‘Cuộc xâm lăng êm thấm nhất của Nga’

Cac Bai Khac

No sub-categories

‘Cuộc xâm lăng êm thấm nhất của Nga’

Việc sát nhập Crimea là cuộc xâm lược êm thấm nhất của thời hiện đại.

BBC News – 10:09 GMT – thứ năm, 20 tháng 3, 2014

Nó đã kết thúc trước cả khi thế giới kịp nhận ra là nó bắt đầu.

Và cho tới khi một nhóm tay súng thân Nga tấn công căn cứ quân sự nhỏ của quân đội Ukraine ở Simferopol làm một người chết và một người bị thương, mọi chuyện diễn ra mà hoàn toàn không có đổ máu.

Trong nhiều ngày của tháng Hai, hàng ngàn binh lính tăng viện đã lặng lẽ tới các căn cứ quân sự ở Crimea mà Nga được phép sử dụng theo hiệp ước với Ukraine.

Những “người tình nguyện” dân sự cũng tiến vào.

Kế hoạch diễn ra bí mật và thành công toàn diện.

Dấu hiệu rõ ràng đầu tiên về chuyện Crimea bị thôn tính xuất hiện hôm 28/2 khi các điểm kiểm soát được lập ra tại Armyansk và Chongar – hai tuyến đường bộ chính nối Ukraine và bán đảo Crimea.

Những đường nối này được kiểm soát bởi các tay súng mặc đủ loại đồng phục: quân đội Ukraine, cảnh sát Ukraine, các đồ ngụy trang không kèm phù hiệu. Một số mặc đồ dân sự.

Khi tôi toan vượt qua chốt Armyansk hôm thứ Bảy 1/3 cùng với một người quay phim của BBC, những người đứng gác có thái độ thù nghịch và đe dọa.

Họ lấy mất các túi đựng áo giáp của chúng tôi từ thùng để đồ của taxi và sừng sộ kiểm tra va ly, lôi tất cả mọi thứ ra và đánh rơi vài đồ trên đường.

Họ đưa người quay phim của chúng tôi đi và lấy luôn các thẻ ghi hình của camera cùng cả pin.

Quốc hội Crimea ủng hộ việc về với Nga

Họ biết họ cần tìm gì. Bên vệ đường cũng có những túi đựng áo giáp của những phóng viên toan vượt qua điểm kiểm soát trước chúng tôi.

Những người đóng chốt chặn tất cả mọi người lại trừ người địa phương.

Tôi thấy khó biết chuyện gì đang diễn ra.

Chỉ tới khi một trong số họ, người mặc sắc phục cảnh sát, nói “Chào mừng đến với Nga” thì tôi hiểu – có thể họ mặc sắc phục Ukraine nhưng họ nhận lệnh của Moscow để phong tỏa Crimea.

Sang ngày hôm sau, Chủ Nhật 2/3, mọi việc kể như xong.

Ukraine cũng đã lập các chốt chặn ở biên giới

Thế giới bên ngoài vẫn chờ tàu chiến của Nga tới và chiếm Crimea.

Nhưng nó đã âm thầm xảy ra rồi.

Hôm Chủ Nhật và thứ Hai, các căn cứ quân sự của Ukraine bị những người lính trông dữ dằn chiếm.

Họ mang những vũ khí hiện đại nhất của Nga nhưng trang phục của họ không mang phù hiệu, quân hiệu hay quân hàm.

Cùng ở bên họ là những “người tình nguyện” – thường là những đàn ông già hơn, nhiều người có vẻ tới từ Nga.

Một số người mang quân phục không đầy đủ trong khi những người khác mặc thường phục.

Họ xếp hàng bên ngoài doanh trại quân đội Ukraine và không cho ai tới gần.

Có lẽ họ là lính dự bị của Nga. Đó là những người dữ dằn và hung hăng nhưng họ tuân lệnh thượng cấp.

Nhiều người rõ ràng là nghiện rượu nặng và khi đêm xuống họ chẳng giấu diếm gì họ đang say.

Tuy nhiên, họ giữ kỷ luật. Không có chuyện cướp bóc và cho dù họ có thái độ đe dọa họ không tấn công dân thường.

Trong những ngày sau đó, những nhóm khác xuất hiện.

Đây là những người tình nguyện thật và họ tới từ Moscow để tham gia điều mà họ gọi là giải phóng Crimea.

Tôi nói chuyện với ba thành viên của nhóm dân tộc cực đoan.

Tất cả họ đều tới từ Moscow và họ đều có kế hoạch đi từ Crimea tới hai thành phố có nhiều người nói tiếng Nga Kharkiv và Donetsk.

Tại sao? Để tỏ tình đoàn kết, ông nói.

Sau đó tôi còn gặp một nhóm bảy hay tám người đi xe máy, mặc đồ da và mang biển đề chức vụ – chủ tịch, phó chủ tịch và các chức khác.

Họ cũng từ Moscow tới và cũng định đi Kharkiv và Donetsk.

“Thật là một ngày tuyệt vời,” vị “chủ tịch” nói.

Nhưng cũng có những người chỉ muốn tham gia để góp vui.

Việc sáp nhập Crimea được ủng hộ tại Nga

Hoàn toàn không có dấu hiệu gì chứng tỏ chính phủ Nga cử họ tới.

Trong thời hiện đại, Moscow đã có ba cuộc xâm lược lớn: Hungary hồi tháng 11/1956, Czechoslovakia trong tháng 8/1968, khi hai chính phủ cộng sản có những xu hướng thân phương Tây nguy hiểm; và Afghanistan hồi năm 1979 khi chính phủ thân Cộng sản đang bên bờ vực sụp đổ.

Đó là những chiến dịch lớn và thô bạo với số lượng lớn xe tăng, đôi khi là sự đổ máu lớn.

Vụ chiếm Crimea hoàn toàn khác. Đây là sự đột nhập chứ không phải xâm lược.

Và không giống như ở Hungary, Czechoslovakia và Afghanistan, phần lớn dân số địa phương chào đón [sự đột nhập] này.

Theo một đối thủ có tiếng của ông Putin, cuộc bỏ phiếu ở Crimea để gia nhập Liên bang Nga là “trưng cầu dân ý dưới họng súng Kalashnikov”.

Nhưng không phải vậy. Kết quả là điều mà đại đa số người nói tiếng Nga ở Crimea thực sự muốn và không cần phải có Kalashnikov trên đường phố.

Những người muốn giữ Crimea là một phần của Ukraine quá sốc và sợ nên không dám chống lại.

Toàn bộ chiến dịch được lên kế hoạch và thực hiện rất thông minh.

Nhưng cũng không nghi ngờ gì về chuyện đây là cuộc đảo chính nhanh chóng, đáng kể và gần như không đổ máu.

John Simpson – BBC News