“Món quà” đầu năm của TC: Tàu cá Quảng Ngãi bị đâm chìm trên biển

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Món quà” đầu năm của TC: Tàu cá Quảng Ngãi bị đâm chìm trên biển

Đôi lời: Trước đó 4 ngày, ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, đã nói rằng “Quan hệ Việt – Trung sẽ có những bước phát triển mới, tích cực“, thì ngay hôm nay, ngày đầu năm mới, Trung Quốc đã cho người “đồng chí”, “anh em” thấy rõ những bước “phát triển mới” này “tích cực” như thế nào.

_____

Tiền Phong – 1-1-2016

TPO – Thông qua hệ thống điện tử của máy định dạng, định vị trên tàu thông báo, chiếc tàu đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi mang số 00098880, đặc điểm giống tàu đánh lưới của Trung Quốc.

Vào lúc 12 giờ 15 phút trưa ngày 1/1/2016, tại vùng biển cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) khoảng 70 hải lý, một tàu nước ngoài đã tấn công trực diện nhiều lần vào tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Hiện, bà con ngư dân đang tự tổ chức cứu nạn và kêu gọi các lực lượng chức năng ra khơi ứng cứu.

Tàu bị nạn mang số QNg 98459, ở huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi, do ông Huỳnh Thạch làm thuyền trưởng. Đến thời điểm hiện nay, có 6 tàu cá của ngư dân đang tập trung cứu tàu bị nạn và 10 ngư dân.

Các ngư dân từ ngoài biển điện vào bờ thuật lại, bị một tàu vỏ thép đâm trực diện nhiều lần. Thông qua hệ thống điện tử của máy định dạng, định vị trên tàu thông báo, tàu đâm mang số 00098880, đặc điểm giống tàu đánh lưới của Trung Quốc.

Tàu bị đâm chìm làm nghề lưới, công suất 718 mã lực, trên tàu có 350 tấm lưới. Tổng trị giá của toàn con tàu là 3,5 tỷ đồng. Đây là tàu nhiều năm hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

H1

Chủ tịch UBND xã Phổ Quang đang động viên ngư dân trên biển.

Có mặt tại đài canh của xã Phổ Quang, ông Võ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã điện trực tiếp ra biển thăm hỏi bà con ngư dân, đồng thời chỉ đạo các ban ngành tập trung liên hệ với các lực lượng để giúp ứng cứu ngư dân bị nạn.

Được biết, tàu CSB 2013 thuộc Bộ tư lệnh Vùng 2 Cảnh sát biển (Quảng Nam) đang ra ứng cứu.

Bài này đăng trên báo Nhân Dân, hiện không còn truy cập được:

Nhân Dân

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi: Quan hệ Việt – Trung sẽ có những bước phát triển mới, tích cực

Thứ hai, 28/12/2015 – 11:26 AM (GMT+7)

NDĐT- Ngày 27-12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi đã trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên tháp tùng chung quanh những kết quả quan trọng qua chuyến thăm lần này.
“Mốc” năm 2015: Đẩy mạnh hợp tácPhóng viên: Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta vừa kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Chủ tịch Nhân đại toàn quốc (Chủ tịch QH) Trung Quốc. Đại sứ có thể cho biết kết quả của chuyến thăm?

Đại sứ Đặng Minh Khôi: Chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta đã kết thúc tốt đẹp. Qua tham dự tất cả các cuộc gặp, hội kiến của Chủ tịch QH với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Du Chính Thanh; Chủ tịch Nhân đại toàn quốc Trương Đức Giang; cũng như các chuyến thăm các tỉnh Hồ Nam và Quảng Đông, chúng tôi thấy rằng, phía Trung Quốc đã hết sức coi trọng chuyến thăm của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam. Trung Quốc đã dành cho chuyến thăm của Đoàn nghi thức đặc biệt.

Chuyến thăm được đặt trong bối cảnh năm 2015 là năm Việt Nam – Trung Quốc kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, và hai bên đều quyết tâm lấy năm nay làm mốc để tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác toàn diện, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Có thể nói, năm nay là năm mà lãnh đạo cấp cao hai nước thăm nhau nhiều nhất trong 65 năm qua. Tháng 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Trung Quốc hết sức thành công. Tháng 9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã sang Trung Quốc tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm nhân dân thế giới chiến thắng chủ nghĩa phát-xít.

Tháng 11 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sang thăm Việt Nam. Và lần này là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Đây cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch QH nước ta sau tám năm.

Chân thành, thẳng thắn

Nét nổi bật khác cho thấy, các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã diễn ra trong bầu không khí chân thành và thẳng thắn. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi các vấn đề quan trọng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân. Hai bên đã đề cập, thảo luận cả những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quan hệ hai nước hiện nay.

Kết quả rõ rệt nhất của chuyến thăm lần này là lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được nhận thức chung về bốn điểm như sau:

Thứ nhất, hai bên nhất trí coi trọng tình hữu nghị truyền thống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông và nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối khác của hai nước đã dày công vun đắp. Tình hữu nghị truyền thống này đã vượt qua thách thức của thời gian, trở thành tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước.

Trong thời điểm hiện nay, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam – Trung Quốc cùng bước sang giai đoạn phát triển quan trọng của mình, gặp nhiều thuận lợi và cả những thách thức, thì càng hơn bao giờ hết, hai bên cần nỗ lực để cùng nhau duy trì kế thừa và tăng cường tình hữu nghị truyền thống này.

Thứ hai, hai bên đều nhất trí cho rằng, bên cạnh quan hệ chính trị tốt đẹp thì hợp tác kinh tế – thương mại cần được nâng lên tầm cao mới. Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhiều lần nhấn mạnh tại các cuộc tiếp xúc có trong khuôn khổ chuyến thăm, theo đó hai nước cần nâng cao chất lượng của hợp tác kinh tế – thương mại, để mối quan hệ hợp tác này cân bằng và thực sự mang lại lợi ích cho hai bên. Để người dân hai nước đều cảm nhận được thành quả của hợp tác kinh tế trong lĩnh vực này. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai bên sẽ có bước phát triển mới.

Thứ ba, hai bên nhất trí cần tăng cường hơn nữa giao lưu, không chỉ là duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên – điều này hết sức quan trọng, mà cần phải tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Bởi vì nhân dân hai nước là những người ủng hộ quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc. Điều này càng quan trọng hơn làm sao giáo dục thế hệ thanh niên hai bên kế thừa và phát huy quan hệ truyền thống giữa hai nước.

Tất cả những điều này đã được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Biển Đông – vấn đề hệ trọng

Một trong những nội dung quan trọng nữa là Chủ tịch QH nước ta và các lãnh đạo cấp cao của nước bạn đã trao đổi hết sức thẳng thắn về những tồn tại hiện nay, trong đó có cả vấn đề Biển Đông.

Trong các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Du Chính Thanh và Chủ tịch Nhân đại toàn quốc Trương Đức Giang, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đều nhấn mạnh vấn đề Biển Đông là vấn đề hệ trọng.

Đảng, Nhà nước, QH Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề này và đề nghị hai nước cùng nhau với sự chân thành, đàm phán để giải quyết. Về vấn đề này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai nhà lãnh đạo cấp cao khác khẳng định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước của Trung Quốc hết sức mong muốn, từ tầm cao của chiến lược quan hệ hai nước, từ đại cục của quan hệ hữu nghị Việt – Trung, hai bên cùng nhau duy trì sự kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không để xảy ra vấn đề gì phức tạp, làm ảnh hưởng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài và hòa bình khu vực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn cho rằng, với quan hệ chính trị tốt đẹp và trao đổi chân thành, tin tưởng hai bên có thể tìm ra biện pháp giải quyết tốt vấn đề này. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là đề nghị hai bên thông qua đàm phán và trên cơ sở luật pháp quốc tế, tìm ra giải pháp cơ bản và lâu dài để giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển.

Đồng thời, trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài, hai bên cùng nhau kiểm soát bất đồng, không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình. Có như vậy, nhân dân hai nước mới ủng hộ quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Hợp tác Quốc hội: Lĩnh vực rộng lớn

Phóng viên: Ngoài những kết quả hợp tác hữu nghị về chính trị, kinh tế – thương mại, giao lưu nhân dân, xin Đại sứ đánh giá về kết quả hợp tác giữa QH Việt Nam và QH Trung Quốc qua chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta?

Đại sứ Đặng Minh Khôi: Chuyến thăm lần này có thể nói là bước nâng tầm hơn nữa hợp tác giữa QH hai nước. Lâu nay, QH Việt Nam – Trung Quốc đã trao đổi nhiều đoàn qua lại với nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh QH nước ta ngày càng khẳng định vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam, là cơ quan đại diện quyền lực cao nhất của nhân dân Việt Nam, việc giao lưu đối ngoại của QH ngày càng có vị trí quan trọng.

Cùng với đối ngoại của Đảng, đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại của QH góp phần thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng, nhà nước ta là đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.

Nhìn lại chuyến thăm Việt Nam tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn QH Việt Nam là diễn đàn để phát biểu. Trong bài phát biểu ấy, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rất vinh dự được phát biểu tại diễn đàn hết sức quan trọng này, trước những người đại diện của nhân dân Việt Nam.

Như vậy, kể cả Trung Quốc cũng như nhiều nước khác đều hết sức coi trọng QH nước ta, muốn chuyển tải thông điệp đến nhân dân Việt Nam, thông qua QH Việt Nam.

Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng là đại diện cho nhân dân Việt Nam để nói lên đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc.

Về hợp tác QH, lĩnh vực rất rộng lớn, lãnh đạo hai bên cho rằng có thể trao đổi kinh nghiệm lập pháp. Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đều đang trong quá trình cải cách và mở cửa. Vì vậy, trong quá trình làm luật, hai bên có thể trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với nhau. Ngoài ra, QH của hai nước đều có vai trò hết sức quan trọng là giám sát hoạt động của các cơ quan chính quyền và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong lĩnh vực này, hai bên có nhiều điểm tương đồng, vì chúng ta đều theo chế độ XHCN và lập pháp của hai nước đều có những đặc thù, vì vậy, việc tăng cường hợp tác giữa hai QH là hết sức có lợi cho cả hai bên.

Niềm tin chính trị

Phóng viên: Với kết quả tốt đẹp của chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta, ông có nhận định như thế nào về triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian tới?

Đại sứ Đặng Minh Khôi: Cùng với các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước kể từ đầu năm đến nay, chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng sẽ góp phần củng cố quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.

Quan trọng nhất, chuyến thăm còn giúp tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ hai nước thời gian qua gặp khó khăn. Việc hai nước tăng cường trao đổi, tiếp xúc ở cấp cao nhất có tác dụng định hướng cho các bộ, ngành của hai nước quán triệt và đều phải thực hiện để tăng cường đối thoại giữa hai bên. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai phía. Với sự nỗ lực và quyết tâm của hai bên, tôi hy vọng, trong thời gian tới, quan hệ Việt – Trung sẽ có những bước phát triển.

Chuyến thăm vừa qua không chỉ dừng lại ở việc thảo luận hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp mà diễn ra hết sức toàn diện trên rất nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế – thương mại, văn hóa…

Điều đó có tác dụng quan trọng, tăng cường đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên. QH hai nước có thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng, mà hợp tác kinh tế – thương mại có rất nhiều dự án lớn và quan trọng hơn nữa. Nếu các dự án hợp tác được hai QH đồng lòng, đồng tâm nhất trí thúc đẩy thì các hợp tác trong lĩnh vực kinh tế – thương mại giữa hai nước sẽ phát triển thuận lợi hơn nữa.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.

VĂN NGHIỆP CHÚC và THU TRÀ (thực hiện)

Tàu cá Việt Nam bị đâm tới tấp, ngư dân rớt xuống biển

Tuổi Trẻ

TR.TRUNG – Đ.CƯỜNG – T.MAI

2-1-2016

Tàu QNg 98459 của ông Huỳnh Văn Thạch cùng 10 ngư dân được tàu cá QNg 94429 lai dắt về tới đồn biên phòng Mân Quang, Đà Nẵng - Ảnh: Trường Trung.

Tàu QNg 98459 của ông Huỳnh Văn Thạch cùng 10 ngư dân được tàu cá QNg 94429 lai dắt về tới đồn biên phòng Mân Quang, Đà Nẵng – Ảnh: Trường Trung.

TTO – Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang đánh bắt trong vùng biển Việt Nam bị con tàu to gấp 4-5 lần liên tục đâm tới tấp, toàn bộ ngư dân rớt xuống biển, cabin đổ sập.

Chạng vạng tối 2-1, tàu cá QNg 98459 của ông Huỳnh Văn Thạch (69 tuổi, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cùng 10 ngư dân đã được tàu cá QNg 94429 của ông Huỳnh Bi, trú Quảng Ngãi lai dắt về tới đồn biên phòng Mân Quang, Đà Nẵng.

Liên tục bị đâm tới tấp, anh em rớt xuống biển

Trước đó trưa 1-1, tàu cá này đã bị một tàu cá nước ngoài đâm chìm tại tọa độ 17 độ 07’ bắc, 108 độ 21’ đông, cách đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị khoảng 70 hải lý.

Đứng đợi chồng ở cầu cảng từ trưa 2-1, chị Võ Thị Cảnh – vợ của ngư dân Huỳnh Văn Thạch trên tàu QNg 98459 khóc ngắn dài vì chị là người góp vốn hơn 1 tỷ đồng trên con tàu bị nạn đang cập cảng. Tàu vừa lên, chị ôm chầm lấy người chồng rồi hai vợ chồng cùng khóc.

Chị sờ khắp mặt chồng hỏi xem vết thương. “Răng rứa anh, ban ngày ban mặt mà không tránh được. Răng họ lại đâm trắng trợn vậy”- chị Cảnh nức nở.

Ngay khi cập cảng, các ngư dân trên tàu QNg 94429 đã phụ giúp tàu cá bị nạn dọn dẹp ngư lưới cụ và thu dọn những thiết bị điện tử còn sót lại.

Chúng tôi quan sát thấy bên hông trái tàu QNg 98459 có một vết nứt gãy lớn được ngư dân dùng bạt trắng bịt lại. Toàn bộ phần cabin trên tàu đều sập. Trong buồng lái chỉ còn nhìn thấy được vôlăng.

Ông Nguyễn Ngọc Thơ, thuyền viên tàu QNg 98459 kể trưa 1-1 khi ông đang ngủ thì nghe tiếng động lớn, rồi ông bị trượt dài trên cabin.

“Vừa nghe tiếng ầm, tôi tưởng có sóng lớn. Chưa kịp hoàng hồn thì bị trượt dài. Tôi cố bám víu thì tàu liên tục bị đâm tới tấp. Lúc đó tôi với anh em rớt hết xuống biển, cabin cũng đổ sập. Tàu nó số hiệu dài lắm mà to gấp 4-5 lần tàu mình, tôi rớt xuống biển nên cũng không nhìn rõ số. Anh em phải bơi dưới biển gần 30 phút  mới lên lại được tàu”- ông Thơ kể.

Ông Bùi Kết, ngư dân trên tàu QNg 94429 kể vào trưa 1-1 khi vừa chạy ra ngư trường thì nghe thông tin tàu ông Họp gặp nạn. Từ vị trí cách đó 5 hải lý, tàu ông chạy tới thì thấy 7 ngư dân đang bơi trên biển cách tàu 300m.

Trên tàu bị nạn chỉ còn 3 ngư dân. “Lúc này tàu chìm, chúng tôi lên tàu tát nước rồi huy động các tàu xung quanh cùng tới bơm nước để tàu nổi lên. Các tàu cùng tụ lại liên tục bơm nước trong nhiều tiếng thì tàu mới nổi hẳn”- ông Kết kể.

Ngay sau khi lên bờ, các thuyền viên tàu QNg 98459 đã được đưa đi lấy lời khai tại đồn biên phòng.

Thoát chết quay về, ngư dân phải cày trả nợ

Trong khi đó tại quê nhà ở Quảng Ngãi, chị Phạm Thị Hồng Lộc (50 tuổi) ngồi trấn an bà Nguyễn Thị Lớp (85 tuổi), nghe tin tàu cá bị đâm chìm, bà Lớp cứ than ngắn thở dài.

Tuổi cao sức yếu mà bà cứ đòi theo xe ra Đà Nẵng đón con. Chị Lộc từ hôm qua đến giờ phải túc trực bên mẹ để an ủi. Bà Lớp ngồi trên chiếc võng hai tay đan vào nhau thều thào “Tôi già rồi chết cũng được, chứ thằng Thơ mà có mệnh hệ gì chắc già này cũng chết theo. Khi nào nhìn thấy mặt mấy đứa trở về tui mới tin, giờ tui còn lo lắm”.

Lần đầu tiên trong xã Phổ Quang xảy ra chuyện tàu đi đánh bắt hải sản trên vùng biển Việt Nam bị tàu nước ngoài đâm chìm, nhiều người trong làng tụ tập khắp nơi bàn tán. Nhiều ngư dân lão luyện cả đời quần thảo biển khơi ngồi trầm ngâm bên những ngư dân trai tráng bàn tán vùng biển đó sao lại có chuyện bị tàu nước ngoài đâm chìm. Đặc biệt chuyện đâm liên tiếp hai lần như cố đoạt mạng của ngư dân khiến mọi người lo lắng.

Ngày đầu năm buồn nhất của cả làng khi còn tàu 718 CV mang theo 350 tấm lưới, trị giá hơn 3,5 tỉ đồng bị đâm chìm.

Chị Lê Thị Thu Nhi (33 tuổi), vợ ngư dân Nguyễn Hồng Hào, đi trên tàu cá bị chìm, hay tin các ngư dân đã tai qua nạn khỏi lại canh cánh nỗi lo khác khi 24 tấm lưới hai vợ chồng vay mượn tiền mua, góp với chủ tàu đi biển mất trắng. “Hai vợ chồng giờ phải cày trả nợ”, chị Nhi thở dài.

H1

Chị Võ Thị Cảnh (vợ của ngư dân Huỳnh Văn Thạch trên tàu QNg 98495) cùng vợ của một ngư dân khác ngồi đợi tàu cập cảng – Ảnh: Trường Trung

H1

Ngư dân giúp nhau thu dọn ngư lưới cụ trên tàu bị nạn – Ảnh: Trường Trung

H1

Tàu QNg 98459 bị tông nát cabin chỉ còn lại tay lái – Ảnh: Trường Trung

H1

Thuyền trưởng Huỳnh Văn Thạch xót xa khi con tàu bị đâm nát – Ảnh: Trường Trung

H1

Đống đổ nát trên tàu QNg 98459 – Ảnh: Đoàn Cường

H1

Cabin trơ trọi vì bị đâm theo kiểu “chặt đầu” – Ảnh: Đoàn Cường

H1

Toàn bộ ngư lưới cụ trên tàu đều hỏng nặng do tàu chim – Ảnh: Đoàn Cường