Tin Thế Giới – 18/12/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 18/12/2015

Chiến lược xoay trục Á châu của Mỹ đối mặt với chướng ngại trong năm 2016

Tòa Bạch Ốc sẽ đón tiếp những nhà lãnh đạo của các nước Á châu Thái Bình Dương trong năm tới, giữa lúc Hoa Kỳ tiếp tục những nỗ lực để gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng trong khu vực này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chính phủ của Tổng thống Obama sẽ đối mặt với những thách thức trong lúc tìm cách gia tăng sự giao thiệp với khu vực này mà không làm gia tăng những mối căng thẳng với TC. Thông tín viên Mary Alice Salinas của đài VOA gửi về bài tường thuật.

Tổng thống Barack Obama tuyên bố Hoa Kỳ phải được kết nối với khu vực Á châu Thái Bình Dương.

“Á châu Thái Bình Dương vô cùng quan trọng cho việc thăng tiến an ninh, thịnh vượng và phẩm giá của con người trên khắp thế giới. Đó chính là lý do tại sao tôi dành ra rất nhiều công sức trong chính sách đối ngoại của mình để gia tăng thêm nữa sự giao thiệp của Mỹ với khu vực này”.

Trong một cố gắng để củng cố vị thế lãnh đạo của Mỹ ở Á châu Thái Bình Dương, Tổng thống Obama đã đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo khu vực tại Tòa Bạch Ốc và gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác trong nhiều chuyến viếng thăm Á châu.

Nhưng mục tiêu của Mỹ nhằm xây dựng một khu vực Á châu Thái Bình Dương hoà bình và thịnh vượng cũng còn tùy thuộc rất nhiều vào quốc hội và vấn đề quốc hội có phê chuẩn Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2016 hay không.

Hiệp định thương mại qui mô lớn này đang gặp phải sự chống đối khá mạnh tại Điện Capitol.

Ông Christopher Johnson, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng TPP không chỉ liên quan tới vấn đề kinh tế, thương mại.

“Đối với hầu hết các nơi ở Á châu, kinh tế chính là an ninh”.

Ông Marc Noland, một nhà nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông cũng sẽ tiếp tục là một thách thức lớn.

“Những yêu sách chủ quyền và những hành động khác của TC đã tạo ra sự lo lắng cho nhiều người ở những nước nhỏ hơn trong khu vực, cho nên họ hoan nghênh sự có mặt của Mỹ. Nhưng đồng thời họ cũng chẳng muốn bị lôi kéo vào những vụ đối đầu giữa Mỹ và TC”.

Ông Johnson cho rằng Hoa Kỳ cần phải hành xử một cách thận trọng.

“Có thể nói hành động cân bằng này sẽ là cân bằng giữa hai mục tiêu: một bên là tìm cách trấn an các đối tác và các đồng minh trên khắp Á châu, nhất là Đông Nam Á, là Hoa Kỳ có mặt ở đó, Hoa Kỳ giữ vững những cam kết về đồng minh quân sự trước những hoạt động mỗi ngày một tích cực hơn của TC trong khu vực; và một bên là không làm cho TC nghĩ rằng việc này là một chiến lược bao vây để tìm cách gây thiệt hại cho quyền lợi của TC trong khu vực”.

Hoa Kỳ đã cam kết giúp đỡ các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng phòng vệ biển và yêu cầu TC ngưng xây đảo nhân tạo, ngưng thực hiện những công trình xây dựng mới và ngưng quân sự hóa những khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Johnson nói an ninh mạng cũng sẽ tiếp tục là một vấn đề dễ gây xích mích giữa Hoa Kỳ với TC.

Washington tin rằng Bắc Kinh dính líu tới nhiều hoạt động gián điệp mạng nhắm vào chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.

TC bác bỏ cáo giác đó.

Ông Johnson nhận định như sau về vấn đề này:

“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy nhiều áp lực chính trị hơn đối với chính phủ Obama đòi họ trừng phạt những kẻ hưởng lợi từ hoạt động gián điệp mạng, và một khi điều đó xảy ra, TC có phần chắc sẽ trả đũa”.

Sau chuyến công du Đông Nam Á hồi tháng trước, Tổng thống Obama cho biết quan hệ giữa Mỹ và vùng này sẽ được tăng cường thêm nữa và 10 nhà lãnh đạo lãnh đạo của các nước ASEAN sẽ đến thăm Tòa Bạch Ốc trong năm 2016. – Theo VOA

Các cường quốc thế giới thảo luận về cuộc chuyển tiếp chính trị ở Syria

Đại diện các cường quốc thế giới hôm 18/12 có mặt tại New York để tham dự vòng đàm phán thứ ba về một cuộc chuyển tiếp chính trị được đề nghị cho Syria, vài tuần lễ trước một kế hoạch để tổ chức cuộc thương thuyết do Liên Hiệp Quốc làm trung gian giữa chính phủ Syria và những tổ chức đối lập ôn hòa. Các nhà thương thuyết muốn có sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy cho tiến trình chính trị này. Thông tín viên Nike Ching tại Bộ Ngoại giao Mỹ tường thuật.

Trong những ngày này, bầu trời Syria tràn ngập các máy bay chiến đấu của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo, trong đó có Pháp và Anh, không kích những mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo và máy bay của Nga. Các máy bay chiến đấu của Nga bắt đầu tiến hành một nỗ lực riêng rẽ tại Syria vào tháng 9 vừa qua. Nga nói rằng những cuộc không kích này nhắm vào Nhà nước Hồi giáo, nhưng các nhà phân tích nói mục tiêu của Nga là nhằm bảo vệ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Hoa Kỳ nhất mực cho rằng ông Assad rốt cuộc phải từ bỏ quyền lực.

Hoa Kỳ, các quốc gia Trung Đông và châu Âu trong vài tháng qua đã gặp nhau hai lần tại Vienna, đưa đến cuộc thảo luận tuần này tại Liên Hiệp Quốc.

Ngoại trưởng John Kerry sẽ chủ tọa một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Syria, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trước đây trong tuần mà ông nói là đạt được một số tiến bộ.

“Ngày hôm nay chúng tôi đã đạt được một số điểm chung và đồng ý về sự phức tạp của vấn đề liên hệ đến các tổ chức khủng bố”.

Nhóm có tên là Nhóm Hỗ trợ Quốc tế cho Syria hy vọng sẽ xác định những tổ chức khủng bố không được tham gia cuộc ngưng bắn được đề nghị, cũng như xác định những tổ chức đối lập Syria sẽ tham gia đối thoại chính trị với chế độ Assad.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói:

“Điều quan trọng vào lúc này, như chúng ta đã đồng ý trong hội nghị Vienna 1 và Vienna 2, là chúng ta nên có một cuộc ngưng bắn trên cả nước tại Syria càng sớm càng tốt”.

Những quốc gia được mời tham dự cuộc thảo luận ngày 18/12 là những nước đã tham dự những vòng đàm phán trước đây tại Vienna, trong đó có Nga và Iran. Các nhà thương thuyết hy vọng sẽ đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một nghị quyết ủng hộ một kế hoạch chuyển tiếp chính trị và một đề nghị ngưng bắn.

Bà Jessica Ashooh, chuyên gia về Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương, nói:

“Những cuộc thảo luận ngày hôm nay, và nghị quyết có thể hay không có thể được đưa ra trong những cuộc thảo luận này, thực sự sẽ định đoạt vấn đề là cuộc xung đột Syria được giải quyết một cách nhanh chóng hay là vẫn còn kéo dài”.

Bà Jessica Ashooh nói nếu được chấp nhận thì đây sẽ là nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc liên hệ đến tình hình chính trị tại Syria kể từ khi cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu vào năm 2011. – VOA

Lý do ban nhạc Bắc Triều Tiên “Morabong” hủy biểu diễn ở Bắc Kinh

Nhật báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, số ra ngày 18/12/2015, cho biết lý do ban nhạc pop nổi tiếng Morabong của Bắc Triều Tiên đã hủy buổi trình diễn tại Bắc Kinh vào phút chót dự định diễn ra vào ngày 12/12/2015: TC không muốn chiếu hình ảnh tên lửa của Bắc Triều Tiên trên sân khấu biểu diễn.

Buổi biểu diễn ngày 12/12 tại Bắc Kinh của Moranbong lẽ ra là buổi trình diễn đầu tiên ở nước ngoài của nhóm nhạc, được đánh giá có phong cách hiện đại trái ngược với nền âm nhạc truyền thống gò bó của Bắc Triều Tiên.

Nhật báo Chosun Ilbo, trích dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc, cho biết ban nhạc Morabong thà về nước còn hơn là cúi mình trước những áp lực của chính quyền TC về phối cảnh sân khấu cho buổi biểu diễn.

Trong một buổi tập dượt, các cô gái của Morabong vô cùng tức giận vì nhóm định chiếu lên sân khấu hình ảnh Bắc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa, song chính quyền TC đã yêu cầu ban nhạc hủy màn này vì Chủ tịch TC Tập Cận Bình sẽ tham dự buổi trình diễn.

Dĩ nhiên, nhóm đã từ chối lời yêu cầu. Vì vậy, Bắc Kinh báo cho Morabong là Chủ tịch TC cùng nhiều quan chức cao cấp khác sẽ không tham dự buổi biểu diễn của nhóm như dự kiến. Và ngay lập tức, Bình Nhưỡng đáp trả bằng tuyên bố hủy buổi hòa nhạc của nhóm.

Morabong là một ban nhạc toàn nữ ca sĩ, được thành lập theo gợi ý của chính nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Tại Bắc Triều Tiên, sinh viên thuộc lòng các bài hát Moranbong. Ban nhạc nữ bắt đầu buổi trình điễn đầu tiên vào năm 2012 và làm thay đổi hoàn toàn sân khấu âm nhạc Bắc Triều Tiên. Ngoài các bài hát yêu nước, nhóm còn hát lại nhiều ca khúc nổi tiếng thế giới như “My Way” hay nhạc phẩm trong phim “Rocky” và chơi thành thạo đàn violon điện tử.

TC hiện đang thúc đẩy lại quá trình đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân quân sự của Bắc Triều Tiên. Các cuộc thương thuyết đã gặp thất bại vào năm 2009 vì Bình Nhưỡng lại tiến hành thử nguyên tử và cho phóng thử một tên lửa.

Bắc Kinh là đồng minh duy nhất trong khu vực của Bình Nhưỡng, đồng thời cũng là đối tác thương mại và nhân đạo duy nhất. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đang trở nên căng thẳng hơn từ vài năm gần đây vì Bắc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân. Kể từ ba năm sau khi thay thế người cha, Kim Jong Un vẫn chưa hề công du chính thức TC. – Theo RFI