. Một phần trong số còn lại chém trên vài nguồn thông tin tỏ vẻ bí hiểm, vài kỳ “điều tra” có vẻ giật gân, vài bức thư mật thật giả rất sơ khai, vài thông tin sắp đặt bàn luận kiểu thuyết âm mưu. Nói chung không thể nghèo nàn hơn, để thoả mãn đám đông khát khao tám việc nước.
Nhưng kỳ này không khí truyền ra vỉa hè có khác, như thể chuẩn bị tình cảnh trong cung có biến.
Cũng có những lần trước thềm đại hội, không khí triều đình như có biến.
Ông Chín Cần, nguyên là Phó thủ tướng, một trong những soái lĩnh của đổi mới ở miền Nam sau 1975, kể, sau khi ông Trường Chinh có chuyến công tác phía Nam về, hình thành những tính toán ban đầu của Đổi Mới, các lần “Anh Năm” tiếp xúc với các lãnh đạo phía Nam ở Hà Nội hầu như đều bị theo dõi chặt chẽ. Nói chuyện với tôi ở nhà công vụ Nguyễn Cảnh Chân, ông Chín vẫn giữa thói quen ứng xử kiểu “hoạt động” ở thời mà ông cho là thở không nổi đó. Ông gọi tôi đến ăn khô sặc dưa leo và kể chầm chậm chuyện Tam Quốc. Đến lúc câu chuyện đã tận cùng uể oải thì các đồng chí giúp việc của ông Chín xin phép ra về. Ông Chín xởi lởi: Về hả, chú còn nói chuyện tào lao với thằng cháu cho hết dĩa khô sặc. Khi chỉ còn ông và tôi, thần thái và câu chuyện của ông trở nên sôi nổi, về cả đêm trước và đêm sau của Đổi Mới.
Đêm chuyện Tam quốc đó diễn ra vào những năm sau đại hội VII, khi ông Đỗ Mười đã yên vị chức tổng bí thư.
Ông Đỗ Mười tiếng tăm bảo thủ từ hồi cải tạo, ngăn sông cấm chợ. Cũng chính ông Đỗ Mười, theo lời kể của ông Chín Cần, chỉ liền sau hội nghị TƯ 1 bầu bán nhân sự BCT, BBT, của đại hội VI, đã tung ra tài liệu về những biểu hiện chệch hướng. Nghị định trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp mới vừa ban hành đã được nghị định khác siết lại. Nghị quyết 10 của BCT về nông nghiệp treo lơ lững, chủ trương khoán cho hộ nông dân không được chỉ đạo thực hiện.Khí thế đổi mới từ đại hội VI chùng lại cho đến tận 3 năm sau, khi tình thế đã vô cùng cấp bách, chỉ thị 100 do ông Võ Chí Công ký, gần như trong chớp mắt đã giải quyết bài toán lương thực cho cả nước, còn dư gạo để xuất khẩu, một kỳ tích được ca cẩm đến tận hôm nay.
Chẳng biết ông Đỗ Mười đổi mới từ hồi nào – ông Chín không ngại lầm bầm mối băn khoăn đó. TƯ của ông Chín chắc có cùng trải nghiệm như ông Chín, nhưng cũng đã bỏ phiếu cử ông Đỗ Mười ra chủ tịch HĐBT khi ông Phạm Hùng đột tử. Rồi ông Mười cáng đáng chức tổng bí thư thay ông Nguyễn Văn Linh, trong khi ở thời điểm này ông Võ Văn Kiệt đã được biết đến như một ngôi sao sáng trong dàn lãnh đạo cấp cao, mà ngôi sao ấy còn được chính những chính tên tuổi sừng sỏ chi phối công tác tổ chức của Đảng như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ “qui hoạch”, chọn lựa.
Vì sao người ta chọn một ông bảo thủ cứng khừ, lại còn nhảy cò cò ở sân hội trường Ba Đình với đám phóng viên không ngần ngại bộc bạch mình đã từng có thời gian điều trị tâm thần, để lãnh đạo sự nghiệp đổi mới?
Ở thời điểm diễn ra đại hội VII thế hệ tiền bối khai quốc công thần được đào tạo ở nhà tù Côn Đảo, Sơn La… chấp chính cả hai mùa kháng chiến gần như đã xếp bóng. Anh Ba, anh Sáu , anh Năm lần lượt ra đi. Anh Văn xếp chiến bào lặng lẽ thiền định. Anh Tô thi thoảng xuất hiện trên báo Nhân Dân than vãn về sự tha hoá “đảng của những người thích làm vương, làm tướng”, bên trong còn được các nhà lãnh đạo lui tới vấn kế về đối ngoại. Quân đội nằm dưới sự ảnh hưởng của tướng Lê Đức Anh. Công an có vẻ gần gũi với ông Võ Văn Kiệt. Nhóm tham mưu thường xuyên trao đổi những vấn đề lý luận xây dựng CNXH với ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… dường như đến gần hơn với anh Sáu Dân, anh Sáu Khải trong các nhóm làm việc lỏng lẻo về tổ chức nhưng có vẻ đồng tâm chí.
Các nhà hoạt động lý luận Đào Duy Tùng, Lê Xuân Tùng, Nguyễn Đức Bình, sau cơn choáng váng về sự sụp đổ của hệ thống Xô Viết, cũng cố kết ở tầng sâu của hệ thống quan liêu tìm kiếm các phạm trù lý luận cách mạng mới: đổi mới không đổi màu, biến hoá của cuộc đấu tranh ai thắng ai, hoà nhập không hoà tan… Một ít lâu sau, khái niệm chống diễn biến hoà bình, chuyển lửa về quê nhà cũng được du nhập từ đồng chí lân bang.
Chính bộ máy quan liêu, thư lại đã tìm thấy các khẩu hiệu cách mạng này phương thức duy trì địa vị và quyền lợi của mình. Và bộ máy ấy, do đặc điểm nhân khẩu học, tự nhiên hình thành một cơ cấu nhân sự cấp cao của Đảng từ sau đổi mới, duy trì cân đối Bắc Trung Nam, mà ở đó người Bắc giữ vị trí chóp bu của hệ thống quyền lực.
Ông Chín Cần giải thích, ông Đỗ Mười có lẽ được chọn là vì vậy.
Ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Phú Trọng… cũng đã được hệ thống ấy đưa lên đỉnh quyền lực kiểu ấy.
Cái hệ thống không hẳn bảo vệ cho giá trị gì, bảo thủ hay đổi mới, mà bảo vệ lợi ích của chính nó nên đã tìm mọi cách để mặc định vào hệ điều hành kiểu chọn lựa nhân sự theo cách đó, rất tinh vi, trong cái gọi là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Một hệ thống đã thành công trong việc cất nhắc vào vị trí quyền lực cao nhất những người chẳng hề là nhà lãnh đạo xuất sắc nhất trong thế hệ của họ, hay là một tấm gương đổi mới, thì hệ thống ấy sẽ chọn lựa ai trong cuộc đấu quyền lực đang diễn ra sắp kề đại hội XII?
(Lai rai bia hơi tám hội nghị. Các đối thủ chính trị thực sự là ai? Người ta xài nguyên tắc tập trung dân chủ theo kiểu nào? Hóng tiếp)