Những nhà bất đồng chính kiến và học giả kêu gọi nhân dân Trung Quốc hãy thức tỉnh
Đại Kỷ Nguyên Tác giả: Gary Feuerberg Dịch giả: Kim Xuân 27-12-2015
Ông Trần Quang Thành phát biểu tại Viện Cato, ngày 23 tháng 11 năm 2015. (Gary Feuerberg / The Epoch Times)
Trong hai diễn đàn mới đây về Trung Quốc, những nhà bất đồng chính kiến và các học giả phê bình nổi tiếng đã thống nhất nhận định các giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc đang mất dần quyền lực trong nước và mất dần sự kiểm soát suy nghĩ của người dân Trung Quốc.
Tình trạng bất ổn thấy được trên các đường phố ở các thành phố và cả ở các khu vực nông thôn, cũng như làn sóng đang lên của việc thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chỉ ra thực tế rằng nhà chức trách đang sử dụng bạo lực ngày càng nhiều để Đảng có thể duy trì kiểm soát.
Ngày 10 tháng 12, trên Đồi Capitol, nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền, Tiến sỹ Joseph A. Bosco và Tiến sỹ Sen Nieh đã mô tả một hình ảnh về chính quyền Trung Quốc đang trong khó khăn rất lớn. Diễn đàn này có chủ đề là cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc và những dấu hiệu ngày một tăng về ngày tàn của kẻ áp bức (ĐCSTQ) đang đến gần. Pháp Luân Công được biết đến rộng rãi là một môn tu luyện tâm linh bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Quốc, dựa trên các nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn.
Ngày 23 tháng 11, tại Viện Cato, hai nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc – ông Trần Quang Thành và ông Ngụy Kinh Sinh – đã thảo luận về thực tế người dân Trung Quốc đang bắt đầu hiểu rõ hơn về những thiệt hại vật chất, pháp lý và kinh tế gây ra bởi ĐCSTQ.
Phản đối khắp mọi nơi
“ĐCSTQ đã thành công trong việc xây dựng sức mạnh kinh tế và quân sự cho Trung Quốc, với sự giúp đỡ hào phóng, và đôi khi không đúng của phương Tây”, theo lời của Joseph A. Bosco, một thành viên của Nhóm công tác Mỹ-Trung của Trung tâm những vấn đề Quốc gia và liên kết với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Trong giai đoạn 2005-2006, ông đã làm việc tại văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trên cương vị giám đốc Vụ chuyên về các vấn đề Trung Quốc.
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, Trung Quốc không chắc chắn với những thành tựu này vì họ biết rằng không thể tận hưởng từ một nền chính trị hợp pháp thực sự trong con mắt của người dân Trung Quốc. Vì lý do này mỗi năm có hơn 100.000 cuộc biểu tình dân sự ở khắp Trung Quốc, vì thế chính quyền phải chi tiêu ngày càng nhiều cho an ninh trong nước hơn là cho ngân sách quân sự khổng lồ của mình. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang sợ chính nhân dân Trung Quốc”.
Hơn 100.000 cuộc biểu tình được tổ chức mỗi năm cũng được Tiến sĩ Murray Scot Tanner nêu lên, ông là nhà phân tích về châu Á tại CNA, trong bản báo cáo của ông ngày 14 tháng 5 năm 2014 trước Uỷ ban Mỹ-Trung Quốc về Nhận định đánh giá và An ninh kinh tế, ông nêu rõ: “Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã báo cáo trong năm 2012 rằng những sự cố hàng loạt bây giờ thường xuyên vượt con số 100.000 trong một năm”.
Tiến sĩ Sen Nieh, thành viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Washington DC (WFDA), đã cung cấp một ví dụ về sự thoái đảng của các đảng viên ĐCSTQ. Tại tỉnh Hồ Bắc, một nhóm 5.000 người đã quyết định đồng loạt thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó vào mùa hè năm 2013.
Tại diễn đàn trên Đồi Capitol, Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu về thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (còn gọi là Trung tâm Tuidang), là đồng tài trợ cho diễn đàn này cùng với WFDA, đã trình bày các số liệu thống kê mới nhất về số lượng người đã thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó (là Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đội thiếu niên tiên phong).
Theo bà Dung Dị (Rong Yi), giám đốc Trung tâm Tuidang, hiện đã có hơn 220 triệu thoái khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của đảng.
“Trong năm 2015, phong trào Thoái đảng đã phát triển lên khoảng 95.000 người một ngày”, bà cho biết.
Viện dẫn các số liệu thống kê tương tự, Tiến sỹ Nieh đã nói về “sự tan rã của đảng Cộng sản” và về cách mà đảng đánh mất quyền lực của mình. Ông cung cấp một số ví dụ và số liệu thống kê về khiếu nại của công dân Trung Quốc, mà thường xuyên kết thúc bằng bạo lực. Tiến sĩ Nieh, người đã đến Hoa Kỳ cách đây 35 năm từ Đài Loan, đang là giám đốc Khoa Cơ khí tại Đại học Công giáo Mỹ.
Ví dụ, ngày 9 tháng 12, tại tỉnh Hồ Bắc, hàng ngàn người dân biểu tình phản đối một trung tâm xử lý chất thải sẽ được xây dựng trong khu vực. “Mọi người đã đụng độ với cảnh sát và hai người dân đã thiệt mạng và nhiều xe cảnh sát đã bị hất đổ”, ông cho biết.
Khoảng một năm trước đây, trong sáu tỉnh, đã có một cuộc đình công lớn của giáo viên do lương thấp và phúc lợi giảm. Hàng chục ngàn giáo viên đã tham gia, từ trung ương cho đến vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Hơn 500 cuộc biểu tình phản đối và xung đột nhóm mà có ít nhất15 người tham gia đã diễn ra hàng ngày ở Trung Quốc, Tiến sỹ Nieh cho biết. Các cuộc biểu tình quy mô lớn thường có sự tham gia của ít nhất 5.000 người. Tính trung bình, một cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra mỗi ngày tại một nơi nào đó ở Trung Quốc. Số liệu thống kê của ông đến từ nguồn của nhà nước Trung Quốc.
Max Fisher đã viết trên tờ The Atlantic ngày 5 tháng 1 năm 2012: “Ở Trung Quốc có 180.000 cuộc bạo động và phản đối lớn chỉ trong năm 2010 – trung bình là 500 cuộc/ngày – một con số mà có lẽ đã tăng thêm kể từ đó”. Tiến sỹ Nieh chỉ ra rằng số các cuộc bạo động đã gia tăng trong những năm gần đây. Ngoài ra, ông tuyên bố con số 100.000 mà Giáo sư Bosco và Tanner công bố bây giờ là lỗi thời, là thấp hơn thực tế.
Lực lượng an ninh Trung Quốc chủ yếu là một lực lượng quân sự sử dụng chiến thuật quân sự và vũ khí để đàn áp các cuộc biểu tình, kể cả súng máy và xe tăng, theo Tiến sỹ Nieh. Lực lượng an ninh thậm chí có thể sử dụng đạn thật để giết người và hơn nữa, chiếm giữ thi thể của những người biểu tình bị giết bằng cách từ chối giao cho gia đình của họ. Trong 5 năm qua, ngân sách cho an ninh trong nước đã vượt quá ngân sách cho Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Tiến sỹ Nieh cũng tuyên bố kẻ thù số một của chế độ Cộng sản Trung Quốc không phải là Mỹ, mà ngụ ý là người dân Trung Quốc.
Các quan chức Đảng rời khỏi Trung Quốc với số lượng lớn, Tiến sỹ Nieh nói. Số lượng của cái gọi là “quan chức vườn không nhà trống” (tức là, những người thân của họ sống ở các nước khác, một số thậm chí có được quốc tịch nước ngoài) ước tính lên đến 1,18 triệu người trong giai đoạn 1995-2005, theo Giáo sư Lin Jie từ Trung Quốc, chuyên gia về vấn đề tham nhũng. 4.000 quan chức quan trọng nhất đã vừa rời khỏi Trung Quốc với số tiền đem theo trung bình là 12 triệu đô la mỗi người.
Quốc gia đầu tiên mà các “quan chức vườn không nhà trống” lựa chọn để sống là Mỹ, đặc biệt là ở miền Nam California và vùng San Francisco. Họ đã mua biệt thự trị giá hàng triệu đô la. Khoảng 70% trong số những quan chức này trả bằng tiền mặt. Ngoài ra, “những quan chức vườn không nhà trống” chi hàng năm 28 tỷ đô la để mua nhà cửa và tài sản trên khắp thế giới.
Trung Quốc không có một chính phủ “bình thường”
Ông Trần Quang Thành, nhà hoạt động và là luật sư về nhân quyền, 44 tuổi và bị mù, nhìn thấy một sự thay đổi trong lãnh đạo độc tài của ĐCSTQ. Những thông tin sai lạc và dối trá mà chế độ đó dựa vào không còn hoạt động nữa, ông Trần tuyên bố tại Viện Cato. Chính quyền chỉ có thể duy trì quyền lực bằng vũ lực, bởi vì nhân dân và ngay trong đảng không còn tin nữa vào chủ nghĩa cộng sản. Ngoài ra, một xã hội dân sự ngày càng lớn mạnh đang phản đối chính quyền Trung Quốc. Ông cho biết việc cưỡng bức giải bày gần đây trước công chúng của các luật sư nhân quyền (làm gợi nhớ tới cuộc Cách mạng Văn hóa) đã là một “trò cũ” để cố gắng làm mất uy tín xã hội dân sự.
“[Nhìn vào] Chính phủ sẽ giúp mọi người hiểu chính quyền này là gì [chính quyền Trung Quốc]”, ông cho biết qua lời một người phiên dịch.
Ông Trần đã bị mù khi chưa đầy 1 tuổi. Ông đã tự học luật và trở thành luật sư nổi tiếng với sự phơi bày những vi phạm của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở nông thôn Trung Quốc – bao gồm phá thai và triệt sản cưỡng bức. Ngoài ra, ông đã bảo vệ cho những người bị mất đất đai hoặc cho những người khuyết tật. Chính quyền Trung Quốc đã kết án ông 4 năm 3 tháng tù giam. Sau khi ra tù vào năm 2010, ông cùng gia đình bị quản thúc bất hợp pháp tại nhà. Vào tháng 4 năm 2012, ông Trần đã trốn thoát và đã đến Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, gây ra một cuộc tranh cãi quốc tế lớn. Sau đó, ông Trần, cùng vợ và hai con, đã được bật đèn xanh để rời khỏi Trung Quốc và đi đến Mỹ. Hiện nay, ông Trần đang làm việc ở Viện Witherspoon và hợp tác với Đại học Công giáo ở Mỹ.
“Trung Quốc không có một “chính phủ” theo nghĩa thông thường của từ này”, luật sư Trần nói.
“Chế độ độc tài một đảng – ĐCSTQ – là lý do chính cho sự thất bại của Trung Quốc để đạt được dân chủ, tự do và công bằng xã hội. Qua bộ máy an ninh công cộng, ĐCSTQ kiểm soát lĩnh vực tư pháp và tất cả các nhánh của tòa án, đồng thời qua Ban Tuyên giáo Trung ương, ĐCSTQ truyền bá quan điểm của mình trên toàn bộ phương tiện truyền thông và kiểm soát nó. Thực tế, đảng hiện diện khắp mọi nơi và áp đặt ý muốn của mình vào tất cả mọi thứ”.
“Đánh đập, tra tấn và bức hại các nhà hoạt động và thành viên gia đình họ là một điều phổ biến”, luật sư Trần cho biết, ông cùng vợ của mình đã phải chịu đựng nhiều đánh đập hành hạ của bộ máy an ninh côn đồ của đảng CSTQ.
Tăng áp lực bên trong Trung Quốc
Ngụy Kinh Sinh, thông qua một thông dịch viên, cho biết nền kinh tế Trung Quốc là một biến dạng của nền kinh tế thị trường bình thường. Trung Quốc tham gia vào một “thương mại không lành mạnh”, bởi vì việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp và con người không được áp dụng giống như ở các nước khác.
Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng), 65 tuổi, là chủ tịch của Quỹ Wei Jingsheng Foundation, và ông có lẽ là người ủng hộ nhân quyền và dân chủ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Ông đã bị kết án tù hai lần, với tổng cộng hơn 18 năm tù vì các hoạt động vì dân chủ của mình. Ông Ngụy đã được đề cử bảy lần cho giải Nobel Hòa bình và đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín dành cho nhân quyền.
Nền kinh tế của Trung Quốc phải sử dụng các phương cách khác hơn thị trường để duy trì chính nó và để duy trì mức tăng trưởng cao, ông Ngụy nói.
“Để duy trì một mức thâm hụt thương mại lớn, Trung Quốc phải sử dụng nhiều phương cách để phá hủy các đơn đặt hàng của thị trường, kể cả thao túng tiền tệ, giả mạo số liệu, áp dụng các rào cản phi thương mại khác nhau và vòng tránh các luật pháp quốc tế, của trọng tài quốc tế, ….” ông cho biết.
Khi các doanh nhân Trung Quốc và Mỹ “chỉ biết đến tiền và không tôn trọng nhân quyền, thì khi đó xã hội Trung Quốc bị tổn hại”, ông Ngụy nêu rõ.
Ông Ngụy cũng cho rằng áp lực để thay đổi đang trở nên ngày càng lớn bên trong Trung Quốc. “Thật không may, áp lực từ cộng đồng quốc tế là rất nhỏ, và do đó, tôi đã không nhìn thấy một sự thay đổi đáng kể nào Trung Quốc. Người dân Trung Quốc phải gây áp lực cho đến khi chế độ cộng sản không thể tiếp tục nữa và sẽ sụp đổ. Vì vậy, điều rất quan trọng là phải tạo ra một áp lực từ cộng đồng quốc tế”.