Tin Việt Nam – 14/12/2015
TC xây trạm tiếp nhiên liệu trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa
Hôm nay, 14/12/2015, tập đoàn năng lượng TC Sinopec thông báo đang xây dựng một trạm tiếp nhiên liệu ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, tiến thêm một bước trong việc mở rộng các cơ sở hạ tầng dân sự của TC ở Biển Đông.
Tập đoàn năng lượng hàng đầu TC cho biết sẽ mất một năm để hoàn tất việc xây dựng trạm tiếp nhiên liệu và kho chứa trên đảo Phú Lâm. Theo Sinopec, trạm tiếp nhiên liệu và kho chứa này sẽ đáp ứng như cầu năng lượng của các đảo và bãi đá mà TC đang kiểm soát trên Biển Đông trong vài năm tới.
TC đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 sau một trận hải chiến với hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Bắc Kinh đã thành lập “thành phố Tam Sa” để quản lý vùng Biển Đông. Hiện có khoảng 1.000 người sống trên đảo Phú Lâm và các công ty du lịch TC đã bắt đầu tổ chức các chuyến du lịch đến quần đảo Hoàng Sa. Trong thông báo về trạm tiếp nhiên liệu, Sinopec cũng kêu gọi dân nhà giàu TC đến du lịch ở Hoàng Sa.
Hôm qua, bộ Quốc phòng TC cũng vừa thông báo là hải quân nước này trong những ngày qua đã tổ chức thêm các cuộc tập trận bằng đạn thật ở Biển Đông, nhưng khẳng định đây chỉ là những cuộc thao diễn “bình thường”.
Hoa Kỳ đã chỉ trích việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp và cũng đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra trên không và trên biển gần các đảo này. – Theo RFI
‘Dùng bạo lực là chính quyền giống côn đồ’
LHQ kêu gọi chính phủ CSVN điều tra các vụ hành hung giới hoạt động vì nhân quyền và HRW nói bạo lực kiểu này sẽ chỉ làm cho chính quyền “giống côn đồ”.
Thông cáo ra ngày 11/12 của Văn phòng Cao ủy LHQ (OHCHR) về Nhân quyền nói vụ tấn công các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam đang ở mức báo động và rằng LHQ quan ngại về việc nhà chức trách dường như làm ngơ và không truy tố những kẻ gây ra những vụ hành hung này.
“Chúng tôi thúc giục Chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an ninh cho tất cả nhà hoạt động nhân quyền và tiến hành điều tra bất thiên vị, điều tra ngay và triệt để tất cả các vụ việc được thông báo liên quan tới những người bảo vệ nhân quyền,” Ravina Shamdasani, người phát ngôn của OHCHR nói tại cuộc họp báo ở Geneva vào tuần trước.
Bà Shamdasani dẫn chiếu cụ thể tới vụ một nhóm 20 người đàn ông đã dùng gậy tấn công luật sư Nguyễn Văn Đài và những nhà hoạt động nhân quyền khác gần đây.
Được biết sự việc xảy ra sau khi luật sư Đài tới nói chuyện về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cuộc nói chuyện là một trong hàng loạt sự kiện các nhà hoạt động Việt Nam tổ chức để kỷ niệm Ngày Nhân quyền.
Vụ luật sư Đài bị hành hung cũng được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nêu lên vào Ngày Quốc tế Nhân quyền.
Hai vụ tấn công khác xảy ra mà nạn nhân là các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền để trã đũa lại những vụ việc nhạy cảm mà họ đang thực hiện, theo bà Shamdasanin.
Vào tuần trước, nhà chức trách tại Việt Nam khởi tố vụ án ‘ Cố ý gây thương tích’ trong đó 7 người hành hung hai luật sư tại Chương Mỹ.
Giới quan sát chỉ trích việc không khởi tố tội danh “cướp tài sản” (một luật sư bị lấy cắp điện thoại sau khi bị tấn công) và gọi đây là động thái ” giảm nhẹ tội” ngay từ khâu khởi tố.
Thông cáo báo chí của Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 11 cho biết Việt Nam đã bỏ phiếu trắng cho dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về những người bảo vệ nhân quyền.
Liên Hiệp Quốc dẫn lời người đại diện Việt Nam giải thích lý do đoàn Việt Nam bỏ phiếu trắng vì họ “đã tham vấn đầy đủ các cấp” và “vì lý do nghị quyết thiếu rõ ràng và cân bằng”.
‘Hứa suông’
Trong khi đó tổ chức Human Rights Watch (HRW) ra thông cáo kêu gọi Việt Nam hãy thôi “hứa suông” trong cuộc đối thoại nhân quyền sắp diễn ra với EU.
Thông cáo từ Brussels đề ngày 14/12 nói Liên minh Châu Âu (EU) cần gây sức ép để đạt được những tiến bộ cụ thể và có thể đo lường được về nhân quyền trong cuộc đối thoại song phương sắp tới với Việt Nam.
“Những cải cách thiết yếu gồm có việc chấm dứt các phiên tòa và bản án mang động cơ chính trị, phóng thích tù nhân chính trị, bảo đảm quyền tự do lập hội và quyền của người lao động, và tự do tôn giáo.
“Kết quả của cuộc đối thoại tại Hà Nội vào ngày 15 tháng Mười hai cần được công bố công khai,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được dẫn lời.
Thông cáo của HRW nói rằng “EU cần sử dụng cơ hội này để tuyên bố rõ ràng với Việt Nam rằng quan hệ thương mại thân thiện sẽ đi đôi với đòi hỏi gia tăng về nhân quyền.
“EU cần kiên định yêu cầu Việt Nam chấp thuận các điểm mốc tiến bộ rõ ràng và có thể kiểm chứng được, nếu không Việt Nam sẽ chỉ đưa ra những lời hứa suông.
“Thực hiện các biện pháp để chấm dứt việc tấn công những người phê bình chính quyền, đồng thời ngăn chặn vấn nạn công an bạo hành.
Thông cáo mô tả điều mà HRW gọi là dường như có “sự thay đổi chiến thuật” từ bắt giữ sang đe dọa và hành hung, biểu hiện rõ qua các vụ tấn công nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền và các blogger ngày càng trầm trọng hơn trong năm 2015.
“Tháng nào cũng có tin các nhà vận động dân chủ bị nhân viên mặc thường phục hoặc công an tấn công. Không một ai liên quan trong các vụ tấn công này bị truy cứu trách nhiệm.”
“EU cần nói với chính quyền Việt Nam rằng mình sẽ không bị mắc lừa trước thủ thuật đánh tráo các cuộc bắt bớ vì lý do chính trị bằng các vụ đánh đập cũng vì lý do chính trị,” ông Adams nói.
“Việt Nam cần hiểu rằng dùng đến bạo lực kiểu này sẽ chỉ làm cho chính quyền giống côn đồ trước con mắt của thế giới mà thôi.”
Trang web phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam vào ngày 10/12/2015 (Ngày Nhân quyền Thế giới) ra thông cáo nói họ “sẽ tiếp tục ủng hộ, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, nơi mà những quyền này đang bị đe dọa.” – BBC
Hội nghị 13 ‘đề cử Bộ Chính trị’
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN lần thứ 13 khai mạc sáng thứ Hai 14/12 sẽ “bỏ phiếu biểu quyết đề cử Bộ Chính trị và Ban Bí thư” khóa XII.
Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu khai mạc hội nghị cho hay “Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương về kết quả chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII”.
Đây là “một trong bốn nội dung lớn, trọng tâm sẽ được thảo luận và quyết định” tại hội nghị 13.
Cụ thể, các ủy viên Trung ương sẽ bỏ phiếu biểu quyết danh sách các ủy viên Trung ương khóa XI trong độ tuổi và các ủy viên quá tuổi nhưng thuộc trường hợp “đặc biệt” để tiếp tục tái cử khóa XII.
Các ủy viên này sẽ bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhận sự “đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi” tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII; bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
Thông báo chính thức về hội nghị 13 nói: “Theo quy trình công tác nhân sự, các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) viết phiếu giới thiệu các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi ứng cử bốn chức danh lãnh đạo chủ chốt”.
Như vậy cho tới hết kỳ hội nghị này, các ủy viên đã có thể có thông tin về sắp xếp nhân sự Đảng ở cấp cao nhất. Tuy nhiên, các thông tin này sẽ được giữ kín cho tới kỳ Đại hội XII vào đầu năm tới.
Thông thường các hội nghị trung ương kéo dài khoảng một tuần.
Được biết có thể từ nay tới khi bắt đầu Đại hội, được cho sẽ tiến hành vào cuối tháng 1/2016, sẽ còn một kỳ hội nghị trung ương nữa. – BBC
Nhạc sĩ Việt Khang mãn hạn tù
Hôm 14/12, nhạc sỹ Việt Khang đã về tới nhà tại TP. Mỹ Tho sau bốn năm tù.
Bà Chung Thị Thu Vân, mẹ ông Khang, nói với BBC rằng bà tôn trọng mọi quyết định của con trai.
Nhạc sỹ Việt Khang, tên thật là Võ Minh Trí, 37 tuổi, sinh tại Tiền Giang, được biết đến với hai ca khúc ‘Anh là ai’ và ‘Việt Nam tôi đâu’ sáng tác năm 2011. Hai bài hát này có ca từ cảnh báo hiểm họa mất nước, thể hiện cảm xúc của tác giả trước việc chính quyền đàn áp những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam.
Bài hát ‘Việt Nam tôi đâu’ của nhạc sỹ Việt Khang có những ca từ: “Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót xa nhìn đời: người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ quyền uy giàu sang dối gian; giờ đây Việt Nam còn hay mất mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta”.
Bài hát kêu gọi ‘là một người con dân Việt Nam lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm’ và ‘già trẻ gái trai giơ cao tay chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam’.
Nhiều người cho rằng hai bài hát này chính là lý do nhạc sỹ này bị chính quyền bắt giữ và đưa ra xét xử.
Ngày 30/10/2012, ông bị Tòa tại TP Hồ Chí Minh tuyên án 4 năm tù và 2 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Hôm 14/12, từ Mỹ Tho, trả lời phỏng vấn của BBC, bà Chung Thị Thu Vân, mẹ ông Khang cho hay con trai bà được một chiếc xe taxi chở về nhà lúc 14:35 sau khi rời nhà tù ở Đồng Nai.
“Ngày về của Khang rất ấm áp vì có rất nhiều người cùng chí hướng từ xa đến đón và chúc mừng. Tôi vui vì mọi sóng gió đã tạm qua và trong lúc hoạn nạn, gia đình vẫn nhận đuợc sự quan tâm của nhiều nguời, nhiều tổ chức”, bà Vân cho biết.
Bà nói thêm: “Việt Khang vẫn là niềm tự hào của gia đình. Tôi luôn tôn trọng mọi quyết định của con trai vì biết những điều Khang làm là đúng và có suy xét”.
Bà cũng cho hay trong thời gian con trai ngồi tù, gia đình gặp khó khăn về tài chính và người vợ của nhạc sỹ Khang đã chia tay chồng.
Việc đầu tiên mà nhạc sỹ Việt Khang làm sau khi ra tù là đón con trai, nay đã 7 tuổi, tan học vào lúc 17:00 cùng ngày.
Hôm 14/12, một đoàn gồm hơn 40 người thuộc một số tổ chức Xã hội dân sự và những người bất đồng chính kiến tại Sài Gòn đã có mặt từ sớm tại Mỹ Tho để đón mừng nhạc sỹ ra tù.
Một số người trong đoàn cáo buộc họ “bị sách nhiễu khi nghỉ qua đêm tại một khách sạn gần chợ Mỹ Tho”. – BBC
Phiên xử Nguyễn Viết Dũng ‘áp đặt’ — LS Lê Văn Luân: Phiên Tòa Kỳ Lạ
Luật sư Võ An Đôn, một trong bốn luật sư tham gia bào chữa cho Nguyễn Viết Dũng, thanh niên mặc quân phục VNCH, cáo buộc phiên xử sáng 14/12 là ‘áp đặt’ và án phạt 15 tháng tù ‘tuy nhẹ nhưng rất oan cho bị cáo’.
Nguyễn Viết Dũng, thanh niên mặc quân phục Việt Nam Cộng hòa, bị 15 tháng tù vì tội Gây rối trật tự công cộng trong phiên xử sáng 14/12.
Ông Dũng, biệt danh trên mạng xã hội là Dũng Phi Hổ, được biết tới nhiều sau khi trên mạng xã hội có hình ông mặc quân phục rằn ri của chế độ Sài Gòn và treo cờ vàng ba sọc.
Ông bị bắt sau khi tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội hôm 12/4, sau đó bị tạm giam và khởi tố theo Điều 245 tội Gây rối trật tự công cộng.
Cho tới nay Nguyễn Viết Dũng đã bị giam hơn tám tháng và như vậy có thể được tự do vào giữa năm tới.
Phiên tòa tại Tòa án quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, diễn ra chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
‘Tinh thần cứng rắn’
Hôm 14/12, trả lời phỏng vấn của BBC từ Hà Nội, luật sư Võ An Đôn, một trong bốn luật sư (cùng các ông Trần Thu Nam, Lê Văn Luân và Nguyễn Khả Thành) tham gia bào chữa cho Nguyễn Viết Dũng, cho hay: “Đây quả là một phiên tòa kỳ lạ.
“Tòa án chỉ triệu tập duy nhất một mình bị cáo Dũng đến phiên xử mà không triệu tập bất kỳ người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nào để làm sáng tỏ vụ án. Điều này hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luật.
“Tại phiên tòa, bị cáo Dũng yêu cầu hoãn phiên tòa vì sức khỏe yếu không thể tham gia phiên tòa được. Cả bốn luật sư đều đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa và yêu cầu triệu tập người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bị hại nhưng không được hội đồng xét xử chấp nhận.”
Luật sư Đôn mô tả: “Do đang bị ốm, bị cáo Dũng từ đầu đến cuối chỉ ngồi im lặng nhắm mắt, không trả lời bất kỳ một câu hỏi nào của hội đồng xét xử. Điều đặc biệt là khi đứng trước tòa, ông Dũng vẫn mặc áo có gắn lá cờ vàng ba sọc đỏ trước ngực bên túi áo trái và chứng tỏ tinh thần cứng rắn.
Luật sư tường thuật: “Đến phần tranh luận, chủ tọa phiên tòa liên tục ngắt lời bào chữa của các luật sư, không cho tranh luận. Cả bốn luật sư đều bị chủ tọa nhiều lần cảnh cáo vì nội dung tranh luận không theo ý chí chủ quan của chủ tọa.
Sau ba lần bị cảnh cáo, chủ tọa phiên tòa đã đuổi luật sư Lê Văn Luân ra khỏi phòng xử án. Ba luật sư còn lại thấy quyền bào chữa của mình không được bảo đảm nên đồng loạt đứng dậy bỏ ra về.”
Về bản án 15 tháng tù giam cho ông Dũng, luật sư nhận định: “Tuy bản án nhẹ nếu xét theo Điều 245, nhưng rõ ràng rất oan cho bị cáo vì có hàng trăm người tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội nhưng chỉ mình ông Dũng bị truy tố.”
Nguyễn Viết Dũng sinh năm 1986 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Trần Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Khi còn là học sinh trường Trung học Phổ thông Bắc Yên Thành, Nghệ An, ông Dũng từng tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2003 – 2004 và đạt giải nhất cuộc thi tháng.
Sau đó ông trở thành sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng bị đuổi học vào cuối năm 2006 do “lợi dụng biểu tình chống Trung Quốc để tuyên truyền, đả kích, bôi xấu chế độ”.
Ngày 2/4/2015 Nguyễn Viết Dũng thành lập Đảng Cộng Hòa và Hội những người yêu quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ông tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm hôm 12/4 và bị bắt. – BBC
***
FB LS Lê Văn Luân (14-12-2015): Tôi đang bào chữa cho bị cáo Nguyễn Viết Dũng thì vị chủ tọa phiên tòa luôn tìm cách hạn chế, cắt ngang những luận điểm của tôi và còn “đuổi” tôi ra khỏi phòng xử. Ba luật sư còn lại cũng đã đều bị cảnh cáo trước đó cũng không tiếp tục tham dự phiên tòa vì không thể bào chữa nếu luôn bị ngắt ngang, hạn chế đến mức “lạm quyền” như vậy.
Phiên tòa không 1 nhân chứng, không vật chứng. Luật sư cũng không thể bào chữa, bị cáo thì đã báo không đủ sức khỏe tại phần đầu phiên tòa, dù được đo huyết áp ngay tại phiên tòa nhưng bác sỹ lại “báo kín” với chủ tọa mà không ra công khai tình trạng sức khỏe của bị cáo tại phiên tòa cho bị cáo và các luật sư được biết.
Trước khi tôi ra khỏi phiên tòa, tôi đã nói: Tòa phải tôn trọng khoa học pháp lý, tôn trọng sự thật và luật sư khi bào chữa.
Một phiên tòa kỳ lạ của bà Chủ tọa.
P/s: Hiện tôi được thông báo là tòa vẫn xử và tuyên 15 tháng tù giam đối với Nguyễn Viết Dũng.
____
FB LS Võ An Đôn – Một Phiên Toà Áp Đặt (14-12-2015): Sáng nay ngày 14/12/2015, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm mở phiên tòa sơ thẩm vụ án Nguyễn Viết Dũng, phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Tòa án chỉ triệu tập duy nhất một mình bị cáo Nguyễn Viết Dũng đến tham gia phiên tòa, không triệu tập bất kỳ người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nào đến dự phiên tòa để làm sang tỏ vụ án. Điều này hoàn toàn không đúng với qui định của pháp luật.
Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Viết Dũng yêu cầu hoãn phiên tòa vì sức khỏe yếu không thể tham gia phiên tòa được. Cả 4 luật sư đều đề nghị thay đổi Chủ tọa phiên tòa và yêu cầu triệu tập người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bị hại nhưng không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Riêng bị cáo Nguyễn Viết Dũng vì sức khỏe yếu từ đầu đến cuối chỉ ngồi im lặng nhắm mắt, không trả lời bất kỳ một câu hỏi nào của Hội đồng xét xử. Điều đặc biệt là khi đứng trước tòa bị cáo Nguyễn Viết Dũng vẫn mặc áo có gắn lá cờ vàng ba sọc đỏ trước ngực bên túi áo trái.
Đến phần tranh luận Chủ tọa phiên tòa liên tục ngắc lời bào chữa của các luật sư, không cho tranh luận, cả 04 luật sư đều bị Chủ tọa nhiều lần cảnh cáo vì nội dung tranh luận không theo ý chí chủ quan của Chủ tọa phiên tòa. Sau ba lần bị cảnh cáo, Chủ tọa phiên tòa đã đuổi luật sư Lê Văn Luân ra khỏi phòng xử án, tất cả các luật sư còn lại thấy quyền bào chữa của mình không được bảo đảm nên đồng loạt đứng dậy bỏ ra về.
Sau khi chúng tôi bỏ về, thì được bố mẹ Nguyễn Viết Dũng cho biết, Dũng bị Tòa án quận Hoàn Kiếm tuyên xử 15 tháng tù giam.
Nếu Nguyễn Viết Dũng có kháng cáo, thì tất cả bốn luật sư của chúng tôi tiếp tục tham gia bào chữa cho Dũng ở phiên tòa cấp phúc thẩm. – Basam