Hành xử kém văn hóa trong quan hệ quốc tế vì chà đạp nhân quyền
Dr. Trần Trọng Kiên
Thứ Tư, ngày 23 tháng 12 năm 2015
Những mối giao tiếp giữa những cá nhân trong xã hội có nhiều mức độ: thân quen hay xa lạ, nhiều phẩm chất: trang trọng hay vô lễ, lịch thiệp hay lùi xùi. Trên phương diện quốc tế, các quốc gia cũng giao tiếp với nhau với nhiều phẩm chất và mức độ khác nhau, được định nghĩa, bày tỏ bằng một số cử chỉ, lễ nghi nhất định có tính biểu trưng. Mối quan hệ có tốt đẹp hay không đều ảnh hưởng tới cuộc tiếp đón; Một cuộc tiếp đón bất xứng cũng gây tác động xấu lên quan hệ đôi bên.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm nước Đức: Một cuộc tiếp đón lịch sự của nước chủ nhà văn minh
Từ ngày 24.11 đến 26.11.2015 chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có một chuyến viếng thăm nước Đức trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao Đức – Việt Nam. Nhà nước Đức dành cho ông một cuộc tiếp đón lịch sự như những quốc khách khác.
Máy bay của ông khi vào không phận nước Đức được hai phi cơ phản lực của không quân Đức bay lên hộ tống. Tiếp đó là 21 phát đạn đại bác bắn chào mừng trong lễ đón. Ông Sang được hội kiến với Tổng thống J. Gauck, nữ Thủ tướng A. Merkel, Bộ trưởng Ngoại giao F. W. Steinmeier…
Dù có những thuận lợi dành cho ông, ông Sang cũng không gặt hái được nhiều kết quả cụ thể trong chuyến đi này. Công luận Đức không lưu tâm tới sự có mặt của ông ở Berlin. Không tờ báo tên tuổi nào, không đài truyền hình phát thanh lớn nào đề cập tới chuyến đi này, mặc dù nhà nước Việt Nam đã thuê hãng truyền thông nhà nghề viết thông tin báo chí. Những gì ông Sang đạt được là những sáo ngữ khen ngợi thường có trong ngoại giao hoặc là những lời hứa hẹn: Đức hứa ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, hứa ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, hứa thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước… Để đổi lại, Việt Nam hứa sẽ ủng hộ Đức, một mai khi Đức muốn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ngoài hợp đồng dịch vụ kỹ thuật giữa Vietjet với Lufthansa, những gì cụ thể phái đoàn ông Sang đạt được chỉ nhỏ nhoi tương tự như “Hiệp Định cho phép thân nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao được làm việc có thu nhập”…chỉ có lợi cho đảng viên CSVN, cho phép một dúm người nhà của cán bộ Sứ quán ở Berlin hay Tổng Lãnh Sự ở Frankfurt được đi làm, kiếm chác ngoài xã hội Đức
Chuyến đi của ông Sang là chuyện quả núi đẻ ra con chuột.
Tuy nhiên trọng tâm ở đây không phải là phân tích thành quả của ông Sang, mà chỉ nhằm đề cập tới cách hành xử văn minh, tôn kính khách mời của nước Đức chủ nhà, mặc dù khách mời chỉ là người đại diện nhà cầm quyền một quốc gia nhỏ bé xa xôi, nơi mà nước Đức không có quyền lợi sống chết.
Còn cách tiếp đón của chủ nhà Việt Nam như thế nào? Khi khách mời đến từ nước Đức hay Âu Châu, các nước “không chỉ là đối tác chiến lược sâu rộng mà còn là những người bạn chân thành, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau” (Thông tấn xã Việt Nam)? Liệu nhà nước Việt Nam có hành xử đúng nghĩa những người bạn chân thành?
Chủ Tịch khối Nghị Sĩ Dân ChủThiên Chúa Giáo Quốc Hội Đức/Phái đoàn Liên Minh Châu Âu viếng thăm Việt Nam: Một cái tát tai vào mặt khách của chủ nhà
Ngày 15. 12.2015, chỉ 3 tuần sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được nhà nước Đức đón tiếp, thì một phái đoàn Liên Minh Âu Châu (EU) đến Hà Nội để tham dự vòng đàm phán thứ năm của tăng cường đối thoại thường niên về nhân quyền trong tinh thần của Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU – Việt Nam (PCA). Chương trình của phái đoàn Liên Minh Âu Châu là mời luật sư Nguyễn văn Đài cùng một số nhà hoạt động dân chủ nhân quyền đến tiếp xúc làm việc. Khách mời của EU, luật sư Đài chưa kịp tới họp thì đã bị Công an tới nhà bắt tống giam sáng sớm ngày 16.12.2015.
Đối với quốc tế, luật sư Đài không phải là người xa lạ. Tháng 8 vừa qua, trong dịp ông V. Kauder, Chủ tịch khối nghị sĩ Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) Quốc hội Đức đến thăm Việt Nam, luật sư Đài cùng hai người hoạt động dân chủ khác đã từng được phái đoàn nghị sĩ Đức tiếp kiến và được ông V. Bauder ngỏ lời mời viếng thăm nước Đức.
Việc bắt giam ngay luật sư Đài, một khách mời của nghị sĩ Chủ tịch V. Bauder (một lãnh đạo của Đảng CDU cầm quyền tại nước Đức) và của Liên Minh Âu Châu khi các cuộc đàm phán nhân quyền ở thủ đô Hà nội còn đang tiếp diễn, chỉ có thể xem như là một cái tát tai vào mặt khách đến thăm, hoàn toàn không có chút gì gọi là hành xử “như những người bạn chân thành, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau”.
“Nhân quyền” của nhà nước không phải là “nhân quyền” của nhân dân và những hệ lụy
Ngày 17.12.15, chỉ một ngày sau khi ra lệnh bắt giam luật sư Đài, nhà nước Việt Nam đã phổ biến một bài báo trên trang mạng “Thế Giới và Việt Nam”của Bộ Ngoại giao với tựa đề “Việt Nam tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người” do Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Hà Kim Ngọc viết. Nếu tò mò đọc toàn bộ bài viết thì cũng vẫn chỉ là những mỹ từ quen thuộc: quyền con người vừa là những giá trị phổ quát, được thừa nhận rộng rãi…, Việt Nam luôn nghiêm túc trong thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ của một quốc gia thành viên các công ước…, Việt Nam tích cực thực hiện các cam kết về quyền con người… Vẫn như cũ: không giải thích nào thêm về vụ bắt bớ đánh đập luật sư Đài hay những người khác trong thời gian gần đây. Hóa ra là “nhân quyền” đối với nhà nước vẫn là quyền nhà nước ban phát ân huệ cho thành phần cột trụ chế độ (như đảng viên, công an…). Còn “nhân quyền” của nhân dân vẫn là “lạm dụng nhân quyền để chống phá chế độ” cần phải triệt hạ.
Đối với người dân trong nước, nhà nước đã quen thói dùng bạo lực, dùng cả côn đồ xã hội đen với những phương pháp đê tiện đàn áp người chống đối. Có vẻ như cách xử sự kém văn hóa này đã lan ra tới lãnh vưc ngoại giao. Việc bắt luật sư Đài ngay khi phái đoàn nhân quyền EU còn ở Hà Nội, có thể xem như là một hành vi côn đồ đối với giới ngoại giao.
Giới quốc tế đã phản ứng rất nhanh chóng. Chỉ vài ngày sau đó chính phủ Đức, thông qua Đặc Ủy nhân quyền Strässer, đã đòi hỏi nhà chức trách Việt Nam hãy hủy bỏ các cáo buộc đối với ông Nguyễn Văn Đài và trả lại tự do ngay cho ông ta. Đại sứ Bruno Angelet, trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu và các Đại sứ của các Quốc gia Thành viên EU tại Việt Nam thất vọng “bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với việc bắt giữ ông Đài”. Nghị sĩ V. Kauder Chủ tịch khối CDU của Quốc hội Đức “lên án một cách nghiêm khắc nhất về việc bắt giam nhà tranh đấu nhân quyền Nguyễn Văn Đài. Nhà nước Việt Nam phải trả tự do lập tức cho luật sư…” và tuyên bố gay gắt với tính cách răn đe: trường hợp luật sư Đài là phép thử (Lackmustest) cho quan hệ Đức-Việt. Các nhà lập pháp Mỹ phản ứng: “Vụ bắt giữ này là vụ việc mới nhất của một loạt những hành động hung bạo do chính quyền bảo trợ nhắm vào luật sư Đài”.
Việt Nam đang ở trong một tình thế hiểm nghèo. Về ngoại giao thì đang cần gấp bè bạn thế giới ủng hộ để chống lại Trung Quốc đang dần dà thôn tính Biển Đông. Về kinh tế thì cần các quốc gia khác giúp đỡ vì tài chính bế tắc, nợ nần chồng chất tới mức phải đáo nợ, đi vay nợ mới để trả tiền lời nợ cũ. Nhiều tỉnh thành không còn tiền trả lương công nhân viên. Những vi phạm nhân quyền thô bạo và cách hành xử ngoại giao thiển cận thiếu văn hóa sẽ làm Việt Nam bị mất lòng tin và sự tôn trọng ở quốc tế, gây thêm khó khăn cho nhà nước giải quyết những vấn đề nan giải.
oOo
Nếu bây giờ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trở lại viếng thăm nước Đức,thì liệu ông ta có còn được tiếp đón trọng hậu bằng chiến đấu cơ hộ tống, bằng những phát súng đại bác chào mừng… hay sẽ bị đè bẹp bởi những chất vấn, những phàn đối mạnh mẽ về những vi phạm nhân quyền thô bạo của chính phủ Việt Nam?
Trong chuyến công du tháng 11 vừa qua của ông Sang, truyền thông lề phải Việt Nam loan tin thường xuyên rất nhiều, rất “hồ hởi, phấn khởi” về mọi hoạt động của ông Chủ tịch nước ở nước Đức, song lại im lặng “tự kiểm duyệt” một đoạn quan trọng sau đây trong bài diễn văn của Tổng thống Đức J. Gauck ở dạ tiệc chiêu đãi ông Sang tại lâu đài Bellevue ngày 25.11.2015:
“Tôi hoan nghênh quyết tâm của đất nước Ngài thúc đẩy thương mại tự do… Tuy nhiên quan hệ kinh tế cần một khuôn khổ đáng tin cậy. Trong bản tuyên bố chung Hà Nội của chúng ta, Đức và Việt Nam đã đánh giá việc đối thoại về nhà nước pháp quyền, kể cả việc thực hiện các quyền con người nhìn chung là có một “ý nghĩa nổi bật”. Về điểm này tôi thấy vẫn còn tiềm năng to lớn để đạt được những tiến bộ trong thực tế và huy động được những chí lực kiến tạo của xã hội Việt Nam cho quá trình chuyển đổi.
Bởi vì chúng ta không nên quên một điều: Công dân là những người xây cầu quan trọng nhất của chúng ta cho con đường chung dến tương lai…”.
Gói ghém trong những ngôn từ ngoại giao lịch sự, thông điệp của Tổng thống Joachim Gauck gửi cho Chủ tịch Sang có hàm ý chỉ trích những thiếu sót to lớn về nhân quyền ở Việt Nam và nhấn mạnh rằng khi nhà nước tôn trọng nhân quyền sẽ làm đất nước phát triển mạnh mẽ. Ông khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân trong xây dựng tương lai.
Tổng thống J. Gauk vốn xuất thân từ Đông Đức. Trong giai đoạn chủ nghĩa Cộng Sản còn thống trị ở Đông Đức ông đã là một nhà bất đồng chính kiến, đấu tranh nhân quyền. Ông đã tham gia tích cực các phong trào quần chúng góp phần khiến chế độ Cộng Sản Đông Đức suy sụp và tan rã dẫn đến thống nhất nước Đức. Ông đã được vinh danh nhiều lần, lãnh nhiều giải thưởng, trong đó có giải “Nhân Quyền Âu Châu”(der Europäische Menschenrechtspreis). Từ những trải nghiệm cá nhân, hơn ai hết, Tổng thống Gauck hiểu rõ vai trò và sức mạnh của nhân dân.
Chủ tịch Sang và các nhà lãnh đạo Việt Nam nên suy ngẫm cặn kẽ bài diễn văn của tổng thống Gauck và nhận thức được rằng tôn trọng nhân quyền là điều tất yếu để đất nước phát triển. Từ đó phải chấm dứt việc đàn áp bắt bớ những nhà đấu tranh nhân quyền.
T. T. K.
Tác giả gửi BVN.