Giáng Sinh và người trẻ Việt Nam
Một chị bán hàng rong trên xe đạp ở phía trước một trung tâm mua sắm được trang trí cho ngày lễ Giáng sinh sắp tới tại Hà Nội ngày 10 Tháng 12, 2015 – AFP
Chân Như, phóng viên RFA, 2015-12-23
Một Mùa Lễ Giáng Sinh nữa lại về. Nơi đâu cũng tưng bừng trang hoàng, các khu thương mại đều lấp lánh ánh đèn để cùng hòa nhịp vào với ngày Lễ. Tại Việt Nam, những năm gần đây không khí náo nức của ngày lễ không khác gì các nước Tây phương. Phải chăng thật sự đời sống người dân Việt Nam có cải thiện và ngày càng tốt đẹp hơn? Trong Tạp chí diễn đàn bạn trẻ hôm nay, mời quý vị cùng với Chân Như và năm bạn khách mời chia sẻ về ngày Lễ Giáng Sinh tại Việt Nam sau đâu:
Chân Như: Chào các bạn Lê Nguyên, Katie, Gia Bảo, Kiệt và Thúy. Chúc mừng Giáng sinh đến tất cả các bạn, và cám ơn mọi người đã dành thời gian để đến với chương trình hôm nay. Trước tiên, theo đánh giá của mọi người thì Giáng sinh tại VN năm nay có gì đặc biệt và khác so với những năm về trước? Trước tiên xin mời Gia Bảo chia sẻ
Gia Bảo: Theo em Giáng Sinh của những năn gần đây khác nhiều so với năm năm trước đây bởi vì, (trước kia) khi gần đến ngày Giáng Sinh mình mới cảm thấy được cái không khí nó mới bắt đầu. Còn trong những năm gần đây, chỉ cần tới đầu tháng 12 là bắt đầu mình đã thấy không khí Giáng Sinh rồi. Đặc biệt là những trung tâm thương mại, những con đường, những khu vui chơi thì họ trang hoàng rất đẹp và ngày càng có việc đầu tư hoành tráng hơn để thu hút nhiều người đến với khung cảnh Giáng Sinh ở nơi đó nhiều hơn. Em thấy đó là sự khác biệt rõ nhất.
Chân Như: Vậy theo Gia Bảo là tương đối đời sống ngưòi dân có cải thiện hơn so với những năm qua?
Gia Bảo: Đúng rồi, khi mà đời sống họ được cải thiện hơn thì họ mới nghĩ đến việc vui chơi, hoặc là tận hưởng một mùa Giáng Sinh nào đó chứ, nếu như đời sống họ không được cải thiện thì họ chỉ chăm chăm vào việc đi làm kiếm tiền, chứ họ không nghĩ đến việc giải trí.
Chân Như: Cám ơn chia sẻ của Gia bảo, còn nhận xét của Lê Nguyên thì sao
Lê Nguyên: Em thấy không khí Giáng Sinh năm nào cũng thế thôi, đều nhộn nhịp và rộn ràng. Kinh tế ngày càng phát triển thì mọi người lại càng có điều kiện đón Giáng Sinh hoành tráng hơn. Vài năm trước, không khí giáng Giáng Sinh chỉ là đơn giản trong gia đình và những người theo đạo mới tổ chức. Bây giờ thì tất cả đều hòa mình vào không khí ngày lễ. Gia đình khá giả thì đều tặng cho con cái những món quà đặc biệt và những chuyến du lịch; Dịch vụ ông già Noel thì cũng được thuê tặng quà cáp cho những trẻ nhỏ, rất thịnh hành so với những năm trước.
Chân Như: Vậy như Lê Nguyên chia sẻ thì có vẻ là đời sống của người dân đã khá hơn rất nhiều?
Lê Nguyên: Có chứ, mọi thứ theo em thấy đều tốt đẹp lên, và mọi thứ đều phát triển mọi người có nhiều thời gian để tận hưởng những ngày lễ bên gia đình và người than. Những người giàu có thì họ quan tâm, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày này. Giáng Sinh được chờ đợi với nhiều hoạt động thú vị không chỉ ở những người theo đạo ở các nhà thờ, mà ngay cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ đều lấp lánh những ánh đèn và cây thông. Mọi người đều đua nhau mua sắm cho những ngày hội lớn như vậy.
Chân Như: Thế vậy còn nhận xét của Katie thì sao?
Katie: Theo em thì Giáng Sinh năm nào cũng treo đèn giăng hoa rồi nhưng đời sống người dân cũng chưa cải thiện được bao nhiêu. Đa phần những người giàu có, họ có tiền thì mới hưởng thụ một ngày giáng sinh trọn vẹn; Còn những tầng lớp công nhân viên chức, họ cũng chưa có điều kiện để hưởng một ngày Giáng Sinh vui vẻ.
Chân Như: Vậy là còn nhiều khó khăn, có vẻ Kiệt cũng có suy nghĩ giống Katie?
Kiệt: Thật sự em nghĩ là giáng sinh năm nay không thay đổi nhiều lắm. Cách bài trí, trang trí đèn thì cũng như mọi năm em nghĩ đó là lối mòn trong tư duy, thực sự là gây tốn kém rất là nhiều cho kinh tế xã hội ngày nay. Đôi khi trang hoàng như thế chỉ có bề nổi thôi, còn bề chìm không thể che lấp được nỗi lo của người dân. Anh biết là tham ô, rồi nợ công vượt ngưỡng cảnh báo, rồi thuế má vô lý, đè lên cuộc sống của dân nghèo rồi những người cầm quyền lại bảo kê thao túng cho cướp bóc, rồi đàn áp dân giữa ban ngày luôn, rồi án oan ngày một nhiều hơn. Em nghĩ là không thay đổi nhiều mà đời sống nhân dân ngày càng tệ hơn, tệ hơn rất nhiều. Làm sao cảm thấy hạnh phúc được khi mà mình không được tự do? Đôi khi tại vì sống ở Việt Nam nên mình cảm nhận được là mọi thứ đều bị cản trở. Do vậy, em nghĩ Giáng Sinh năm nay cũng không có gì được gọi là cải thiện hơn.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở Saigon ngày 10 tháng 12, 2015
Chân Như: Vậy trong các bạn đã có hai cách nhìn khác nhau rõ rệt về đời sống. Thôi, chúng ta tạm gác vấn đề đó sang một bên. Thúy, nãy giờ ngồi nghe các bạn chia sẻ rồi, câu hỏi kế tiếp dành cho thúy là vào đêm giáng sinh hoặc những ngày trước đó thì giới trẻ VN thường hay làm gì , và chính bản thân Thúy cũng hay làm gì vào ngày này?
Thuý: Vào dịp Giáng Sinh ở những văn phòng ở Sài Gòn, mọi người theo đạo Thiên Chúa sẽ được nghỉ lễ. Văn hóa của người Sài Gòn là cùng nhau đón Giáng sinh dù họ có đạo Thiên Chúa hay không thì vẫn nô nức đón Giánh Sinh. Khi Giáng sinh về thì mọi người xem đó là dịp lễ hội hàng năm nên cũng xuống đường, đi tham quan những nơi trang trí Giáng Sinh ở những trung tâm thương mại và chụp hình hoặc là đến những quán café mà có trang trí Giáng Sinh; họ đi nhà thờ, tại vì vào dịp Giáng Sinh thì ở nhà thờ sẽ có những hoạt động chào đón Giáng Sinh rất là hấp dẫn, và vì thế những người ngoại đạo thì người ta cũng đến nhà thờ để tham gia lễ Giáng Sinh ở nhà thờ. Những nhà thờ ở Việt Nam luôn “welcome” những người ngoại đạo đến tham quan trong dịp Giáng Sinh. Em không thấy có sự phân biệt là có đạo hay không có đạo. Vì vậy, lễ Giáng Sinh trở thành một lễ hội lớn trong năm của người Sài Gòn và người Việt Nam. Cứ đến ngày đó là mọi người đi chơi với nhau, gặp gỡ gia đình hoặc là tham gia những lễ hội ở những nơi công cộng chung với nhau. Vào dịp Giáng Sinh em cũng về thăm gia đình, rồi cũng đến tham gia những lễ hội tại những nhà thờ khu em sống xem những chương trình biểu diễn ca nhạc và tham gia vào những hoạt động vui chơi của nhà thờ.
Chân Như: Còn Kiệt thì thường làm gì trong những ngày Giáng Sinh này?
Kiệt: Em thì năm nào cũng vậy. Ban ngày,em kêu gọi làm từ thiện, kêu gọi những bạn trẻ mà người ta có tấm lòng thì em sẽ tổ chức nấu ăn. Trong đêm Giáng Sinh thì tụi em sẽ hóa trang thành những ông Già Noel và tụi em đi phát quà là những thức ăn nóng đó cho những người lang thang cơ nhỡ. Đôi khi, đó chỉ là những món quà rất là nhỏ thôi nhưng em nghĩ rằng nó cũng sưởi ấm được cho những người mà trong xã hội ngày càng nhiều: những người mất hết quyền lợi của con người. Họ lang thang, cơ nhỡ và không có mái ấm gia đình. Em thường làm những việc đó vào đêm Noel.
Chân Như: Thế còn Lê Nguyên thì thường hay làm gì ?
Lê Nguyên: Là một người trẻ, trong những ngày Giáng Sinh, em thường tụ tập ở các trung tâm thành phố, những khu xóm đạo hay những nhà thờ lớn chờ đợi giờ tiếng chuông nhà thờ reo vang để cùng nhau vui chơi với những bạn bè và người thân của mình. Ngày nay, những đôi tình nhân thường tặng nhau những món quà nhỏ như là khăn len, mũ len. Đặc biệt, đây cũng là dịp để các chàng trai tỏ tình với những cô gái mà mình yêu thích.
Chân Như: Còn Gia Bảo?
Gia Bảo: Thường vào đêm Giáng Sinh, em thấy ở Việt Nam chia rõ ra hai dạng. Một là những người theo đạo Công Giáo. Họ thường chuẩn bị trước Giáng Sinh rất nhiều và khi đến Giáng Sinh thì họ đi đến nhà thờ làm lễ sau đó quây quần bên gia đình và tiệc tùng. Một phần giới trẻ còn lại thì không theo đạo Công Giáo mà họ chỉ hưởng ứng nên cũng đi ra đường, đến các trung tâm thương mại hoặc các khu vui chơi, chụp hình. Họ hưởng ứng ngày lễ đó nhưng theo như em thấy phần lớn giới trẻ mà không theo đạo Công Giáo thì họ không biết được cái ý nghĩa của đêm Giáng sinh mà họ chỉ biết là đi ra đường và vui vẻ với mọi người bên ngoài thôi. Thực chất đêm Giáng Sinh là đêm mọi người trong gia đình quay quần bên nhau, sau khi đi lễ ở nhà thờ.
Chân Như: Cám ơn những chia sẻ của các bạn, một điểm thắc mắc là các bạn nghĩ sao khi Việt Nam là nước Phật giáo chiếm đa số nhưng lại có hoạt động Giáng sinh rất náo nhiệt không thua kém gì các nước Thiên Chúa giáo trên thế giới? Nhận xét của Kiệt và Thúy
Kiệt: Theo em nghĩ thì Giáng Sinh là một ngày lễ mà để cho mọi người xích lại gần nhau hơn sau một năm làm việc mệt mỏi; Và cũng là ngày để cho mọi người ngồi lại để tâm sự để chia sẻ cùng nhau. Em nghĩ rằng thế giới bây giờ đã bước sang những trang mới rồi. Phật Giáo hay Thiên Chúa Giáo đều không có khoảng cách. Việc tiếp thu văn hóa không phụ thuộc vào bạn ở giáo phái nào mà chỉ phụ thuộc vào điều đó có tốt cho bạn hay không. Em nghĩ Giáng Sinh là một mùa lễ tuyệt vời. Vậy thì tại sao mọi người không cùng nhau chia sẻ. Đó là một điều rất tốt.
Thuý: Dạ đúng rồi. Tuy là Việt Nam là một đất nước theo phật giáo, nhưng những ngày lễ của Thiên Chúa Giáo vẫn được tổ chức rất là sang trọng và hoành tráng. Bởi ở Việt Nam mọi người tôn trọng tôn giáo của nhau. Tất nhiên là những tôn giáo không có kỳ thị lẫn nhau, không có sự va chạm với nhau. Vì vậy nên dịp lễ Giáng Sinh, nhữngngười ngoại đạo, theo Phật Giáo người ta vẫn xuống đường tham gia những lễ hội của Giáng Sinh và người ta xem đó là một hình thức mà người ta chúc mừng; đó không phải là ngày lễ của chúng tôi nhưng chúng tôi chúc mừng ngày lễ của đạo các bạn. Mọi người luôn tuân theo văn hoá tôn trọng tôn giáo của nhau nên lễ Giáng Sinh ở Sài Gòn nói riêng và ở Việt Nam nói chung là một lễ hội mà tất cả mọi người đều cùng đón nhận lễ hội đó và cùng tham gia cũng như là rất nô nức trong lễ hội Giáng Sinh kể cả người theo đạo Thiên Chúa hoặc người ngoại đạo.
Chân Như: Cám ơn chia sẻ của hai bạn, và để kết thúc chương trình thì các bạn có điều ước gì muốn gửi đến cho ồng già Noel vào đêm Giáng Sinh?
Gia Bảo: Em ước đêm Giáng Sinh trời sẽ không mưa để cho mọi người có thể vui vẻ đi nhà thờ và rồi sẽ không có tai nạn giao thông. Và nhân dịp này em xin gởi lời chúc đến tất cả mọi người có được một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc.
Lê Nguyên: Nếu mà cho em một điều ước em ước là có một cuộc sống thật vui vẻ và hạnh phúc; Ước mọi điều tốt đẹp nhất đến cho gia đình và người thân, mong thế giới hoà bình và phát triển. Giáng Sinh luôn tràn ngập niềm vui đến người nghèo. Tất cả mọi người đều được hưởng cuộc sống ấm no, ngày nào cũng ngập tràn trong an lành. Trong dịp Noel này thì em cũng gởi lời chúc đến cho tất cả những người thân và bạn bè ở gần cũng như ở xa, một lời chúc đêm Noel an lành. Thế giới đã sinh ra chúng ta, ban cho chúng ta mỗi người một nhiệm vụ thiêng liêng. Ông già Noel cũng đã gõ cửa và tặng chúng ta món quà vô giá đó là thời gian, phải trân trọng và yêu thương bố mẹ mình và gia đình và nhân loại. Hãy để môi trường sống của chúng ta luôn có niềm vui và hạnh phúc tràn đầy tiếng cười.
Katie: Trong mùa Giáng Sinh năm nay, mình mong đời sống của người dân Việt Nam sẽ càng ngày khá hơn và người dân sẽ có tiếng nói của mình, phản biện trong xã hội để lấy lại quyền lợi của mình. Xin gởi đến ngư dân vùng biển đảo họ sẽ được bình an; khi ra khơi sẽ không bị tàu lạ bắn lủng thuyền hay là có những trường hợp bắn chết người như vừa xảy ra ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi vừa qua. Và nhân dịp này em cũng muốn cầu chúc cho toàn thể người dân Việt Nam có được ngày Giáng Sinh thật là vui vẻ đầm ấm bên gia đình.
Thúy: Em là người không theo đạo Thiên Chúa, nhưng em cũng là người rất là mến mộ ngày lễ Giáng Sinh. Đối với em nhân vật mà em yêu thích vẫn là ông Già Noel. Mỗi năm khi vào dịp Giáng Sinh thì khi còn nhỏ em vẫn đến nhà thờ nhận quà của ông Già Noel. Nếu thật sự có một điều ước gởi đến ông Già Noel thì em mong rằng tất cả những trẻ em ở Việt Nam sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn vì ở Việt Nam hiện nay cuộc sống của những em bé mồ côi cơ nhỡ vẫn phải vật lộn với cuộc sống, như là phải lao động sớm ở tuổi vị thành niên, không có điều kiện chăm sóc tốt cho những em bé mồ côi hay bị bỏ rơi. Em mong muốn tất cả trẻ con ở Việt Nam sẽ được sống tốt hơn.
Kiệt: Nếu ông Già Noel có thật thì em cũng chỉ ước một điều thôi đó là ước cho dân mình bớt khổ. Em hiện đang sống ở Việt Nam và cứ hằng ngày cứ trải qua chuyện mắt thấy tai nghe nhưng lực bất tòng tâm đôi khi mình muốn phát biểu điều gì đó mình cũng phải cẩn trọng lời nói. Em nghĩ rằng đó là điều rất khổ tại vì điều cơ bản nhất của con người là tự do mà người dân Việt Nam mình không có tự do thì coi như mất đi quyền làm người rồi. Em chỉ ước rằng một ngày nào đó Việt Nam mình sẽ bớt khổ đi thôi.
Vâng chắc chắn những lời ước và lời chúc mừng Giáng Sinh của các bạn gởi đến cho tất cả quý vị trong ngày hôm nay cũng là lời ước mà rất nhiều người Việt Nam chúng ta cũng mong ước. Chân Như cũng cám ơn tất cả các bạn đã dành thời gian để đến với chương trình. Xin chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả quý vị và các bạn.