Giai Đoạn Chót của Cộng Sản Việt Nam Trên Tiến Trình Tự Hủy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Giai Đoạn Chót của Cộng Sản Việt Nam Trên Tiến Trình Tự Hủy

Đoàn Văn Vươn, Người Bắn Pháo Lệnh Đầu cho Tiến Trình Tự Hủy của Chế Độ

* NGUYỄN CAO QUYỀN  
40 NĂM HÒA BÌNH NHÌN LẠI
Những vấn đề chính trị và kinh tế của VN từ sau năm 1975 đã hỗ tương ảnh hưởng và phối hợp bất đắc dĩ để tạo nên một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong nội tình đảng Cộng Sản. Nhiều nhà quan sát quốc tế có thẩm quyền cho rằng cuộc khủng hoảng này có thể là màn chót của chế độ.    Quan sát hiện tượng sụp đổ của Liên Xô và của các nước Đông Âu sau năm 1988, người ta thấy đảng CS của các quốc gia nói trên đã rời khỏi chính quyền không phải vì một cuộc nổi dậy võ trang của quần chúng mà vì tư tưởng của một số nhân vật lãnh đạo trong tổ chức của họ đã thức tĩnh. Thức tỉnh, vì những mâu thuẫn trong lòng xã hội của họ đã không thể nào giải quyết.    Sau gần 20 năm “Đổi Mới” đảng CSVN ngày nay cũng đang ở trong tình trạng nói trên.  Cung cách làm ăn theo kinh tế thị trường (KTTT) và những đòi hỏi của phương thức phát triển này đã buộc những người lãnh đạo cộng sản, giờ đây, phải xa rời ảo tưởng xã hội chủ nghĩa của họ lúc ban đầu. Sự việc này reo rắc hoang mang và ngờ vực trong quần chúng cũng như trong giới đảng viên thuộc mọi cấp vì người ta thấy rằng lời nói của các lãnh tụ  không còn đi đôi với việc làm.    Chính sách “Đổi Mới”, mặt khác, cũng gây bất mãn trầm trọng khắp nơi vì nó đã tạo nên một giai cấp giàu có gồm toàn họ hàng và gia đình các đảng viên tham nhũng, trong khi những người làm ăn lương thiện và đại đa số quần chúng, nông dân cũng như  công nhân, vẫn bữa no bữa đói và vẫn ngụp lặn triền miên trong sự thiếu thốn trường kỳ về mọi mặt của cuộc sống.    Một cuộc khủng hoảng trầm trọng không lối thoát, do đó, đã xảy ra trong nội tình đảng CSVN, và dân dần lan rộng ra cả nước. Tập đoàn lãnh đạo độc tài, ngoan cố và bất lực tuy vẫn ngồi đó vì họ đang còn sức mạnh để ngồi đó, nhưng chỗ ngồi của họ đã bắt đầu lung lay, không vững chắc. Bao giờ và bằng các nào họ sẽ sụp đổ, điều đó chưa thể tiên đoán chính xác, nhưng trong lịch sử lâu đời cũng như cận đại của xã hội loài người thì hình như chưa có một chế độ chính trị tham nhũng và thối nát tương tự lại có thể trường tồn nguyên vẹn trong thời gian.    Những đoạn viết sau đây sẽ giúp độc giả theo dõi tiến trình suy sụp của CSVN, một tiến trình thể hiện rất rõ nét qua cơn khủng hoảng kéo dài đã nhiều năm mà không có hy vọng gì chấm dứt. Ngõ bí không lối thoát    Chế độ độc tài Stalinít mà những người cộng sản áp dụng ở Việt Nam từ hơn một nửa thế kỷ nay đã được ngụy trang dưới công thức mị dân lừa bịp: đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý.  Trên thực tế, vì đảng và nhà nước là một nên đảng vừa lãnh đạo, vừa quản lý, còn nhân dân tuy được khoác cho nhãn hiệu làm chủ chỉ còn biết cúi đầu vâng lệnh như một đoàn nô lệ.    Đảng lãnh đạo có nghĩa là quyền hành được thâu tóm trong tay một nhóm người ngồi trong Bộ Chính Trị (BCT).  Sau mấy chục năm được dân chúng tuyệt đối tuân phục, nhóm người này đã trở thành hư hỏng, tự cao, tự đại và tự cho rằng họ có sứ mệnh lịch sử phải vĩnh viễn ở lại chính quyền.    Sự tập trung quyền hành trong tay một nhóm người, nếu có phần nào hợp lý trong thời kỳ chiến tranh, thì khi hòa bình trở lại, đã trở thành nguyên nhân mọi nỗi bất hạnh của dân tộc. Thảm trạng của đất nước hiện nay bắt nguồn từ sự kiện những người ngồi trong BCT toàn là những người không có chút hiểu biết gì về kinh tế thị trường, những người đã bị đà tiến của xã hội sau thời “Đổi Mới” đánh rớt lại đằng sau.  Đỗ Mười là hình ảnh đặc trưng cho những kẻ dốt nát đang gây tai họa cho tổ quốc    Lẽ sống và lý do tồn tại của BCT đảng CSVN là cố duy trì bằng mọi giá một bề ngoái đoàn kết. Tuy trong dĩ vãng không có những cuộc thanh toán đẫm máu như ở Liên Xô và Trung Cộng, nhưng như vậy không có nghĩa là họ đã đạt tới một tình trạng đồng thuận hài hòa trên mọi lãnh vực.    Thực tế và lịch sử đảng CSVN đã chứng minh là để giữ một sự nhất trí giả tạo, BCT đã không thể có những quyết định chung mỗi khi có những việc quan trọng phải gỉải quyết. Nói khác, sự đồng thuận trong nội bộ của họ chỉ có thể thực hiện được ở mức độ thấp và điều này là nguyên nhân chính yếu của cuộc khủng hoảng không lối thoát hiện nay.    Sự bất lực nói trên của BCT tạo điều kiện cho các chính quyền địa phương quyết định và hành xử độc lập. Hậu quả là những pháp lệnh xuất phát từ trung ương đã không còn được nghiêm chỉnh thi hành. Chính sách “Đổi Mới” và KTTT càng làm cho hậu quả này mỗi ngày một thêm trầm trọng    Ý thức được tình trạng nguy hiểm nói trên, sau năm 1991, BCT đã ra một loạt quyết định để tước bớt quyền hành của địa phương nhưng mọi cố gắng đều tỏ ra vô hiệu.  Địa phương tiếp tục tỏ thái độ độc lập và chỉ thi hành những phần quyết định nào của trung ương có lợi cho họ. Một tình trạng “thập nhị xứ quân” thực sự đang ngự trị trên môi trường chính trị suy tàn và trong nền kinh tế phát triển cức kỳ hỗn loạn tại Việt Nam.    Thực trạng này đã buộc những thành phần trong BCT phải kéo bè kéo cánh với địa phương để giữ ảnh hưởng của mình. Nạn bè phái do đó càng ngày càng bành trướng, nuôi dưỡng bất công tham nhũng và làm mất khả năng cai trị của Đảng.    Đây là một hiện tượng quen thuộc vì nó là hậu quả tất yếu của mọi chế độ chính trị Stalinít, đã xảy ra đồng loạt tại các quốc gia cộng sản Đông Âu trong giai đoạn thoái trào trước khi sụp đổ. Trong giai đoạn này, sự mất phương hướng và sự lúng túng đã khiến những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam trở nên trơ trẽn và hành động tùy tiện vô chính sách. Hậu quả của khủng hoảng    Nét trơ trẽn dễ thấy nhất là tâm tư và thái độ kính phục của những người lãnh đạo CS đối với KTTT. Tuy không nói ra nhưng, trong thâm tâm, họ đã nhanh chóng quên hết những điều răn dạy của Marx để chấp nhận với một sự ngưỡng mộ cung kính cảc lập luận của Adam Smith.    Sự ngưỡng mộ này, trên thực tế, đã chuyển vị thành hành động: kể từ năm 1988 chính sách căn bản của nhà nước CSVN là người dân có quyền làm giàu một cách chính đáng. Với một giọng rất “tư bản” họ dõng dạc tuyên bố: “dân có giàu nước mới mạnh, quan niệm lỗi thời chống đối lãnh vực kinh tế tư nhân phải rứt khoát lọai bỏ”.    Lối lập luận này gây ngạc nhiên và hoang mang không ít cho những người cộng sản trung kiên, suốt đời tận tụy với ảo tưởng họ theo đuổi. Một sự ngờ vực nguy hiểm đang lan tràn trong hàng ngũ đảng viên để trở thành một tâm trạng bất mãn cao độ khi họ thấy ̣những kẻ cơ hội có đặc quyền đặc lợi đã làm giàu phi pháp một cách quá nhanh chóng trong khi thân phận của họ cũng như thân phận của đại đa số nhân dân thì bị đảng và nhà nước bỏ rơi một cách tàn nhẫn và thê thảm. Người ta đang nghĩ và nói đến một sự phản bội từ phía những người lãnh đạo.    Sự phản bội này có nguyên nhân ở trình độ thấp kém và lòng tham không đáy của những thành phần ngồi trong Bắc Bộ Phủ. Nhận thấy KTTT là lối thoát duy nhất cho cơn bĩ cực hiện nay, họ đã thản nhiên đi ngược lại những lý tưởng đắt giá lúc ban đầu mà ba triệu người Việt Nam đã phải trả bằng sinh mạng và gần như nửa nước đã phải trả bằng những sự chịu đựng và hy sinh vô bờ bến.    Họ không nhận thức được rằng KTTT sẽ đưa đến những hậu quả nguy hại cho chính khả năng tồn tại của họ trong vị thế lãnh đạo đất nước, nếu không có những sự điều chỉnh và thích ứng kịp thời về các mặt xã hội và chính trị. Cái chết của họ là ở chỗ đó.  Họ có thể ngoan cố kéo dài thời gian ở lại chính quyền bằng bạo lực và đàn áp nhưng nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì một mô thức xã hội khác sẽ thành hình như nó đã thực sự thành hình tại Việt Nam.    Cái mô thức xã hội xấu xa và bệnh hoạn ấy, giờ đây, gồm rất đông những phần tử chí biết chạy theo tiếng gọi của đồng tiền. Vì tiền họ có thể làm bất cứ việc gì kể cả việc sử dụng tội ác. Họ là những tên lưu manh vô đạo và những tên cán bộ cộng sản biến chất.  Nói tới vấn đề biến chất của cán bộ, cần lưu ý ngay đến sự kiện là sau năm 1995  trong số 3 triệu đảng viên, hàng ngũ những người gia nhập đảng vì lý tưởng cộng sản đã càng ngày càng thưa thớt để nhường chỗ cho các kẻ cơ hội, gia nhập đảng với mục đích tiến thân và thủ lợi. Đó là lý do đảng CSVN ngày nay đã mang đủ thói hư tật xấu: hãnh tiến, quan liêu, buôn lậu. tham nhũng, lấy cắp của công, ăn chơi đàng điếm, bóc lột và hà hiếp nhân dân.    Năm 1990 đã có những đề nghị đuổi ra khỏi đảng từ 30% đến 40% đảng viên biến chất, nhưng từ đó đến nay chưa có một cuộc thanh lọc nào đáng ghi nhận. Tình trạng biến chất, giờ đây, đã tăng trưởng tới mức đô ̣gần như toàn diện và những tệ nạn nói trên đang trỡ thành một tai họa cho dân tộc. Đang có nhiều dấu hiệu cho thấy tệ nan tham nhũng là động cơ bất ổn chính yếu của chế độ và nếu không được khắc phục, chắc chắn sẽ trở thành nguyên nhân làm chế độ tiêu tan. Bên Trung Quốc hiện nay, Tập Cận Bình khi liều chết ban hành chính sách “đả hổ diệt ruồi” cũng là vì muốn bài trừ đến tận gốc rễ tệ nạn tham nhũng này. Bộ mặt của tham nhũng    Việt Nam ngày nay được mô tả như là một quốc gia có tệ nạn tham nhũng đứng  vào hạng thứ ba trên thế giới. Tham nhũng xuất hiện vì nhiều lý do như trên đã trình bầy, nhưng bên cạnh những lý do này, một số nhà quan sát quốc tế còn cho rằng đó là vì nhà nước CSVN đã nuôi ảo tưởng tổng hợp được hai mô thức phát triển tư bản và xã hội chủ nghĩa. Ảo tưởng này mỗi ngày chỉ làm trầm trọng thêm sự què quặt của chế độ và sự suy yếu của chính quyền trung ương.    Bằng chứng quan trọng nhất của sự suy yếu này là việc quân đội, sau một thời gian dài thanh liêm và trong sạch, sau cùng cũng đã bị hơi tiền khuất phục.  Một khi quân đội đã nhập cuộc tham nhũng thì khả năng và quyết tâm bảo vệ chế độ chắc chắn sẽ không còn được bao nhiêu.    Tệ trạng tham nhũng xuất hiện dưới ba hình thái: hối lộ, buôn lậu, và chiếm hữu đất đai bất hợp pháp.    Nạn hối lộ hay nói đúng hơn nạn đòi hối lộ nở rộ tử sau ngày “đổi mới”.  Có thể nói mà không sợ sai lầm là trong hệ thống chính quyền CSVN ngày nay không một bộ phận nào lại không mắc phải tệ trạng này. Nó đã trở thành một cái “mốt”, một cái quyền đương nhiên của bất cứ cá nhân nào có chút quyền lực trong tay, kể từ người gác cổng trở lên tới người cầm đầu chính phủ.    Hậu quả nguy hại của nạn thi đua đòi hối lộ là sự rút lui của các công ty ngoại quốc, tuy đã bỏ vốn ra đầu tư nhưng không có thói quen chịu đựng những sự sách nhiễu tiền bạc theo kiểu “tham quan ô lại” thời phong kiến. Nó cũng làm chùn bước những người có ý định hợp tác làm ăn với VIệt Nam. Người ta ngại vì biết rằng, từ lâu tham nhũng đã xâm nhập cả vào hệ thống tòa án của xứ này và, bên cạnh vấn đề tham nhũng, hế thống luật pháp của nhà nước cộng sản còn quá đơn sơ và thiếu sót, không đủ khả năng để che chở cho bất cứ ai mỗi khi có chuyện cần được phân xử trước tụng đình.    Hình thái thứ hai của tham nhũng là buôn lậu. Tệ trạng này phổ biến hơn nạn đòi hối lộ vì nó có đất dụng võ cả trong lẫn ngoài phạm vi của chính quyền. Khác với nạn đòi  hối lộ, nó có thể quy ra thành tiền và như vậy sự thiệt hại gây nên mang tính cách cụ thể và rõ rệt hơn nhiều.    Năm 1995 số hàng nhập lậu vào Việt Nam đã lên tới 1,8 tỷ đô la so với tổng số 6,5 tỷ đô la là hàng nhập khẩu hợp pháp (The Financial Times, tháng 2/1996-Indochina Chronology các tháng 10 và 12/1995 trang 7).  Nạn buôn lậu càng ngày càng bành trướng không có cách chi dập tắt được. Chính nhà nước cộng sản cũng đã phải nhìn nhận rằng những cơ quan và chức quyền đặt ra để chống buôn lậu đã nhanh chóng trở thành những tổ chức buôn lậu, đôi khi còn khó phát hiện hơn. (US Foreign Broadcast Information Service FBIS  1/11/1994 trang 74).    Hình thái thứ ba của tham nhũng là việc chiếm hữu đất đai bất hợp pháp.  Đây là tệ trạng có tầm mức phổ biến nhất và đồng thời cũng là tệ trạng nguy hiểm nhất vì nó có khả năng làm nổ tung chế độ.    Ở Việt Nam, từ sau ngày “Đổi Mới”, cán bộ cộng sản đã làm giàu nhanh chóng nhờ việc chiếm dụng đất đai bất hợp pháp để bán, cầm cố, vay tiền, hoặc chung vốn với công ty nước ngoài đến đầu tư. Vào giữa năm 1995 đã có tới 40.000 vụ vi phạm luật nhà đất, xảy ra không chỉ ớ các đô thị xầm uất mà còn ở cả các vùng nộng thôn nghèo đói.  Hơn 4 triệu héc-ta đất trồng cấy tại các vùng quê đã bị bọn cường hào ác bá cộng sản tịch thu trắng trợn để chuyển nhượng bất hợp pháp cho người nước ngoài lấy tiền đút túi (U.S FBIS 1/11/1994 đã dẫn).    Điều tệ hại nhất là những vụ vi phạm đất đai dù quan trọng và rõ rệt đến đâu cũng không bị trừng phạt vì chính những ông quan cộng sản, càng quyền cao chức trọng bao nhiêu thì lại càng làm bậy bấy nhiêu. Người dân bị tước đoạt một cách trắng trợn và tàn tệ đã leo thang phản đối. Từ các vụ Thọ Đà, Kim Nổ với hàng trăm người biểu tình phản đối vào năm 1997, ngày nay người ta đã chứng kiến các vụ Thái Bình, Xuân Lộc, Đồng Nai với hàng ngàn người bất mãn xuống đường.    Bạo động cũng đã leo thang trong các vụ phản đối này bất chấp mọi đàn áp và khủng bố. Có thể hài ra đây một số vụ điển hình để dẫn chứng.    Vụ thứ nhất là vụ Đoàn Văn Vươn xảy ra tại huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng. Đầu năm 2012, phát súng Đoàn Văn Vươn bắn vào đám quan quân đến chiếm đất đã làm giật mình cả nước tuy phát súng ấy không làm ai chết hoặc bị thương. Người dân oan ức bị mất đất, và một số trường hợp gần như bị cướp đất, không còn cách nào khác ngoài việc phải liều lĩnh hành động để giành giật sự sinh tồn cho gia đình.    Sau vụ kháng chiến chống chiếm đất của Đoàn Văn Vươn, một số địa phương vẫn hành xử theo cách mà người dân bị chiếm đất gọi là “luật rừng”. Các vụ Văn Giang ở Hưng Yên, Vụ Bản ở Nam Định, Dương Nội ở Hà Nội, và nhiều vụ khác tương tự vẫn tiếp tục xảy ra trên cả nước.    Vụ thứ hai cần kể lại là vụ Đăng Ngọc Viết xảy ra vào chiều ngày 11/9/2013. Vào buổi chiều hôm đó, Đặng Ngọc Viết xông vào trụ sở Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thái Bình, dùng súng Colt bắn thẳng vào các cán bộ Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất khiến một người chết và hai người bị thương. Khác với vụ Đoàn Văn Vươn, việc sử dụng vũ khí của Đặng Ngọc Viết, lần này, đã làm chết người.  Phản ứng này đã vượt quá mọi giới hạn của kìm nén và sợ hãi và tượng trưng cho một bước leo thang mới.  Mối xung khắc giữa Đặng Ngọc Viết và chính quyền cộng sản có thể nói là đã hết thuốc chữa.    Cuộc chiến giữa chính quyền và nhân dân để tranh giành đất đai có thể nói là vẫn tiếp tục xảy ra, mỗi ngày một trầm trọng hơn. Cho đến nay, trên toàn quốc vẫn diễn ra không ngớt các cuộc thu hồi đất bất công, dẫn tới những cuộc cưỡng chiếm thô bạo làm chết dân. Trong khi đó, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội vẫn thay mặt cho đa số cử tri để thể hiện chỉ đạo của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về “cương lĩnh Đảng quan trọng hơn hiến pháp”.    Những năm tới sẽ là giai đoạn trục lợi và vơ vét cuối cùng trước khi nền kinh tế sụp đổ hoàn toàn. Mức độ và tính chất vơ vét sẽ tăng tốc, tàn nhẫn và hung bạo hơn.  Phản ứng của dân chúng lại càng phẫn uất và quyết liệt không kém.    Phản kháng của dân chúng sẽ tập trung vào lãnh vực đất đai, môi trường và điều kiện lao động. Số đợt và số người biểu tình tuần hành sẽ gia tăng.  Hầu hết các hiện tượng như vậy sẽ diễn biến theo chiều hương tự phát và thiếu kiểm soát. Đối kháng của người dân sẽ biến thành bạo lọan và chính quyền sẽ không thể ngồi yên. Những tử huyệt của chế độ    Nhìn vào xã hội Việt nam ngày nay, người ta thấy uy quyền của đảng Cộng Sản đang ở trên một tiến trình sút giảm trầm trọng. Cuộc khủng hoảng chính nghĩa đã khiến quần chúng xa rời những người lãnh đạo và không còn thiết tha gì với các vấn đề chính trị. Sau một thời gian dài hy sinh hiện tại để xây dựng thiên đường cộng sản, người dân giờ đây, chỉ còn tin vào sức mạnh của đồng Đô La Hoa Kỳ.    Họ thi đua ráo riết để tranh thủ tối đa loại mãi lực quốc tế này vì coi nó như chân giá trị của hạnh phúc. Giữa đảng và nhân dân không còn mối liên hệ keo sơn như trước nữa. Đảng đã hiện nguyên hình là giai cấp bóc lột, còn nhân dân ngậm đắng nuốt cay vì bị đánh lừa, chỉ chờ cơ hội là vùng lên hỏi tội những kẻ đã manh tâm làm giàu trên sương máu của chính họ và của gia đình họ.    Mất thế nhân dân đảng chỉ còn trông cậy vào số ba triệu đảng viên nhưng, như trên đã nói, những người này chắc không còn muốn liều chết cho đảng như thuở xa xưa nữa vì họ chỉ toàn là những kẻ cơ hội. Đảng như một con bệnh đang ở trong thời kỳ mê sảng vì nó sợ cái bóng của chính nó. Cái bóng đó là “dân chủ đa nguyên” và “diễn biến hòa bình”.    Trên thực tế, tuy chế độ chính trị tại Việt Nam hiện nay chưa phải là dân chủ nhưng nó đã mang tính cách đa nguyên. Đa nguyên vì BCT đã phân hóa thành hai phe đối nghịch: cải cách và bảo thủ. Đa nguyên vì các địa phương giờ đây không còn tuân lệnh trung ương. Tình trạng này không phải do một thế lực phản động nào gây nên mà do chính sự biến chất của các thành phần trong đảng tạo thành.    Bài học rút ra từ kinh nghiệm của các quốc gia Đông Âu, sau sự thành công của cuộc cách mạng dân chủ năm 1989, là: muốn có diễn biến hòa bình thì xã hội dân sự đã phải hình thành. Thiếu điều kiện này cuộc đấu tranh của sinh viên Trung Quốc tại Thiên An Môn năm 1989 đã thất bại.    Việt Nam ngày nay tuy chưa có một xã hội dân sự theo đúng nghĩa của thuật ngữ này nhưng khi nhận xét rằng toàn dân đã tự tách rời khỏi đảng và không còn màng tới các vấn đề chính trị nữa, thì như thế có nghĩa là một xã hội dân sự đã manh nha và chỉ còn chờ cơ hội để hoàn chỉnh tổ chức. Tình trạng này cũng là do chính bản thân đảng gây ra.    Khởi loạn là đường cùng của nhân dân. Đó cũng là bài học cho các chính khách đương thời và những nhà quản lý xã hội tương lai. Một trong những giải pháp tốt đẹp nhất cho xã hội Việt Nam trong thời gian trước mắt chỉ có thể đến từ xã hội dân sự.    Song song với các mục tiêu ngắn hạn, những nhóm nhân sĩ và trí thức trong và ngoài nước cần phối hợp tiến hành ngiên cứu một đề án về xã hội dân sự Việt Nam, cho một hai thập kỷ sắp tới, nhưng những tiền đề của xã hội dân sự ấy có thể được ứng dụng ngay nếu các điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội cho phép.    Phong trào dân chủ và sự xuất hiện của một xã hôi dân sự ở Việt Nam đang nằm trong xu thế và lộ trình trung hạn (2015-2020) và nếu được tổ chức tốt, phong trào có thể góp sức cho xã hội về những triển vọng lạc quan cho tương lai của dân tộc.