Ukraine và EU ký thỏa thuận liên kết
Các lãnh đạo khối châu Âu và Thủ tướng lâm thời Ukraine (thứ hai từ phải sang)
Theo BBC – 13:05 GMT – thứ sáu, 21 tháng 3, 2014
Lãnh đạo khối Liên hiệp châu Âu (EU) vừa ký thỏa thuận thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Ukraine, nhằm thể hiện sự ủng hộ quốc gia này sau khi Nga sáp nhập vùng Crimea.
Thủ tướng lâm thời của Ukraine, Arseniy Yatsenyuk và EU ký thỏa thuận ở Brussels.
Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bỏ qua thỏa thuận với EU dẫn tới các cuộc biểu tình và đụng độ bạo lực gây chết người và lật đổ ghế Tổng thống, rồi dẫn tới Nga chiếm đóng Crimea.
Hôm thứ Sáu 21/03, thượng viện Nga đã nhất trí thông qua hiệp ước về việc Nga sáp nhập Liên bang Nga.
‘Pháp luật’
Hiệp định Liên kết EU được thiết lập nhằm đưa ra ủng hộ về kinh tế và chính trị đối với chính quyền Ukraine lâm thời.
Chủ tịch EU, ông Herman Van Rompuy nói trong một thông cáo rằng hiệp định “công nhận nguyện vọng của người dân Ukraine được sống trong một đất nước được cai trị bởi giá trị, dân chủ và pháp luật”.
Ông Yatsenyuk nói: “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng EU sẽ bảo vệ Ukraine bằng tiếng nói thống nhất và mạnh mẽ.”
“Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng EU sẽ bảo vệ Ukraine bằng tiếng nói thống nhất và mạnh mẽ” –Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk
Ông nói thêm rằng, “cách tốt nhất để kiểm giữ Nga là thực sự áp dụng cấm vận kinh tế”.
Phóng viên Matthew Price của BBC ở Brussels nói thỏa thuận được ký hôm thứ Sáu chưa phải là toàn bộ gói thỏa thuận mà ông Yanukovych từ chối hồi tháng 11/2013 – rất nhiều điểm trong đó vẫn chưa được ký cho tới sau cuộc bầu cử Tổng thống mới vào tháng 5/2014.
Điểm nhạy cảm nhất là hội nhập thương mại với EU vẫn chưa được ký kết.
Nhưng trong bản kết luận về Ukraine được đưa ra hôm thứ Sáu, EU nói vẫn cam kết ký phần còn lại.
Châu Âu cũng muốn thúc đẩy các quan hệ hợp tác tương tự với hai quốc gia cựu Liên bang Xô Viết – Georgia và Moldova – vào mùa hè này.
Moscow vẫn có quân đội ở vùng tự xem mình là quốc gia độc lập ở Georgia và vùng Trans-Dniester, tự tách rời khỏi Moldova.
Phóng viên BBC nói thông báo của EU có lẽ sẽ khiến điện Kremlin còn giận dữ hơn cả các cấm vận đang được áp dụng.
Châu Âu cũng hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh G8 với Nga vào tháng Sáu và nói các nước thành viên cũng sẽ hủy các hội nghị thượng đỉnh song phương thường xuyên.
Phê chuẩn sáp nhập Crimea
Còn nhiều điểm quan trọng trong thỏa thuận giữa EU và Ukraine chưa được ký kết
Động thái trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi châu Âu mở rộng cấm vận lên Nga do việc sáp nhập Crimea.
Châu Âu thêm 12 cá nhân vào danh sách đã có 21 người bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh.
Hoa Kỳ cũng thêm vào danh sách riêng của mình hôm thứ Năm 20/03 và cũng nhắm tới ngân hàng Rossiya.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói hôm thứ Sáu rằng cấm vận quốc tế là “hoàn toàn bất hợp pháp”.
Tuy nhiên Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sau khi thảo luận với các quan chức ở Moscow rằng Nga sẽ không đưa ra hành động đối ứng khẩn cấp.
“Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ kiềm chế việc đưa ra các bước đáp trả ở thời điểm này,” hãng tin Interfax dẫn lời ông Putin.
Nhưng Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói Ukraine phải trả lại 11 tỷ đô la Mỹ tiền chiết khấu giá khí đốt do thỏa thuận liên quan tới cho thuê căn cứ hải quân ở Sevastopol ở Crimea nay không còn hiệu lực.
Hai hãng xếp hạng tín dụng nay đã hạ bậc Nga từ ổn định xuống tiêu cực.
Ở Moscow, toàn bộ 155 thượng nghị sỹ có mặt trong thượng viện đã bỏ phiếu phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga.
Ông Putin được cho là sẽ hoàn tất quá trình bằng việc ký hiệp ước trong một buổi lễ vào ngày thứ Sáu.