Nước mắt nông dân trên dòng Mekong

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nước mắt nông dân trên dòng Mekong

Image captionHình ảnh nhóm nông dân thể hiện sau phiên tòa

Lan Phương
BBC Tiếng Việt, từ Bangkok
Tòa Hành chính Thái Lan đọc phán quyết bác đơn kiện của 37 nông dân Thái Lan với năm công ty điện của Thái, nhận mua 95% điện từ thủy điện Xayaburi bên Lào. Giữa những người nông dân đen nhẻm, tóc bạc cúi đầu buồn bã, một người đàn bà rẽ đám đông cúi đầu vội vã bước khỏi phiên tòa.
Bà vừa đi tay vừa quệt vội nước mắt chảy tràn trên gương mặt.
Từ nhiều năm nay, những bàn tròn khoa học được dựng lên suốt năm ở Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia chỉ để thảo luận về số phận của dòng sông Mekong.
Người ta nói về ngập mặn, về nguồn cá, về con đập chặn đường di cư của cá, về dòng phù sa bị ứ không về hạ nguồn. Vô số nguy cơ xuất hiện khi nhiều con đập cả ở dòng chính và nhánh phụ được dựng lên khắp các quốc gia có Mekong chảy qua.
Trong một cuộc gặp ở Hội nghị thượng đỉnh sông Mekong năm 2014 tại Việt Nam, ông Apichai Sunchindah, một nhà nghiên cứu ở Asia Foundation, nói với tôi: “Người ta cứ nói về thang cá, thậm chí còn bảo cá có thể tự bơi ngược lên đập thủy điện để theo đúng mùa sinh sản hàng năm. Không thể nào, mọi thang cá đã chứng minh nó không thể làm được điều đó!”
Bất chấp những cụm từ “không thể” đó vang lên trong những đề tài khoa học và cả thử nghiệm trực tiếp, từng con đập vẫn dần được gọi tên trên dòng sông Mekong: Xayaburi, Don Sahong.
Lào muốn trở thành “cục pin của khu vực”. Mỗi khi có ai đó hỏi tại sao Lào kiên quyết xây thủy điện dòng chính đến thế, câu trả lời đáp lại luôn là Lào cần phải phát triển, không lẽ các quốc gia láng giềng không cho Lào quyền được phát triển để thoát nghèo?
Image captionNgười nông dân Thái này đã bật khóc khi nghe phán quyết
Câu hỏi đó làm cứng họng người chất vấn, nhưng nó cũng để lại nhiều vị đắng không nguôi được với bất cứ ai quan tâm tới sinh mệnh của Mekong. Những cuộc họp về sông Mekong quay đi trở lại như một trò vờn nhau dai dẳng giữa các quốc gia, nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường, và các tập đoàn háo hức muốn xây thêm thủy điện.
Họp bao nhiêu không rõ, chỉ biết nhiều năm trôi qua, người ta vẫn thấy Xayaburi hiện hình rõ hơn, rồi Don Sahong cũng thành dự án.
Cho đến ngày 7/11/2012, đập thủy điện dòng chính đầu tiên của Lào Xayaburi sừng sững thông báo khởi công. Không ai ngăn cản được.
Tôi đã dự nhiều hội nghị bàn về số phận dòng sông Mekong. Trong những phiên họp mỏi mệt ấy, những bộ trưởng phát biểu, đại diện các tổ chức phi chính phủ lên tiếng, cả những nhà khoa học giận dữ quát lên.
Nhưng chưa bao giờ giữa đám đông những người ăn mặc sang trọng ấy, tôi thấy ai bật khóc vì dòng sông Mekong, như người đàn bà đến từ tỉnh Chiang Khong kia.

‘Mekong không phải để bán’

Nước mắt rơi trong im lặng của bà giống sự cay đắng hàng triệu ngư dân khác đang sống giữa Biển Hồ hay Đồng bằng sông Cửu Long trải qua.
Một anh nông dân chở tôi vào đồng lúa ở An Giang chỉ biết nói: “Năm nay mặn trào vào không biết làm sao.”
Những người đàn ông giăng lưới ở Đồng Tháp không hiểu vì sao năm nay không có nước lên xứ đồng bằng.
Cá linh đi xa dần, đắt đỏ như món đặc sản không biết tìm đâu ra. Lưới cá treo ở góc nhà, quên mất đã có thời Cửu Long cá nhiều đến mức ứ đầy thủng lưới.
Người nông dân không biết diễn tả điều gì đã hủy hoại sự sung túc một thời trên đồng bằng châu thổ của mình. Dân ở Biển Hồ (Campuchia) cũng chỉ biết im lặng nhìn vào mắt lưới trống rỗng lập lờ dưới nước mùa thiếu cá về.
Nông dân Thái Lan khác hơn một chút. Anh Chirasak Inthayot vỗ ngực giận dữ nói: “Tôi là tình nguyện viên đo mực nước sông Mekong. Làng tôi nằm sát Xayaburi. Nước không còn lên xuống theo mùa nữa mà rất bất thường.”
Hay như ông già Niwat Roykaew nói: “Tôi sinh ra với dòng sông Mekong, tôi là giáo viên, dạy về lịch sử, nguồn cá và đời sống ngư dân trong ngôi trường ở Chiang Khong” – Vậy mà giờ đây, ông cũng phải đứng giữa tòa Hành chính Thái Lan bất lực giận dữ sau 3 năm đằng đẵng theo đuổi vụ kiện.
Một lần nữa những người nông dân như ông thua cuộc, họ không cứu được dòng sông đã nuôi dưỡng chính họ, là nguồn sống của con cháu họ, di sản của ngôi làng họ.
Trên áo những nông dân Thái in đầy dòng chữ: “Công bằng cho dòng sông Mekong và người dân”, hay “Sông Mekong không phải để bán”.
Image captionSẽ còn bao nhiêu đứa trẻ sinh ra trên dòng sông Mekong còn được thấy những loài cá huyền thoại nữa?
Họ đứng xếp hàng với những con cá giấy trên tay – một biểu tượng cho nguồn cá giàu có đầy tự hào của Mekong. Đến một ngày không xa, người trẻ như chúng tôi sẽ chỉ còn nghe nói về cá heo nước ngọt, cá plabuk của Mekong như một huyền thoại bằng giấy, hệt như những mô hình mà nông dân Thái cầm trong phiên tòa.
Đàn cá sẽ chết khi dòng sông nghẽn mạch giữa hàng lớp thủy điện dàn trận từ Lan Thương về Lào, Campuchia rồi kiệt sức ở Cửu Long xa xôi.
Bà nông dân ấy khóc vì uất ức thua một phiên tòa, hay một di sản Mekong sớm muộn sẽ mất trắng trong dòng nước đục ngầu chảy qua turbin làm điện?
Và dòng sông Mekong cảm thấy gì, khi biết cuối cùng vẫn còn những nông dân khóc cho cái chết được báo trước của chính nó?