Ba người được trao giải Nhân Quyền Việt Nam 2015
Ba bằng khen cho ba vị khôi nguyên tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Hòa Thượng Không Tánh, bà Bích Khương và bà Bùi Hằng
Monday, December 14, 2015 – Đằng-Giao/Người Việt
Người được vinh danh đầu tiên là Hòa Thượng Thích Không Tánh. Hòa Thượng Thích Viên Lý, viện chủ chùa Điều Ngự, Westminster lên đại diện nhận giải.
Hòa Thượng Viên Lý nói với nhật báo Người Việt: “Tôi xin tạm giữ bằng khen này rồi sẽ tìm cách trao lại cho ngài. Rất khó, nhưng tôi sẽ cố gắng.”
Hòa Thượng Thích Không Tánh trụ trì chùa Liên Trì, hiện đảm nhiệm chức vụ Phó Viện Trưởng Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, kiêm Tổng Ủy Viên Từ Thiện – Xã Hội. Hòa Thượng là một trong những thành viên sáng lập Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam.
Là một tu sĩ luôn quan tâm đấu tranh cho nhân quyền, và đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, Hòa Thượng Thích Không Tánh đã bị nhà cầm quyền CSVN liên tục đàn áp và trả thù. Năm 1976, Hòa Thượng bị bắt đi tù cải tạo 10 năm từ 1976 đến 1986.
Vào Tháng Mười 1992 Hòa Thượng lại bị kết án năm năm tù giam và năm năm quản chế với cáo buộc “lưu hành nhiều tài liệu có nội dung chống lại Nhà nước” sau khi công an lục soát phòng của Hòa Thượng trong Chùa Liên Trì và tịch thu bản sao nhiều ghi chép của Hòa Thượng Thích Huyền Quang.
Được trả tự do, Hòa Thượng vẫn tiếp tục hoạt động nhân quyền và xã hội. Tháng Mười Một 1994 công an đã bắt giữ Hòa Thượng khi ông đang quyên góp và phân phát đồ cứu trợ cho nạn nhân lũ lụt Miền Tây.
Đến tháng Tám 1995, Thượng Tọa Thích Không Tánh và Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã bị tòa án xử phạt mỗi người năm năm tù với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”.
Trong nhiều năm qua, Hòa Thượng Không Tánh đã tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, như tặng quà cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, cho bệnh nhi ung thư, cứu trợ các gia đình thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương cũng như giúp đỡ cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước có nơi sinh hoạt, hội họp để đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.
Những nỗ lực nối kết liên tôn của Hòa Thượng đã tạo nên một nguồn sinh khí mới trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo hiện nay.
Đại diện thành phố Westminster, Trị Trưởng Tạ Đức Trí và Phó Thị Trưởng Sergio Contreras tặng bằng khen của thành phố cho ba chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền. (Hình; Đằng-Giao/Người Việt)
|
Kế tiếp, blogger Uyên Vũ lên đại diện nhận giải thưởng cho bà Hồ Thị Bích Khương. “Tôi xin tạm giữ bằng này cho đến khi nào chị Khương mãn hạn tù,” ông Uyên Vũ nói với báo Người Việt.
Bà Hồ Thị Bích Khương là một dân oan đã hai lần bị nhà cầm quyền địa phương cướp đất, phá nhà, và cơ sở làm ăn (năm 1989 và năm 1996), bà Bích Khương đã đi khiếu kiện một cách vô vọng nhiều năm. Khi đang lao động ở Nam Hàn, bà đã kêu gọi các đồng nghiệp đứng lên đấu tranh và bị chủ thù ghét, đối xử tàn tệ. Bà khiếu nại với văn phòng đại diện Việt Nam tại đây, nhưng họ lại thông đồng với chủ và yêu cầu cảnh sát cưỡng bức bà về nước.
Về lại Việt Nam năm 1999, bà tham gia các cuộc biểu tình của dân oan từ các địa phương tập trung về Hà Nội để đòi lại đất. Ngày 5 Tháng Mười Một 2005, bà bị công an bắt giam tại Hỏa Lò.
Bà được trả tự do ngày 11 Tháng Mười Một 2005, và đến năm sau bà lại tham gia Khối 8406. Bà đã viết khoảng 30 bài có nội dung phản kháng chế độ độc tài cộng sản. Bà còn in ấn nhiều tài liệu về dân chủ nhằm nâng cao nhận thức và lôi cuốn họ vào phong trào đấu tranh.
Ngày 26 Tháng Năm 2007, bà bị công an bắt tại thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bà đã bị tra tấn rất tàn bạo nhưng vẫn giữ vững khí tiết và tinh thần can trường hiếm thấy ở một người phụ nữ bình thường. Cuộc tranh đấu kiên cường trong lao tù đó đã được bà ghi lại trong tập hồi ký có tựa đề: “Bước Đường Đấu Tranh Cho Công Lý Và Dân Chủ Của Tôi”.
Đầu năm 2011, bà lại bị bắt cùng với Mục sư Nguyễn Trung Tôn khi hai người sao chép và phổ biến cuốn phim “Đại Họa Mất Nước” . Bà bị xử 5 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Hiện nay bà Bích Khương còn đang ở trong tù và vẫn tiếp tục tranh đấu không ngừng để đòi quyền được đối xử tử tế cho mọi tù nhân. Vì thế bà thường xuyên bị cai tù đánh đập và hành hạ.
Bà Hồ Thị Bích Khương là một chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền chịu đựng tới ba lần tù đày và nhiều lần bắt bớ, đánh đập hết sức tàn nhẫn. Tuy thế bà vẫn luôn giữ ý chí bất khuất cho lý tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền. Bà được tổ chức Human Rights Watch trao tặng Giải thưởng Hellman/Hammett năm 2011.
Sau cùng, bà Nguyễn Thanh Tâm, cư dân Portland, Oregon, nhận giải thưởng thay cho bà Bùi Thị Minh Hằng. “Tôi thay mặt bạn tôi nhận bằng khen này rồi giữ ở đây rồi từ từ tìm cách chuyển về Việt Nam sau khi chị Minh Hằng ra tù,” bà Tâm nói.
Bà Bùi Thị Minh Hằng, tuy xuất thân từ một gia đình cộng sản có chức quyền, bà đã sớm nhận chân được bộ mặt của chế độ khi đảng viên cướp đoạt ngôi nhà của thân phụ để lại cho bà.
Từ năm 2011, bà Minh Hằng đã hăng hái tham gia biểu tình phản đối việc Tàu cộng xâm lấn lãnh hải Việt Nam và đòi dân chủ-nhân quyền.
Ngày 27 Tháng Mười Một 2011, bà bị bắt tại Sài Gòn khi tham gia xuống đường yêu cầu Quốc hội ra luật biểu tình. Bà bị đưa vào trại cưỡng bức lao động tại Thanh Hà, tỉnh Vĩnh Phúc. Do áp lực mạnh mẽ của dư luận, bà Minh Hằng được trả tự do sau năm tháng bị giam giữ. Tuy nhiên công an vẫn ngày đêm theo dõi, sách nhiễu, và trả thù hèn hạ. Mặc dù vậy, bà vẫn đấu tranh không lùi bước: bà từ chối không đóng tiền cho quỹ an ninh quốc phòng, làm đơn khởi kiện đích danh chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, viết thư cho ngoại trưởng Hoa Kỳ 7 Tháng Năm 2012, viết thư cho Quốc hội 10 Tháng Bảy 2012 tố cáo những hành động phi pháp đối với bà.
Ngày 26 Tháng Tám 2014, bất chấp sự phản đối của dư luận, chính quyền cộng sản vẫn kết án bà 3 năm tù giam. Trong tù bà vẫn không ngừng đấu tranh; bà đã tuyệt thực hơn 2 tháng. Bà Bùi Thị Minh Hằng là một con người đấu tranh trên mọi mặt và có mặt khắp mọi nơi. Cần chống xâm lược, bảo vệ Tổ Quốc thì bà ở tuyến đầu, cả ở Sài Gòn lẫn Hà Nội.
Năm 2015 đánh dấu năm thứ 67 ngày công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948-2015 – TNQTNQ). Vào đúng ngày 10 Tháng Mười Hai, 1948, tại thành phố Paris, thủ đô nước Pháp, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức long trọng lễ công bố văn kiện quan trọng này – mà vị đại diện là bà Eleanor Roosevelt, cựu đệ nhất phu nhân nước Mỹ, đã gọi đó là Bản Ðại Hiến Chương của nhân loại trong thời đại chúng ta (Magna Carta).
Cho đến nay, bản tuyên ngôn này đã được dịch ra 380 ngôn ngữ trên thế giới – và đó là cơ sở pháp lý căn bản cho công cuộc xây dựng một xã hội nhân bản và nhân ái bền vững cho mọi người sinh sống trên trái đất chúng ta vậy.
Thị Trưởng Tạ Đức Trí và Phó Thị Trưởng Sergio Contreras cũng trao bằng tưởng lục cho ba vị khôi nguyên.
Bà Tạ Phong Tần, một chiến sĩ nhân quyền cũng có mặt để ủng hộ tinh thần đấu tranh cho nhân quyền của đồng đội. Giải Nhân Quyền Việt Nam do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam thành lập từ năm 2002 nhằm mục đích tuyên dương thành tích đấu tranh bất bạo động cho lý tưởng nhân quyền tại Việt Nam. Năm ngoái, 2014, Giải Nhân Quyền Việt Nam được tổ chức tại San Jose, California, trước đó, 2013 tại Paris. Pháp, 2012 tại Montreal, Canada, và năm 2010 tại Houston, Texas.