Nhận định thời cuộc theo quan điểm của Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn – Hoài Sơn
Thưa quý bạn,
Hôm nay tôi sẽ trình bày với quý bạn một đề tài mới có tựa là ““Nhận định thời cuộc theo quan điểm của chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn ‘‘.
Đề tài gồm có 2 phần chánh là:
1.- Sơ lược về chủ nghĩa DTST.
2.- Nhận định thời cuộc theo quan điểm của chủ nghĩa DTST.
Sau đây là nội dung phần I:
I.- Sơ lược về chủ nghĩa DTST:
Nguyên chủ nghĩa DTST được Đảng Trưởng Trương Tử Anh công bố tại Hà Nội vào đầu tháng 9 năm 1939, lúc trận Thế Chiến Thứ Hai vừa bắt đầu bùng nổ tại biên thùy hai nước Đức – Ba Lan tại Âu Châu. Lúc mới phác thảo, chủ nghĩa DTST chỉ nhằm vào mục đích duy nhất là chống lại Thực Dân Pháp để dành lại độc lập cho Việt Nam.
Nhưng trong lúc tranh đấu, anh Trương Tử Anh đã nhiều lần bị nhà cầm quyền Pháp bắt và giam chung với những nhà lảnh đạo Cộng Sản. Nhờ đó, anh đã có nhiều dịp thảo luận về chủ nghĩa và chánh sách với những nhà lảnh đạo cộng sản này. Qua các cuộc thảo luận, anh nhận thức rỏ những họa hại mà chủ nghĩa Cộng Sản với chủ trương giai cấp tranh đấu, chia rẻ hàng ngũ dân tộc sẽ mang lại cho đất nước. Vì đó anh đã điều chỉnh lại chủ nghĩa DTST thành một chủ nghĩa vừa chống lại thực dân, vừa chống lại cộng sản, để xây dựng Việt Nam từ một nước bị trị, yếu hèn thành một nước độc lập, hùng cường ở Đông Nam Á.
Chủ nghĩa DTST có thể tóm lược như sau:
Trong hoạt động hàng ngày, con người chịu sự chi phối nặng nề của những bản năng mà quan trọng nhất là bản năng sinh tồn. Vậy Bản Năng Sinh Tồn là gì?
Là một bản tánh thiên nhiên,lúc mới sinh ra con người đã có rồi. Nó hổn hợp với cơ thể con người suốt cả đời và chỉ bị tiêu diệt khi con người chết. Do đó, nó chi phối cả đời sống con người, từ lúc con người mới cất tiếng chào đời cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt.
Nhờ có bản năng sinh tồn mà con người có một ý chí sinh tồn hết sức mạnh mẽ. Ý chí sinh tồn này được phát hiện rõ ràng trong tất cả các hoạt động của con người.
– 2 –
Con người hoạt động để làm gì?
Ngẩm cho kỹ, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, con người hoạt động chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất là sống và tồn tại, nói rõ hơn, là để sinh tồn: sinh tồn về vật chất, sinh tồn về tinh thần, sinh tồn của cá nhân, sinh tồn của chủng loại.
Muốn sinh tồn, người phải làm gì?
Phải tranh đấu, vì trên cõi đời này trừ không khí ra, cái gì người cần đến để sống, người cần phải tranh đấu mới có được. Vậy tranh đấu là điều kiện căn bản của sự sinh tồn.
Người tranh đấu với những trở lực nào?
Với 3 trở lực chánh, đó là: a.-thiên nhiên, b.-cầm thú, c.-đồng loại.
Cuộc tranh đấu chống ba trở lực này xảy ra cùng một lúc: người vừa phải cất nhà để chống mưa nắng, vừa giết thú vật để ăn, vừa chống đồng loại để bảo toàn mạng sống và tài sản của mình. Ngoài ra, người còn phải tranh đấu với nội tâm để chống lại những thị dục thấp hèn cám dổ người làm điều sai quấy.
Cuộc tranh đấu có khi ôn hòa, có khi bạo tợn. Nhưng dầu ôn hòa hay bạo tợn, bao giờ nó cũng mang đến kết quả là thắng hay bại.
Nhờ đâu con người thắng được?
Con người sở dỉ thắng được trong cuộc tranh đấu là nhờ hội đủ 3 điều kiện tối cần sau đây: a- có sức mạnh, b- có xu hướng biến cải, c- biết hợp quần.
a- Sức mạnh: Sức mạnh gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Đây là điều kiện tối cần. Cổ nhân có câu ““mạnh được yếu thua”. Đó là lẽ hằng xưa nay.
b- Xu hướng biến cải: Xu hướng biến cải là cái quan năng giúp người biến cải cách tranh đấu trong những hoàn cảnh bất thuận lợi để chuyển bại thành thắng hay ít ra cũng thoát được hiểm nguy.
Nói rõ hơn, xu hướng biến cải là dùng mưu mô, sách lược trong cuộc tranh đấu. Ngạn ngữ có câu “mạnh dùng sức, yếu dùng chước”. Chước là xu hướng biến cải vậy. Những ví dụ như : phục kích ở ải Chi Lăng của Lê Lợi, đóng cộc trên sông Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo ngày xưa, hay chủ trương xét lại của Khroutchev ở Liên Xô hoặc đổi mới kinh tế của Cộng Sản Việt Nam ngày nay đều là dùng xu hướng biến cải cả.
c- Hợp quần: Hợp quần tạo sức mạnh. Hợp quần từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, từ cá nhơn đến gia đình, từ gia đình đến thị tộc, từ thị tộc đến bộ lạc, từ bộ lạc đến dân tộc. Dân tộc là hình thức hợp quần rộng rãi nhứt mà loài người đạt được từ trước đến nay.
-3 –
Dân tộc là khối đông người, cùng chung huyết thống, chung ngôn ngữ, có một nếp sinh hoạt giống nhau và có những phong tục tập quán như nhau. Ngoài ra, còn có một yếu tố tinh thần là lịch sử, làm cho sự đoàn kết giữa mọi người càng thêm bền chặt.Vì đó, từ xưa đến nay, những quốc gia đặt nền tảng trên Dân Tộc là những quốc gia bền vững nhứt.
Nhưng nếu sự tổ chức của dân tộc không được đàng hoàng, làm cho sự sinh tồn cá nhân của người bị uy hiếp, thì người có thể chống lại dân tộc để bảo vệ sự sinh tồn của cá nhân mình. Vì đó, muốn bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, ta phải tổ chức quốc gia như thế nào cho mọi người được sinh tồn đầy đủ và đều có thể phát triển được năng lực sinh tồn của mình.
Kêu gọi mọi người trong dân tộc kết hợp nhau lại để tranh đấu cho sự sinh tồn chung, rồi tổ chức quốc gia như thế nào để cho mọi người được hưởng đồng đều kết quả của cuộc tranh đấu chung ấy, làm cho mọi người thấy rằng tranh đấu cho sự sinh tồn, là sự bảo đảm chắc chắn nhứt cho sự sinh tồn của cá nhân mình. Đó là tất cả tinh lý của chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn.
Muốn thực hiện mục đích này, chủ nghĩa DTST chủ trương:
Thứ nhứt: Gây một nền đoàn kết chặt chẽ trong dân tộc và mọi hình thức chia rẻ dân tộc đều phải bị loại trừ.
Thứ hai : Bảo đảm sự sinh tồn cho mọi người trong dân tộc. Mọi người đều được tự do mưu sinh nhưng không để cho họ xâu xé vì quyền lợi riêng, tránh cảnh người bóc lột người. Nói tóm lại, sự sinh tồn của cá nhân phải đi đôi với sự sinh tồn của dân tộc.
Thứ ba : Nâng cao trình độ của dân tộc về cả ba mặt thể chất, tinh thần và trí tuệ để dân tộc theo kịp trào lưu tiến hóa của
nhân loại.
Thứ tư : Tuỳ lúc, thay đổi đường lối chính trị. Muốn sinh tồn sung mãn, dân tộc phải khéo léo trong cuộc bang giao, tức phải biết áp dụng xu hướng biến cải để đường lối chính trị của mình thích hợp với đường lối quốc tế.
II– Nhận định thời cuộc theo quan điểm của chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn:
Trong bản Tuyên Ngôn thành lập ĐVQDĐ được công bố năm 1939, Đảng Trưởng Trương Tử Anh có viết như sau:
“ Đối với việc giải phóng quốc gia, chúng ta không thể tin tưởng một cách mê muội là có một dân tộc nào vì lòng vị tha, vì chủ nghĩa cao thượng, mà hy sinh xương máu của giống nòi họ để mang sự độc lập trao trả cho ta ““
‘‘ Chúng ta phải nhận thức rằng trên lập trường quốc tế, giữa các quốc gia, chỉ có quyền và lợi mà thôi. Mọi hành động của nước này đối với nước khác không ngoài mục đích ấy “.
-4-
“ Quốc dân phải hiểu rằng: lấy lại nền độc lập cho non sông Đại Việt là bổn phận thiêng liêng của người Việt. Chỉ có ta mới thực sự vì sự sống còn, vì hạnh phúc của ta mà thôi. Ỷ lại vào người, tin ở người là dắt nhau vào con đường diệt vong …””
Và ở đoạn cuối của bản Tuyên Ngôn, Đảng Trưởng Trương Tử Anh viết tiếp:
“ Về phương diện bang giao, ĐVQDĐ thành tâm giao hảo với những nước nào giúp đở Đảng thực hiện mục đích trên và sẽ coi là kẻ thù bất cọng đái thiên nước nào có hành động ngược lại …”.
Dựa vào lời tuyên bố trên đây của tác giả chủ nghĩa DTST và nghiên cứu lịch sử một cách khách quan ta có thể nhận định rằng trong cuộc bang giao giữa các quốc gia, các dân tộc, chỉ có quyền lợi mà thôi, chớ không có tình cảm hay lý tưởng gì cả. Cá nhân với cá nhân có thể cư xử với nhau theo tình cảm hay lý tưởng, nhưng nhà cầm quyền một nước dầu có cảm tình hay lý tưởng chung với nhà cầm quyền nước khác cũng không thể hành động theo tình cảm hay lý tưởng đó, nếu điều này trái với quyền lợi nước mình. Dầu cho nhà cầm quyền một nước có xu hướng hành động theo tình cảm hay lý tưởng riêng của họ thì họ cũng bị dân chúng trong nước họ ngăn chận họ làm việc đó. Bởi vậy, trong việc giao thiệp với các nước khác, dân tộc nào cũng đặt quyền lợi dân tộc mình lên trên hết. Những lời nói tốt đẹp được nêu ra trong sự giao thiệp với các nước khác chỉ là lớp sơn hào nhoáng bên ngoài dùng để che dấu các mưu đồ vụ lợi bên trong.
Vì đó, dựa theo quan điểm của chủ Nghĩa DTST, ta có thể nêu ra hai nguyên tắc căn bản sau đây để nhận định thời cuộc
Nguyên tắc I:
Trong cuộc bang giao giữa các nước, chỉ có quyền lợi quốc gia mà thôi, không có tình cảm hay lý tưởng gì cả. Quyền lợi của quốc gia phù hợp nhau, là bạn. Quyền lợi xung khắc nhau là thù. Cho nên không có ai là bạn muôn đời, cũng không có ai là kẻ thù truyền kiếp. Bạn hay Thù là tùy theo quyền lợi quốc gia có phù hợp với nhau hay không. Người bạn hôm qua, mà hôm nay xung khắc quyền lợi đã trở thành thù. Ngược lại, kẻ thù hôm nay mà ngày mai dung hòa được quyền lợi thì sẽ trở thành bạn. Vậy Bạn hay Thù là tùy theo quyền lợi quốc gia mà thôi.
Nguyên tắc II:
Trong sự bang giao giữa các nước, nước nào mạnh hơn về chính trị và quân sự, giàu hơn về kinh tế và tài chánh, nước đó sẽ nắm phần ưu thắng.
-5-
Dựa vào 2 nguyên tắc trên đây để nhận định thời cuộc, ta có thể rút ra những bài học sau:
Bài học 1: ( Nguyên tắc I Bạn-Thù)
Trước trận Đệ Nhị Thế Chiến 1939 – 1945, Hoa Kỳ và Liên Xô là hai nước thù địch nhau vì Hoa Kỳ là nước tư bản, còn Liên Xô là nước Cộng Sản, mà CS bao giờ cũng chủ trương tiêu diệt tư bản. Khi trận Đệ II Thế Chiến xảy ra, khối Trục Đức, Ý, Nhật uy hiếp sự sống còn của cả LX lẩn HK. Vì đó, HK và LX cùng tạm xếp lại những hiềm khích riêng và liên minh với nhau chống lại kẻ thù chung. Sau khi trận Thế Chiến chấm dứt vào năm 1945 với sự đầu hàng vô điều kiện của Đức, Ý, Nhật, chừng đó, không còn kẻ thù để chống nữa, HK và LX, vì quyền lợi xung khắc nhau, lại trở lại chống nhau, thù nghịch nhau như trước. Còn khối Đức, Ý, Nhật, sau khi bại trận phải đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Vì đó, họ không còn nguy hiểm cho sự sống còn của HK nữa nên cả 3 nước đều được Hoa Kỳ viện trợ để tái thiết nước nhà. Kể từ đó, quyền lợi của HK và quyền lợi của Đức, Ý, Nhật đều ràng buộc với nhau nên từ những nước thù địch trước kia họ đã trở thành bạn với nhau từ đó đến nay.
Bài học 2: (Nguyên tắc I Bạn Thù)
Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Cam Bốt trước kia đều là những nước Cộng Sản anh em. Lúc quyền lợi quốc gia còn phù hợp với nhau, họ đã dùng những danh từ hết sức tốt đẹp để ca ngợi lẩn nhau: Liên Xô vĩ đại, Trung Quốc vĩ đại, Việt Nam hảo hữu, Cam Bốt hảo hữu. Rồi nào là, viếng thăm hữu nghị, nào là tạc tượng, vinh danh, đủ mọi trò… Nhưng đến khi quyền lợi quốc gia xung khắc nhau thì không những họ dùng những lời lẽ thật nặng nề thóa mạ nhau mà còn dùng võ lực đánh nhau như LX tấn công TQ trên sông Hắc Long Giang năm 1949, VN tấn công Cam Bốt năm 1978, TQ tấn công VN năm 1979.
Bài học 3: (Nguyên tắc II Tương quan lực lượng)
Trong cuộc chiến tranh lạnh giữa HK và LX trong nhiều thập niên vào cuối thế kỷ trước ( thế kỷ 20 ), nếu về chính trị, HK nắm được khối Dân Chủ Tây Âu và các nước Bắc Mỹ thì LX cũng nắm được khối Cộng Sản Đông Âu và một số đông các nước trung lập Á Phi. Về quân sự cả HK lẫn LX đều có kho vũ khí nguyên tử, có thể tiêu diệt lẫn nhau dể dàng. Vậy, về chính trị và quân sự, HK và LX đều có lực lượng tương đương nhau, bên nữa cân, bên tám lượng. Nhưng về kinh tế và tài chánh, HK giàu hơn LX rất nhiều nên HK đã lợi dụng ưu thế của mình để gây ra cuộc chiến giữa các vì sao để buộc LX phải thi đua vũ trang với mình khiến Liên Xô bị phá sản và phải chịu thua Hoa Kỳ.
Tóm lại, theo chủ nghĩa DTST, trong cuộc bang giao giữa các nước, không có vấn đề tình cảm riêng tư, chỉ có vấn đề quyền lợi quốc gia mà thôi. Phù hợp quyền lợi quốc gia là Bạn, xung khắc là Thù. Rõ ràng như vậy! Còn về tương quan lực lượng, nước nào mạnh hơn về chính trị và quân sự, giàu hơn về kinh tế và tài chánh, nước đó sẽ nắm phần ưu thế. Và cũng rõ ràng như vậy, không có cách nào khác hơn.
Hoài Sơn
Cali/12/2015