Phản ứng của các nước trước hành động bành trướng của Nga
Thủ tướng Đức Angela Merkel (T) và Tổng thống Pháp François Hollande tại Thượng đỉnh Bruxelles, 20/03/2014 – REUTERS/Alain Jocard/Pool
Pháp -Đức đình chỉ hợp tác quân sự với Nga
Theo RFI – Tú Anh
Khủng hoảng tại Ukraina được thể hiện qua các biện pháp « trả đũa từng bước » trong quan hệ giữa Tây phương và Nga. Hôm nay 21/03/2014, Đức thông báo đình chỉ mọi hình hợp tác quân sự với Nga, kể cả lãnh vực xuất khẩu linh kiện. Paris cũng tuyên bố ngưng hợp tác quân sự với Nga trừ các cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ cam kết quốc tế.
Phát ngôn viên bộ quốc phòng Đức cho biết quyết định ngưng hợp tác quân sự với Nga « trên mọi hình thức » và biện pháp này có hiệu lực ít nhất là cho đến hết tháng 4. Cụ thể là ngay tức khắc, công ty Rheinmetall đã theo yêu cầu của bộ quốc phòng, không bán máy « thực tập giao chiến » cho quân đội Nga.
Đang thăm viếng Estonia, bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng tuyên bố tình hình khủng hoảng Ukraina buộc nước Pháp phải đình chỉ một số quan hệ quân sự với Nga từ viếng thăm trao đổi đến tập trận chung nhưng vẫn duy trì tiếp xúc trong khuôn khổ các cám kết quốc tế.
Tây phương cũng công bố danh sách trừng phạt cá nhân quan chức Nga và Ukraina cũ. Hôm qua 20/03/2014 Washington ra tay mạnh nhất, đánh thẳng vào quyền lợi của các cộng sự viên thân cận nhất của Putin trong đó chánh văn phòng phủ tổng thống Nga Serguei Ivanov. Vài giờ sau, từ Bruxelles, Liên Hiệp châu Âu thêm vào danh sách trừng phạt 12 nhân vật Nga và Ukraina thân Nga. Tổng số nhân vật bị chiếu cố là 33 trong danh sách của Bruxelles và 31 người trong danh sách của Mỹ.
Theo tổng thống Pháp François Hollande, hai danh sách trừng phạt của Mỹ và châu Âu gần như nhau và nhắm vào các nhân vật có « can dự vào tiến trình được gọi là trưng cầu dân ý » sáp nhập Crimée vào nước Nga.
Từ Bruxelles, thông tín viên Gulliaume Naudin phân tich chiến thuật của Liên Hiệp Châu Âu:
Trong thời chiến tranh lạnh, các nhà chiến lược sử dụng từ « trả đũa từng bước » phù hợp theo tỷ lệ tấn công của đối phương. Lần này, sau khi loại trừ biện pháp quân sự, Liên Hiệp Châu Âu cũng áp dụng chiến thuật « trả đũa từng bước » với Nga để đáp trả thái độ thô bạo của điện Kremli trên hồ sơ Ukraina.
Để có được tiếng nói thống nhất, Liên Hiệp Châu Âu đã làm theo kế hoạch dự kiến ban đầu. Sau khi ban hành biện pháp trừng phạt nhắm vào cá nhân 21 nhân vật Nga và Ukraina thân Nga, phong tỏa tài sản và cấm visa, danh sách được kéo dài thêm đến 12 người nữa, tổng cộng 33 người, gần như không khác gì danh sách của Mỹ.
Cho đến bây giờ, theo lập luận của Châu Âu, giải pháp trừng phạt kinh tế và thương mại chỉ được tính đến trong trường hợp tình hình xấu thêm. Mục đích của Liên Hiệp Châu Âu là khuyến cáo điện Kremli không được quá trớn, xâm phạm đến các vùng lãnh thổ khác của Ukraina sau khi kiểm soát Crimée. Điều này cũng nhằm mục đích thúc đẩy Matxcơva đối thoại về việc để quan sát viên của tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu OSCE hoạt động trên toàn lãnh thổ Ukraina . Nếu Nga từ chối, thì Liên Hiệp Châu Âu sẽ đơn phương lập đoàn quan sát viên OSCE.
Tạm thời, Liên Hiệp Châu Âu ký với Ukraina thỏa thuận chính trị trong hiệp ước cho phép Kiev làm thành viên liên kết với Liên Âu. Nói cách khác, Bruxelles chính thức công nhận chính quyền lâm thời tại Ukraina dù cho tổng thống Pháp có tuyên bố, điều đó không có nghĩa là Ukraina đã trở thành thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.
Nga đã phản ứng lại, cũng công bố danh sách riêng, trừng phạt ba cố vấn của tổng thống Mỹ và một số nghị sĩ trong đó có Thượng Nghị sĩ John McCain, bị phong tỏa tài sản ở Nga ( ?) và đi du lịch ở Nga. Liên Hiệp Châu cũng đang chờ phản ứng trả đũa tương tự.
Các nước Liên Xô cũ run rẩy trước việc Nga sáp nhập Crimée
Theo RFI – Thụy My
Sự kiện Nga sáp nhập Crimée làm lãnh thổ của mình đã dội một gáo nước lạnh vào các nước Liên Xô cũ, nơi mà Tổng thống Nga nhận được rất ít sự ủng hộ chính thức. Những quốc gia có vấn đề với các phe ly khai được Nga hỗ trợ thì lên án, còn những nước khác giữ thái độ im lặng quan sát một cách thận trọng.
Hôm thứ Tư 19/03/2014, ông Guiorgui Margvelachvili, Tổng thống Gruzia – quốc gia thuộc Liên Xô cũ nằm ở phía nam Kapkaz và thân phương Tây – đã tuyên bố : « Các sự kiện ở Ukraina là mối đe dọa không chỉ cho sự ổn định trong khu vực, mà còn cho mọi trật tự thế giới ».
Tháng 8/2008, Gruzia đã nếm mùi trận chiến năm ngày với Nga, sau đó điện Kremli công nhận Nam Ossetia độc lập cùng với một lãnh thổ ly khai khác là Abkhazia, và triển khai hàng ngàn binh lính. Tbilissi và các nước phương Tây tố cáo một sự chiếm đóng trên thực tế.
Về phần chính quyền của hai lãnh thổ ly khai này, được Matxcơva chống lưng và không được cộng đồng quốc tế nhìn nhận, đã vỗ tay hoan nghênh việc Nga sáp nhập Crimée, sau khi kiểm soát được bán đảo này bằng các lực lượng thân Nga và tổ chức cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3.
Moldova, quốc gia thuộc Liên Xô cũ với đa số dân nói tiếng Rumani, nằm giữa Rumani và Ukraina, cho biết rất quan ngại kịch bản Ukraina sẽ lặp lại trên lãnh thổ nước mình. Tại phần đất phương Đông của Moldova là Transnistria, cư dân hầu hết là người Nga và Ukraina. Vùng này đã ly khai, với sự ủng hộ của Nga, sau cuộc chiến tranh năm 1992 – một năm sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng không được bất kỳ một quốc gia nào công nhận.
Tổng thống Moldova, Nicolae Timofti tuyên bố: « Có quá nhiều cái chung giữa các sự kiện tại Crimée và tình hình ở Transnistria. Chúng tôi có những thông tin, theo đó có những sự việc cụ thể được tiến hành nhằm gây bất ổn tình hình ».
Chính quyền Nga hôm thứ Năm 20/3 họp về vấn đề « hỗ trợ cho Transnistria ». Cuộc hội nghị này đã được Phó thủ tướng Nga Dimitri Rogozine loan báo từ hôm thứ Ba, Phó thủ tướng Nga lên án nước Ukraina láng giềng đã « quyết định phong tỏa Transnistria trên thực tế ».
Hôm qua tại Washington, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng việc Matxcơva can thiệp vào Crimée nằm trong một « chiến lược toàn cầu » của Nga.
Tổng thống Noursoultan Nazarbaiev của Kazakhstan – đất nước Trung Á giàu tài nguyên dầu khí và là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga, mà vùng thảo nguyên là nơi đặt sân bay vũ trụ Baikonour và 26% dân số là người Nga – đã giữ im lặng hoàn toàn.
Nhà phân tích Konstantin Kalatchev, trưởng nhóm chuyên gia chính trị khẳng định : « Kazakhstan tỏ ra ngoan ngoãn, chứng tỏ mình vẫn là một đối tác của Nga nhưng tại các vùng mà dân cư người Nga và người Kazakhstan tương đương nhau, hay dân Nga chiếm đa số, các tiến trình nhằm đảo ngược tỉ lệ này đang được tiến hành ».
Một đối tác tầm cỡ khác là Belarus, đất nước có chế độ độc tài nằm kề Liên hiệp châu Âu, tỏ ra hết sức thận trọng. Trong thông báo hôm qua, Minsk cho biết chỉ muốn tạo « mọi nỗ lực cần thiết để cho quan hệ giữa Ukraina và Nga lại trở nên quan hệ anh em và láng giềng tốt đẹp ».
« Làm thế nào thoát khỏi được một ‘người bạn’ như thế ? » – nhà phân tích chính trị Andrei Klimov tự hỏi. Theo dự đoán của ông, một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Belarus vào Nga sẽ diễn ra trước năm 2015.
Nga, Belarus và Kazakhstan vào năm 2010 đã thành lập Liên hiệp Thuế quan, mà đến năm 2015 sẽ chuyển thành Liên minh Kinh tế Âu-Á. Đến tháng 9/2013 có thêm Armenia tham gia. Theo ông Klimov : « Nếu Nga cứ tiếp tục chính sách hiện nay, thì coi như đặt dấu chấm hết cho Liên minh Âu-Á ».
Rốt cuộc, sự ủng hộ lại đến từ Tổng thống Armenia Serge Sarkissian. Ông này cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimée là « một ví dụ mới về quyền tự quyết của một dân tộc ».
Láng giềng của Armenia là Azerbaijan cũng đang có tranh chấp lãnh thổ, và cũng muốn giữ hòa khí với Nga nên tỏ ra kín tiếng. Tại Trung Á, các nước Tuskmenistan, Uzbekistan và Tadjikistan đều giữ im lặng. Còn Kirghistan, ban đầu không thừa nhận tổng thống thân Nga bị lật đổ ở Ukraina, đã đợi mất bốn ngày cho đến hôm nay mới chịu nhìn nhận cuộc trưng cầu dân ý ở Crimée là một « thực tế khách quan ».
Năng lượng: Liên Hiệp Châu Âu run tay trong việc trừng phạt Nga
Theo RFI – Thanh Hà
Nga bảo đảm đến 30 % dầu hỏa và khí đốt của 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Những thất bại liên tiếp của Châu Âu về chính sách năng lượng khiến Bruxelles run tay khi hạ bút quyết định trừng phạt Matxcơva vừa thôn tín Crimée.
Hai chủ đề lớn phủ rộng các tờ báo Pháp hôm nay là hồ sơ Crimée –Ukraina và vụ tư pháp ra lệnh nghe điện thoại cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy. Dư luận Pháp bị « chấn động » sau khi một phần nội dung các cuộc điện đàm này đã được công bố hôm qua.
Về hồ sơ Ukraina – Crimée, dưới hàng tựa « Bruxelles sẵn sàng hợp tác với Kiev », báo L’Humanité cho rằng việc « vế chính trị » trong thỏa thuận hợp tác Ukraina –Liên Hiệp Châu Âu sẽ được đôi bên thông qua nhân Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu mở ra trong hai ngày 20 và 21/03/2014 là « một lời cảnh cáo Bruxelles gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin ». Chủ nhân điện Kremlin đang say men chiến thắng sau khi vừa thôn tính vùng Crimée.
Nhưng, nếu như Putin đang thuận buồm xuôi gió thì phương Tây và Liên Hiệp Châu Âu lại vô cùng lúng túng. « Khủng hoảng Ukraina, cuộc trắc nghiệm mang tính quyết định đối với NATO » tựa một bài báo của Le Monde.
Về phần Liên Hiệp Châu Âu, bề ngoài tỏ ra đoàn kết và mạnh dạn tuyên bố sẽ trừng phạt nước Nga. Nhưng ở hậu trường, như bài báo của tờ Les Echos cho thấy « Châu Âu do dự ». Ngay bản thân nước Pháp không hề muốn hợp đồng cung cấp tàu chiếu Mistral cho Nga bị đình chỉ vì sợ đe dọa trực tiếp đến công ăn việc làm của 1.000 nhân viên đóng tàu !
Le Figaro ghi nhận : Bruxelles vừa dọa Matxcơva nhưng lại vừa run. Nga có thể dùng khí đốt để bắt chẹt Châu Âu. Đức và các nước Đông Âu ý thức được điều đó hơn ai hết. Báo kinh tế Les Echos dành hẳn một trang để giải thích về mức độ lệ thuộc của Liên Hiệp Châu Âu vào khí đốt Nga. Đức mua vào đến 30 tỷ mét khối khí đốt của Nga. Ý hơn 13 tỷ. Pháp hơn 7 tỷ mét khối. Còn Rumani thì lệ thuộc đến 100 % vào khí đốt của Nga.
Từ năm 2009 tới nay, Liên Hiệp Châu Âu không hề giảm bớt mức độ lệ thuộc vào khí đốt của Nga. 36 % khí đốt tiêu thụ hàng năm tại 28 thành viên trong khối vẫn do Nga cung cấp. Sự lệ thuộc đó dẫn tới việc nhập siêu của Liên Hiệp Châu Âu đối với Nga lên tới 92 tỷ euro. Đành rằng kể từ khủng hoảng về khí đốt giữa Nga với Ukraina vào mùa đông năm 2009 gây tác động dây chuyền đến các nước Tây Âu. Từ đó, Bruxelles đã tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp, chẳng hạn như hướng tới khí đốt của Hoa Kỳ và tăng cường khả năng dự trữ của các nước thành viên trong Liên hiệp.
Tiếc là « chính sách về năng lượng của Châu Âu đã có quá nhiều thất bại ». Thứ nhất, một lần nữa, hồ sơ năng lượng mà nhẽ ra phải là trọng tâm của cuộc họp Thượng đỉnh lần này, sẽ bị vấn đề Ukraina làm lu mờ. Mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng lồng kính của Liên Hiệp Châu Âu vốn đã là đề tài gây nhiều tranh cãi trong khối, lại càng không có hy vọng được các bên đả động đến trong những giờ sắp tới tại Bruxelles.
Thứ hai là khủng hoảng Ukraina –Crimée, lại càng củng cố cho lập luận của một số nước Đông Âu – đứng đầu là Ba Lan- là phải duy trì năng lượng than đá. 85 % năng lượng điện của Ba Lan sử dụng than, khiến quốc gia này trở thành nguồn phát khí CO2 và gây ô nhiễm không khí vào bậc nhất của Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng Les Echos cam chắc : Vào thời điểm này Bruxelles càng khó thuyết phục Vacxava thay đổi chính sách năng lượng ! Cách nay đã 6 năm, Liên Hiệp Châu Âu đề ra ba mục tiêu : Vào năm 2020, giảm 20 % CO2 thải ra so với thời điểm của năm 1990 ; đẩy mức sử dụng năng lượng tái tạo lên thành 20 % nhu cầu của Châu Âu và tăng thêm 20 % hiệu quả năng lượng sử dụng. Cả ba mục tiêu đó coi như đã bị thời sự ở Crimée và Ukraina nhận chìm tại Thượng đỉnh Bruxelles lần này.
Cả trên bàn cờ năng lượng lẫn chính trị, Liên Hiệp Châu Âu không có cùng quan điểm về vị trí cũng như ảnh hưởng của nước Nga. Le Figaro nêu lên khác biệt giữa các nước Đông và Tây Âu sau vụ Nga đã tách Crimée ra khỏi Ukraina. Các nước Đông Âu đang tranh thủ chuyến công tác của phó Tổng thống Mỹ Joe Biden để kêu gọi Washington nên có thái độ « cứng rắn hơn » với Matxcơva.
Anh, Pháp hay Đức vì những lý do kinh tế, tài chính đều đang có những tính toán riêng của mình trước một đối tác như nước Nga. Riêng Đông Âu thì từ các ước vùng Baltic đến nhóm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia đều lo sợ trước những tham vọng của Nga đang trong tay Putin. Nhóm này dù đã gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – nhưng vẫn còn bị những đợt can thiệp quân sự của đội quân Liên Xô những năm 1956, 1968 hay 1981 ám ảnh. Dù các nước này đã là thành viên NATO, nhưng người dân Hungary hay Séc vẫn chưa quên rằng, từ cuộc nổi dậy ở Budapest đến phong trào mùa xuân Praha đều đã bị Hồng quân Liên Xô nhận chìm. Về phần các quốc gia vùng Baltic, nơi có một cộng đồng người nói tiếng Nga rất đông, thì số này lo sợ rồi cũng có một ngày, họ phải chung số phận như những gì vừa diễn ra ở Crimée.
Putin khai thác là bài dân tộc chủ nghĩa
Theo RFI
Trong khi mà phương Tây lúng túng, báo Libération, trong số đặc biệt hôm nay nhường lời cho 38 nhà văn trên thế giới bình luận về thời sự, nhân hội chợ sách quốc tế Paris khai mạc. Tờ báo hóm hỉnh chạy tựa : « Thôn tính Crimée : Siêu sao Putin ».
Le Monde tóm lược tình hình : « Putin đại thắng, Ukraina và phương Tây bất lực ». Thông tín viên của tờ báo từ Matxcơva mô tả cảnh lãnh đạo Nga « dàn dựng chiến thắng của mình như thế nào trước hàng chục ngàn người ». Trong rừng cờ ba sọc xanh trắng đỏ của Nga, đã xuất hiện những là cờ nền trắng, ở góc phải là bức chân dung của ông Putin. Còn ở góc trái là hình ảnh một bàn tay đang nắm chặt lấy một con rắn với hàng chữ « Chúng ta cùng nhau ».
Một nhà sử học giải thích : Hình ảnh một bàn tay bóp chết con rắn được lấy lại từ một tấm áp phích đã có từ năm 1937. Trong chiến dịch tuyên truyền của đảng Cộng sản Liên Xô thời với thông điệp chính là Matxcơva sẽ « bóp chết tất cả những tên gián điệp, những kẻ phản bội, phá hoại, những thành phần theo Trotski hay Boukharin ».
Trên khán đài ở quảng trường Đỏ, người hùng Putin đã dùng đòn tâm lý, khơi dậy tinh thần dân tộc của người Nga. Ông dõng dạc tuyên bố « Phương Tây đe dọa trừng phạt nước Nga và cảnh cáo là Nga sẽ phải đối phó với những vấn đề đến từ bên trong. Không hiểu là các nước Tây phương có những dụng ý gì. Hoặc là họ trông đợi vào một lực lượng nào đó do những tên phản bội lập nên, hoặc là quốc tế muốn khuấy động nội tình của nước Nga ». Theo phân tích của một nhà báo Nga được Le Monde trích dẫn, như để chuẩn bị dư luận trước khả năng Nga bị quốc tế trừng phạt vì đã thôn tính Crimée ông Putin đã trực tiếp nói với dân chúng rằng, từ thế kỷ thứ 18, quốc tế đã luôn có thái độ thù nghịch với nước Nga !
Libya bị bỏ rơi
Cũng về thời sự quốc tế, xã luận của Le Monde chú ý tới Libya : Cách nay đúng ba năm, liên quân quốc tế can thiệp vào quốc gia bắc Phi này, dẫn tới cái chết của nhà độc tài Kadhafi vào tháng 10/2011. Đối lập và quân nổi dậy Libya giành chiến thắng, nhưng từ đó tới nay, chưa một chính phủ nào được hình thành. Đầu tư vẫn dậm chân tại chỗ. Kinh tế Libya bị tê liệt.
Tại các thành phố lớn, tình trạng mất an ninh đã tràn lan. Các băng đảng tội phạm, các nhóm dân quân làm chủ đường phố. Anh Mỹ và Pháp kêu gọi các kiều dân nên tránh tới vùng đất nguy hiểm này. Nhưng đáng sợ hơn cả, theo nhận xét của một trong những chuyên gia hàng đầu về Cận Đông, là ngay cả những quốc gia từng hăng hái can thiệp quân sự nhất vào Libya, nay chẳng còn chút quan tâm đến quốc gia này. Trong bối cảnh đó, Le Monde nêu câu hỏi : Liệu cộng đồng quốc tế có thể dửng dưng hay không trước hoàn cảnh của một quốc gia, mà ít nhiều quốc tế phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra cho đất nước này ?