MỘT SỐ NHẬN XÉT TỪ CÁCH MẠNG 1989
1- Các cuộc CM đều bắt đầu bằng biểu tình hòa bình, tuy vậy không tránh khỏi đổ máu. Sự đàn áp của cộng sản là khó tránh và chỉ chứng tỏ thế yếu, tuy vậy khi dân đã giác ngộ, thấy rõ bản chất độc ác và hèn yếu của CS thì sự đàn áp không làm số đông run sợ mà biểu tình càng đông hơn, dân càng quyết tâm hơn. Trong lực lượng biểu tình thì vai trò của thanh niên, của sinh viên và công nhân ở các thành phố là rất quan trọng.
2- Cộng sản dựa vào lực lượng vũ trang, ban đầu có một số vì bị mua chuộc, bị lừa bịp hoặc sợ hãi mà tuân lệnh để đàn áp dân, nhưng rồi họ nhận ra sự thối nát của CS, sự chính nghĩa của nhân dân nên quân đội ủng hộ dân, công an quăng súng bỏ chạy.
3- Khi nhân dân nổi lên thì trong lãnh đạo cộng sản sẽ có phân hóa, bên cạnh một số cố níu giữ quyền lực đến phút cuối và sẵn sàng đàn áp thì cũng có nhiều người kịp thời thấy được sự chính nghĩa của nhân dân, từ bỏ cộng sản, đứng về phía nhân dân. Sự đấu tranh trong nội bộ của những người đứng đầu chính quyền có tác dụng thúc đẩy quá trình sụp đổ của CS.
4- Chế độ CS vốn tàn bạo và dối trá, ban đầu dân vừa bị lừa vừa sợ nên chịu khuất phục. Đến khi dân đã có giác ngộ, đoàn kết lại thì trở thành lực lượng mạnh, đủ sức loại bỏ chế độ CS. Lãnh đạo CS nếu biết thời đã hết, biết đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên thì còn giữ được một chút gì đó, còn nếu cứ níu giữ sự độc tài đến cuối thì khó tránh khỏi kết thúc bi thảm như Ceausescu.
Nguyễn Đình Cống
I. GIỚI THIỆU QUA
Tên gọi “Cách mạng 1989” dùng để chỉ sự thay đổi chế độ chính trị đồng loạt ở 6 nước Đông Âu, từ chỗ toàn trị của độc đảng cộng sản thành nhà nước dân chủ đa đảng.
Hồi năm 1989 tôi đang làm chuyên gia giáo dục ở Châu Phi. Vào kỳ nghỉ hè chúng tôi sang các nước Đông Âu chơi và biết một ít tình hình thông qua chuyện trò với các bạn người Việt sinh sống tại đó. Tuy vậy hiểu biết về CM 1989 có được là do đọc tài liệu nước ngoài và đặc biệt là quyển REVOLUTION 1989- THE FALL OF THE SOVIET EMPIRE của Victor Sebestyen, xuất bản tại New York, năm 2009 ( bản dịch tiếng Việt của Phan Trinh ).
Một số nước Đông Âu, trong gần nửa thế kỷ xây dựng chế độ XHCN dưới sự toàn trị của cộng sản và sự khống chế của Liên xô, bỗng cùng nhau cải cách triệt để trong vài tháng vào năm 1989. Quá trình diễn biến và nguyên nhân gần ở mỗi nước có khác nhau, song nguyên nhân gốc có một số điểm chung:
1- Mâu thuẩn gay gắt giữa chính quyền cộng sản và nhân dân. Đảng CS dùng lối toàn trị, áp đặt xây dựng chế độ XHCN, vô sản chuyên chính, mất dân chủ, dùng công an đàn áp người bất đồng chính kiến, tuyên truyền dối trá. Dân mất lòng tin vào đảng, chán ghét chế độ, đoàn kết lại đấu tranh cho dân chủ , nhân quyền.
2- Đảng tạo thành một giai cấp mới đặc quyền đặc lợi, các lãnh đạo cấp cao của đảng trở thành vua chúa kiểu mới, thành bọn tư sản đỏ, nhóm lợi ích, trong lúc nhiều bộ phận nhân dân sống thiếu thốn, cực khổ, bị áp bức bóc lột.
3- Nền kinh tế phát triển chậm chạp, thua kém các nước Phương Tây, năng suất lao động thấp, chính phủ vay nợ nước ngoài rất nhiều. Vay nợ để kiến thiết đất nước thì ít mà chủ yếu để tham nhũng. Muốn tham nhũng lại tự tạo ra lãng phí. Vay nợ mới để trả nợ cũ và như vậy nợ càng chồng chất. Sự cai trị tàn bạo và ngu dân của CS làm suy đồi đạo đức xã hội.
4- Do phát triển của truyền thông, của Internet mà chính quyền không thể bưng bít thông tin để tiếp tục lừa dối nhân dân.
5- Do Liên xô bị suy yếu nhiều, không còn đủ sức và không muốn can thiệp, để cho các nước tự lo liệu lấy (trong đó có vai trò của Gorbachev, tổng bí thư ĐCS Liên xô đã thấy rõ sự dối trá của CNCS, đề ra phong trào cải cách).
II. TÓM TẮT VÀI DIỄN BIẾN
Phong trào bắt đầu từ Ba Lan. Sau đây tóm tắt vài sự kiện chính tại mỗi nước.
1- BALAN. CS lấy tên Đảng Công nhân thống nhất (CNTN), Tổng BT: Jaruzelski (1923-2014).
Năm 1970 công nhân tại Gdansk biểu tình phản đối nhà nước tăng giá nhu yếu phẩm, bị đàn áp, 44 người bị bắn chết. Năm 1978 nữ công nhân, anh hùng lao động Anna vận động thành lập công đoàn độc lập, bị vu cho tội ăn cắp và bị sa thải. Khắp nơi dấy lên phong trào ủng hộ Anna. 1980 Walesa vận động thành lập công đoàn Đoàn kết, tổ chức đình công, hàng ngàn người bị bắt, bị đánh đập, tra tấn. Walesa bị bắt nhiều lần. Năm 1983 Giáo Hoàng thăm Ba lan, có tác dụng thức tỉnh và đoàn kết nhân dân quan tâm đến dân chủ. Trí thức và giáo hội ủng hộ CĐ Đoàn kết. Trong vòng 5 năm có trên 50% đảng viên bỏ đảng. Tháng 11/ 1987 Jaruzelski cho trưng cầu dân ý về đường lối xây dựng chế độ XHCN, cộng sản chỉ nhận được sự ủng hộ của khoảng 40% cử tri. Ngày 1/5/1988 đình công toàn quốc. Chính quyền đàm phán với CĐ Đoàn kết, chấp nhận bầu cử tự do vào ngày 4 tháng 6/ 1989. Kết quả bầu cử cộng sản chỉ được dưới 5%, CĐ Đoàn kết thắng lớn, lập chính phủ. Ngày 27 tháng 10 / 1990 Đảng CNTN (cộng sản) họp, tuyên bố giải thể. Một số đảng viên đứng ra thành lập đảng mới, lấy tên Đảng Xã hội Dân chủ.
2- HUNGARI. CS lấy tên Đảng Công nhân XHCN. Tổng BT: Janos Kadar. (1912- 1989)
Năm 1956 Nagy làm thủ tướng. Nhân dân nổi dậy chống sự chiếm đóng của Liên xô. Quân đội LX kéo vào đàn áp, trên 2500 người bị giết, Nagy bị treo cổ, trên 20 vạn bỏ chạy ra nước ngoài. Trong hơn 30 năm tình hình xã hội và kinh tế trở nên tồi tệ. Năm 1986 Kadar định nhận tiền của Áo để xây đập trên sông Danube, cung cấp điện cho Áo. Đập sẽ phá hoại môi trường của Hung. Trí thức và công nhân liên kết chống lại. Năm 1988 Kadar (76 tuổi) đã bị mất uy tín, được thuyết phục từ chức nhưng không chịu. Ngày 20/5/1988 TƯ Đảng họp, ép Kadar từ chức và đưa Grosz lên thay. Ngày 28/6/1988 cuộc biểu tình lớn ở thủ đô chào mừng sự kiện lật đổ Kadar. Ngày 15/3/1989 biểu tình khổng lồ kỷ niệm CM 1848 chống đế quốc Áo. Tháng 6/ 1989 có trên 30 vạn người dự lễ cải táng Nagy. Trong buổi lễ, Viktor Orban, một thanh niên 26 tuổi đọc diễn văn đả kích chế độ cộng sản độc tài. Ngày 6/7/89 Kadar chết. Ngày 10/9/89, do áp lực của dân tị nạn, phá bỏ hàng rào ngăn giữa Hung và Áo (bức màn sắt), đi lại tự do từ Hung sang Áo để đến Tây Đức. Bị áp lực của nhân dân ngày 23/10/89 đảng CN XHCN họp tuyên bố giải tán, lập đảng mới lấy tên Đảng Xã hội, đổi tên nước.
3- Đông Đức. Đảng Thống nhất XHCN (CSED). Tổng BT : Honecker (1912- 1994).
Từ 1949 đến 1961 có trên 3 triệu người trốn sang Tây Đức. Năm 1961 xây bức tường Berlin, sau này có hàng trăm người bị bắn chết khi trèo qua tường. Đông Đức là nước có hệ thống mật vụ theo dõi dân chúng rất sát sao, do trùm công an Mielke chỉ huy. Ngày 5/7/ 1989 bầu cử Hội đồng nhân dân, bị phát hiện gian lận, các tổ chức dân sự yêu cầu điều tra. Sau khi Hungari phá bức màn sắt đã có hàng ngàn người Đông Đức qua Hung, Áo đến Tây Đức. Ngày 11/9/89 hội “Tân diễn đàn” thành lập, chỉ vài ngày đã có trên 150 ngàn người ký tên đòi đối thoại với chế độ. Ngày 18/9/89 có trên 15 ngàn người biểu tình, bị đàn áp, bị bắt trên 100. Mielke đề nghị trấn áp mạnh biểu tình bằng vũ lực nhưng bị một số lãnh đạo đảng không tán thành. Ngày 7/10/89 mit tin kỷ niệm Quốc khánh, Gorbachev (được dân Đông Đức gọi thân mật là Gorby) đứng trên lễ đài. Khi đoàn diễu hành của thanh niên đi qua, mọi người bỗng hô vang: “Gorby, cứu chúng tôi, Gorby hãy cứu chúng tôi ”. Chỉ 1 giờ sau, biểu tình nổ ra hàng loạt tại các thành phố lớn, công an bắt đi hàng ngàn người. Ngày 15/10 nhân dân TP Leipzic chuẩn bị biểu tình. Quân đội được lệnh trấn áp. Binh sĩ ôm nhau khóc vì phải bắn vào dân. Chủ tich Hội nhà văn Herman Kant gửi thư kêu gọi lãnh đạo đảng kiểm điểm và đối thoại với dân. Lãnh đạo đảng chia rẽ. Ngày 17/10 Trung ương đảng họp, phế truất Honecker, đưa Krenz lên thay. Ngày 4/11 biểu tình 70 vạn người tại Berlin. Ngày 9/11 chính phủ ban bố cho dân tự do đi Tây Đức. Chỉ trong 1 đêm hàng vạn dân ùa đến bức tường Berlin đòi mở cửa, lính canh ban đầu không mở nhưng sau phải mở. Bức tường bị phá bỏ. Ngày 18/3/1990 bầu cử tự do, đảng CSED bị mất tín nhiệm. Sau khi thống nhất những người trước đây làm việc tại Đông Đức vẫn được trọng dụng và được trả lương hưu.
4- Bungari. Đảng Cộng sản. Tổng bí thư: Todor Zhivkov (1911- 1998).
Tại Bungari có nhiều người gốc Thổ Nhĩ Kỳ như là một dân tộc thiểu số, họ bị đối xử bất bình đẳng. Tháng 5/ 1989 có trên 15 ngàn người Thổ biểu tình, bị đàn áp, 60 người chết, hàng trăm người bị thương, hàng ngàn bị bắt. Ngày 20/5 chính phủ trục xuất 300 ngàn người Thổ. Có 250 nhân vật nổi tiếng ký kiến nghị phản đối. Zhivkov chỉ thị cho cấp dưới xin lỗi và đổ tội cho an ninh làm quá. Uy tín của đảng và Zhivkov xuống quá thấp. Để cứu vãn, một nhóm 4 người (thủ tướng và 3 bộ trưởng) chủ trương lật đổ Zhivkov. Ngày 24/10 Bộ trưởng ngoại giao từ chức, gửi thư công khai tố cáo Zhivkov độc quyền, tham nhũng. Zhivkov gặp bạn thân là Bộ trưởng Quốc phòng Dzhurov bàn cách đối phó, nhưng Dzhurov lại khuyên Zhivkov nên từ chức. Zhivkov âm mưu đưa con trai (Vladimir, 40 tuổi) lên thay thế. Đêm 8/11 Zhivkov tập hợp lực lượng ủng hộ nhưng vô vọng. Ngày 9/11 lãnh đạo đảng họp, Zhivkov buộc phải từ chức, Mladenov lên thay nhưng vẫn cố giữ sự toàn trị của đảng. Nhân dân tiếp tục biểu tình rầm rộ, thành lập Liên minh các lực lượng dân chủ. Mladenov phải đàm phán và chấp nhận tổ chức bầu cử tự do vào đầu năm 1990. Đảng CS họp, đổi tên thành đảng Xã hội, chấm dứt chế độ XHCN.
5- Tiệp khắc. Đảng Cộng sản. Tổng BT: ban đầu là Husak, sau là Jakes.
Năm 1967 và đầu 1968 một số người định làm cải cách dân chủ (Mùa xuân 68). Ngày 20/8/1968 quân đội Liên xô dùng xe tăng đàn áp, trên 5 ngàn bị chết và bị thương, trên 70 ngàn đảng viên bị khai trừ. Ngày 16/1/1969 sinh viên Jan Palach tự thiêu phản đối Liên xô. Ngày 15/6/1976 buổi chơi nhạc của nhóm “Người nhựa vũ trụ” bị đàn áp (vì không xin phép). Tháng 1/ 1977 Havel, một trí thức lớn, thành lập “Hiến chương 77” đấu tranh bảo vệ nhân quyền. Havel bị bỏ tù 4 năm rưỡi. Ngày 8/12/1987 biểu tình lớn, Orta, đại diện nhóm Hiến chương 77 phát biểu về nhân quyền, bị bắt cùng với vài chục người. Ngày 17/12/87 ban lãnh đạo đảng họp, cho Husak thôi TBT, lên làm Chủ tịch nước, đưa Jakes lên. Thay người nhưng vẫn giữ đường lối cũ. Ngày 15 đến 21 tháng 1/ 1989 sinh viên liên tục mit tin kỷ niệm việc Palach tự thiêu, bị đàn áp, Ngày 15 có 90 người bị bắt. Ngày 16 biểu tình rầm rộ, 5000 người bị bắt, trong đó có Havel. 4000 người ký tên đòi thả Havel. Ngày 17/11 Thanh niên diễu hành tưởng niệm 50 chiến sĩ Tiệp bị phát xít bắn chết trong một cuộc mit tin năm 1939. Hơn 50 ngàn người biểu tình, hô khẩu hiệu: “Hãy nhớ sự kiện 68, đả đảo cộng sản”, bị đàn áp, 560 người bị thương, 120 bị bắt. Ngày 20/11 có trên 300 ngàn người biểu tình tại thủ đô. Nội bộ lãnh đạo đảng chia rẽ, một số trong đó có tổng bí thư Jakes đòi dùng lực lượng vũ trang đán áp thẳng tay, một số khác đòi thương lượng. Ngày 22/11 bộ trưởng quốc phòng tuyên bố quân đội không chống lại nhân dân. Ngày 27/11 biểu tình 50 vạn người, tổng đình công. Ngày 28/11 do áp lực của nhân dân và quân đội toàn bộ lãnh đạo đảng cộng sản từ chức. Ngày 7/12 lập chính quyền mới, Havel được cử dứng đầu chính phủ. Năm 1993 Đảng Cộng sản bị coi là tội phạm trong lịch sử.
6- Rumani. Đảng cộng sản. Tổng BT: Ceausescu (1918- 1989 )
Ceasescu tự xưng là lãnh tụ anh minh và vĩ đại, thực sự là độc tài và gia đình trị nổi tiếng, sống như đế vương. Rumani có mạng lưới công an và mật vụ dày đặc, gieo rắc sợ hãi trong dân cư. Không hề có tự do báo chí và ngôn luận. Năm 1977 thợ mỏ đòi tăng lương, lãnh đạo hứa giải quyết nhưng sau đó trở mặt, bắt và thủ tiêu những người cầm đầu. Ceausescu thực hiện “tổ chức lại nền văn minh nông nghiệp” bằng cách định san bằng 8000 trong số 13000 làng xã để thành lập các trung tâm công nông nghiệp khỏng lồ, lại bắt san bằng khu phố cổ để xây cung điện nguy nga quá tốn kém. Dân chúng kéo nhau đi tị nạn. Ngày 2/3/1989 họa sĩ Babes tự thiêu để phản đối Ceausescu. Có 6 cán bộ cao cấp, lão thành gửi thư cho đảng phê phán Ceausescu. Tháng 11/ 1989 Ceausescu được đại hội đảng bầu lại làm tổng bí thư, trong lễ nhậm chức ông đã đọc diễn văn 3 tiếng, được vỗ tay hoan hô 34 lần, lần nào cũng kéo dài. Tại thành phố Timisoara, một đêm cuối tháng 11 công an, mật vụ xông vào nhà đánh đập mục sư Tokes, một nhà hoạt động dân chủ. Giáo dân được tin kéo đến cứu Tokes và biến thành biểu tình. Ngày 17/12 công an đàn áp, bắt người. Biểu tình phát triển mạnh hơn, kiểm soát trung tâm thành phố Timisoara, Ceausescu ra lệnh lực lượng quân đội dùng xe tăng đàn áp, các lực lượng vũ trang phải bắn vào người biểu tình không thương tiếc. Trong nước đưa tin 60 người bị giết, hàng trăm bị thương, đài Châu Âu Tự do đưa tin trên 4000 người chết. Ngày 20/12 Ceausescu đi thăm Iran về, cho tổ chức mit tin chào mừng. Ban đầu quần chúng vỗ tay hoan hô nhưng sau đó có tiếng hô: TI-MI-SOA-RA, ban đầu nhỏ rồi to dần, vang rền. Rồi quần chúng hô to: “Đả đảo quân giết người. Ceausescu, dân là chủ”. Ngay sau đó biểu tình tỏa ra nhiều hướng. Vào 6 giờ tối công an xả súng vào người biểu tình. Ngày 22/12 Ceausescu cách chức bộ trưởng quốc phòng Milea vì ngăn không cho binh lính bắn vào dân và ra lệnh giết ông. Tư lệnh các binh chủng đứng về phía biểu tình, đem quân bao vây trụ sở đảng. Ceausescu cùng vợ lên trực thăng bỏ trốn, bị quân đội bắt lại. Một tòa án quân sự được thành lập, xét xử tội trạng, kết án tử hình. Ceausescu bị bắn ngay sau đó.
Ghi chú: Viết đoạn này tôi có tham khảo bài “Suy nghĩ về sự sụp đổ của Liên xô và các nước XHCN Đông Âu” của Hà Tuấn Trung.
III. MỘT SỐ NHẬN XÉT
1- Các cuộc CM đều bắt đầu bằng biểu tình hòa bình, tuy vậy không tránh khỏi đổ máu. Sự đàn áp của cộng sản là khó tránh và chỉ chứng tỏ thế yếu, tuy vậy khi dân đã giác ngộ, thấy rõ bản chất độc ác và hèn yếu của CS thì sự đàn áp không làm số đông run sợ mà biểu tình càng đông hơn, dân càng quyết tâm hơn. Trong lực lượng biểu tình thì vai trò của thanh niên, của sinh viên và công nhân ở các thành phố là rất quan trọng.
2- Cộng sản dựa vào lực lượng vũ trang, ban đầu có một số vì bị mua chuộc, bị lừa bịp hoặc sợ hãi mà tuân lệnh để đàn áp dân, nhưng rồi họ nhận ra sự thối nát của CS, sự chính nghĩa của nhân dân nên quân đội ủng hộ dân, công an quăng súng bỏ chạy.
3- Khi nhân dân nổi lên thì trong lãnh đạo cộng sản sẽ có phân hóa, bên cạnh một số cố níu giữ quyền lực đến phút cuối và sẵn sàng đàn áp thì cũng có nhiều người kịp thời thấy được sự chính nghĩa của nhân dân, từ bỏ cộng sản, đứng về phía nhân dân. Sự đấu tranh trong nội bộ của những người đứng đầu chính quyền có tác dụng thúc đẩy quá trình sụp đổ của CS.
4- Chế độ CS vốn tàn bạo và dối trá, ban đầu dân vừa bị lừa vừa sợ nên chịu khuất phục. Đến khi dân đã có giác ngộ, đoàn kết lại thì trở thành lực lượng mạnh, đủ sức loại bỏ chế độ CS. Lãnh đạo CS nếu biết thời đã hết, biết đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên thì còn giữ được một chút gì đó, còn nếu cứ níu giữ sự độc tài đến cuối thì khó tránh khỏi kết thúc bi thảm như Ceausescu.
IV- NGHĨ GÌ VỀ VN
Chủ nghĩa CS vào được VN, sống bám và phát triển được là nhờ lòng yêu nước của các chiến sĩ cách mạng. Nhưng rồi lòng yêu nước đã bị lợi dụng. CSVN bị lệ thuộc vào ĐCS Trung quốc, một tổ chức rất tàn bạo, rất độc ác, rất nham hiểm. CSVN nhờ đánh thắng vài cuộc chiến tranh, tự phong là “lương tâm của thời đại”, tự cho là “ vô cùng sáng suốt và quang vinh” để lừa bịp nhân dân. Tháng 10/1989, Nguyễn Văn Linh bàn với Gorbachev kế hoạch CSVN kết hợp với Liên xô ngăn cản cuộc cải cách của các nước Đông Âu, nhằm cứu phe CNXH. Khi Gorbachev không tán thành thì ông Linh lại tôn thờ ĐCS Trung quốc lên thành lãnh đạo của phe XHCN. Năm 1969 Hồ Chí Minh cũng muốn dùng ĐCSVN để hàn gắn bất đồng trong phong trào CS quốc tế (toàn chuyện buồn cười vì ảo tưởng). So với các đảng CS ở Đông Âu, ĐCS VN nguy hiểm hơn, tàn bạo hơn. Ngoài việc học được các thủ đoạn của CS Đông Đức và Rumani trong tổ chức mật vụ , CSVN còn học theo CSTQ nên có nhiều mưu mẹo thâm độc hơn, trắng trợn hơn trong việc đàn áp phong trào dân chủ và tuyên truyền lừa dối nhân dân. Đa số dân VN đã quen bị nô lệ, quen bị áp bức nên dễ bị CS lừa dối, rất sợ đảng và chính quyền, rất dũng cảm trong chống ngoại xâm nhưng rất e ngại trong đấu tranh cho tự do , dân chủ.
Tuy VN và Đông Âu có tình hình khác nhau, nhưng cùng chịu cảnh đọa đày của CS. Chế độ CS là tai họa của nhân loại, thế nào cũng bị loại bỏ hoàn toàn. Các nước Đông Âu và Liên xô đã đi trước. Chế độ CS chỉ còn lại tại vài nước. Rồi nhân dân các nước đó sẽ vùng lên để chôn vùi nó lần cuối cùng. Riêng tại VN sự chia rẽ, đấu đá trong nội bộ chóp bu của đảng để tranh giành quyền lực tại ĐH 12 sắp tới sẽ làm đảng suy yếu trầm trọng, sẽ tạo cho nhân dân thấy rõ hơn sự thối nát không thể nào che dấu, tạo cơ hội cho các tổ chức dân chủ liên kết với những người tiến bộ trong đảng, tạo thành lực lượng hùng hậu của nhân dân đứng lên tiến hành cải cách thể chế, loại bỏ chủ nghĩa CS ra khỏi đời sống của dân tộc, có được như thế mới mong đưa dân tộc thoát khỏi sự nguy hiểm là thời kỳ Bắc thuộc mới.