Con tàu dân tộc này tiếp tục đi về đâu và khi nào thì nó chìm?
Ảnh minh họa
Thêm một bài viết “nâng bi” Ng Tấn Dũng. Nói theo FB Mạnh Kim: “Ở đây chẳng có chuyện “thân Tàu” hay “thân Mỹ”. Mọi thứ là một cuộc dàn xếp phe nhóm. Câu hỏi lớn nhất đối với chúng ta, những người dân hoàn toàn không có quyền trong sự chọn lựa, là con tàu dân tộc này tiếp tục đi về đâu và chừng nào nó chìm, chứ không phải nó được dẫn dắt bởi thuyền trưởng nào” BBT
FB Mạnh Kim – 3-1-2016
Lần đầu tiên chưa từng có trước thềm một kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam: sự thu hút dữ dội của dư luận. Tràn ngập thông tin về dự đoán nhân sự, với sự nhiệt tình bình luận mổ xẻ chỉ thấy ở các kỳ World Cup!
Có những bài viết chắc nịch về chuyện nên “đặt kèo trên” hay “bắt kèo dưới”. Có cả những “dự cảm” quái lạ và nhảm nhí như của “tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát thời cuộc sắc sảo ở Saigon” “mang lại kết quả là Tổng bí thư tại Đại hội 12 là người cao khoảng 1,74 – 1,75 mét, khá đẫy đà, mặc áo trắng”. Lẩn khuất trong mớ hỗn độn thông tin là những bài viết khéo léo hướng dẫn dư luận về nhân vật nào mới thật sự xứng đáng ngồi ghế này hoặc ghế kia.
Trong màn khói thông tin mù mịt đến nghẹt thở, dù vậy, người ta vẫn có thể lờ mờ thấy ai đang nấp sau thủ đoạn dùng công cụ thông tin để triệt hạ đối thủ. Câu hỏi ở đây là tại sao phải dùng công cụ thông tin như thể muốn tạo ra luồng dư luận đánh động người dân trong khi người dân không hề có quyền trong việc chọn lựa?
Dân không có quyền chọn lựa. Công cụ thông tin là đòn phép đấm đá nội bộ nhằm vào nhau. Nó định hướng và dẫn dắt sự chọn lựa đứng về bên nào cho chính những người trong hệ thống. Nó giúp giải quyết vấn đề chọn phe đối với những ai còn lưỡng lự. Nó giúp xây dựng và củng cố việc đứng về bên này hoặc bên kia, vì sự chọn lựa cuối cùng có thể quyết định sinh tử đến sự nghiệp chính trị và quyền lợi chính trị.
.
___
Ngọc Thu: Và đây là một trong những bài viết khéo léo, hướng dẫn dư luận, cho rằng anh Ba mới thật sự xứng đáng là người ngồi vào chiếc ghế cao chót vót. Như câu này, đã nâng bi anh Ba lên tới tận… nóc nhà: “TT Nguyễn Tấn Dũng được sự tín nhiệm cao nhất của toàn Đảng, được đánh giá là người lãnh đạo có dũng khí và trình độ, có bản lĩnh chính trị để có những quyết định đột phá cho tương lai, ông sẽ thực hiện lời hứa thay đổi thể chế, đưa đất nước vào một giai đoạn lịch sử mới“. Mời bà con cùng đọc:
Đại hội XII Đảng CSVN: Nhìn lại quá khứ, định hướng tương lai Dân tộc
Lê Quế Lâm – 3-1-2015
Bốn mươi năm trước, hồi đầu thập niên 1970 Hoa Kỳ đã ngăn chận được sự bành trướng của Trung Cộng ở ĐNÁ. Sau đó chấm dứt chiến tranh VN và tạo cơ hội giúp các nước ASEAN, xây dựng ĐNÁ thành khu vực hòa bình, tự do, trung lập, phát triển phồn vinh. Ngày nay, HK trở lại châu Á để tiếp tục làm phá sản mưu đồ bành trướng của TQ, lần này là biển Đông. Hoa Kỳ chủ trương hợp tác với các nước, kể cả TQ bảo vệ hòa bình ổn định ở biển Đông, để Châu Á/Thái Bình Dương trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21, mang lại sự phồn vinh và phát triển cho các nước. Có lợi nhất là ba cường quốc kinh tế: Mỹ, Trung Cộng, Nhật. Nơi đây, ngoài khối APEC, còn có TPP và AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) sẽ đi vào hoạt động từ năm 2016.
Lịch sử tái diễn là cơ may của dân tộc. Hơn hai năm trước, vào ngày 31/5/2013 trước sự hiện diện của đại biểu 31 quốc gia tham dự Diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore, TT Nguyễn Tấn Dũng đã cỗ vũ việc hợp tác quốc tế, xây dựng khu vực Châu Á/Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển, dựa vào ASEAN và vai trò lớn của hai cường quốc. Đó là Trung Hoa đang trổi dậy mạnh mẽ và Hoa Kỳ -một cường quốc Thái Bình Dương. Về phần mình, TT Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố VN đứng về ASEAN và khẳng định: “Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và cũng không liên minh với nước này để chống nước khác”. Chọn con đường trung lập là giải pháp giúp VN thoát khỏi ảnh hưởng của TQ và giữ được tình hữu nghị với nước này.
Chủ trương trên được sự đồng tình của đa số đảng viên, nên uy tín của TT Nguyễn Tấn Dũng ngày càng được nâng cao trong nội bộ Đảng CSVN. Đối với sự phồn vinh phát triển của khu vực ĐNÁ, ông đề cao vai trò lớn của HK và TQ…Nhưng nền kinh tế của “cường quốc đang trổi dậy” trong mấy tháng cuối năm 2015 gặp nhiều chao đảo, trong khi nền kinh tế của “cường quốc Thái Bình Dương” đã qua giai đoạn khủng hoảng, đang phát triển mạnh và bắt đầu tăng lãi xuất đồng đô la. Điều này ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của TQ. Do đó, TQ đã phải nhượng bộ Mỹ ở biển Đông và không còn kiềm chế Hà Nội nữa, chấp nhận để VN làm bạn với Mỹ và thế giới, chớ không chỉ “hợp tác toàn diện” với TQ theo phương châm 16 chữ. Bắc Kinh ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng vì lập trường trung lập của VN. Hơn 40 năm trước, TQ cũng đã ủng hộ Mặt trận Giải phóng Miền Nam vì lập trường trung lập của mặt trận này. Nguyễn Tấn Dũng xuất thân từ MTGPMN.
Khi đến VN hồi đầu tháng 11, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mời TT Nguyễn Tấn Dũng sang thăm TQ trong năm tới. Điều đó cho thấy, lãnh tụ TQ đã tiên liệu Nguyễn Tấn Dũng sẽ là lãnh tụ tối cao của VN trong năm 2016. Sau đó, tại hội nghị thượng đỉnh khối APEC ở Phi Luật Tân, TT Obama đã chấp nhận lời mời của TT Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến VN trong năm 2016.
Chưa bao giờ trong lịch sử, VN có được thế độc lập, không bị ngoại bang chi phối trong việc quyết định vận mạng đất nước như trong thời điểm hiện nay: Đảng CSVN sắp sửa tổ chức Đại hội XII…Nhưng vấn nạn lớn là Đảng CS đang lãnh đạo đất nước. Đa số đảng viên đều muốn “thoát Trung” nhưng có hai khuynh hướng khác nhau: Nhóm canh tân chủ trương thay đổi chế độ, xây dựng thể chế đa nguyên, để VN hội nhập với thế giới, gia nhập TPP. Nhóm bảo thủ chủ trương giữ độc đảng, trong đó có người còn lo sợ TT Nguyễn Tấn Dũng với quyền uy lớn, nắm được quyền lãnh đạo, ông sẽ giải tán Đảng CS, thay thế độc tài đảng trị bằng độc tài cá nhân. Ngoài ra còn có một số cán bộ già nua, bảo thủ thân TQ, họ chống Nguyễn Tấn Dũng quyết liệt.
Sau lá thư tố cáo Nguyễn Tấn Dũng của ba cựu cán bộ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 18/11/2015 ông Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn) nguyên bí thư các tỉnh ủy Trà Vinh, Vĩnh Long, Cữu Long, đã nhân danh số cán bộ lão thành, cán bộ cao cấp nghĩ hưu, gởi thư đề nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành TƯ Đảng xử lý các sai phạm nghiêm trọng của “đồng chí” Nguyễn Tấn Dũng trước Đại hội Đảng 12 về các nội dung sau: -Làm rõ vấn đề lịch sử chính trị và chính trị hiện nay của NTD. -Làm rõ nguồn gốc tài sản hiện có của gia đình, con em ruột thịt của NTD, công bố trước đảng, nhân dân cả nước biết rõ. -Kiểm tra trách nhiệm của thủ tướng trong các vụ án tham nhũng, thất thoát thua lổ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng tài chánh trực thuộc thủ tướng chính phủ. -Kiên quyết xét xử 10 trọng án tham nhũng trước Đại hội 12.
Đề cập đến “Bản lãnh chính trị NTD không vững vàng, có vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay” ông Trịnh Văn Lâu dẫn chứng các sự kiện: -Dũng đã làm sui với Nguyễn Bang nguyên Đại tá Tình báo Mỹ ở Sàigòn, nguyên Thứ trưởng Tài chánh “ngụy quyền” Sài Gòn hiện định cư ở Mỹ. -NTD đã mời cựu thủ tướng Anh Tony Blair làm cố vấn cho chính phủ, đặt văn phòng đại diện tại Bộ Kế hoạch-Đầu tư. Tony Blair là chuyên viên về thị trường tự do, tư nhân hoá nền kinh tế, chuyên gia tổ chức “diễn biến hoà bình” tổ chức cách mạng màu (cách mạng cam) lật đổ nhiều chế độ trên thế giới. -NTD phát biểu trên diễn đàn truyền thông đại chúng nhiều điểm sai trái.
Ông Lâu nhắc lại các phát biểu sai trái của “đồng chí” Nguyễn Tấn Dũng. Trước báo giới nhân ngày Nhà Báo VN năm 2014, NTD hô hào “Hãy tăng cường tự do báo chí hơn nữa”. Trong cuộc họp báo thường lệ của chính phủ, Thủ tướng kết luận “Dù Quốc hội có hoãn lại việc tiến hành thông qua dự thảo Luật Biểu tình nhưng phía Chính phủ, bộ Tư pháp cương quyết nhanh chóng hoàn thành dự thảo đề nghị Quốc hội thông qua sớm. Đây là phát huy quyền dân chủ của nhân dân”. Phát biểu với Quân đội, ông Dũng đã kêu gọi “Quân đội phải trung thành với tổ quốc, với dân tộc” mà không đề cập “Trung với Đảng, hiếu với dân”. Phải chăng ông Dũng muốn “Phi chính trị hóa’ Quân đội như các nước tư bản, phương tây đang làm. Đầu năm 2014, Hiến pháp mới vừa được ban hành, NTD lên truyền hình như tổng thống ở các chế độ tư bản đọc ‘thông điệp đầu năm” kêu gọi “thay đổi thể chế, phát động dân chủ”. Ông Lâu đề nghị BCT cần kiểm điểm thủ tướng về việc kêu gọi nhân dân thay đổi thể chế và phát động dân chủ là việc làm vi phạm Hiến pháp Trong khi bọn phản động, thù địch luôn vận động nhân dân đòi bỏ điều 4 của hiến pháp và Phi chính trị hoá quân đội?
Ngoài ra, ông Trịnh Văn Lâu còn đặt vấn đề NTD “đã ngấm ngầm hoặc công khai cùng nhóm lợi ích tổ chức vận động cho NTD làm TBT Đảng trong Đại hội 12. Nhờ quyền lực sau 20 năm làm phó thủ tướng thường trực, rồi thủ tướng, NTD đã cấu kết, ban bố, cất nhắc, đề bạt, bao che cán bộ, đã hình thành “nhóm lợi ích” trên phạm vi cả nước, cả người đương chức và cán bộ cao cấp nghĩ hưu, đang cố bảo vệ những tài sản kếch xù, đất đai, tiền của mà họ đã tích lủy bằng sự ban phát, bằng lạm dụng chức quyền để thu lợi bất chánh. Sức mạnh của nhóm lợi ích đã giải vây NTD thoát khỏi bị trung ương thi hành kỷ luật trong Hội nghị TƯ 6 (10/2012). Chỉ hai năm 3 tháng sau, đến Hội nghị TƯ 10 (1/2015) NTD được phiếu tín nhiệm cao nhất trong Đảng. Các bậc ‘tiền bối” cũng hết lòng lo cho Dũng làm TBT.
Trước khi Ban Chấp hành TƯ Đảng họp hội nghị 13 tuyển chọn thành phần nhân sự Đại hội XII, ngày 10/12/2015 TT Nguyễn Tấn Dũng đã gởi đến “đồng chí” Tổng bí thư, các Ủy viên Bộ chính trị, Ban Bí thư, BCH/TƯ Đảng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương bản báo cáo. Trong đó ông “Xin nghiêm túc, chân thực báo cáo về những nội dung mà một số đồng chí đã phản ánh, kiến nghị về tôi mà Ủy ban kiểm tra trung ương đã kiểm tra, xác minh và báo cáo Bộ chính trị”.
Trong báo cáo, ông NTD giải bày từng điểm trong các kiến nghị của những người chỉ trích ông và kết luận của UB/KTTƯ. Về kiến nghị “thủ tướng nay đã hình thành “nhóm lợi ích” trên phạm vi cả nước, cả người đương chức và cán bộ cao cấp nghĩ hưu vận động với các thủ đoạn nhằm giành cho được chức Tổng bí thư tiến tới làm tổng thống và thay đổi chế độ, thay đổi Đảng”. Ông Dũng trả lời: “Tôi xin khẳng định ý kiến này là vu khống, bịa đặt. Tôi đã ghi rõ nguyện vọng gởi đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là TÔI KHÔNG XIN TÁI ỨNG CỬ. Cha tôi, chú ruột tôi, hai cậu ruột tôi và cha vợ tôi đã hy sinh, đều là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Bản thân tôi đã 4 lần bị thương trong chiến đấu là thương binh cấp 2/4 trong người còn mang hơn 10 mảnh đạn của Mỹ. Tôi không thể nào phản bội lại mục tiêu, con đường mà mình đã chọn, đã gắn bó nó bằng cả chính máu xương và đã hết lòng hết sức thực hiện gần hết cả cuộc đời”.(hết trích dẫn)
Đến thượng tuần tháng 12/2015 mà TƯ Đảng vẫn chưa hoàn tất công tác nhân sự lãnh đạo, có nghĩa là họ chưa nhất trí được đường lối, chính sách Đại hội XII. Do đó, 127 nhân sĩ, trí thức có tiếng đã gởì thư ngỏ đề ngày 9/12/2015 đến Bộ CT, BCH/TƯ Đảng CSVN khóa XI trình bày những nhận định về tình hình đất nước và đưa ra những đề nghị. Có thể nói, nếu trong nội bộ Đảng CSVN có sự tranh cãi gay gắt quyết liệt thì nhận định và góp ý của những người gởi thư ngỏ cũng thẳng thắn, mạnh mẽ chưa từng có.
Thư ngỏ đặt thẳng vấn đề: “Sự phát triển của đất nước bị kìm hãm chủ yếu là do Đảng CSVN từ nhiều năm nay dẫn dắt dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-viết dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Trên con đường đó, trong vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng CSVN đã bám giữ thể chế độc tài toàn trị với bộ máy cầm quyền hết sức nặng nề, thiên về dùng bạo lực và dối trá, vi phạm nhiều tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo thuận lợi cho tham nhũng, ức hiếp dân và sự thao túng của các nhóm lợi ích bất chính”.
Đề cập đến TQ, thư ngỏ viết “Thời gian gần đây, trong khi vẫn dùng những lời hoa mỹ về hòa bình, hữu nghị, nhà cầm quyền TQ đã có những bước leo thang thực hiện mưu đồ bành trướng trên biển Đông bất chấp pháp luật quốc tế`, không chỉ trắng trợn xâm phạm chủ quyền của VN mà còn gây bất ổn cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”. Nhưng do “Đường lối sai lầm theo ý thức hệ cùng với bộ máy cầm quyền nhiều khuyết tật cũng không dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc để có đối sách đúng đắn bảo vệ độc lập, chủ quyền chống mưu đồ và hành vi bành trướng của TQ”.
Đề cập về chủ nghĩa xã hội, thư ngỏ viết: “Thực tiễn của nước ta cũng như trải nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rõ sai lầm và thất bại của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới ở VN trong nhiều năm qua về thực chất đã từ bỏ những nguyên lý cơ bản về xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Vậy mà các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng CSVN vẫn nhấn mạnh lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa, đặt độc lập dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường phải gắn bó với xã hội chủ nghĩa”. Các trí thức nhân sĩ nhận xét “Các văn kiện của BCH/TƯ chuẩn bị trình Đại hội12 “mặc dù viết rất dài nhưng nặng về nhận định và chủ trương sáo mòn, chưa nhìn đúng sự thật, chưa nêu rõ thực trạng hiểm nguy mà đất nước và nhân dân ta đang đối mặt, đặc biệt là chưa phân tích thẳng thắn nguyên nhân dẫn tới thực trạng đó”.
Thư ngỏ đề nghị “Đại hội XII là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng CSVN vừa có trách nhiệm, vừa có thẩm quyền đề xướng cuộc cải cách chính trị trong hòa bình, với tinh thần khép lại quá khứ, không hồi tố, phát huy dân chủ với tất cả sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Ý chí quyết tâm chuyển đổi thể chế chính trị của Đại hội XII cần được biểu thị bằng những hành động cụ thể như đổi tên đảng (không gọi là Đảng Cộng sản); đổi tên nước (không gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa); trả lại tự do cho những người khác chính kiến đang bị giam giữ, chấm dứt sự trấn áp và ngăn chận nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ theo Hiến pháp. Đó là những việc có thể làm ngay, quy tụ lòng người, khơi dậy niềm tin và khí thế đồng tình ủng hộ của nhân dân đối với công cuộc đổi mới chính trị, kinh tế ở tầm cao hơn”
“Tuy đối mặt mới rất gay gắt nhưng với sự cổ vũ và bài học chuyển đổi thể chế độc tài sang dân chủ một cách hòa bình ở nhiều nước, đặc biệt là ở Myanamr mới đây. Đảng CSVN đang có cơ hội thuận lợi hơn bao giờ hết để đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới”.
“Trước đây khi chuẩn bị Đại hội VI, dù thời gian họp đã cận kề, cơ quan lãnh đạo Đảng CSVN thời ấy đã kiên quyết viết lại báo cáo chính trị theo tinh thần đổi mới. Bài học đó cần được vận dụng để tiến hành Đại hội XII đáp ứng được yêu cầu của đất nước và mong đợi của nhân dân. Đó là trách nhiệm của BCT, BCH/TƯ khóa XI và toàn thể các đại biểu tham dự Đại hội XII trước vận mệnh của dân tộc”. (hết trích dẫn)
Sau một tuần thảo luận, Hội nghị 13 của BCH/TƯ Đảng CSVN khóa XI đã kết thúc ngày 21/12/2015. Hội nghị quyết định Đại hội XII sẽ diễn ra từ 21 đến 28/1/2016. Tuy nhiên, danh sách Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XI đã quá tuổi qui định, được tái cử để đảm nhận chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước cần được BCT chuẩn bị để trình Hội nghị TƯ 14 xem xét quyết định. Thời gian khai mạc Đại hội XII đã cận kề, thành phần chủ chốt lãnh đạo đảng và nhà nước chưa được quyết định thì làm sao họ có thể hoàn tất báo cáo chính trị và phương hướng phát triển kinh tế xã hội trong tương lai? Trong khi đó, thư ngỏ của 127 nhân sĩ trí thức tiết lộ các văn kiện của BCH/TƯ chuẩn bị trình Đại hội 12 “nặng về nhận định và chủ trương sáo mòn, chưa nhìn đúng sự thật, chưa nêu rõ thực trạng hiểm nguy mà đất nước và nhân dân ta đang đối mặt, đặc biệt chưa phân tích thẳng thắn nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó”. Vì thế, họ đề xuất BCH/TƯ phải viết lại báo cáo chính trị. Đó là trách nhiệm của Bộ chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và toàn thể đại biểu tham gia Đại hội XII đối với vận mạng của dân tộc trước thực trạng hiểm nguy của đất nước.
Theo người viết, trách nhiệm của Hội nghị TƯ 14 -hội nghị cuối cùng BCH/TƯ Đảng khóa XI là phải thảo bản tổng kết các “thảnh quả” trong 5 năm qua của ban lãnh đạo Đảng khóa XI. Từ cơ sở và kinh nghiệm đó giúp Đại hội XII phác họa hướng phát triển trong tương lai.
Năm 2011, Đại hội XI đã quyết định tiếp tục con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa nhưng theo “đặc trưng mới dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Dựa vào đó TT Nguyễn Tấn Dũng đề xuất Bộ Chính trị thành lập các Tổng công ty, các Tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động đa ngành trong nhiều lãnh vực như Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản (Vinacomin). Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) Tập đoàn Điện lực (E Vietnam), Tổng Công ty Hàng hải (Vinalines) Tổng Công ty Tàu thủy (Vinashin) Tổng Công ty Hàng không… Việc phát triển doanh nghiệp nhà nước theo qui mô lớn của NTD đã làm vừa lòng Đỗ Mười, Lê Đức Anh và nhóm lãnh tụ bảo thủ. Họ coi các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty là những chủ trương lớn của Đảng để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Tháng 3/2012, TT Nguyễn Tấn Dũng đưa dự thảo “Luật Biển VN” ra trước Quốc hội để biểu quyết. Hành động này là thái độ gây hấn với TQ vì thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với chức danh Trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng khởi tố Dương Chí Dũng, Cục trưởng cục Hàng hải VN, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, bị cáo buộc tội tham ô 10 tỷ đồng trong việc sửa ụ nổi 83M. Dương Chí Dũng được coi là người của thủ tướng. Truy tố DCD là nhằm triệt hạ TT Nguyễn Tấn Dũng. Ngày 17/5/2012 Dương Chí Dũng biết được tin sẽ bị truy tố nên bỏ trốn. Dư luận đổ tội thủ tướng thực hiện kế hoạch này.
Ngày 21/6/2012 Quốc hội thông qua Luật Biển với tỉ số 495/496. Luật Biển VN có 55 điều khoản. Điều 1 xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của VN. Điều 2a chối bỏ những văn bản nào từ trước đến nay có ghi HS/TS là của nước khác (thí dụ công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng). Điều 2b là những điều qui định trong Luật Biển này nếu có khác với quy ước quốc tế thì áp dụng theo luật quốc tế. Theo nhà báo Bùi Anh Trinh nhận định thì “Luật Biển VN có ý nghĩa là nước CHXHCN Việt Nam công khai đối đầu với nước CHND Trung Hoa kể từ khi hai bên bắt tay thân mật trở lại vào năm 1990”.
Sau vụ Vinalines, Đảng phát động việc phê và tự phê trong nội bộ các ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư, về các sai phạm nghiêm trọng trong việc điều hành các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước do thủ tướng quản lý. TT Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cán bộ tham ô là do cơ chế Đảng tạo ra. Còn các tổng công ty, tập đoàn kinh tế là chủ trương lớn của đảng do tập thể Bộ chính trị chỉ huy và thủ tướng phụ trách. Vì vậy không phải chỉ có một ủy viên Bộ chính trị mà tập thể Bộ chính trị đều có trách nhiệm và khuyết điểm, nên xin nhận một hình thức kỷ luật của BCH/TƯ Đảng.
Đầu tháng 10/2012, BCH/TƯ Đảng triệu tập Hội nghị 6. Thông báo của Hội nghị TƯ 6 bế mạc chiều ngày 15/10/2015 cho biết: “Bộ chính trị, Ban bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước BCH/TƯ về những yếu kém, những suy thoái.Đề nghị BCH/TƯ được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí ủy viên Bộ chính trị. BCH/TƯ quyết định không kỷ luật đối với Bộ chính trị và một đồng chí ủy viên Bộ chính trị. BCH/TƯ cũng tự kiểm điểm và nhận phần trách nhiệm trong việc để xảy ra và chưa ngăn chận được những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua. BCH/TƯ cũng xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng và toàn dân”.
Đây là một biến cố lớn chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Đảng CSVN. Toàn đảng bao gồm BCH/TƯ, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều nhận lỗi trong việc thực hiện những chủ trương lớn của Đảng để xây dựng CNXH. Có lẽ vì thế mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi góp ý với Lời nói đầu dự thảo Hiến pháp mới ngày 23/10/2013 đã nói: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến cuối thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở VN hay chưa”. Người viết tin rằng đây là nhận định chân thành của ông Trọng vì trong thời gian qua, để xây CNXH, toàn đảng đã hậu thuẫn TT Nguyễn Tấn Dũng thành lập nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước như kiểu Vinashin được coi như những “quả đấm thép” của nền kinh tế quốc doanh. Nhưng cuối tháng 10/2013, Vinashin đã phá sản, với tổng số nợ hơn 4 tỷ Mỹ kim. Còn Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình vì tội tham nhũng. Sau đó Dũng lại ra tòa làm nhân chứng cho người em giúp ông ta trốn ra nước ngoài. Dũng khai đã hối lộ Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Phạm Chí Ngọ nửa triệu đô la để chạy án. Ngọ đã báo cho Dũng biết sắp bị truy tố nên tìm cách trốn đi.
Trong khi các tổng công ty, tập đoàn kinh tế kinh doanh thua lỗ, việc xây dựng CNXH thất bại, thì cán bộ đảng viên tham ô, lãng phí ngày càng phát triển. Chủ tịch nước Trương tấn Sang nhận xét; “Không phải một con sâu, mà một bầy sâu”. Còn Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Đoan “Tôi càng đi, tôi càng thấy buồn, người ta ăn của dân không từ một thứ gì”. Nghị quyết TƯ 4 (Tháng Giêng 2012) cũng nhìn nhận thực trạng hiện nay có “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, phai nhạt lý tưởng, chạy theo danh lợi tiền tài, tham nhũng, lãng phí…”.
Tình trạng này càng phát triển mạnh ở cuối nhiệm kỳ ‘hoàng hôn nhiệm kỳ”. Nhóm chữ này là của ông Lê Như Tiến đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ông phát biểu trước Quốc hội ngày 17/11/2015: “Cuối nhiệm kỳ, thường có thể không làm nữa, nghĩ rằng chẳng còn gì để mất, trước khi hạ cánh làm chuyến tàu vét cuối cùng. Đó là biểu hiện của tham nhũng vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Trong thực tế đã có người đề bạt cấp tốc 50-60 người trong vòng 6 tháng. Có ngườii tranh thủ ký dự án khổng lồ mà hậu quả đến đâu không cần biết, người sau phải gánh chịu. Đó là sự gấp rút chạy đua, gấp rút tham nhũng”. Ông yêu cầu Tổng Thanh tra chính phủ “chận đứng việc quan chức chạy đua nước rút để thực hiện những chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh với các hành vi vi phạm như: hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình, biến bất động sản công thành tư, đề bạt, bổ nhiệm không bình thường vào lúc xế chiều hàng loạt cán bộ công chức thân hữu vào bộ máy công quyền”.
Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 13/12/2015, ông Huỳnh Phong Tranh -Tổng Thanh tra chính phủ cho biết: Trong năm 2015, ngành thanh tra chính phủ đã thực hiện 40.000 cuộc thanh tra các cấp và đã phát hiện sai phạm 212.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ Mỹ kim. Đối với một nước GDP chỉ đạt 120 tỷ Mỹ kim một năm mà con số thất thoát đã lên đến 10 tỷ Mỹ kim. Nợ công còn khủng khiếp hơn. Chủ tịch Trương Tấn Sang than thở với cử tri tại Sàigòn ngày 5/12/2015: Nợ công tăng nhanh hơn mức tăng trưởng GDP tới 3 lần. Số nợ công đã vượt mức báo động là 65% GDP. Con số này chưa tính vào số nợ của các xí nghiệp quốc doanh mà theo báo chí trong ngoài nuớc cho biết “những quả đấm thép” của nền kinh tế VN có tổng số nợ phải trả năm 2014 lên tới 1,7 triệu tỷ đồng tương đương 44,2 % tổng sản lượng nội địa GDP. Như vậy, ước lượng số nợ công của VN phải trên 100% Tổng sản lượng quốc gia.
Trên đây là thực trạng ảm đạm của đất nước trong buổi hoàng hôn của chế độ. Đại hội Đảng XII sẽ đón nhận gia sản gần như điêu tàn từ BCH/TƯ khóa XI. Tuy nhiên, trong buổi hoàng hôn những người lãnh đạo đất nước đã có những quyết định lịch sử.
*Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu Quốc hội với đa số phiếu 426/435 đã thông qua Luật Trưng Cầu Ý Dân. Đây là đạo luật mà Quốc hội đã nợ của dân qua nhiều nhiệm kỳ.
*Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến Mỹ hội kiến với TT Obama. Hai bên cam kết sẽ cùng các bên đàm phán khác nhanh chóng hoàn tất Hiệp ước TPP. Ngày 5/10/2015Hiệp ước TPP đã chính thức được thông qua. Đây là hiệp định tự do mậu dịch lớn nhất thế giới gồm 12 quốc gia trong đó có Mỹ, Nhật, nhưng không có Trung Quốc. Theo nhận định của AFP, VN là nước nghèo nhất trong 12 nước và Hiệp định gần như là một cuộc “đảo chính” đối với các lãnh tụ CSVN đang điều hành đất nước.
*Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ ký lịnh ban hành Luật Trưng Cầu Ý Dân, thừa nhận quyền của người dân được quyết định vận mạng đất nước từ năm 2016.
*TT Nguyễn Tấn Dũng được sự tín nhiệm cao nhất của toàn Đảng, được đánh giá là người lãnh đạo có dũng khí và trình độ, có bản lĩnh chính trị để có những quyết định đột phá cho tương lai, ông sẽ thực hiện lời hứa thay đổi thể chế, đưa đất nước vào một giai đoạn lịch sử mới.
Người viết kỳ vọng: trước thảm trạng của đất nước, các đại biểu tham dự Đại hội Đảng XII sẽ đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên hết, thể hiện mong muốn của nhân dân qua những đề xuất của 127 nhân sĩ trí thức. Đại hội Đảng XII sẽ có những quyết định đột phá: Chấm dứt việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp. Thay đổi thể chế: tạo dựng chế độ tổng thống. Tổng bí thư Đảng tạm thời đảm nhận vai trò tổng thống tổ chức bầu cử Quốc hội, thảo ra Hiến pháp xây dựng chế độ mới đa nguyên, đa đảng.
Vì sự hưng vong của đất nước, người viết mạo muội có đôi lời gọi là “Phù thế giáo một vài câu thanh nghị” (Nguyễn Công Trứ) trong bước ngoặc lớn của dân tộc.
Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa đã hội đủ. Thế nước vô cùng thuận lợi đã bày ra trước mắt: Gặp thời thế, thế thời phải thế. Được lòng Dân tức Thuận lòng Trời: Đất nước tất phải quang vình. Dân tộc trường tồn.