Thư Cho Con 21/3/2014 – Giáo Già
Tham Vọng Xâm Lăng Ðô Hộ Việt Nam Của Trung Cộng
Bằng Súng Ðạn Và Không Tiếng Súng
Ngày 21 tháng 3 năm 2014
H,
Trong cuộc xâm lăng để mong đô hộ Việt Nam Trung cộng đã tiến hành dã tâm trên cả 2 bình diện: Xâm lăng bằng súng đạn và xâm lăng không tiếng súng.
A. Cuộc xâm lăng bằng súng đạn có thể kể 3 giai đoạn chính:
1. Trận hải chiến Hoàng Sa
Sau Hiệp định Paris năm 1973, lợi dụng việc Mỹ tiến hành việc rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam, Trung cộng đưa hạm đội đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa.
Nhận được tin hạm đội Trung cộng đe dọa Hoàng Sa ngày 17-01-1974, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Chiến Thuật, chỉ thị cho vị Tư lệnh HQ Vùng I là Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, chuẩn bị chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Trận hải chiến xảy ra và Trung cộng đã chiếm được Hoàng Sa ngày 19/1/1974, tuy hạm đội của chúng đã bị thiệt hại nặng nề. Trong trận chiến nầy, Hộ tống hạm HQ10 do Thiếu tá Ngụy Văn Thà chỉ huy bị thiệt hại nặng nhất. Sự hy sinh của Hạm trưởng Ngụy văn Thà và đồng đội trong trận hải chiến này là thiên anh hùng ca bất tử. Tin tức dồn dập được loan tải trên báo chí Sài Gòn trong thời gian này đã nói lên sự phẫn uất của người dân Việt, nhưng Cộng sản Việt Nam chẳng những hoàn toàn im lặng lại còn bát bỏ đề nghị của Việt Nam Cộng Hòa lên án Trung cộng chiếm Hoàng Sa, trong khi Nga lên tiếng lên án Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa và thúc Liên Hiệp Quốc buộc Trung cộng phải thương thuyết [xem phóng ảnh báo Chính Luận đính kèm].
2. Cuộc chiến biên giới ngày 17/2/1979.
Mượn cớ “Dạy cho Cộng sản Việt Nam một bài học” người lãnh đạo Trung cộng Ðặng Tiểu Bình xua khoảng 600 cho tới 700 ngàn quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước. Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh Ðại Quân khu Quảng Châu chỉ huy hướng tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng. Tướng Dương Ðắc Chí, tư lệnh Ðại Quân khu Côn Minh đảm nhiệm hướng tây bắc với trọng điểm là Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai). Ngoài lực lượng quân chính qui, Trung Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công và lực lượng dân binh ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính qui phục vụ cho chiến dịch. Chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động…
Nhưng, phía Việt Nam đã hoàn toàn bất ngờ. Trong một bài viết mới đây, một blogger đã thuật lại chuyện ngày 16/2/1979 (trước hôm cuộc chiến mở màn 1 ngày) một đại tá Quân đội NDVN đã nói chuyện với một đơn vị quân đội ở Lạng Sơn rằng “có cho kẹo TQ cũng không dám đánh VN”. Do vậy, Cộng sản Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, dù bị bất ngờ, bộ đội Cộng sản Việt Nam cũng phản công quyết liệt và gây thiệt hại nặng nề cho quân Trung cộng, như báo Nhân Dân, số ra từ 17 đến 23/2 [xem hình] ghi rõ “Trừng trị quân Trung Quốc xâm lược: Diệt 16.000 tên địch; diệt và đánh thiệt hại nặng 18 tiểu đoàn; bắn cháy và phá hủy 16 xe tăng và xe bọc thép, 110 xe quân sự…”.
Nói về sự dã man, tàn bạo của quân Trung Quốc, bài viết được đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 9/2/2009 đã ghi lại nhiều chi tiết sống động như:
“Lào Cai, Sapa, Ðồng Ðăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang, thì, tại thôn Tổng Chúp [xem hình], xã Hưng Ðạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối…”
Tại Sài Gòn, những hình ảnh chiến thắng quân Trung quốc cũng được trưng bày khắp nơi, như trước Quốc Hội cũ của Việt Nam Cộng Hòa ở trung tâm thành phố [xem hình trang sau].
Ðến ngày 5 tháng 3 năm 1979, Việt Nam vừa ra lệnh tổng động viên toàn quốc thì cùng ngày này Bắc Kinh tuyên bố đã “hoàn thành mục tiêu chiến tranh”, và bắt đầu rút quân.
Nhìn vào cuộc chiến, Russell D. Howard cho rằng quân Trung Quốc thương vong 60.000 người, trong đó số chết là 26.000. Nguồn của King Chen nói rằng riêng tại các bệnh viện lớn ở Quảng Tây đã có ít nhất 30.000 thương binh Trung Quốc. Dầu vậy, Ðặng Tiểu Bình cũng cho rằng mặc dù có nhiều thất bại về quân sự nhưng Trung Quốc “đã đạt được chiến thắng về chính trị và chiến thắng chung cuộc”. Ông còn khẳng định quân Trung Quốc “đã có thể tiến thẳng tới Hà Nội nếu muốn”.
Cuộc chiến cũng đã gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Việt Nam: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Ðường bị hủy diệt hoàn toàn, 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000 ha hoa màu bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.
Khi quân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam tháng 3 năm 1979, Trung Quốc tuyên bố họ không tham vọng dù “chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam”. Nhưng, trên thực tế, quân Trung Quốc chiếm đóng khoảng 60 km2 lãnh thổ có tranh chấp mà Việt Nam kiểm soát trước khi chiến sự nổ ra. Tại một số nơi như khu vực quanh Hữu Nghị Quan gần Lạng Sơn, quân Trung Quốc chiếm đóng các lãnh thổ không có giá trị quân sự nhưng có giá trị biểu tượng quan trọng. Tại các nơi khác, quân Trung Quốc chiếm giữ các vị trí chiến lược quân sự làm bàn đạp để từ đó có thể tiến đánh Việt Nam.
3. Cuộc chiến xâm lăng bãi đá Gạc Ma
Tiếp theo cuộc chiến xâm lăng các tỉnh biên giới và chiếm giữ các cứ điểm chiến lược quân sự quan trọng, ngày 14 tháng 3 năm 1988, một trận chiến ngắn ngủi nhưng bi tráng xảy ra trên đảo Gacma và Colin nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc đưa hải quân xâm chiếm các bãi đá Cô Lin, Len Ðao và Gạc Ma. Hai tàu Việt Nam bị bắn chìm, chiếc thứ ba bị bắn thủng nhiều chỗ nhưng không đắm. Việt Nam có ba người hy sinh, mười một người khác bị thương và bảy mươi người mất tích. Thực tế đây chẳng phải là một cuộc hải chiến nhưng những chiến sĩ Việt Nam tay không bị súng đại liên 25mm của Tàu nã thẳng vào [xem trên màn ảnh đoạn video clip thấy các chiến sĩ Việt Nam đứng ngâm mình trong nước như làm cột mốc bắn bia hứng trọn làn đạn của kẻ thù Trung Quốc] cho đến lúc chìm xuống biển. Năm 1991, sau khi phía Trung Quốc trao trả chín binh sĩ Việt Nam bị bắt giữ, con số 64 còn gọi là mất tích được kể như đã chết. Kể từ đó Trung Quốc chiếm đóng bãi đá Gạc Ma và Cộng sản Việt Nam chẳng dám làm gì để đòi chủ quyền của mình trên địa điểm này.
Cả ba cuộc chiến này đều nhằm bảo vệ cho sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam. Những chiến sĩ hy sinh đều là những con dân đã anh dũng chiến đấu chỉ vì Tổ Quốc; nên… đúng ra nhà nước Việt Nam phải vinh danh và hằng năm tưởng niệm công lao của họ; nhưng, trái lại, chúng, trong cương vị của những Thái thú Tàu đô hộ Việt Nam, đã ngăn cấm và không nương tay đàn áp mỗi khi người dân tự động đứng ra tổ chức tưởng niệm. Ðiển hình như:
- Ngày 18-01-2014, đảng và nhà nước đã buộc thành phố Ðà Nẳng phải hủy “chương trình ca nhạc, hát về biển đảo quê hương và thắp nến tri ân hướng về Hoàng Sa” mà thành phố đã hoạch định chương trình từ trước.
- Ngày 19-01-2014, nhà nước cho công an trá hình công nhân cưa đá gây bụi mịt mù và dùng loa phóng thanh ngăn trở buổi lễ tưởng niệm 74 chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa.
- Ngày Chủ nhật 17-2-2014, vào dịp 35 năm ngày 600 ngàn quân Trung Cộng xâm lược 6 Tỉnh biên giới nhà nước cho dựng khán đài tổ chức nhảy múa trơ trẽn, theo nhịp bài hát phản quốc “Trung Quốc Chính Nghĩa”, trước Tượng đài Lý Thái Tổ; và cho Ðoàn Thanh niện Cộng sản HCM ca hát tại tượng đài Cảm Tử, để phá cuộc biểu tình chống Trung Cộng và truy điệu ghi ơn trên 30.000 chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến đấu anh dũng chống quân xâm lược.
- Ðến lần kỷ niệm năm thứ 26 ngày quân Trung Cộng chiếm bãi đá Gacma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 14-3-1988, thì thay vì tổ chức lễ tưởng niệm tri ơn những chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ đất nước bị Tàu cưỡng chiếm, Bộ Quốc phòng lại tổ chức “Chương trình Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt-Trung” tại khu vực biên giới chung giữa hai nước, từ ngày 10 đến 12-03 (2014), tại tỉnh Quảng Tây của Trung Cộng; và sau đó đến lượt tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam.
Nhìn chung, ba cuộc chiến xâm lăng Việt Nam bằng súng đạn của Trung Quốc nêu trên đã khiến một phần lãnh thổ Việt Nam bị mất vào tay Trung cộng; nhưng, trong hoàn cảnh toàn cầu hóa, vấn đề sau này có thể được giải quyết, tuy thời gian có dài và đòi hỏi nhiều khó khăn. Ðiều đau đón cho quê hương Việt Nam là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chẳng những không chịu làm lễ tưởng niệm những chiến sĩ anh hùng đã hy sinh trong các trận chiến đó lại còn tìm đủ mọi cách để ngăn cản người dân tổ chức lễ tưởng niệm, từ Hoàng Sa đến Trường Sa, và nhứt là không dám nhắc tới cuộc chiến biên giới 1979, không dám tưởng niệm các anh hùng đã bỏ mình trong cuộc chiến đó. Ðã vậy, còn tệ hơn nữa là còn “vinh danh” chúng và dành nhiều ưu đãi cho kẻ thù đã tàn sát dã man đồng bào mình…
B. Xâm Lăng Không Tiếng Súng
Song song với cuộc xâm lăng bằng súng đạn nêu trên, bọn Thái thú đang nhiệm quyền cai trị Việt Nam đã, đang và tiếp tục âm thầm cho Trung cộng tiến hành việc đô hộ Việt Nam bằng cuộc xâm lăng không tiến súng. Ðiển hình rõ nét có thể ghi lại trong một số sự kiện như sau:
1. Cho Trung Quốc thuê rừng biên giới
Tin được phóng viên Mặc Lâm của đài RFA phổ biến ngày 11/2/2010 cho biết “hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đã cùng với nhiều tỉnh khác âm thầm cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) để trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 305 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Ðài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha, ở các tỉnh miền biên giới” [nên nhớ Hồng Kông, Ðài Loan, Trung Quốc đều là Tàu mà “Các chú ba Tàu thằng nào cũng như thằng nấy”…]. Vấn đề này đã được 2 tướng Việt cộng là Trung tướng Ðồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đề cặp tới trong bài viết được đưa lên boxitvn.net ngày 11/02/2010 như sau:
“Theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đã cử đoàn cán bộ liên ngành trực tiếp kiểm tra hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, đồng thời tổng hợp báo cáo 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Ðịnh, Kon Tum và Bình Dương. Kết quả cho thấy 10 tỉnh [các tác giả chỉ liệt kê 9 tỉnh, tức sót một tỉnh – người biên tập] đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305,3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Ðài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.
“Ðây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn. Cho Hồng Kông, Ðài Loan, Trung Quốc khai thác rừng đầu nguồn là tiềm ẩn đầy hiểm họa. Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thuỷ lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thuỷ điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp. Năm qua nhiều tỉnh miền Trung đã hứng chịu đủ, chẳng phải là lời cảnh báo nghiêm khắc hay sao?
“Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những ‘làng Ðài Loan’, ‘làng Hồng Kông’, ‘làng Trung Quốc’. Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng…”
2. Cho Trung quốc khai thác Bauxite ở Cao nguyên Trung phần
[xin xem tác phẩn “Từ Bauxite đến Uranium ố Tiến trình đô hộ Việt Nam của Trung Cộng” của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, Giáo sư Trần Minh Xuân và Tiến sĩ Phan Văn Song; do “Ðại Gia Ðình Nguyễn Ngọc Huy & Nguyễn Ngọc Huy Foundation & Mekong-Tỵnạn” tái bản năm 2012]. [Ðính kèm hình bìa].
3. Thành lập các “Làng Trung Quốc” trong các “Biệt Khu Trung Quốc”
Từ lâu nhà nước Cộng sản Việt Nam đã ưu đãi cho Trung quốc trúng thầu rất nhiều dự án khai thác tài nguyên khoáng sản, công kỹ nghệ… cho chúng mang công nhân từ Trung quốc sang, vừa chánh thức vừa chui, để chúng thành lập các “Làng Trung Quốc” và các “Biệt Khu Trung Quốc”, để chúng sinh sống như thể sống trên đất nước Trung Quốc, mà chánh quyền địa phương hầu như không can thiệp được; điển hình như khu kinh tế Vũng Áng-Formosa, Nhiệt điện, Xi măng Hải Phòng… thành lập những phố đèn lồng đỏ ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Dương…!
Mới đây, tin được Thanh Phương đưa lên đài RFI ngày 17/3/2014 cho biết “Việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam đang gây lo ngại cho các chuyên gia về nguy cơ Việt Nam mất quyền kiểm soát kinh tế, đặc biệt với việc các công ty Trung Quốc dần dần thâu tóm các công ty Việt Nam”. Tin cho biết thêm là
“Theo thống kê của Cục Ðầu tư nước ngoài, trong năm 2013, vốn đầu tư ngoại quốc trực tiếp FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng đột biến, lên đến mức hơn 2,3 tỉ đôla so với 345 triệu đôla của năm 2012, đặc biệt là đầu tư vào hai lĩnh vực bất động sản và dệt may. Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc còn đẩy mạnh tiếp cận các lĩnh vực: khai khoáng, sản xuất và chế biến, xây dựng và cơ sở hạ tầng… Trong bối cảnh đó, vào tuần trước, Thông tấn xã Việt Nam loan tin là Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Ðịnh vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một công ty dệt may của Trung Quốc xây dựng một nhà máy với tổng vốn đầu tư 68 triệu đôla (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản). Thời hạn sử dụng đất 46 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư… Cách đây không lâu, nhiều người đã lên tiếng báo động về việc Trung Quốc trúng thầu và thâu tóm hơn 90% các công trình trọng điểm quốc gia ở khắp Việt Nam. Nay các công ty Trung Quốc cũng đang dần dần thâu tóm các công ty Việt Nam… Lợi dụng lúc nhiều công ty Việt Nam đang gặp khó khăn về mặt tài chính, phải bán một phần vốn cho doanh nghiệp nước ngoài, công ty Trung Quốc tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều. Các chuyên gia trong nước lo ngại là sau một thời gian, những công ty đó có nguy cơ biến thành công ty Trung Quốc, không còn là công ty Việt Nam, nếu như họ mua được nhiều cổ phần và chiếm đa số ghế trong hội đồng quản trị…”
Một bản tin khác được Lê Trường – Bạch Long đăng trên Người Lao Ðộng Online ngày 16/3/2014 nói về chuyện “Ra ngõ gặp… người Trung Quốc! ” cho biết:
“Hàng ngàn lao động trái phép đang làm việc chui tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), gây ra nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, văn hóa ở khu kinh tế lớn nhất Bắc Miền Trung này. Vào những lúc cao điểm, Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng có đến 3.000- 4.000 lao động nước ngoài làm việc, chủ yếu là người Trung Quốc. Con số này dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong năm 2014 với khoảng 6.000 lao động nước ngoài đến làm việc tại KKT Vũng Áng… Dọc Quốc lộ 1, đoạn từ thị trấn Kỳ Anh đến hầm Ðèo Ngang, chúng tôi chứng kiến hàng trăm bảng hiệu công ty, bảng quảng cáo viết chữ Trung Quốc, chữ Việt lẫn lộn… Anh Trần Anh Dũng, trú tại xã Kỳ Phương, lo ngại: ‘Ở đây, hễ bước ra ngõ là gặp người Trung Quốc, đi tới đâu cũng thấy chữ Tàu treo đầy đường’… Từ khi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được khởi công xây dựng vào tháng 8-2010, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cũng tập trung rất đông lao động Trung Quốc… Chị Dung, chủ quán cơm gần nhà máy, cho biết một số nam công nhân Trung Quốc được ‘thả lỏng’ thuê nhà trọ bên ngoài đã cặp bồ với thiếu nữ địa phương. ‘Không khéo khi nhà máy xây dựng xong, ở đây có cả làng Trung Quốc’ chị nói nửa đùa nửa thật.”
Một biệt khu cũng được nói tới là khu Cửa Việt tỉnh Quảng Trị. Nơi đây nhiều công nhân Trung quốc sang làm việc trong các dự án đầu tư của doanh nhân Trung quốc trong các khu biệt lập của họ đã làm dấy lên lo ngại của người dân tại chổ. Thậm chí người Trung Quốc còn đặt nhiều tên đường VN bằng tiếng Hoa. [Xem ảnh: đường Dong Fang, được tập đoàn điện khí Dong Fang Trung Quốc, trúng thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, đặt tên].
4. Nhà nước mở cửa lờn cho thương nhân Tàu tràn vào Việt Nam
Theo nghị quyết trung ương 9 chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh và mở rộng quá trình cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đối với các Tổng Công ty nhà nước, kể cả các Tổng công ty trong lĩnh vực độc quyền như điện lực, bưu chính viễn thông, xi măng, than… Ðây cũng là cách nhà nước cho các thương nhân Trung quốc mang tiền vào xâm nhập các doanh nghiệp, để từ đó khống chế sinh hoạt kinh tế Việt Nam…
Ðồng thời cuộc khủng hoảng địa ốc cũng là cơ hội cho nhà nước chính thức mở cửa lớn cho dân Tàu tràn qua Việt Nam [http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/165081/]. Chúng sẽ qua mua hết bất động sản VN đang ế. Ðặc biệt nhứt là nó đang quá rẻ so với bên Tàu. Chúng có thể qua mua nhà ở Hà nội, Sài Gòn, và nhiều thành phố khác. Rồi từ đó chúng sẽ sinh cơ lập nghiệp lấy vợ, sanh con… Ðây cũng là cách bọn Thái thú tuân lịnh Bắc Kinh TRUNG HOA HÓA VIỆT NAM… chuẩn bị cho ngày Việt Nam sáp nhập vào Trung hoa trong thời gian tới, có thể là năm mười năm nữa…
C. Kết Luận
Cuộc xâm lăng Việt Nam của Trung cộng đã, đang và tiếp tục diễn biến trên khắp mặt; đặc biệt là cuộc xâm lăng không tiếng súng với sự tiếp trợ của đám Thái thú nhiệm quyền cai trị Việt Nam đã khiến lao động và thương nhân Tàu có mặt ở nhiều nơi khiến nhiều người thấp thoáng thấy bài học Crimea ở Ukraina bị Nga xâm lăng không tiếng súng bằng cuộc trưng cầu dân ý ngày Chúa nhựt 26/3/2014 là một mối lo không phải là không có cơ sở.
Nhưng, lo không có nghĩa là sợ nó sẽ xảy ra như vậy, vì trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện tại việc Nga xâm lăng Cremea không tiếng súng đã bị cả thế giới lên án; điển hình như cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã so sánh hành động của Putin với hành động của phát xít Ðức trong thập niên 1930, một hàm ý so sánh Putin với Hitler. Ðồng thời Thượng nghị sĩ John McCain cũng ví Putin với Hitler và Stalin thời chiến tranh thế giới lần thứ hai… Nó khiến điều chắc chắn ai cũng có thể thấy là trên mặt trận quốc tế Putin và Nga đã thua và sẽ gánh nhận những biện pháp trừng phạt cụ thể. Chính Peter Beinart, trong một bài báo đăng trên The Atlantic đã không ngần ngại liên kết vấn đề với hành động của Trung Quốc trong thời gian qua, khi cho rằng Trung Quốc càng muốn biểu dương sức mạnh và quấy nhiễu các nước láng giềng nó càng đẩy họ ngả theo Mỹ, và do đó, càng tự cô lập chính mình.
Mặt khác, sự đề kháng của dân tộc Việt, đặc biệt là những người dân ngày nay đã dần dần hết sợ mọi thủ thuật đàn áp của công an trong việc đòi hỏi nhân quyền, nhứt là giới trẻ trưởng thành trong môi trường sa đọa của Xã hội Chủ nghĩa trong thời gian qua.
Ðiển hình mới nhứt là tin được Mặc Lâm, biên tập viên đài RFA, trong bản tin được phát đi từ Bangkok ngày 20/3/2014 cho biết: “Một nhóm 17 người gồm tín đồ Phật giáo Hòa hảo và những nạn nhân cùng vụ với bà Bùi Minh Hằng đã có mặt tại Hà Nội từ bốn ngày qua với mục đích gặp mặt đại diện các đại sứ quán ngoại quốc để tố cáo công an Lâp Vò giam người trái phép cũng như chính quyền đang đàn áp Phật giáo Hòa Hảo một cách có hệ thống” . Bản tin cho biết chi tiết như sau:
“Vào ngày 16 tháng 3 vừa qua sau ba ngày hành trình từ huyện Lấp Vò tỉnh Ðồng Tháp nhóm 17 người bạn và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã tới Hà Nội tạm trú tại nhà thờ Thái Hà chờ gặp gỡ đại diện các đại sứ quán Ðức, Mỹ, Úc và Na Uy như đã sắp xếp từ trước. Nhóm bạn này gồm một số người từng bị bắt trong ngày 11 tháng 2 chung với bà Bùi Minh Hằng, anh Nguyễn Văn Minh và blogger Nguyễn Thị Thúy Quỳnh. Họ có hai mục đích trong chuyến đi này thứ nhất là tố cáo sự giam giữ bất hợp pháp, công an hành hung người bất đồng chính kiến bằng cách đội lốt côn đồ và thứ hai là đàn áp tín đồ Phật giáo Hòa Hảo một cách hệ thống”. [Xem hình Tham tán Ðại sứ quán Ðức thăm bà con Phật giáo Hoà Hảo và những người đang đòi tự do cho chị Bùi Thị Minh Hằng tại nhà thờ Thái Hà sáng 19.3. Facebook Lê Phương Anh]
Bản tin cũng cho biết thêm: “Vào lúc 2 giờ chiều ngày hôm nay, 20 tháng 3 năm 2014, một phái đoàn đại diện của EU, Hoa Kỳ, New Zealand và Na Uy đã tới nhà thờ Thái Hà để làm việc với nhóm này”. Một người trong nhóm nói với Mặc Lâm rằng: “Hiện nay có phái đoàn Liên Minh Châu Âu, New Zealand, Mỹ, Na Uy họ tới lúc hai giờ và chúng tôi đang làm việc với họ. Có 17 nhân chứng và một số anh em dân chủ ở Hà Nội và anh em dân chủ ở miền Trung”.
Bên cạnh đó, một bài viết của Nguyễn Vũ Bình, gởi đi từ Hà Nội ngày 17/3/2014, được đăng trên http://www.danchimviet.info/ nói rằng: “…từ năm 2011 trở lại đây. Có thể nói, ngoài sự bùng nổ về số lượng người tham gia Phong Trào Dân Chủ thì thành phần tham gia cũng vô cùng đa dạng, phong phú và hầu như không thiếu một khía cạnh, lĩnh vực nào của cuộc sống: nam, nữ; già trẻ, trí thức, công nhân, nông dân, thanh niên, sinh viên, cán bộ, viên chức người của các tôn giáo… Một điểm nhấn về thành phần tham gia Phong Trào Dân Chủ Việt Nam trong mấy năm vừa qua, đó là giới trẻ, thanh niên sinh viên. Ðây là thành phần rất quan trọng bởi sự sáng tạo và sức lan tỏa của thanh niên trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay… không nghi ngờ gì nữa, đó là sự thức tỉnh của toàn dân tộc mong muốn tự do cho cá nhân và cho toàn xã hội…”
Ðặc biệt nhứt là những hoạt động không ngừng của giới trẻ đã khiến người theo dõi tình hình “Chống Tàu Diệt Việt Cộng” càng lúc càng phấn khởi hơn với sự tham gia không còn sợ sệt công an của nhà cầm quyền đọc đảng đọc tài Cộng sản Việt Nam. Gần đây nhứt là họ đã tổ chức 2 buổi “Cà Phê Nhân Quyền”, một ở Sài Gòn và một ở Hà Nội:
- Tại Sài Gòn, “Cà Phê Nhân Quyền” lần đầu tiên được tổ chức tại cà phê Starbucks, gần khách sạn New World, nằm ngay trung tâm thành phố Sài Gòn. Ðúng 9h sáng thứ bảy, 1/3/2014, như đã thông báo trước, một số thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam bắt đầu buổi Cafe Nhân Quyền với chủ đề ”Quyền tự do đi lại của công dân”. Tham dự có gần 30 blogger, trong đó nhiều người là nhà hoạt động bảo vệ quyền con người, như: Nguyễn Hồ Nhật Thành (blogger Paulo Thành Nguyễn), Lưu Trọng Kiệt, Huỳnh Công Thuận, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Nguyễn Hoàng Vi (An Ðổ Nguyễn), Nguyễn Thảo Chi, Nguyễn Thị Yến Trang (Mí Rưỡi), Hoàng Văn Dũng (Hoàng Dũng CÐVN), Bùi Tuấn Lâm (Peter Lam Bui), Huỳnh Ngọc Chênh… Thành phần khách mời có hai nhà báo nước ngoài là Aija Salovara (Phần Lan) và Lina Johansson (Thụy Ðiển).Buổi thảo luận được thông báo công khai và lần đầu tiên chính thức mời đại diện An ninh thành phố (PA 67) và Cục quản lý xuất nhập cảnh (PA72) nhưng cả hai đơn vị này đều không có mặt. Dịp này, Blogger Huỳnh Công Thuận, một thành viên thuộc mạng lưới Blogger Việt Nam và cũng là người bị cấm xuất cảnh một cách vô cớ trước đây nói với đài RFA: “Buổi thảo luận này là bàn về quyền đi lại của công dân. Trong này rất nhiều người bị cấm xuất cảnh mà không được thông báo hay cho biết trước cho tới khi đến phi trường thì mới bị chặn, vừa mất tiền vừa bị chặn. Gần như không có nơi nào trả lời hết. Chúng tôi có mời cán bộ công an, an ninh để trả lời cho chúng tôi. Chúng tôi đưa giấy mời trực tiếp mời tay vào ngày hôm qua chứ không phải mời trên mạng. Chúng tôi gửi hai giấy mời chính thức tận tay Phòng Xuất nhập cảnh thành phố Hồ Chí Minh nhưng các anh ấy không đến nên chúng tôi dành hai ghế trống đàng hoàng nhưng không ai ngồi.”
- Tại Hà Nội, buổi “Cà Phê Nhân Quyền” lần thứ II cũng được tổ chức tại Joma Bakery Coffee, 22 Lý Quốc Sư , quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; lúc 9h 30 sáng ngày thứ năm, 20 tháng 3 năm 2014, với khoảng 30 người tham dự. Lần này mạng lưới Blogger vẫn tiếp tục mời Ðại diện Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72) công khai trên nhiều trang mạng xã hội tham dự cùng với Ðại diện các đại sứ quán tại Hà Nội. Buổi thảo luận có sự tham dự của các blogger như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm Gấu), Paulo Thành Nguyễn thuộc Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Facebooker Gió Lang Thang, Ðại diện nhóm Con đường Việt Nam Bạch Hồng Quyền, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, Giáo sư Chu Hảo, ông Nguyễn Hoàng Ðức… cùng với đại diện các đại sứ quán Ðức, Úc, Thụy Ðiển, liên minh Châu Âu… Dịp này bạn trẻ Lê Hoàng, thành viên nhóm No-U, cũng bị cấm xuất cảnh, nói với thông tín viên của đài RFA: “Hôm nay em có tham gia buổi cà phê thảo luận về việc xuất nhập cảnh, quyền đi lại của công dân bị ngăn cản các thứ, em là thành viên nhóm No-U phản đối Trung Quốc đường lưỡi bò lấn chiếm Biển Ðông, trong đó 2 năm vừa rồi em có tham gia cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc lấn biển. Cách đây 1, 2 tháng em có đi cửa khẩu Tuyên Quang, giấy thông hành đi trong một ngày, họ chặn họ không cho, cả đòan đi qua được riêng em bị chặn lại, họ nói vấn đề an ninh anh không thể qua cửa khẩu, trong đó giấy thông hành của tôi đi được từ sáng đến tối trở về Việt Nam được, tôi nghĩ qua gần thôi, nhưng mà họ ngăn chặn.” Sau khi kết thúc buổi hội thảo, trên đường chạy xe máy về nhà bạn trẻ Trịnh Tuấn Anh (Facebooker Gió Lang Thang) đã bị 3 người hành hung không biết lý do, không biết họ là ai, Tuấn Anh nói: “Em vừa đi dự hội thảo về thì bị bọn nó chặn đánh dọc đường, đang đi dọc đường, họ đạp xe máy té, xe máy ngã xuống, họ lao vào đánh rồi chạy luôn, và em bây giờ đang đau lắm”. Có điều rất đáng quan tâm là chủ quán cà phê đóng khu vực có phòng rộng, viện lý do sửa chữa nên những người tham dự phải ngồi rải rác ở ngoài hành lang [xem hình]; tuy nhiên buổi họp Cà phê Nhân quyền lần 2 vẫn tiến hành tốt đẹp. Ðây cũng là một tín hiệu tích cực cho những người dám thẳng thắn bày tỏ chính kiến của mình đối diện với chính quyền Việt Nam.
“Cà Phê Nhân Quyền” kết thúc, công an không dám đáp lời mời tham dự; nhưng trên đường về Trịnh Anh Tuấn bị hành hung [xem hình]. Ðiều này cho thấy công an vẫn còn cay cú việc làm của giới trẻ vừa chống Tàu vừa đòi hỏi nhân quyền Dân chủ hóa Việt Nam. Nhưng chúng chỉ làm được bao nhiêu đó, hành hung rồi bỏ chạy, chớ không dám hung hãn thô bạo như trước. Nó cho thấy chúng và toàn bộ 16 thành viên Bộ Chánh trị cùng Ủy viên Trung ương Ðảng không quên các cảnh lãnh tụ Cộng sản Ceausescu và vợ Elena đã bị một toà án quân sự xử tử hình và bị hành quyết năm 1989; Saddam Hussein đã bị treo cổ tại Bagdad, Iraq; lúc 6 giờ 05′ ngày 30 tháng 12 năm 2006; Gaddafi đã bị những người nổi dậy bắn chết sau khi tìm thấy ông đang ẩn mình dưới một cống thoát nước của thành phố, ngày 25 tháng 10, 2011…; đặc biệt nhứt là tại Ukraina cảnh Tổng thống Viktor Yanukovych phải tháo chạy chỉ 48 giờ sau khi cảnh sát chống bạo động của ông đã bắn thẳng vào những người biểu tình khiến hơn 80 người thiệt mạng…; và đặc biệt hơn nữa là cảnh từng hàng cảnh sát chống bạo động của Yanukovych phải quỳ gối cúi đầu xin lỗi người dân thành phố Lviv, ngày 24/2/2014 [xem hình].
Nó cho thấy sự thực toàn bộ chúng cho dù hung hản như sư tủ cũng chỉ như câu nói của Tàu là “Sư tử thân trung trùng thực sư tử nhục‘’ (Bầy sâu trong cơ thể của con sư tử ăn thịt của nó). Nó cũng cho thấy thành quả của cuộc đấu tranh bất bạo động “Chống Tàu Diệt Việt Cộng”của toàn dân đang từng lúc gặt hái những thành quả khích lệ.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già